Nghị luận xã hộiNhững bài văn hay

Lòng tốt của con người cũng có thể chữa lành các vết thương nhưng lòng tốt cũng cần đôi phần sắc sảo, nếu không chẳng khác nào con số không tròn trĩnh

Lòng tốt của con người cũng có thể chữa lành các vết thương nhưng lòng tốt cũng cần đôi phần sắc sảo, nếu không chẳng khác nào con số không tròn trĩnh. Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

GỢI Ý LÀM BÀI

*Giải thích:
– Lòng tốt là sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ vật chất hoặc tinh thần đối với những người xung quanh.

– Chữa lành các vết thương: xoa dịu, hàn gắn những nỗi đau về tâm hồn và thể xác của con người.

– Lòng tốt cũng cần đôi phần sắc sảo: lòng tốt cần phải đi cùng với lí trí tỉnh táo, nhận thức sáng suốt về đối tượng cần giúp đỡ và cách thức giúp đỡ, nêú không sẽ trở thành vô ích.

=>Ý kiến khẳng định vai trò của lòng tốt và cách thể hiện lòng tốt phù hợp để tạo ra những kết quả tốt đẹp

*Bàn luận:

– Lòng tốt giúp con người đối diện và vượt qua nghịch cảnh, tạo ra cho họ niềm tin vào cuộc sống và hi vọng vào tương lai, giúp họ bớt đau đớn trước những bất hạnh, mất mát trong cuộc sống…

– Lòng tốt có thể cảm hóa cái xấu, cái ác, là sợi dây gắn kết, khiến cho mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng xã hội nhân ái, văn minh.

– Lòng tốt cần đi cùng sự tỉnh táo của lí trí để không bị lợi dụng.

– Phê phán những người sống thờ ơ, ích kỉ, những người lợi dụng lòng tốt của người khác, những người làm việc tốt nhưng toan tính trục lợi.

*Bài học:

-Nhận thức: trong cuộc sống, cần phải có lòng tốt và thể hiện nó một cách phù hợp, lòng tốt không đồng nghĩa với việc dễ dãi đáp ứng tất cả những yêu cầu vô lí một cách kiên quyết.

-Hành động: cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về kiến thức, kĩ năng sống để kết hợp hài hòa giữa việc giúp đỡ người khác và bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân.

***Ngoài đảm bảo các ý chính nêu trên, bài viết cần có dẫn chứng đúng đắn, phù hợp để tăng phần thuyết phục. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. Có cách diễn đạt cá nhân sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề cần nghị luận.

Lòng tốt của con người cũng có thể chữa lành các vết thương nhưng lòng tốt cũng cần đôi phần sắc sảo Lòng tốt của con người cũng có thể chữa lành các vết thương nhưng lòng tốt cũng cần đôi phần sắc sảo, nếu không chẳng khác nào con số không tròn trĩnh
Lòng tốt của con người cũng có thể chữa lành các vết thương nhưng lòng tốt cũng cần đôi phần sắc sảo

BÀI MẪU

Lòng tốt của con người cũng có thể chữa lành các vết thương nhưng lòng tốt cũng cần đôi phần sắc sảo

Nhân dân ta có câu “Lá lành đùm lá rách” và tôi chắc chắn bạn đã từng nghe câu hát “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng(Để gió cuốn đi – Trịnh Công Sơn), lòng tốt là một truyền thống đạo đức quý báo, được kế thừa qua mỗi thế hệ. Chúng ta luôn biết chắc rằng lòng tốt là cần thiết để xây dựng xã hội, cộng đồng tốt đẹp, văn minh hơn. Nhưng khi đọc được câu: “Lòng tốt của con người cũng có thể chữa lành các vết thương nhưng lòng tốt cũng cần đôi phần sắc sảo, nếu không chẳng khác nào con số không tròn trĩnh”, tôi đã ngẫm nghĩ rất nhiều về câu nói này. Câu nói khiến tôi bừng tỉnh và tự chất vấn về vấn đề lòng tốt của bản thân và mọi người rất nhiều.

Lòng tốt được định nghĩa thế nào? Đó là một khái niệm bao quát không chỉ ở hành động mà còn là thái độ, biểu cảm…của một cá nhân làm ấm lòng người khác.  Lòng tốt là sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ vật chất hoặc tinh thần đối với những người xung quanh. Lòng tốt mang nhiều giá trị xây dựng cộng đồng văn minh, đẩy lùi tệ nạn làm ảnh hưởng nề nếp, thể hiện lòng nhân đạo của con người. Nhiều người có thể định nghĩa lòng tốt ở biểu hiện thường thấy nhất đó là những hành động, câu nói, cử chỉ của một người hoặc một tập thể cho họ cái ăn, cái mặc, khích lệ tinh thần họ để cảm thấy cuộc sống này bớt khó khăn và ý nghĩa hơn.

Lòng tốt có thể là một ngôi nhà cho người già neo đơn, cả đời tìm mái ấm cho mình mà có lẽ tự thân họ không thể làm được. Lòng tốt cũng có thể là một lời an ủi, một cái nắm tay, một cái ôm nhẹ ấm lòng trong lúc một người cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng nhất. Lòng tốt được coi là một đức tính được công nhận là giá trị trong nền văn hóa, tôn giáo có khuynh hướng đem lại lợi ích cho người khác, nó xuất hiện ở khắp nơi, không phân biệt văn hóa vùng miền, dân tộc nào, nó có thể xuất hiện ở tất cả mọi người, …

Con người có lòng tốt, sẽ cảm thấy đau đớn trước những đau thương của đồng loại, muốn san sẻ một phần nào để chở che, đùm bọc nhau. Đó là thứ tài sản vô giá của con người mà chỉ có thể cảm nhận bằng một tâm hồn tử tế.

Tại sao tôi nói, lòng tốt của con người chỉ có thể cảm nhận được bằng sự tử tế?

Lòng tốt tồn tại đã từ thời con người xuất hiện trên trái đất này. Con người cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ nhau để xã hội phát triển thịnh vượng ngày hôm nay. Nhưng lâu dần, lòng tham cũng nhen nhóm và ngày càng phát triển theo, nhiều người chuyển sang lối sống vụ lợi với suy nghĩ: không ai cho không nhau cái gì, lòng tốt là gì, có thể mài ra ăn được không. Con người coi trọng giá trị vật chất hơn hay là do mọi thứ hiện nay đều có thể mua được bằng tiền. Phát huy tinh thần lá lành đùm lá rách, mỗi khi miền Trung bão lũ, mỗi khi thấy một hoàn cảnh khó khăn cần được trợ giúp, đồng bào ta sẵn sàng quyên góp, giúp phần nhỏ bé của mình mà không cần tính toán. Nắm bắt được “nhu cầu” lòng tốt ấy, nhiều kẻ đã đứng ra nhận trợ giúp và hứa hẹn sẽ gửi tận tay những “lá rách” tấm lòng mà “lá lành” gửi đến. Thế nhưng, mùa lũ đi qua, 14 tỷ gom góp để giúp đỡ nạn dân đợt lũ đói ăn, mặc rách, chờ những đồng tiền qua cơn khó khăn vẫn còn nguyên trong tài khoản. Hay những người cầm khoản tiền từ thiện lớn trao cho đồng bào, nhận mọi sự cảm ơn, tôn trọng, vinh danh “người tốt”, nhưng lại đút túi vài tỷ “kinh phí”, ta chợt nhận ra thực trạng đáng buồn biết bao. Rồi chú nghệ sĩ không may phá sản, bệnh tật tên T, khóc lóc kể lể những khốn khó mình gặp phải, bằng lòng cảm thương, người ta hỗ trợ 800 triệu đồng cho chú, nhưng sau một năm, chú lại khóc mình chẳng còn đồng nào. Ôi chao, lòng tốt có thể biến một người thậm chí là một nhóm người thành những kẻ lười nhác, ăn sẵn, kí sinh vào đồng loại như thế. Lòng tốt lại có thể trở thành thứ hàng hóa đem ra kinh doanh, phát tài của một nhóm người.

Một phần sự thật, một phần do báo chí “bẩn” tiêm nhiễm, chắc các bạn đã từng đọc bài viết: Tôi thấy một bà cụ bị ngã, tôi chạy lại giúp đỡ bà đứng lên thì lại bị ăn vạ; Nhìn thấy người gặp tai nạn, giúp bệnh nhân đưa vào bệnh viện, bị gia đình người đó bắt đền…Kiểu làm phước phải tội khiến các bạn trở nên cảnh giác hơn. Có lẽ cũng có câu chuyện có thật ngoài đời, và cũng là do truyền thông dẫn dắt khiến mọi người cảm thấy chuyện đó rất phổ biến trong đời sống mà e ngại. Câu chuyện về lòng tốt ngày càng ít được tôn vinh, nhưng cái xấu lại lan truyền rất nhanh và rất nhiều. Đó cũng là một lí do khiến lòng tốt bị méo mó và thu hẹp.

Rồi hiếm gì những lòng tốt thể hiện bằng sự chân thật của chúng ta như bênh vực kẻ yếu, thấy bạn bè đồng nghiệp ốm đau tới thăm nom, giúp đỡ dọn dẹp, nấu ăn giúp. Nhiều người sẽ chỉ vì lúc cảm thấy mệt mỏi chán chường mà một câu động viên từ người đồng nghiệp dù không thân thiết nói một câu: Cố lên, bạn đã làm rất tốt mà bật khóc. Được tặng một cây kẹo mút từ ai đó khi bạn thấy công việc, tâm trạng thật mệt mỏi, đó là những thứ thuộc về lòng tốt mà chúng ta có thể cảm nhận được. Tuy nhiên, cần có một tâm hồn đẹp, rộng rãi, tấm lòng tử tế mới nhận ra được lòng tốt của người khác. Đâu hiếm gì những trường hợp dù bạn có giúp đỡ người ta bao nhiêu cũng cảm thấy không đủ, thậm chí vì bạn không giúp đỡ mà cảm thấy tức giận, trách móc.

Lòng tốt có thể chữa lành các vết thương: xoa dịu, hàn gắn những nỗi đau về tâm hồn và thể xác của con người, đem đến cho bạn niềm vui và niềm tin về cuộc sống. Thật tuyệt khi ta đang chán nản, cảm thấy cuộc sống quá vội vã, quá nhiều bất công, cảm thấy nhiều việc muốn làm những lại bất lực, thì bỗng có người trợ giúp cho dù có thể là một tin nhắn động viên, tâm sự giúp ta giải tỏa nỗi âu lo, hoặc một số tiền giúp bạn phụ mẹ đóng tiền viện phí khi chưa biết xoay sở số tiền ở đâu. Những điều đó làm bạn vui hơn, tốt hơn và cũng đồng thời củng cố lòng tốt của chính bạn. Được giúp đỡ và trả ơn lại cho đời bằng cách giúp đỡ những người khác. Thế nhưng lòng tốt cũng cần đôi phần sắc sảo: lòng tốt cần phải đi cùng với lí trí tỉnh táo, nhận thức sáng suốt về đối tượng cần giúp đỡ và cách thức giúp đỡ, nêú không sẽ trở thành vô ích. Bạn có thể lo lắng thay người khác nhưng cũng cần tỉnh táo để nhận ra lúc nào họ thực sự cần giúp đỡ, nhất là về tiền bạc, bởi nếu bạn giúp đỡ người ta mãi cũng chỉ khiến người ta lợi dụng bạn, người ta trở nên lười lao động, trở thành một diễn viên biết khóc thì thật không công bằng với chính bạn.

Giúp đỡ người khác cần đúng cách thức, đúng lúc. Sau cơn bão khiến căn nhà tan hoang, thức ăn cũng hư hại, thì một gói xôi khi đói cần thiết hơn tiền bạc mà không có nơi dùng. Trái lại, khi đang cần tiền để lo trả viện phí hoặc một năm làm ăn thất bát, món nợ ngân hàng khổng lồ vẫn chưa thể trả lãi, thì số tiền lại là sự cần thiết hơn ngàn lời nói suông. Với những thứ vượt quá khả năng của bạn, thì bạn có thể lựa chọn ưu tiên trợ giúp cho những điều quan trọng nhất, trước tiên là giữ tính mạng, sau đó là người già, trẻ em cơ nhỡ, người khuyết tật, những người thực sự mất đi khả năng tự lo cho cuộc sống, rộng ra là những người xung quanh bạn, động vật bị bỏ rơi, thậm chí là người thân trong gia đình, những người thực sự cần giúp đỡ mà bạn bỏ quên. Lòng tốt đâu xa, trước hết từ việc sống và đối xử tử tế với mọi thứ xung quanh mình đúng không?

Đôi khi bạn sẵn sàng nhịn ăn nhịn mặc để giúp đỡ ai đó và bạn phát hiện người ta không hề cảm kích mà coi đó là lẽ đương nhiên, coi bạn là đồ ngốc, bạn phát hiện ra đồng tiền mình không nỡ tiêu thành chiếc váy người khác mặc trên người, đem đi làm đồ khoe mẽ. Chính vì những kẻ sâu mọt, lợi dụng lòng tốt đã khiến người ta mỗi khi muốn làm việc tốt đều lo sợ mình bị lợi dụng, lòng tốt bắt đầu cạn kiệt. Đừng vì những thông tin, đừng vì những kẻ xấu mà bạn đánh mất lòng tốt, biến mình thành kẻ đa nghi. Nếu chúng ta “sắc sảo”, tỉnh táo nhìn nhận mọi việc, thì chúng ta vẫn thể sống với lòng tốt của chính mình. Trước tiên, đừng nghĩ tới những hoàn cảnh khó khăn xa xôi, xung quanh ta chắc chắn vẫn còn nhiều người cần giúp đỡ. Giúp đỡ một lần và xác đáng, có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu kĩ trước khi ra quyết định trợ giúp lớn. Thông qua các tổ chức hoặc người đáng tin để gửi gắm nhờ cậy tiền bạc. Bạn cũng cần học cách kiên quyết, không mềm lòng, không dễ dàng tha thứ với những kẻ có dấu hiệu lợi dụng lòng tốt, những kẻ lười nhác nhưng chăm khóc lóc kể lể.

Ngày nay, lòng tốt là con dao hai lưỡi, có thể giúp người mà cũng có thể hại người, thật khó tin nhưng lại có thật. Lòng tốt của bạn thêm phần sắc sảo – được ví như một gáo nước lạnh làm bừng tỉnh cho nhiều người có lòng tốt nhưng phải chọn lọc.

Lòng tốt luôn quan trọng, đôi khi cho đi cũng là để nhận lại, không phải mong nhận lại cái chúng ta đã từng cho, mong sự báo đáp, mà nhận lại trước tiên là sự an yên trong tâm hồn mỗi người. Sự tử tế làm cho tâm hồn mỗi người nở hoa, do vậy, đừng vì từng bị chà đạp mà trở nên khô cằn lòng tốt. Hiểu về lòng tốt và biết cách đặt ra giới hạn sẽ khiến chúng ta được tôn trọng, không bị lợi dụng và không gây ra điều xấu cho xã hội. Biết giữ gìn lòng tốt một cách thông minh để câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” được vang mãi muôn đời.

Bài viết: Phong Cầm – Văn học trẻ 

Lòng tốt của con người cũng có thể chữa lành các vết thương nhưng lòng tốt cũng cần đôi phần sắc sảo

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close