Bài văn hay THPTNGỮ VĂN 12Những bài văn hay

Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc

Nghị luận xã hội về bức tranh con người, phong cảnh núi rừng Việt Bắc qua bốn mùa để thấy cái đẹp cái tình trong bài thơ

           Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc

Nhà thơ Xuân Diệu từng nhận định: “Với Việt Bắc, hồn thơ cũng như nghề thơ Tố Hữu chín rộ,… không phải là một cây bút trong tay Tố Hữu nữa mà là nhiều ngọn bút nở cùng một lúc, bút tả tình, bút tả cảnh, bút tả người”. Thật vậy, tác phẩm là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp tả tình, tả cảnh, tả người cùng các chất liệu dân gian quen thuộc. Những yếu tố ấy thể hiện rõ ràng hơn cả trong bức tranh tứ bình về cảnh sắc thiên nhiên và con người nơi mảnh đất Việt Bắc thân thương:

“Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ ai đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

            Nói đến Việt Bắc là nhắc đến nguồn cội của kháng chiến, nhắc đến một mảnh đất tuy “hắt hiu lau xám” nhưng “đậm đà lòng son”, dẫu gian khổ, nghèo khó mà vẫn nghĩa tình và thủy chung. Mười lăm năm “thiết tha mặn nồng” nơi mảnh đất trung du này đã để lại cho cả người cán bộ kháng chiến và đồng bào Việt Bắc bao nhiêu kỉ niệm. Rồi đến khi đất nước giành được độc lập vào năm 1954, họ phải chia tay nhau, người cán bộ kháng chiến phải về xuôi tiếp tục nhiệm vụ xây dựng đất nước. Trong lúc tiễn đưa, người đi kẻ ở, cõi lòng họ không khỏi xao xuyến, bồi hồi nỗi nhớ thương. Đó cũng là hoàn cảnh mà tác phẩm được ra đời. Bằng lời thơ giản dị, giọng thơ tâm tình, tha thiết, Tố Hữu đã gửi nỗi nhớ về Việt Bắc trong từng áng thơ trữ tình của mình. Việt Bắc vừa là khúc tình ca, vừa là khúc hùng ca về cách mạng, kháng chiến và về con người, thiên nhiên. Có thể nói, bức tranh tứ bình chính là điểm sáng cho tác phẩm, thể hiện một vẻ đẹp gắn bó hài hòa, mật thiết giữa cảnh và người.

Mở đầu là lời ướm hỏi của người về xuôi dành cho người ở lại – một câu hỏi thiết tha, trìu mến:

“Ta về, mình có nhớ ta”

            Điệp từ “ta về” kết hợp với câu hỏi tu từ được sử dụng gợi ra một nỗi băn khoăn rằng: Rồi đây ta về, liệu mình có nhung nhớ ? Cách xưng hô “ta – mình” làm người đọc liên tưởng đến cách xưng hô quen thuộc trong ca dao, dân ca: “Ta về mình có nhớ ta/ Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”. Và không chờ đợi lời hồi đáp, “ta” đã giãi bày ngay lòng mình: “Ta về ta nhớ những hoa cùng người”. Sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên thể hiện qua hình ảnh đẹp “hoa cùng người”. Hoa và người kết hợp với nhau, lúc lại tô điểm lên cho vẻ đẹp của đối phương, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Phải chăng người đi chẳng nỡ rời xa mảnh đất Việt Bắc bởi vì hình ảnh “hoa cùng người” quá đỗi xao xuyến?

Người cán bộ kháng chiến về thị thành mà lòng chưa nguôi ngoai nỗi nhớ miền ngược: nhớ hoa, nhớ cảnh, nhớ cả con người nơi đây. Tám câu thơ tiếp theo chính là cảnh sắc thiên nhiên Việt Bắc bốn mùa xoay chuyển từ đông, xuân sang hạ, thu với màu sắc tươi tắn và âm thanh sống động, rộn ràng. Mỗi mùa ở Việt Bắc được tác giả Tố Hữu nhắc đến với những hình ảnh rất riêng biệt và khởi đầu cho bức tranh bốn mùa là khung cảnh mùa đông nơi núi rừng:

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh, dao gài thắt lưng”

            Điểm xuyết trên nền xanh của rừng là màu đỏ của hoa chuối. Trông từ xa xa, giữa một mảnh rừng xanh ngắt, sự xuất hiện của bông hoa chuối nổi bật hơn cả, vừa rạng rỡ, sáng ngời, lại vừa lạ mắt, độc đáo. Người ta thường nhắc đến mùa đông, đặc biệt hơn là mùa đông miền cao với cái lạnh giá buốt, cái rét căm căm thấu da thấu thịt. Thế nhưng, màu đỏ của hoa chuối như màu của bó đuốc thắp lên xua tan cái buốt lạnh của những ngày mưa phùn gió bấc. Thiên nhiên núi rừng Việt Bắc từ đó trở nên ấp, tiềm ẩn một sức sống mới, sẵn sàng bung nở vào mùa xuân. Bức tranh mùa đông được vẽ ra sống động mà chỉ cần một câu thơ kết hợp giữa đường nét và màu sắc vừa đối lập, vừa hài hòa, vừa cổ điện lại hiện đại.

Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc - Tố Hữu - Bài văn hay Văn học trẻ Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc
Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu – Bài văn hay Văn học trẻ

Xem thêm:

Trên nền khung cảnh mùa đông, chúng ta bắt nét đẹp khỏe khoắn của đồng bào Việt Bắc. Hình ảnh hoán dụ “dao gài thắt lưng” trên đèo cao ngập tràn nắng vàng không chỉ ai khác hơn là con người của miền sơn cước. Con dao ở thắt lưng còn là vật bất ly thân của những người dân nơi đây; họ bao giờ cũng mang theo nó để phát quang, vượt chướng ngại và đề phòng thú dữ. Không miêu tả cử chỉ hay nét mặt mà Tố Hữu chọn miêu tả ánh nắng phản chiếu lại từ vật dụng quen thuộc của con người miền núi. Dẫu chỉ là một chi tiết nhỏ, nhưng người đọc vẫn thấy được vẻ đẹp sáng ngời, tự tin của đồng bào Việt Bắc. Họ, trong tư thế lao động khỏe khoắn, hiên ngang, vượt lên trên mọi khó khăn, gian khổ, làm chủ cuộc sống, làm chủ thiên nhiên.

Nếu bức tranh mùa đông rực rỡ, ấm áp với gam màu đỏ và xanh thì bức tranh mùa xuân lại nên thơ, nhẹ nhàng, trong trẻo với màu trắng của hoa mơ – một loài hoa đặc trưng cho mùa xuân Việt Bắc:

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”

            Trong tác phẩm “Theo chân Bác”, Tố Hữu cũng từng nhắc đến sắc trắng hoa mơ nở đầy một rừng nơi biên giới: “Ôi sáng xuân nay xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ”. Hay trong “Gái xuân”, nhà thơ Nguyễn Bính cũng viết: “Xuân đến, hoa mơ, hoa mận nở”. Cả không gian núi rừng như bùng lên sức sống mơn mởn, bừng sáng bởi màu sắc của loài hoa này. Chính động từ “nở” đã làm cho sắc trắng như thêm sinh động hơn, như đang cựa quậy, bật tung ra khỏi nụ hoa.

Vẫn trên nền khung cảnh mùa xuân ấy, người về xuôi nhớ đến bóng dáng của những đồng bào Việt Bắc. Cảnh xuân xinh đẹp hơn bởi lẽ có thêm sự xuất hiện của con người trong tư thế lao động: “Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”. Hình ảnh “chuốt từng sợi giang” gợi lên vẻ đẹp khéo léo, tài hoa cùng cả sự kiên nhẫn trong lúc lao động, mà cụ thể là trong lúc làm ra những chiếc nón của người dân mảnh đất Việt Bắc.

Cảnh vật trong bức tranh lại chuyển sang một mùa mới – mùa hè. Mùa hạ hiện về trong nỗi nhớ của người về xuôi trong sắc vàng rực rỡ, trong tiếng ve kêu rộn rã:

“Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình”

            Từ “đổ vàng” dùng tại đây thật tinh và chính xác, diễn tả được sự chuyển đổi sắc màu đột ngột từ màu trắng hoa mơ sang màu vàng của rừng thông. Ta nhớ đến ý thơ trong “Thơ duyên” của Xuân Diệu cũng từng gợi ra sự chuyển đổi sắc màu lúc thu về: “Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá/Thu đến nơi nơi động tiếng huyền.” Những ngày cuối xuân, rừng cây hãy còn màu xanh bạt ngàn. Nhưng khi tiếng ve ngân vang, gọi hạ, từng nụ hoa e ấp trong kẽ lá lại đồng loạt trổ vàng. “Tiếng ve” đặt cạnh “phách đổ vàng” tạo ra một hiện tượng nhân quả khá thú vị: Ta ngỡ tiếng ve như bát màu sóng sánh, vàng rực đổ qua muôn lá muôn cây của núi rừng, biến chúng trở nên lấp lánh chói mắt.

Giữa “rừng phách đổ vàng” thấp thoáng hình ảnh cô thiếu nữ miền sơn cước cần mẫn, chịu thương chịu khó “hái măng một mình” để góp một phần sức lao động nuôi quân, phục vụ sản xuất, phục vụ kháng chiến. Hai chữ “một mình” gợi một vẻ đẹp thầm lặng trong lao động không chỉ của riêng cô mà còn của tất cả người dân Việt Bắc.

Một lần nữa, cảnh lại chuyển đổi khi thu về. Bộ bốn bức tranh kết thúc bằng bức tranh thu với rừng thu cao rộng và trăng thu thanh bình:

“Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

            Ánh trăng thu huyền ảo, trong trẻo rọi xuống chiến khu Việt Bắc khiến ta hình dung ra một cảnh tượng hết sức yên ả, thanh bình và nên thơ. Mùa thu cũng là thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài hơn trăm năm của đất nước Việt Nam. Trong các phẩm được ra đời vào giai đoạn kháng chiến, trăng chiến khu đã làm bạn với rất nhiều nhà thơ. Ví dụ như vầng trăng trong thơ của Bác: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” (Cảnh khuya) hay “Rằm xuân lồng lộng trăng soi” (Rằm tháng Giêng) Nhưng, ánh trăng hôm nay không còn như trước, đây là ánh sáng soi rọi cuộc sống mới tự do, độc lập, thanh bình của con người. Trong những đêm trăng thu yên ả ấy lại xuất hiện “tiếng hát ân tình thủy chung” ghi lòng tạc dạ người ra đi. Tiếng hát thể hiện vẻ đẹp tâm hồn lạc quan, yêu đời, nếp sống ân tình, thủy chung của người dân miền núi.

Đoạn thơ đã miêu tả được trọn vẹn vẻ đẹp của cảnh và người nơi chiến khu Việt Bắc dẫu chỉ bằng những đường nét, màu sắc đơn giản: cảnh mùa đông rực rỡ, tiềm tàng sức sống; mùa xuân trong trẻo, nên thơ; hạ về tươi tắn và thu đến thanh bình. Cũng vì đó, nhà phê bình Hoài Thanh đã nói về những vần thơ miêu tả thiên nhiên của Tố Hữu “có thể so sánh với bất kì đoạn miêu tả thiên nhiên nào trong thơ ca cổ điển. Nhà thơ Tố Hữu tài tình ở chỗ, mỗi câu thơ tả cảnh của ông lại kèm theo tả các hoạt động của con người. Đồng thời khắc họa bức tranh thiên nhiên vừa khắc họa cả vẻ đẹp của con người. Không phải là tư thế hùng dũng, oai nghiêm, khí thế ngập trời, con người Việt Bắc trong nỗi nhớ gần gũi, bình dị, hiện lên qua những công việc giản đơn, đời thường: đi làm nương rẫy, đan nón, hái măng… Họ ẩn chứa bao vẻ đẹp, phẩm chất quý giá như cần cù, siêng năng, kiên nhẫn, chịu thương chịu khó, tài hoa tỉ mỉ trong công việc, thủy chung trong nghĩa tình. Bức tranh bốn mùa còn thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng của tác giả, của người cán bộ kháng chiến với mảnh đất Việt Bắc. Mảnh đất này trở thành một phần trong con người họ, hóa thành máu thịt của họ, thành tâm hồn của họ như nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.

Bức tranh tứ bình là sự kết hợp của nhiều nghệ thuật mang đậm tính dân tộc. Tố Hữu sử dụng thể thơ lục bát, lối xưng hô “mình – ta” tạo nên âm điệu trữ tình ngọt ngào, đằm thắm, mang đậm phong vị ca dao. Điệp từ “nhớ” tạo cho đoạn thơ trở thành một điệp khúc nhớ thương da diết. Hình ảnh dành riêng cho mỗi mùa không mang tính ước lệ mà ngược lại gần gũi, gắn liền với cảnh và người dân Việt Bắc. Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh cùng nhạc điệu đã góp phần làm nên cái hay cho đoạn thơ. Kết cấu đoạn thơ cân đối, hài hòa với 4 cặp câu trong đó xen kẽ một câu tả cảnh kèm một câu tả người đã tô đậm mối quan hệ gắn bó giữa hai đối tượng. Người làm đẹp cho cảnh, cảnh làm nền cho người. Thông thường trật tự các mùa thường bắt đầu từ mùa xuân, kết thúc bởi mùa đông. Thế nhưng, trật tự tả cảnh ở đây lại từ đông sang xuân rồi hạ, đến thu. Mục đích của nhà thơ là tô đậm được ấn tượng về mùa thu chiến thắng, mùa thu hòa bình lúc bấy giờ của đất nước.

Với những nét chấm phá, màu sắc tươi sáng, hình ảnh giàu tính biểu tượng, đặc trưng, Tố Hữu đã thành công tạo nên khung cảnh thiên nhiên, con người Việt Bắc hết sức sống động. Có thể nói, đây là một trong những đoạn thơ đặc sắc nhất, tài hoa nhất thấm đẫm tinh thần dân tộc trong bài “Việt Bắc”. Nó góp phần làm cho bài thơ xứng đáng là viên ngọc sáng long lanh trong kho tàng văn học hiện đại Việt Nam. Để tổng kết lại, tôi xin trích ra đây một nhận xét của tác giả Nguyễn Đăng Mạnh về giá trị của tác phẩm: “Sức hấp dẫn mạnh nhất của thơ Tố Hữu đối với công chúng đông đảo là tính dân tộc, tính truyền thống đậm đà và nhuần nhuyễn”.

Tác giả: Châu Nguyễn Ái My – CTV Văn học trẻ

Bài Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc vừa đem đến cho các bạn đã phân tích rõ những cảnh đẹp bốn mùa và con người dân tộc sống chân thành, hòa nhập vào bức tranh thiên nhiên ấy trong bài thơ Việt Bắc- đây xứng đáng được gọi là viên ngọc sáng trong văn học Việt Nam.

Tags
Show More

Related Articles

3 thoughts on “Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close