Bài văn hay THPTNGỮ VĂN 12Những bài văn hay

Phân tích 14 câu thơ đầu bài thơ Tây Tiến

Nghị luận văn học về bài thơ Tây Tiến - 14 câu đầu

Phân tích 14 câu thơ đầu bài thơ Tây Tiến

“Nếu như Chính Hữu viết về những chàng vệ quốc bằng bút pháp hiện thực thì Quang Dũng đã tái hiện vẻ đẹp người lính bằng đôi cánh lãng mạn đem đến men say cho thi tứ, sự bay bổng của hình tượng” (Nguyễn Đăng Điệp). Đề tài người chiến sĩ – người trực tiếp xông pha vì nền độc lập tự do của Tổ quốc là một đề tài phổ biến trong thơ ca cách mạng. Thế nhưng, mỗi tác giả lại có riêng cho mình một cảm nhận khác nhau về vẻ đẹp của những người cầm súng. Đối với Quang Dũng, hình tượng những người lính Tây Tiến trong ông được tái hiện bằng “đôi cánh lãng mạn”.

Quang Dũng là một người nghệ sĩ đa tài, ngoài sáng tác văn chương ông còn soạn nhạc và vẽ tranh. Ông có một hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn, hào hoa – đặc biệt là khi ông viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài tức Sơn Tây – quê hương ông. Bài thơ Tây Tiến là sự thăng hoa trong sự nghiệp văn học của Quang Dũng. Được sáng tác năm 1948, khi Quang Dũng ở Phù Lưu Chanh công tác ở đơn vị mới và nhớ về những tháng ngày cũ tại trung đoàn 52 Tây Tiến. Đoạn thơ đầu tiên gồm 14 câu diễn tả nỗi nhớ da diết của ông về thiên nhiên miền viễn Tây, về những nơi mà binh đoàn Tây Tiến đã đi qua trong các cuộc hành quân đầy gian khổ.

Hai câu thơ đầu tiên thể hiện cảm xúc bao trùm của cả đoạn thơ. Đó là nỗi nhớ nhung của tác giả về dòng sông Mã, về binh đoàn Tây Tiến, về núi rừng Tây Bắc.

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Một tiếng gọi “Tây Tiến ơi!” nghe sao mà thân thương đến thế. Nỗi nhớ phải cồn cào, da diết đến đâu thì tác giả mới gọi một tiếng ấy, gọi người bạn cũ, gọi người thương cũ đã từng trải qua bao gian lao, bao vất vả. Sông Mã là con sông chảy dọc biên giới Việt Lào, qua các tỉnh Sầm Nưa, Điện Biên, Sơn La… Sông Mã như một thành viên của đoàn binh Tây Tiến, là một chứng nhân lịch sử, nhìn thấy hết mọi gian khổ, hi sinh và cả mọi chiến công của người lính.

Ngoài dòng sông, kí ức về một thời đã xa của nhà thơ còn là ký ức về rừng núi miền viễn Tây: “Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”. Mảnh đất yêu thương của từng người lính Tây Tiến – mảnh đất Tây Bắc, nơi họ đã sống và chiến đấu, giờ đây trở thành kỉ niệm thật đẹp trong tâm trí. Rừng núi xứ Tây Bắc như Chế Lan Viên nói là “Xứ thiêng rừng núi anh đã từng/ Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất” (Tiếng hát con tàu). Vần “ơi” được điệp lại ba lần diễn tả nỗi nhớ mênh mang, da diết, vang vọng của nhà thơ. Ta biết tới nỗi nhớ chơi vơi trong ca dao: “Ra về nhớ bạn chơi vơi” hay trong thơ Xuân Diệu: “Tương tư nâng lòng lên chơi vơi” (Nhị Hồ). Nhưng khác với nỗi nhớ về tình riêng, nỗi “nhớ chơi vơi” trong thơ Quang Dũng là dành cho Tây Tiến, dành cho những người đồng đội. Từng địa danh gắn liền trong chặng đường hành quân của đoàn binh Tây Tiến lần lượt hiện ra trong các câu thơ một cách chân thực: Sài Khao, Mường Lát, Mai Châu, Châu Mộc. Mỗi nơi xa xôi, hoang sơ ấy hiện về trong kí ức của nhà thơ với bao thương nhớ da diết, khôn nguôi. Đó có chăng là “Những tên làng, tên núi, tên sông/Những cái tên đọc lên nghe muốn khóc”?

Tác giả nhớ về những cuộc hành quân gian khổ của binh đoàn Tây Tiến qua miền Tây hoang sơ, dữ dội. Trước hết là đoạn đường qua Sài Khao sương mờ lối và cảnh Mường Lát thơ mộng:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Hiện thực chiến đấu khắc nghiệt được miêu tả hết sức chân thực: sương che khuất lối, làm mờ đường đi, khiến đoàn quân mệt mỏi, rệu rã vì chặng đường gian khổ trùng điệp. Từ “mỏi” khiến cho âm điệu câu thơ chùng xuống. Thế nhưng, đối lập với vẻ khắc nghiệt còn là vẻ thơ mộng, trữ tình của núi rừng Tây Bắc: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ nhưng người lính không hề đánh mất đi tâm hồn lãng mạn, hào hoa, lạc quan, yêu đời của bản thân mình. Hình ảnh “hoa về trong đêm hơi” là sự cảm nhận tinh tế của họ trước vẻ đẹp của thiên nhiên miền Tây. Những thanh bằng kết hợp với các từ ngữ “hoa về” (thay vì hoa nở), đêm hơi (thay vì đêm sương) đã gợi nét nhẹ nhàng, êm ả bên cạnh cái dữ tợn của thiên nhiên.

Chặng đường hành quân qua các tỉnh miền Tây có bao nhiêu đèo dốc trùng điệp nối nhau, có bao nhiêu hiểm nguy đều được gợi ra rõ ràng trong ba câu thơ:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”

Nghệ thuật điệp từ “dốc” kết hợp với các từ láy tượng hình “khúc khuỷu”, “thăm thẳm” diễn tả một không gian chỉ gồm những dốc núi hiểm trở: có lúc khúc khuỷu, gập ghềnh, lúc thì sâu thăm thẳm. Người lính Tây Tiến cứ đi, đi mãi, chưa qua hết dốc này đã đến dốc khác. Câu thơ tiếp theo tô đậm thêm vẻ hùng vĩ của thiên nhiên đất trời miền Tây, tô đậm độ cao của những vách núi nơi đây. Hình ảnh “heo hút cồn mây” khiến chúng ta hình dung đến những ngọn núi cao chót vót, heo hút vắng người, quanh năm phủ kín mây mờ. Cách nói nhân hóa “súng ngửi trời” là cách nói hóm hỉnh của người lính. Dường như dốc cao đến độ, đầu súng trên vai người chiến sĩ có thể chạm đến tận trời xanh. Câu thơ đã cho thấy phong thái ngang tàn, ngạo nghễ của người lính Tây Tiến. Về tư thế làm chủ này, trong bài “Lên Tây Bắc”, Tố Hữu cũng từng nhắc đến, rằng: “Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều/ Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo/ Núi không đè nổi vai vươn tới”.

Nhà thơ Quang Dũng sử dụng phép điệp “ngàn thước” cùng nghệ thuật tương phản, một bên “cao” một bên “xuống” nhằm diễn tả khung cảnh một bên núi cao chót vót, một bên lại thăm thẳm. Nhịp điệu 4/3 làm câu thơ như bị bẻ đôi, lại một lần nữa nhấn mạnh sự hiểm trở của đèo dốc núi rừng Tây Bắc. Khung cảnh đèo tiếp đèo, dốc tiếp dốc, cao chót vót, sâu thăm thẳm như thế này cũng được nói qua trong “Chinh phụ ngâm” (Đặng Trần Côn): “Hình khe thế núi gần xa/ Đứt rồi lại nối, thấp đà lại cao”. Đoạn thơ sử dụng nhiều thanh trắc nhằm khắc họa rõ nét chặng đường hành quân về miền tây Bắc của đoàn binh Tây Tiến đầy những vất vả, gian lao, hiểm trở. Nói lên cái khó khăn hiểm trở bao nhiêu thì càng nhấn mạnh ý chí kiên cường của những người lính trẻ bấy nhiêu. Thông qua cái khắc nghiệt của núi rừng miền Tây, ta nhìn thấy được cả bao nhiêu vất vả của người lính Tây Tiến.

Sau chặng đường đầy vất vả, người lính cùng đồng đội như đang dừng lại nghỉ ngơi bên triền dốc, họ nhìn xuống lung thũng quan sát những bản làng nơi Pha Luông, những mái nhà nho nhỏ ẩn hiện trong làn mưa:

“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Đối lập với đoạn thơ trên chiếm chủ yếu là các từ mang thanh trắc, câu thơ này lại chứa các từ chỉ mang thanh bằng. Việc sử dụng thanh bằng đã làm không gian yên ả được mở ra, một sự thanh bình, một nét thanh thản được len lỏi vào trong tâm hồn người lính trẻ. Có thể nói, nhà thơ Quang Dũng đã rất tài tình khi kết hợp sử dụng các thanh điệu vừa để diễn tả chặng đường khúc khuỷu, gập ghềnh và nét êm ả, nhẹ nhàng; bên cạnh đó còn tạo nên nhạc tính cho bài thơ. Bàn về điều này, Xuân Diệu từng nhận xét: “Đọc bài thơ Tây Tiến như ngậm nhạc trong miệng”.

Trong hồi ức về khung cảnh miền Tây của nhà thơ còn có hồi ức về những người bạn, người đồng đội cùng đồng cam cộng khổ với ông trong suốt quãng thời gian công tác tại Trung đoàn 52:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời”

Tây Tiến - Phân tích 14 câu thơ đầu bài thơ Tây Tiến - Quang Dũng - bài văn hay, nghị luận xã hội bài tây tiến Phân tích 14 câu thơ đầu bài thơ Tây Tiến
Tây Tiến – Phân tích 14 câu thơ đầu bài thơ Tây Tiến – Quang Dũng – bài văn hay, nghị luận xã hội bài tây tiến

Xem thêm các bài NLVH hay trên Văn học trẻ:

Cách gọi “anh bạn” thân thương là cách gọi mà tác giả dành cho người đồng đội đã ngã xuống trong chặng đường hành quân. Một hiện thực khốc liệt hiện lên, đó là sự hi sinh của người lính Tây Tiến. Họ “gục lên súng mũ”, họ “bỏ quên đời”, về với đất mẹ, về nơi xa xăm. Cách nói giảm nói tránh của nhà thơ làm cho sự mất mát của người lính trở nên nhẹ nhàng hơn, đỡ đau xót hơn. Ờ đây Quang Dũng miêu tả cái chết của đồng đội như một sự xả thân cho lý tường. Người lính chết mà vẫn cầm chắc tay súng, chết trong tư thê lên đường, tư thế hành quân. Đây là hình ảnh vừa bi vừa hùng làm tỏa sáng vẻ đẹp lí tưởng của người lính.

Gian khổ đâu chỉ là núi đèo cao chót vót, đâu chỉ là cái chết rình rập mà còn là sự nguy hiểm, dữ dội từ nơi rừng thiêng nước độc. Chặng đường hành quân càng thêm khó khăn khi người lính phải hành quân qua những nơi hoang vu đầy thú dữ, phải vượt qua từng cơn giận giữ của các con thác:

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

Tây Bắc dữ dội ngoài mở ra theo chiều rộng không gian bằng cách địa danh: Pha Luông, Sầm Nưa, Mường Hịch,… mà còn mở ra theo chiều rộng thời gian với hai cụm từ “chiều chiều”, “đêm đêm”. Có chăng cả ngày và đêm ở mảnh đất này chỉ có cọp dữ và thác thiêng ngự trị. Cách nhân hóa “thác gầm thét”, “cọp trêu người” nhấn mạnh cái hoang vu, rùng rợn và cái uy lực của thiên nhiên. Người lính Tây Tiến phải đối mặt với tất cả những điều ấy: cơn thịnh nộ của các con thác và chúa tể của rừng xanh – loài cọp hung dữ. Chặng đường qua những địa danh với người đọc thuở ấy còn đầy bí hiểm, hoang sơ có biết bao hiểm nguy luôn chực chờ người lính. Thậm chí, những địa danh ấy còn khiến nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng hai chữ “Mường Hịch” nghe như bước chân cọp rậm rịch rình người trong đêm tối.

Sau bao ngày trèo đèo, vượt núi, băng rừng, binh đoàn Tây Tiến dừng lại nơi bản làng Mai Châu ngày mùa, đón nhận tình yêu, lòng nhiệt thành từ đồng bào nơi đây dành cho họ:

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Các anh đã được đồng bào, đặc biệt là các cô gái miền sơn cước xinh đẹp như những bông hoa rừng đón tiếp niềm nở bằng những bữa cơm nếp xôi mà khói hương từ đấy cứ thơm ngát mỗi bước quân hành. Hương thơm ấy quyến luyến còn đọng lại mãi như nhà thơ Quang Huy đã viết: “Buổi tiễn anh đi em hơ tầu chuối ngự /Gói xôi rền thơm mãi giữa hàng quân” (Màu kỷ niệm). Và trong “Tiếng hát con tàu”, nhà thơ Chế Lan Viên cũng nói về hương thơm của vắt xôi: “Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng…Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương”. Hình ảnh “cơm lên khói”, “mùa em thơm nếp xôi” là những hình ảnh mà tác giả nhớ da diết về Tây Bắc, về tình quân dân ấm nóng giữa Tây Tiến và “em” cùng các đồng bào dân tộc nơi bản làng Mai Châu. Người lính Tây Tiến có đâu quên những khung cảnh hạnh phúc xóm làng trong ngày mùa, có đâu quên những tấm lòng thơm thảo nơi đất lạ.

Mười bốn dòng thơ mở đầu chủ yếu khắc tạc bức tranh thiên nhiên vô cùng hoang sơ, hùng vĩ trong nỗi nhớ của Quang Dũng. Từ thiên nhiên ấy, nhà thơ làm nổi bật hình ảnh những người lính Tây Tiến với tầm vóc lớn lao, với ý chí kiên cường, với tâm hồn phơi phới niềm tin, niềm lạc quan đã tạo nên sức mạnh đạp bằng mọi gian khổ hy sinh để đi tới. Bút pháp chủ đạo là lãng mạn kết hợp với bút pháp hiện thực đã đưa độc giả đến với những địa danh xa xôi của miền viễn Tây, hình dung về cuộc sống chiến đấu gian khổ của trung đoàn Tây Tiến. Ngôn ngữ thơ giàu tính hình tượng và nghệ thuật tương phản, đối lập đã làm nên bức tranh núi rừng miền Tây giàu đường nét, màu sắc. Cuối cùng, nghệ thuật hài thanh đã góp phần tính nhạc cho đoạn thơ.

Nhà giáo Lương Duy Cán đã rất say sưa ca ngợi Tây Tiến “ có những ngày tháng không thể quên, cái gian khổ ác liệt không thể quên, cả cái hào hùng lãng mạn không thể quên. May mắn thay, giữa những ngày tháng không thể quên ấy, lại có những bài thơ không thể quên, như Tây Tiến của Quang Dũng”. Dẫu trải qua bao nhiêu cuộc “bãi bể hóa nương dâu”, “Tây Tiến” đã đang và sẽ mãi sống trong lòng người đọc với hình ảnh người lính lãng mạn, hào hoa, phong nhã nhưng không hề bi lụy.

Tác giả bài viết: Châu Nguyễn Ái My – CTV Văn học trẻ 

Bài viết Phân tích 14 câu thơ đầu bài thơ Tây Tiến độc quyền trên Văn học trẻ vừa giúp cho các bạn thấy được nét đẹp thơ ca và tình cảm tác giả dành cho những người lính Tây Tiến dù gặp nhiều gian khổ nhưng vẫn hào hoa phong nhã, dù bi tráng nhưng vẫn lãng mạn. Ủng hộ Văn học trẻ bằng cách đọc nhiều bài viết trên page và học tập thật tốt nhé.

 

 

 

 

 

 

 

Tags
Show More

Related Articles

1 thought on “Phân tích 14 câu thơ đầu bài thơ Tây Tiến”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close