Bài văn hay THCSNgữ Văn 9Những bài văn hay
Phân tích Đoàn thuyền đánh cá để thấy phát hiện về cái đẹp của hiện thực đời sống – Bài văn HSG
Phân tích khổ 3, 4, 5 tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận để chứng minh câu nói “Niềm vui của nhà văn chân chính là niểm vui của người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp”
Nhà văn Pauxtopki khẳng định rằng “Niềm vui của nhà văn chân chính là niểm vui của người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp”. Chứng minh câu nói qua việc phân tích Đoàn thuyền đánh cá khổ 3,4,5 – Huy Cận.
Bài làm
Nhà văn Pauxtopki từng khẳng định rằng “Niềm vui của nhà văn chân chính là niểm vui của người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp”. Những nhà văn chân chính là những người đi đầu trong việc sử dụng văn thơ để truyền đạt cái đẹp, khai phá những miền đất kì diệu cho tâm hồn độc giả .Sứ mệnh của nhà văn là đi tìm và phát hiện cái đẹp vẫn còn “hé nụ”, khuất lấp ở đời, dùng ngòi bút vẽ lối cho độc giả khám phá, phát hiện ra vẻ đẹp của hiện thực đời sống. Đến với thi phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”, ta như đắm say trước những câu thơ của Huy Cận – những câu thơ nở hoa trong sự hoà phối diệu kì giữa cái đẹp của ngôn từ với ánh sáng tuyệt mĩ của chiều sâu hình ảnh. Chất thơ trong hiện thực vất vả của người dân chài đã được nhà thơ khai thác triệt để và đan dệt thành một thế giới bay bổng, lãng mạn bằng câu chữ. Bước đến khổ thơ thứ ba, bốn và năm, người đọc như được sống trong thế giới lãng mạn ấy, cùng với con người lao động ra khơi chinh phục thiên nhiên, phiêu du trong vẻ đẹp thơ mộng của biển cả:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lướt vây giăng
Cá nhụ, cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”
Trong số những nhà thơ nổi tiếng của phong trào thơ mới, Huy Cận là gương mặt khá tiêu biểu. Tác phẩm của ông khẳng định được vị thế riêng trong thi đàn thơ ca hiện đại bởi một “chất giọng” đặc trưng mang thiên hướng lãng mạn, đi cùng với cảm hứng thiên nhiên, vũ trụ.Từ xưa đến nay, Huy Cận luôn được người đời coi trọng và gọi với biệt hiệu là nhà thơ của cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam cùng những áng thơ lãng mạn và trong trẻo. Bởi đến với những trang thơ của ông, độc giả như được đắm chìm trong những trang thơ “phe phẩy một ngọn gió yêu đời, tuy không thổi tan những đám mây sầu u ám, song cũng đã thấy ngân lên những tiếng reo vui” (Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân). Và “Đoàn thuyền đánh cá” quả thực chính là minh chứng tiêu biểu nhất cho nhận định trên. Tác phẩm là kết quả của chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Hồng Gai, Quảng Ninh năm 1958.
Đứng trước biển cả bao la đầy hùng vĩ, tráng lệ, đôi mắt của kẻ si tình bỗng dừng lại giữa chốn mênh mông biển nước, vừa thơ mộng, vừa diễm lệ – nơi thực tại và mơ mộng đồng hiện trên hình ảnh con thuyền lướt sóng ra khơi kiếm tìm luồng cá:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng”
Cảm hứng lãng mạn được khơi nguồn từ hiện thực cuộc sống của những con người làng chài đã rót vào tâm hồn Huy Cận những giai điệu du dương, khiến cho tiếng thơ của ông rất dễ đi vào lòng người. Đã có biết bao thi sĩ say lòng trước sóng biển đại dương để rồi viết nên những dòng thơ về biển đầy tình ái, nhưng có lẽ chưa một ai đạt đến độ tinh tế và nhạy cảm như Huy Cận – dùng thơ mà tả, mà phác nên một bức tranh biển vừa mang nét đẹp lãng mạn, nên thơ của thiên nhiên biển cả, vừa chứa sự hùng tráng, khí thế làm chủ của con người lao động trước thiên nhiên biển trời. Giữa nền trời thiên nhiên gió mây lồng lộng , mênh mông biển nước, hình ảnh con thuyền ra khơi tìm luồng cá trở nên đầy thi vị trong con mắt của nhà thơ “Thuyền ta lái gió với buồm trăng/Lướt giữa mây cao với biển bằng”. Hình ảnh “buồm trăng” là một liên tưởng lãng mạn, độc đáo, nó phảng phất phong vị của những câu chuyện cổ tích diệu kì, mở ra một thế giới huyền ảo, nửa thực nửa mơ. Vầng trăng vàng xẻ nửa trên trời như neo đậu xuống cột buồm, đồng nhất với cánh buồm no gió, làm sức mạnh chuyên chở con thuyền vun vút vượt biển khơi. Đêm ấy, đoàn thuyền lung linh tỏa sáng diệu kì, nổi bật nhất giữa đất trời biển Đông, và lối nói khoa trương, phóng đại “Lướt giữa mây cao với biển bằng” lại càng khiến cho đoàn thuyền trở nên bao la, kì vĩ hơn. Hình tượng chiếc thuyền dường như đã hòa nhập vào bề rộng của mênh mông sóng nước, bề cao của bao la đất trời, như lướt, như bay giữa một không gian khoáng đạt rộng lớn đẹp đến vô ngần. Đến đây, nhà thơ bỗng chốc thu hẹp điểm nhìn trần thuật, tiếp cận gần hơn với đoàn thuyền đánh cá, nhận ra vẻ đẹp của những con người lao động ngày đêm miệt mài bên sóng nước. Hình ảnh của họ được khắc họa với công việc “dàn đan thế trận” , “bủa lưới vây giăng”, “dò bụng biển” như những chủ nhân đầy sức mạnh. Công việc lao động thường nhật đã trở thành một cuộc chinh phục thiên nhiên – người lao động làm việc với tất cả lòng dũng cảm, sự hăng say với trí tuệ, nghề nghiệp, với tâm hồn phơi phới của người làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời.
Dạo bước sang khổ thơ thứ tư, độc giả như cảm nhận được cái đẹp man mác của cuộc sống như dào dạt rung lên qua khung cảnh giàu có và lãng mạn của biển cả, khiến cho lòng người ngây ngất, xao xuyến:
“Cá nhụ, cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.”
Liệt kê những loài cá ngon trứ danh của vùng biển Hòn Gai, Huy Cận đã làm dấy lên cái sức sống sinh động đang căng tràn, chuyển động trong cảnh vật, từ đó càng nổi bật hơn nét phong phú và giàu có của biển cả Việt Nam. Biển đêm hiện lên đẹp như một bức tranh kí họa thần sầu với sự hài hòa của những gam màu nóng – lạnh dưới sự phối sắc tài tình của Huy Cận qua những tính từ chỉ màu sắc “đen hồng”, “vàng chóe”. Hình ảnh “Cá song lấp lánh đuốc đen hồng” vừa tả thực hình ảnh loài cá song thân dài, trên vảy có những chấm nhỏ màu đen, màu hồng, vừa gợi hình ảnh về đoàn cá song như cây đuốc lấp lánh dưới ánh trăng đêm tạo nên một cảnh tượng thật kì vĩ, lộng lẫy, đầy thơ mộng. Dường như đang có một lễ hội rước đuốc đầy nhộn nhịp, rộn ràng trong lòng biển đêm sâu thẳm, mà mỗi loài cá là một kiểu dáng, một màu sắc riêng biệt tạo nên tính đa sắc và nổi bật cho tổng thể khung cảnh. Thêm nữa, hình ảnh “Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe” gợi nhiều liên tưởng đẹp. Cá như một đứa trẻ quậy phá, tinh nghịch, nó “quẫy đuôi” khiến cho màu vàng của ánh trăng soi bóng trên nước tung tóe, vương vãi ra nền biển đêm, lung linh mà tuyệt đẹp. Đến đây, thực cảnh như đang giao thoa diệu kỳ với tiên cảnh trong trí tưởng tượng phong phú của Huy Cận. Gọi cá là em thì chắc hẳn thẳm sâu trong suy nghĩ của những người ngư dân đánh cá, cá từ lâu đã không chỉ là nguồn lợi thủy sản mà cá còn là người bạn đồng hành suốt chặng đường mưu sinh của họ. Nhưng chưa dừng lại ở đó, tất cả những tương quan diệu kỳ của biển cả thiên nhiên dường như được Huy Cận quy tụ hết vào trong câu thơ cuối: “Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”. Sử dụng động từ nhân hóa “thở”, màn đêm như được hóa thân thành một sinh vật sống khổng lồ, huyền bí, đầy mê lực bao trùm lên tất thảy vạn vật dưới đại dương một tiếng thở cựa quậy của sức sống mãnh liệt không ngừng cuộn trào, tuôn chảy đến từ thế lực tự nhiên. Không những vậy, cái đẹp man mác của vũ trụ vô cùng, vô tận còn được thể hiện trọn vẹn trong hình ảnh “sao lùa nước”. Nhà thơ đã bắt trọn lấy khoảnh khắc tuyệt đẹp ấy, khi những vì sao lấp lánh in bóng xuống mặt nước, và thủy triều xô bóng sao tạo thành tiếng thở của đêm. Một Hạ Long hữu tình, một Hạ Long với những đường nét, hình khối có chiều sâu và độ rộng như được vẽ ra trước mắt người đọc qua sự tinh tế trong ngòi bút của Huy Cận.
Đôi khi đến với thơ ca nghệ thuật, thứ nhà thơ khao khát trước thảy phải là sự giao cảm trọn vẹn với thời cuộc. Đôi bàn tay anh không chạm đến sự ấm nóng của cuộc đời thì những trang thơ sẽ chẳng thể nào réo rắc âm thanh sống động của cuộc sống. Và Huy Cận đã thật sự chạm tay và đưa trọn cả tâm hồn vào nhịp sống lao động của những người dân làng chài đánh bắt cá
“Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”
Sự dồi dào, phong phú của cả một hệ sinh thái dưới đại dương đã kích thích niềm hồ hởi, khí thế lao động của những người ngư dân đánh cá. Và một lần nữa, người dân chài với tinh thần lạc quan phơi phới, họ say mê với câu hát trên từng nhịp bước của công việc đầy sóng gió, vất vả. “Gõ thuyền” là công việc thực của người đánh cá, nhưng cái độc đáo ở đây là vầng trăng trên cao được nhân hóa : trăng tham gia lao động cùng con người. Trăng in xuống mặt nước và sóng xô bóng trăng vỗ mạn thuyền để xua cá vào lưới. Như thế, thiên nhiên và con người như đang có cùng một nhịp lao động. Công việc đánh cá giữa biển đêm vốn nặng nhọc, vất vả nhưng đã trở thành bài ca lao động đầy niềm vui, vừa hùng tráng, vừa thơ mộng. Cách nói nhân hóa “gọi cá vào” , “trăng gõ nhịp” gợi sự gần gũi giữa con người và thiên nhiên. Con người đang chinh phục thiên nhiên nhưng họ cũng đầy lòng biết ơn với mẹ thiên nhiên : “Biển cho ta cá như lòng mẹ/Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”. Hình ảnh so sánh biển như lòng mẹ cho ta thấy biển cả tựa như nguồn sữa khổng lồ đã nuôi dưỡng con người tự bao đời nay, đồng thời nói lên sự ân tình vĩ đại của thiên nhiên dành cho con người. Câu thơ thể hiện sâu sắc niềm tự hào và lòng biết ơn của người dân chài với biển cả quê hương.
Nhịp sống của tự nhiên và con người đã hài hòa với nhau , tạo cho ngôn ngữ thơ một vẻ đẹp kì diệu, âm hưởng thơ ngân vang, xáo động, hình ảnh trong thơ mỗi lúc một lớn lao, bay bổng, kì vĩ, ngòi bút tả thực hòa quện với ngòi bút lãng mạn đã tạc nên và để lại một kiến tạo nghệ thuật tuyệt mĩ vừa có cái hiện thực của công việc đánh bắt cá đầy gian khổ, vừa có cái bay bổng,kì diệu của tự nhiên và con người. Phải chăng vì thế mà câu chữ có sức lôi cuốn mê hồn.Từng câu văn đẹp như đóa hoa quỳnh khẽ nở, chậm rãi, nhẹ nhàng tỏa hương trong lòng của bạn đọc.
Mạch nước âm ỉ dưới vách núi đã đổi thay qua những ngày xuân xanh đến những chiều thu buồn. Nhưng lăng tẩm đền đài rồi cũng sẽ sụp đổ dưới những vần vũ của thời gian, những vật chất cao sang rồi cũng tiêu tan, hóa thành bụi vàng của quá khứ. Ấy vậy mà có những tác phẩm vẫn tồn tại bền bỉ tựa dòng suối chảy mãi trong tâm hồn bao thế hệ hôm qua, hôm nay và ngày mai. Như trong “Nghĩ lại về Pautopxki” từng có dòng:
“Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu”
Và phải chăng “Đoàn thuyền đánh cá” chính là một kiệt tác như thế? Đó là những trang đời mà văn học đã tạc nên, thật kì diệu và tuyệt đẹp bởi vì nó vĩnh hằng, luôn luôn là thế, mãi mãi là một mốc son đánh dấu cho bước chuyển mình đầy ngoạn mục trong sự nghiệp sáng tác thơ ca của Huy Cận.
Bài văn Phân tích Đoàn thuyền đánh cá – Bài viết của KAS – Học sinh lớp 10, trường THPT Phan Đình Phùng| CTV Văn học trẻ.
Xem thêm bài viết liên quan tới bài học Đoàn thuyền đánh cá:
Ôn thi đỗ tốt nghiệp cấp 2 và đỗ cấp 3 bắt đầu