Bài văn hay THPTNghị luận văn họcNGỮ VĂN 12
Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo từ lúc gặp thị Nở cho đến khi ăn bát cháo hành.
Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo từ lúc gặp thị Nở cho đến khi ăn bát cháo hành
Balzac nói: “Nhà văn là người thi kí trung thành của thời đại”. Tác phẩm sẽ không thể sống nếu nó xa rời thực tại và mãi chạy đi kiếm tìm những điều viển vông ở đâu đâu. Nếu nói về “người thư kí trung thành của thời đại” mẫu mực thì không thể nào bỏ qua nhà văn Nam Cao với những tác phẩm đi sâu khai thác hiện thực. Ông luôn quan niệm không thể “chỉ tả được cái bề ngoài của xã hội”, người sáng tác cần chạm đến những cảnh đời ẩn giấu sau những áp bức, bóc lột, hành hạ; đồng thời vạch trần những xấu xa, ác độc trong xã hội từ đó cải thiện cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn. Tác phẩm Chí Phèo có thể nói là tác phẩm dại diện cho trường phái văn học thiện thực mà Nam Cao theo đuổi. Trong đó, diễn biến tâm trạng của Chí Phèo từ lúc gặp Thị Nở cho đến khi ăn bát cháo hành là một phân đoạn đặc sắc giúp tạo nên giá trị cho toàn tác phẩm.
Ngòi bút hiện thực của ông sắc sảo nhưng không kém phần trữ tình và khái quát được những triết lý sâu xa. Nam Cao khai thác hai đề tài chính là người nông dân và người trí thức nghèo trước Cách mạng. Ông có xu hướng viết về cái nghèo, cái đói, vấn nạn “áo cơm ghì sát đất” nặng nề của những con người khổ cực đương thời. Nhà văn cũng có sở trường trong việc miêu tả tâm lí, do vậy, dù khai thác các đề tài đã cũ nhưng Nam Cao vẫn làm nên được chất riêng của mình giữa một khu vườn văn học đã nhiều hoa đủ quả. Tác phẩm “Chí Phèo”, sáng tác năm 1941, có thể coi là một trong những vầng sáng chói lọi nhất trong sự nghiệp văn học của Nam Cao. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của “con quỷ dữ làng Vũ Đại” – Chí Phèo, khắc họa hoàn cảnh tối tăm của người nông dân trước Cách mạng. Chí từ một con người lương thiện nhưng bị bá Kiến gian ác đẩy vào tù rồi biến hắn trở thành tay sai đi rạch mặt ăn vạ. Kể từ lúc ra tù, Chí dường như chưa bao giờ tỉnh ngộ, chỉ khi gặp được Thị Nở, với bát cháo hành “còn nóng nguyên” Chí mới thức tỉnh trở về với bản nguyên lương thiện của mình. Tuy nhiên, niềm hạnh phúc kéo dài không lâu, Chí Phèo lại rơi vào bi kịch bị Thị Nở từ chối; hắn đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện rồi chết trong vũng máu tươi, kết thúc cuộc đời bi kịch của mình. Những con người lương thiện như Chí bị ép vào đường cùng, không thể nào phản kháng trước thế lực thực dân – phong kiến. Họ rơi vào thế “một cổ hai tròng”, bị tha hóa đến mất cả nhân hình lẫn nhân tính, rơi vào những bi kịch kinh hoàng nhất của một con người. Nhưng dẫu rơi vào tình cảnh bế tắc, trong họ vẫn còn sót lại tính người, vẫn luôn hiện diện khao khát làm người lương thiện.
Xem thêm:
Từ khi sinh ra, Chí Phèo đã không hạnh phúc: không biết mặt cha mẹ, không biết rốt cục mình sinh ra trên đời này có ý nghĩa gì,… Trước đây hắn cũng từng là người lương thiện nhưng chính nhà tù thực dân đã biến hắn trở thành một con quỷ dữ, khiến hắn trở thành một kẻ say không bao giờ thấy tỉnh. Cứ ngỡ ngắn sẽ luẩn quẩn trong hơi men, với con đường rạch mặt ăn vạ rồi bỏ mạng trong bụi rậm nào đó sau những trận “đâm thuê chém mướn” hoặc sau những trận say bí tỉ. Nhưng có một người đã đến cứu rỗi cuộc đời hắn, cho hắn thức tỉnh, cho hắn niềm tin quay về con đường lương thiện. Đó là Thị Nở, thi xuất hiện như một cầu nối cho Chí và thế giới, trở thành nhịp cầu đưa con quỷ dữ sống lay lắt trở về anh canh điền lúc xưa. Lúc hai người gặp nhau, Chí là một thằng say “ngứa ngáy thịt da” nên hứng thú với một người đàn bà như thị. Và thế là họ lao vào nhau trong đêm đó, ngay ở vườn chuối gần nhà Chí. Trong một đêm “rười rượi những trăng”, có những tàu lá chuối “nằm ngửa uốn cong như hứng lấy trăng xanh”, hai con người hòa vào làm một. Đến nửa đêm thì Chí đau bụng và “thổ một trận nhọc” và được thị dìu vào trong căn chòi.
Cho đến sáng hôm sau, sau đêm gặp gỡ với Thị Nở, tâm trạng của Chí dường như đã có chút chuyển biến và nhà văn Nam Cao đã sử dụng ngòi bút miêu tả tâm lí tài tình của mình ở thời điểm này. Ban đầu, Chí thức dậy trong một trạng thái chưa hoàn toàn tỉnh táo; mà cũng đúng thôi, một kẻ say bí tỉ lại vừa “thổ một trận nhọc” sau đêm qua, để nói Chí tỉnh hoàn toàn thì khó khăn lắm. Tác giả để cho Chí thức dậy, cảm nhận trong tranh tối, tranh sáng của căn lều với những từ: “chắc”, “chắc là”, “chắc đã”. Nam Cao thông qua việc miêu tả khung cảnh đã đồng thời khắc họa được nội tâm Chí Phèo. Trời sáng đã lâu, mặt trời lên cao đỉnh đầu, thời gian đã muộn, chẳng biết đây là cái muộn của thời gian hay cái muộn của đời người. Có lẽ là cả hai chăng? Hắn “bâng khuâng, mơ hồ buồn, miệng đắng, người bủn rủn, chân tay không buồn nhấc”. Chí dần tỉnh táo về thể xác rồi thức tỉnh thực sự khi cảm thấy “sợ rượu như những người ốm thường sợ cơm”. Ồ, hắn tỉnh thật! Thức tỉnh trong nỗi sợ của một con người vừa tỉnh dậy sau cơn say dài, sau một giấc mộng mị, sau một kiếp sống người không ra người, thú vật không ra thú vật. Lâu lắm rồi hắn chưa thoát khỏi hơi men thì phải. Đây có phải lần đầu sau khi ra khỏi tù hắn không chìm đắm trong rượu hay không? Chắc là phải rồi, vì hắn nghe được những âm vang của cuộc đời, những âm thanh mà trước nay hắn bỏ lỡ trong cơn say khướt. Đó là “tiếng chim hót vui vẻ”, “tiếng cười nói của những người đàn bà đi chợ về”, “tiếng gõ mái chèo đuổi cá”. Những âm thanh cuộc sống góp phần gọi phần “người” trong hắn trỗi dậy, mạnh mẽ hơn, lấn lát đi mấy phần quỷ dữ trước đây. Chúng gọi những âm vang xúc cảm trong cái tâm hồn sỏi đá của Chí, để hắn phải thốt lên: “Chao ôi buồn!” và suy ngẫm về cuộc đời của mình. Chí buồn cho thân phận, kiếp sống bi đát của mình; không còn là cái “bâng khuâng”, “mơ hồ”, vẩn vơ ban nãy, bây giờ là cái buồn thật sự của kẻ đã sống quá lâu trong hình hài một con quỷ. Đi đôi với nhận thức hiện tại, kí ức quá khứ của hắn cũng lần lượt ùa về: “Hình như có một thời hắn cũng ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng…” Ngày trước, Chí cũng có mơ ước rất đỗi bình dị, giản đơn và giờ đây, ước muốn lại một lần nữa trở về cùng với bản chất lương thiện đang dần được hồi sinh. “Hắn thấy mình già mã vẫn còn cô độc”, ở “cái dốc bên kia của cuộc đời” nhưng giờ Chí Phèo chưa có ai để bầu bạn, chỉ có “cơ thể đã hư hỏng nhiều” và tuổi già với “đói rét, ốm đau, cô độc”. Hắn nhận thức thực tại cùng viễn cảnh tương lai u ám của mình. Hắn đã hoàn toàn tỉnh ngộ.
Trong khi Chí hãy còn mãi suy nghĩ về cuộc đời đã sang bên kia dốc của mình, chăm chú vào hiện tại và tương lai chưa biết đi đâu về đâu của mình, Thị Nở vào “cắp một cái rổ, trong đó có một nồi gì đậy những vung. Đó là một nồi cháo hành còn nóng nguyên”. Bát cháo hành dường như là đại diện duy nhất cho tình người còn sót lại tại làng Vũ Đại đã khô héo những cảm xúc. Bất ngờ là tình người không xuất hiện ở ai khác mà lại xuất hiện ở một người đàn bà được coi là dở hơi và xấu xí ma chê quỷ hờn. Lần đầu tiên, Chí được người khác thật lòng cho một thứ gì, lạ kì hơn còn là một người đàn bà. Có một tình người rất thật mà Chí nhận được từ thị, không vụ lợi, không trơ tráo cũng chẳng tính toán; chỉ đơn giản là cho đi vì thị thương Chí. Lần đầu tiên hắn có được một điều gì đó mà không cần phải đi trộm cướp hay rạch mặt ăn vạ. Bát cháo khiến “mắt Chí ươn ướt”, “nhìn bát cháo hành bốc khói mà lòng bâng khuâng”. Lòng tốt của thị, “lòng yêu của một người hàm ơn… của một người chịu ơn” khiến hắn ân hận, “vừa vui vừa buồn”, có thêm “một cái gì nữa giống như là ăn năn”. Kề bát cháo lên môi, cái Chí cảm nhận đâu chỉ là vị cháo mà còn là hương vị của tình người: “Trời ơi! Cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm”. Cùng với hương vị của yêu thương, trong cháo còn chứa đựng hương vị của hạnh phúc: “cười rồi lại ăn”, “Hắn thấy lòng thành trẻ con”, “Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ”. Khi trong lòng người tràn ngập hạnh phúc, tâm hồn con người lại hóa lương thiện, hóa thành trẻ thơ, thoát khỏi những khổ đau. Chí Phèo cũng vậy, bát cháo mang đến cho hắn niềm hạnh phúc, khiến hắn tháo bỏ được lớp vỏ bọc đáng sợ của “con quỷ dữ làng Vũ Đại” và hắn phải thốt lên: “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao”. Chí khát khao trở về bản nguyên lương thiện của mình. Chí không muốn mãi phụ thuộc vào công việc “đâm thuê chém mướn” làm khổ người khác nữa, chí “muốn làm hòa” với người dân làng Vũ Đại. “Thị Nở sẽ mở đường cho hắn”, Chí tin rằng thị sẽ giúp hắn, mở đường cho hắn trở về với anh canh điền như lúc xưa. Khát khao lương thiện bùng dậy mãnh liệt đã khiến Chí dồn hết hi vọng vào Thị Nở – cầu nối cho hắn về thế giới bình thường. Bát cháo hành đã hoàn thành thiên chức gọi chất người, nó đưa Chí qua một cuộc lột xác để về với sự lương thiện.
Ngòi bút miêu tả tâm lí đặc sắc của Nam Cao đã giúp bạn đọc hình dung ra những chuyển biến nhỏ nhất trong tâm hồn Chí Phèo. Nếu trước đây, Chí chỉ mãi chìm đắm trong giấc mộng mị thì đến giờ phút này, Chí đã hoàn toàn thức tỉnh khỏi nó, từ tỉnh rượu cho đến tỉnh ngộ nhận ra cuộc đời mình sắp đi đâu, về đâu. Ngôn ngữ miêu tả tâm lí độc đáo, qua một loạt các câu độc thoại nội tâm, đan xen một số câu văn trần thuật nửa trực tiếp, Nam Cao đã để cho Chí tự trò chuyện với bản thân và tự ý thức được thân phận bi kịch, cảnh ngộ éo le của mình. Còn bát cháo hành là một chi tiết đặc sắc và đầy dụng ý nghệ thuật. Nó đại diện cho một thông điệp nhân văn: Tình yêu có thể cứu rỗi con người khỏi vũng lầy tội lỗi. Đồng thời thể hiện niềm tin của Nam Cao về bản chất lương thiện của con người – thứ không quỷ dữ nào cướp lấy được.
Nam Cao đã rất thành công xây dựng nên những bước chuyển biến tâm lí của Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở cho đến khi ăn bát cháo hành nói riêng và cả tác phẩm nói chung. Mỗi sáng tác của ông đều chứa đựng mong muốn về việc “thay máu” cho xã hội, cho cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn. Đúng như trường phái văn học hiện thực mà nhà văn theo đuổi, không chỉ miêu tả bề ngoài của cuộc sống, ông còn đi sâu khai thác đến từng biến đổi nhỏ nhất trong nhân vật của mình, đặc biệt là về tâm lí.
Tác giả: Châu Nguyễn Ái My – CTV Văn học trẻ
hothituyet181@gmail.com