Văn học thiếu nhi
Bến tàu trong thành phố
Lần đầu tiên Hưng biết thế nào là bến tàu thuỷ: một ngôi nhà xây cao chống chếnh vừa làm nơi bán vé vừa là chỗ đợi của khách đi tàu. Một khoảng sân gạch rộng và phẳng trên mặt đê với dăm ba chiếc ghế đá kê sát hàng rào sắt, quay mặt ra sông. Không hiểu cái hàng rào ấy có ích gì, chỉ vài thanh sắt dài chạy ngang, những khe chắn trống huếch, trẻ con tha hồ chui ra chui vào hoặc trèo lên trèo xuống.
Bến tàu trong thành phố
Sau những buổi học về, Hưng thường chỉ quanh quẩn ở nhà. Một phần vì mẹ sợ Hưng ra đường lỡ đánh bạn với đứa hư, một phần chính vì Hưng cũng ít đòi đi chơi kia. Bọn bạn chín mười tuổi, cùng lứa tuổi với Hưng, thường thích đi chơi đá bóng, đào dế ngoài công viên, có đứa thì thích đi hết gốc cây nọ đến gốc cây kia, lấy súng cao su bắn những quả bàng, quả sấu cho nó rụng xuống rồi nhặt ăn. Bao giờ bọn chúng cũng đi ba bốn đứa trở lên. Đi chơi thì phải có bạn chứ. Vậy mà Hưng chẳng có đứa bạn nào ở gần tiện rủ đi. Những đứa cùng nhà tập thể với Hưng phần nhiều là bé hoặc lớn quá không cùng chơi với Hưng được. Chỉ thỉnh thoảng Hưng theo bố mẹ đi đến chơi nhà những người quen của bố mẹ thôi. Tuy vậy Hưng cũng chẳng lấy thế làm buồn. Sau khi làm bài ở nhà, trò chơi của Hưng thường là vẽ: những chiếc xe tăng, máy bay, con ngựa, con chim được tô bằng bút chì màu xanh đỏ rực rỡ. Hưng thích nhất là vẽ tàu thuỷ, những con tàu thuỷ các màu vừa thả khói vừa lướt trên mặt nước. Hưng chưa trông thấy tàu thuỷ thật bao giờ, Hưng vẽ vậy là theo mẫu những con tàu trong phim, trong sách. Nhà Hưng ở trong phố, xa sông, Hưng chưa bao giờ ra bãi sông chơi và cũng chẳng biết rằng trong thành phố mình vẫn có một bến tàu thuỷ.
Một lần cô Lạc, bạn mẹ đến chơi, thấy Hưng đang ngồi ở góc nhà hí hoáy vẽ một mình, cô nói với mẹ:
– Chị nên có thêm một cháu nữa cho thằng Hưng nó có anh có em, nó vui.
– Đông con, các cháu nó khổ ra. – Mẹ nói. – Thằng Hưng nhà tôi tuy rằng không có em, nhưng anh thì cháu cũng có rồi đấy.
Anh của Hưng tên là Hà, cái người anh khác mẹ mà bố mẹ Hưng vẫn thường nhắc đến, còn Hưng thì chưa gặp bao giờ.
Hưng chẳng biết lý do vì sao mẹ của Hà không cùng sống với bố Hưng nữa, chỉ có điều, Hưng không thích cái anh Hà ấy tí nào. Có lần Hưng trông thấy trong ví của bố có tấm ảnh chụp một cậu bé đang cười, mặt tròn, hai cái răng cửa to tướng mà mắt thì lại xếch. Những người mắt xếch là dữ lắm chứ chả chơi đâu. Hưng nhớ có những lần Hưng được bố dẫn đi xem tuồng: những ông tướng trong tuồng thường là mắt xếch, mặt vằn vèo đen đỏ; các ông ấy thường gầm gừ hoặc là thét lên thật dữ tợn. Cái anh Hà ấy chắc chẳng hiền đâu. Vậy mà bố mẹ có vẻ quý mến anh ấy lắm. Bố mẹ nhắc đến anh ấy luôn đã đành. Thỉnh thoảng bố mẹ còn đi thăm. Và thường mua quần áo, giày dép gửi cho Hà theo địa chỉ:
Người nhận:
Lê Thị Mai
Số nhà… phố…
Tỉnh Thái Bình
(Gửi cho con Trung Hà)
Mấy hôm nay nhà Hưng rộn rịp như sắp Tết. Bố mẹ Hưng bảo là chuẩn bị đón anh Hà về. Bố dọn dẹp lại đồ đạc trong nhà. Bố kê thêm một cái bàn nhỏ cạnh bàn học của Hưng, đóng thêm một cái đinh to trên tường cạnh cái đinh Hưng vẫn treo cặp. Mẹ thì giặt chăn chiếu và khâu thêm một cái gối đặt sát cái gối của Hưng ở trên giường.
Chiều hôm sau, Hưng theo bố mẹ ra bến tàu thuỷ để đón anh Hà.
Lần đầu tiên Hưng biết thế nào là bến tàu thuỷ: một ngôi nhà xây cao chống chếnh vừa làm nơi bán vé vừa là chỗ đợi của khách đi tàu. Một khoảng sân gạch rộng và phẳng trên mặt đê với dăm ba chiếc ghế đá kê sát hàng rào sắt, quay mặt ra sông. Không hiểu cái hàng rào ấy có ích gì, chỉ vài thanh sắt dài chạy ngang, những khe chắn trống huếch, trẻ con tha hồ chui ra chui vào hoặc trèo lên trèo xuống.
Mẹ bảo bây giờ là tháng bảy, đang mùa nước cho nên nước lên mấp mé chân rào. Mặt sông đục ngầu, rộng mênh mông. Đôi khi có những chiếc tàu, thuyền chạy qua ở phía xa, trông chỉ bằng chiếc lá cây nhỏ xíu.
Mẹ ngồi trên ghế đá, đăm đăm nhìn ra mặt sông, còn bố thì luôn xem đồng hồ và đứng lên ngồi xuống. Một tiếng còi tàu vọng lại, con tàu trắng đang từ xa tiến tới. “Tàu Thái Bình về rồi kia”. Bố mẹ Hưng đứng dậy đi nhanh ra phía ấy. Con tàu cứ thong thả như chẳng biết sốt ruột, gần bến rồi mà nó còn chưa chịu vào cứ vùng vằng mãi như đứa trẻ đang dỗi. Mãi rồi con tàu cũng ghé sát được vào bờ. Cái cầu tàu vừa được hạ xuống thì mọi người trên tàu đã chen lấn nhau lên. Họ làm như không lên ngay là con tàu lại chạy và mang họ đi mất ấy. Tiếng la mắng, tiếng gọi nhau í ới… Hình như trong đám đông dưới tàu có người đang gọi bố mẹ Hưng. Đấy là một người phụ nữ trạc tuổi mẹ Hưng, mặc áo sơ mi hồng, một tay xách túi du lịch, tay kia dắt một cậu bé chừng mười ba, mười bốn tuổi đang bước xuống cầu tàu. Bố Hưng vội chạy lại đỡ cái túi trên tay người đàn bà, mẹ Hưng dắt tay cậu bé ấy lại, nói với Hưng:
– Kia là dì Nhung, dì của anh Hà con, và đây là anh Hà, con làm quen với anh đi!
Nói rồi mẹ lại quay lại phía dì Nhung hỏi han tíu tít. Qua câu chuyện giữa dì Nhung và bố mẹ, Hưng được biết: “Mẹ của anh Hà được Nhà nước cho đi học ở Liên Xô, nên mẹ anh nhờ dì Nhung đưa anh lên ở với bố mẹ Hưng”. Hưng chẳng thích tí nào. Từ nay Hưng chẳng phải là đứa được chiều chuộng, yêu quý độc nhất ở trong nhà nữa. Vả lại cái anh Hà ấy ngoài con mắt xếch ra thì nước da lại đen nhẻm, trông còn chán hơn cả trong ảnh nữa kia!
– Em Hưng đây hở má? – Hà rụt rè hỏi.
(Hà gọi mẹ Hưng là má để phân biệt với tiếng gọi mẹ mà Hà vẫn gọi mẹ đẻ ra Hà).
– Ừ, các con đưa nhau đi trước đi.
Hà ngượng nghịu nắm lỏng cổ tay Hưng dắt đi. Hưng rút nhẹ tay ra nhưng vẫn đi bên Hà mà không nói một tiếng nào.
*
Hà đã xin được vào học ở một trường phổ thông Hà Nội. Mọi việc dường như đã ổn, nhưng mẹ Hưng lo lắng nhận thấy anh em Hưng vẫn chưa hoàn toàn cởi mở với nhau.
Hàng ngày, khi đi học về, ngoài giờ làm bài tập, Hà thường giúp má rửa rau, vo gạo, chạy ra đầu phố mua vài thứ lặt vặt. Còn Hưng thì nhặt rau, quét nhà, v.v…
Có một hôm Hưng chạy chơi đâu về, thấy một vết mực loang trên cái tranh con tàu thuỷ để trên bàn mà Hưng vừa mới vẽ, tô màu cẩn thận. Hưng nghĩ ngay là anh Hà cố ý đánh đổ mực vào tranh. Hưng chộp lấy tờ tranh vò nhàu đi rồi oà lên khóc; Hưng khóc vì tiếc tranh thì ít, vì ức thì nhiều:
– Làm sao thế con? – Mẹ hỏi.
– Anh Hà… – Hưng vừa nói vừa nức nở. – Anh Hà đánh đổ mực ra tranh của con.
– Không phải đâu. – Mẹ Hưng nói. – Không phải đâu, tại con mèo đấy. Ban nãy con mèo nó làm đổ mực tung toé, anh Hà đã lau bàn và lọ mực, nhưng tranh của con thì không lau được.
– Không phải tại con mèo đâu, – Hưng đổ riệt cho Hà, – tại anh Hà đấy!
– Tại con mèo!
– Tại anh Hà!
– Hưng! – Đột nhiên mẹ quát lên, chưa bao giờ Hưng thấy mẹ giận như vậy. Rồi mặt mẹ bỗng buồn hẳn đi, mắt mẹ rơm rớm. – Hưng, tại sao con lại nghĩ ác về anh con như vậy?… Tại sao con lại như vậy? Mẹ thật là khổ tâm… Con phải xin lỗi anh con.
Đến chiều, khi con mèo về ăn cơm, Hưng trông thấy chân con mèo có dính tí mực, Hưng biết là mình mình đã nghi oan cho anh Hà; nhưng vừa tự ái vừa ngượng nên Hưng vẫn lẳng lặng chẳng nói gì.
Đêm hôm ấy nằm cạnh anh Hà, Hưng rất khó ngủ và hình như anh Hà cũng thế. Hưng cố gắng lấy can đảm làm lành trước:
– Anh nhớ nhà à?
– Ừ.
– Nhưng mẹ anh đã đi xa rồi, có ở nhà đâu mà nhớ.
– Vẫn nhớ chứ, anh nhớ mẹ anh những ngày còn ở nhà, anh nhớ cái nhà của anh nữa.
– Nhà anh có cây táo không?
– Không, nhà anh ở thị xã nên không có cây cối, nhưng quê ngoại anh thì có. Những ngày nghỉ, mẹ anh thường đưa anh về quê ngoại chơi. Ở đấy vườn rộng mênh mông, không chỉ có táo đâu mà còn nhiều thứ khác nữa: Cam này, chanh này, nhót, hồng xiêm này… Cứ Tết đến là cam chín vàng rực lên ấy, tha hồ mà ăn. Lại còn các thứ hoa nữa chứ: Hoa hồng, hoa ngâu, hoa nhài, hoa mẫu đơn… À, mà cái hoa súng không ở trong vườn đâu nhé, nó mọc trên mặt nước ao kia.
– Mà sao lại gọi là hoa súng nhỉ?
– Chắc là cái nụ nó giống như viên đạn.
– Súng khác, đạn khác chứ.
– Thì súng phải có đạn mới bắn được chứ. Nó liên quan đến nhau mà.
– Giống viên đạn thì chả đẹp.
– Đấy là lúc nó chưa nở thôi, nó nở ra thì chúa lắm nhé. Nó xoè ra giữa ao như cái đèn bằng thuỷ tinh màu… À mà anh phải nói thế này thì Hưng mới hiểu được: cánh của nó như những lát thạch mỏng màu hồng, màu tím, tươi sáng. Trông chỉ muốn ăn thôi… Khi nào mẹ về, anh sẽ dẫn em đến quê ngoại anh để xem cái hoa súng nhé.
– Thế chúng mình lại đi bằng cái tàu thuỷ trắng đã đưa anh đến đây ấy à?
– Ừ, đi tàu thuỷ tiện lắm. Quê ngoại anh ở bãi sông. Anh thường hay ra sông tắm, xem thuyền, buồm, tàu thuỷ qua lại…
Hưng nghe tiếng nói của anh Hà xa dần, Hưng buồn ngủ rồi… Hưng thiếp đi và mơ thấy những cây cam trĩu quả, đỏ rực lên trong ngày Tết, những bông hoa súng bừng lên trong mặt ao, những con tàu và những cánh buồm bồng bềnh trôi trên dòng sông xa lắc…
*
Từ hôm đón anh Hà về, nhiều lần mẹ đã định cho Hưng và Hà đi chơi ngoài bến tàu, mẹ không dám để cho hai anh em ra sông mà không có người lớn đi kèm, nhưng mẹ bận đi làm. Mẹ cứ áy náy mãi. Cho tới hôm nay, mẹ phải làm liền hai ca đêm ở bệnh viện để có một ngày nghỉ, dẫn hai anh em đi.
– Bây giờ đã sang mùa xuân, nước sông rút xuống thấp để nhường chỗ cho những vạt ngô xanh mướt mọc trên bãi cát dài và rộng. Nếu các con đi xuống bãi ngô kia tức là đi xuống lòng sông đấy. – Mẹ nói vậy.
– Lòng sông mà không có nước hở mẹ?
– Vì bây giờ không phải mùa nước. Bao giờ đến mùa nước, nước sẽ dâng lên ngập tràn hết bãi này.
– Thế ao người ta lại trồng ngô ở bãi, nước ngập ngô thì sao?
– Người ta tính hết rồi con ạ. Đến khi thu hoạch ngô xong xuôi, nước mới lên.
– Nếu chúng con ở dưới kia mà nước lên tức là chúng con ở đáy nước, má nhỉ?
Mẹ gật đầu cười, rồi bảo:
– Hai con chạy xuống bãi chơi đi, để dép đây mẹ trông cho.
Hai anh em chạy ùa xuống bãi cát và cảm thấy mình là thuỷ thần đang bơi lượn dưới sông. Bụi cát mờ ảo như nước quấn quýt xung quanh. Vừa chạy vừa giả vờ ngã, vừa lăn lộn ra đến tận mép nước, tiếng cười bạt đi trong gió. Những toà lâu đài được hai đứa đắp lên bằng cát luôn bị sóng đánh tan đi. Xa quá rồi, nhìn về bờ thấy mẹ chỉ bé bằng cái bánh mì.
– Mẹ ơ… ơi… ơi!
– Má ơ… ơi… ơ ơi!
Hai anh em giơ tay vẫy gọi, chắc là mẹ chẳng nghe thấy, nhưng mẹ cũng đưa nón vẫy vẫy…
“Tu tu… tít”. Tiếng còi tàu vang trên những đợt sóng vỗ ào ạt. Một con tàu trắng đang nhổ neo sắp ra đi… Hưng tự nhiên cảm thấy nôn nao trong lòng. Hưng tưởng như sắp phải xa Hà. Một ngày nào đấy rồi Hà lại lên con tàu kia về lại Thái Bình để Hưng ở lại một mình với những cái tranh vắng vẻ của Hưng. Nghĩ đến chuyện cái tranh bị đổ mực, nhớ lại đôi mắt rưng rưng của mẹ, Hưng lại càng thấy thương Hà! Hưng chỉ muốn Hà ở đây mãi để Hưng sửa chữa lỗi lầm ấy, để thương Hà nhiều hơn. Bỗng tự nhiên Hưng buột ra tiếng gọi:
– Anh Hà ơi!
– Gì thế?
– Anh ở đây với má và em mãi nhé!
– Mãi thì chắc chả được đâu, nhưng anh còn ở đây lâu, năm năm kia mà.
– Em biết rồi! Nhưng cuối cùng anh vẫn ở xa em, anh đi rồi em chơi với ai? Chẳng lẽ em ra bãi sông một mình, em chạy một mình, em cười một mình à? Chán lắm!
– Hay là, khi nào mẹ anh về, anh sẽ nói với mẹ anh xin chuyển công tác lên đây. Hai đứa ở gần nhau, má sẽ cho anh với Hưng ra bãi sông luôn. Chúng mình sẽ chơi với nhau mãi.
Chợt Hưng bậm môi, cúi đầu xuống rồi ngẩng lên, mếu máo:
– Anh Hà ơi, anh đừng giận em nhé!
– Giận cái gì kia? – Hà ngơ ngác.
– Về cái chuyện đổ lọ mực ấy.
– À… Mà anh có nhớ chuyện ấy đâu. Thôi chúng mình về đi, kẻo má đứng lâu một mình, má buồn…
Hai anh em nắm tay nhau chạy về phía bờ. Đằng sau là con tàu trắng đang đi xa dần. Gió mùa xuân thổi phần phật trên những vạt ngô xanh mướt.
Nguồn: Xuân Quỳnh, Bầu trời trong quả trứng, NXB Kim Đồng, 2005
Văn học trẻ sưu tầm tổng hợp