Nghị luận văn họcNGỮ VĂN 12

Một số nhận định hay về nhà thơ Xuân Quỳnh và bài thơ “Sóng”

Xuân Quỳnh – một cô gái mồ côi nghèo khổ: lớn lên giữa một thời kì đất nước phải đương đầu với vô vàn khó khăn về kinh tế, về chiến tranh... Nhưng Xuân Quỳnh chẳng khác nào một cây xương rồng kiên cường và kì diệu trên sa mạc, đã vắt kiệt sức mình để nở những bông hoa quý cho cuộc đời.

– “Xuân Quỳnh – một cô gái mồ côi nghèo khổ: lớn lên giữa một thời kì đất nước phải đương đầu với vô vàn khó khăn về kinh tế, về chiến tranh… Nhưng Xuân Quỳnh chẳng khác nào một cây xương rồng kiên cường và kì diệu trên sa mạc, đã vắt kiệt sức mình để nở những bông hoa quý cho cuộc đời.” – Nguyễn Thu Phương (Lớp Cl63, DHSPHN)

– “Tôi tin rằng, không phải 30 năm, mà hi vọng rằng các thế hệ sau vẫn tiếp tục tìm thấy ở trong những tác phẩm của Xuân Quỳnh tình yêu cuộc sống, yêu thêm con người, yêu thêm đất nước để làm cho cuộc sống đẹp hơn.” – Nhà văn Ngô Thảo nghẹn ngào cho biết.

– “Đọc thơ xuân Quỳnh, người ta không có cảm giác như tác giả cố ý làm thơ, mà thơ chị tự nhiên, nhẹ nhàng, là tiếng nói chân thật từ sâu trong tâm hồn chứ không cố gắng gượng ép bản thân phải sáng tác về những triết lý khô khăn. vì vậy, giọng thơ của chị thủ thỉ tâm tình, dạt dào những đợt sóng tình cảm, lúc thì nhẹ nhàng vỗ về, lúc lại cuồn cuộn dâng trào” – Nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ (em chồng nhà thơ Xuân Quỳnh).

– “Sóng không chỉ là tên một thi phẩm đã gây xốn xang cho nhiều thế hệ bạn đọc. Sóng không chỉ là biểu trưng cho một hồn yêu chưa từng nguội yên. Sóng còn là một nguồn sống, nguồn năng lượng mà nữ thi sĩ ấy đã truyền lại cho thế hệ sau qua mỗi tiếng thơ của mình. Và, lâu nay, lòng thơ của chúng ta, người mờ người tỏ, người đang yêu, người đã yêu, đều từng thầm thu thầm phát thứ sóng đặc biệt ấy: Đó chính là Sóng Xuân Quỳnh.” – T.S Chu Văn Sơn

– Được xem là một trong những người viết thơ tình hay nhất trong nền thơ Việt Nam từ sau Cách mạng, Xuân Quỳnh đem đến cho bạn đọc một tình yêu vừa nồng nhiệt, táo bạo, vừa tha thiết, dịu dàng, vừa giàu trực cảm, vừa lắng sâu những trải nghiệm, suy tư.

– “Không còn phân biệt được sóng tạo nên Xuân Quỳnh, hay Xuân Quỳnh đã tạo nên sóng. Chỉ biết rằng chị sinh ra là để dành cho thơ. Dù đầu đời, vốn học vấn còn chưa cao, nhưng hồn thơ ở người con gái đất La Khê – Hà Đông ấy đã luôn dồi dào và dạt dào sức sống” – T.S Chu Văn Sơn.

– “Điều đáng quý nhất ở Xuân Quỳnh và thơ Xuân Quỳnh là sự thành thật, rất thành thật, thành thật trong quan hệ bạn bè, với xã hội và cả trong tình yêu. Chị không quanh co, không giấu diếm một điều gì. Mỗi dòng thơ, mỗi trang thơ đều phơi bày một tình cảm, một suy nghĩ của chị. Chỉ cần qua thơ ta biết khá kĩ đời tư của chị. Thành thật, đây là cốt lõi thơ trong Xuân Quỳnh” – Võ Văn Trực

– Dù viết về tình yêu đôi lứa hay tình yêu Tổ quốc, về thế giới trẻ thơ hồn nhiên, trong trắng hay những quan hệ nhân sinh muôn vẻ, thơ Xuân Quỳnh vẫn nổi bật ở vẻ đẹp nữ tính.

– “Bài thơ Sóng là một cuộc hành trình khởi đầu từ sự từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la rộng lớn, cuối cùng là khát vọng được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thuở.” – G.S Trần Đăng Suyền.

– “Sóng là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách của Xuân Quỳnh.Qua hình tượng sóng, trên cơ sở sự tương đồng, hòa hợp giữ sóng và em, bài thơ diễn tả tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người. Bài thơ cho thấy tình yêu là một thứ tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao của con người.”

– “Ở mỗi tập thơ của Xuân Quỳnh, những bài viết về tình yêu thường để lại nhiều ấn tượng hơn cả. Với giọng điệu thơ hết sức tự nhiên, bài thơ Sóng thể hiện một tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc mơ. Dù có những gian truân cách trở, nhưng tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đến được tận cùng hạnh phúc như con sóng nhỏ đến với bờ.” – Trích Nhà thơ việt Nam hiện đại, G.S Phong Lê chủ biên, Viện Văn học, NXB KHXH, 1984.

– “Thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi dông bão của cuộc đời… Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hóa khôn cùng của chúng. Ở đó trái tim thơ Xuân Quỳnh là cánh chuồn chuồn báo bão cứ chao đi chao về, mệt nhòai giữa biến động và yên định, bão tố và bình yên, chiến tranh và hòa bình, thác lũ và êm trôi, tình yêu và cách trở, ra đi và trở lại, chảy trôi phiêu bạt và trụ vững kiên gan, tổ ấm và dòng đời, sóng và bờ, thuyền và biển, nhà ga và con tàu, trời xanh và bom đạn, gió Lào và cát trắng, cỏ dại và nắng lửa, thủy chung và trắc trở, xuân sắc và tàn phai, ngọn lửa cô đơn và đại ngàn tối sẫm…” – T.S Chu Văn Sơn

– “Nhà thơ Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng năm 1967, khi mà chị đã từng nếm trải sự đổ vỡ trong tình yêu. Song, người phụ nữ này vẫn còn ấp ủ biết bao hy vọng, vẫn phơi phới một niềm tin:

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.

Bài thơ được kết thúc ở chính cái điểm đỉnh của niềm khao khát tột độ:

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.

Sóng là một bài thơ tình yêu rất tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách thơ Xuân Quỳnh ở giai đoạn đầu. Một bài thơ vừa xinh xắn, duyên dáng; vừa mãnh liệt, sôi nổi; vừa hồn nhiên, trong sáng; vừa ý nhị, sâu xa. Sau này, khi nếm trải nhiều, giọng thơ Xuân Quỳnh không còn phơi phới bốc men say nữa, nhưng cái khát vọng tình yêu vẫn mãi tồn tại trong trái tim giàu có yêu thương của chị.” – (GS Nguyễn Đăng Mạnh & PTS Trần Đăng Xuyền, Những bài văn hay, Nxb Đồng Nai, 2003, tr. 135)

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close