TẢN VĂNVăn học Việt Nam

Vườn rau diếp của mẹ

Hái loại rau này hái ăn mà chấm với cà chua sốt cá hay thịt lợn nêm nước mắm nhĩ, mì chính cánh, rắc gia vị tiêu, hành thì ngon ơi là ngon lại hợp khẩu vị mới cực kỳ trong bữa cơm trưa hay bữa tối của mỗi gia đình nông thôn hay phố thị. Tuyệt!

Trời đã sang đông được hơn nửa tháng. Hình như tiết trời lành lạnh ấy phù hợp cho các loại rau như su hào, cải bắp, súp lơ, rau mùi thơm, xà lách, rau diếp… tha hồ đua nhau phát triển. Mới ngày nào cùng mẹ ra vườn cuốc xới cho đất tơi xốp rồi đánh luống để trồng mà nay rau nào cũng đã được thu hoạch. Thích ơi là thích!

Những luống rau cùng nhau phủ một màu xanh non trông thích lắm. Tôi cứ chăm chăm nhìn mãi mấy luống rau diếp và đám rau mùi thơm. Hái loại rau này hái ăn mà chấm với cà chua sốt cá hay thịt lợn nêm nước mắm nhĩ, mì chính cánh, rắc gia vị tiêu, hành thì ngon ơi là ngon lại hợp khẩu vị mới cực kỳ trong bữa cơm trưa hay bữa tối của mỗi gia đình nông thôn hay phố thị. Tuyệt!

Rau diếp trồng từ khi gieo hạt cho tới lúc được hái ăn cũng không lâu lắm. Mẹ gieo hạt chỉ có một đám khoảng một vuông đất thôi chứ không nhiều. Ban đầu, rau mọc cây con li ti, li ti trải một màu vàng non. Khoảng một tuần chăm sóc là cây được bứng để trồng ra luống. Thời gian cây còn chưa mọc, mẹ tôi gieo hạt xuống rồi phủ lớp rơm mục lên mặt luống để tưới nước giữ ẩm tránh mưa phùn rả rích nhiều ngày cây con không mọc được, không khéo đất lại chai lì. Ba ngày sau, mẹ mở lớp rơm ra, cây đã mọc chồi khỏi mặt đất. Mẹ nhẹ nhàng cuốn tròn lớp rơm lại, để vào chỗ nào đó thật cẩn thận và kín đáo kẻo mấy con gà mái mẹ ngứa chân bới lung tung kiếm mồi.

Rau dần dần lớn, cao khoảng 10cm, khi đó được hai lá non, mẹ bắt đầu lấy con dao con tra cán gỗ cỡ bằng con dao Thái Lan bứng xen kẽ từng cây bỏ vào cái rổ con con mang trồng ra từng luống. Lúc trồng ra các luống, mẹ bảo chúng tôi xé miếng lá chuối hột mà mẹ đã rọc sẵn từng sấp gấp để bên hông hè nhà mang ra che nắng cho rau. Mỗi miếng bằng bàn tay người lớn cùng với bó que nứa mẹ đã chuẩn bị sẵn phủ cho rau khỏi bị héo.

Rau bén đất rồi phát triển thì nhặt lá chuối bỏ vào hố cho đừng vương vãi. Còn cây que không gom lại mà cắm cạnh từng cây cho mẹ làm gì đấy. Tôi đứng nhìn trân trân vào cách mẹ gom que. Không hiểu sao mẹ lại chừa cỡ 10 cây nứa cho 10 cây rau mà lại không hết tất cả mới lạ cơ chứ. Mãi sau mới hiểu rằng 10 cây rau đó mẹ chừa lại chọn làm giống cho mùa trồng năm sau, chẳng mất đồng nào đi mua hạt giống ngoài chợ.

Thoắt cái, rau tươi tốt, nhiều tàu dài xanh non trông vàng ươm phủ kín luống. Rau diếp cứ thế mà lớn dần. Tới ngày thu hoạch rau, mẹ dùng tay bấm những lá vươn dài trong mỗi cây rồi chừa lá non trên ngọn để cho chúng tiếp tục ra nữa. Tay mẹ hái và sắp xếp bó rau đẹp lắm. Mỗi bó rau mẹ cài khoảng 5 cây rau mùi thơm gắn trên bó rau. Mẹ dùng cọng rơm thấm nước buộc lại cho rau không bị nát. Nhìn mẹ làm thành thục và nhanh thoăn thoắt. Trong chốc lát đã chất đầy một gánh rau. Rau mẹ thường hái lúc chiều tối hoặc sáng sớm mai cho kịp buổi chợ với lại rau tươi và đẹp hơn. Khách trông vào thấy ưng mắt là mua ngay.

Rau diếp hái vào ăn là phải dùng hai ngón tay cái và trỏ tuốt từ cuống lá vì lá rau diếp có đường gân ở giữa giống đường gân lá chuối. Tuốt lấy phần lá hai bên và bỏ phần gân đó cho lợn ăn. Rau tuốt xong mang ngâm nước muối trong khoảng 5 phút rồi vớt ra kẻo giập nát. Sau đó rửa rau mùi thơm trộn vào thì ngon thật là ngon. Ăn rổ rau diếp với bữa cơm ngày đông mới thấy nỗi nhọc nhằn, vất vả của mẹ bao ngày chăm vườn rau. Nhìn những luống rau mẹ trồng và những bó rau mẹ bó mang đi chợ bán ai cũng thương thương, nhớ nhớ mẹ một thuở nuôi chúng tôi khôn lớn. Từ luống rau này mà có những bữa cơm ngon thoảng trong căn bếp tranh ấm cúng.

Mẹ tôi không còn nữa, mỗi khi mùa đông về, nhìn mảnh vườn trồng những hàng rau diếp hay thoáng trông vườn nhà ai đó có luống rau diếp chen vạt mùi thơm xanh tốt, tôi lại thầm nhớ tới mẹ ngày nào lom khom chăm sóc rau và kĩu kịt gánh rau lên chợ bán.

Mỗi lần nhớ đến, tôi lại rưng rưng nước mắt thương mẹ và tự trách mình vô cùng, những nông nổi của tuổi ấu thơ đã khiến tôi không biết quý trọng đồng tiền mà mẹ phải chắt chiu, dành dụm từ vườn rau diếp… Mỗi lần nhớ đến, tôi không làm sao quên được ánh mắt buồn đến nao lòng của mẹ. Chắc hẳn mẹ phải thất vọng vô cùng khi đứa con trai mà mình thương yêu hết mực lại có một hành động sốc nổi đến như vậy… hôm ấy mẹ đưa tiền cho tôi bảo mang đến đóng học phí cho cô giáo nhưng trời xui đất khiến, khi tôi đi qua hàng quà vặt gần trường, sức hấp dẫn của những que kẹo đủ màu sắc đã lôi cuốn tôi, khiến tôi không rời đi được… mình chỉ mua một que kem thôi mà… chắc mẹ không biết đâu… Thế là, tôi đầu hàng trước cám dỗ… cầm que kem mát lạnh trên tay tôi quên đi những giọt mồ hôi của mẹ rơi khi cuốc đất làm vườn, tôi chẳng nhớ bàn tay chai sần và công sức mẹ phải bò ra khi lọ mọ hái rau lúc sáng sớm… và điều đáng trách hơn nữa là trong một phút sĩ diện khi bị một thằng bạn cùng lớp châm chọc “Định hôm nay cũng có tiền mua kem cơ à?” Tôi lao vào đánh nó đến chảy máu miệng và tuyên bố đãi tất cả lũ bạn đang xúm đông xúm đỏ xem đánh nhau mỗi đứa một que kem… trời ơi! Giá mà tôi biết đó là tiền mồ hôi nước mắt của mẹ… giá mà tôi hiểu mẹ đã đặt vào tôi biết bao nhiêu kỳ vọng… khi phút bốc đồng qua đi… tôi ân hận vô cùng… tôi thấy mình…  chẳng khác nào một ngọn rau diếp bị sâu… bao năm qua… tôi vẫn nợ mẹ một lời xin lỗi… bây giờ tôi không còn cơ hội để xin lỗi mẹ vì những lỗi lầm lớn nhỏ mà tôi đã gây ra… chỉ còn nén hương trầm thoang thoảng thay tôi nói lời yêu thương và xin lỗi tới mẹ mà thôi….

Bài của Phùng Văn Định

 

Tags
Show More

Related Articles

2 thoughts on “Vườn rau diếp của mẹ”

  1. Truyện của Phùng Văn Định là một nỗi buồn man nhưng sâu sắc đủ khiến người đọc nhói đau cùng tác giả. Tôi chia sẻ với bạn và gửi lời khen chân thành tới bạn vì bạn viết văn tả cảnh rất hay. Cũng bắt đền bạn vì tả vườn rau diếp ngon quá làm tôi thèm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close