TẢN VĂN
Đường về nhà
Đường về nhà
Bước chân ta đều nhịp bước trong những tiếng ru hời của thời gian. Qua quãng thời gian trưởng thành đã có biết bao nẻo đường in dấu chân ta. Nhưng với tôi, dù có đi qua bao nhiêu con đường nữa thì tôi cũng chẳng quên được nẻo đường quê bình dị trải dài suốt cả một miền tuổi thơ.
Tôi vẫn nhớ như in con đường đầy đất sỏi đưa lối tôi về nhà. Con đường khiêm tốn khoác lên mình một dáng vẻ thật giản dị. Với cái màu sỏi đá nhuộm nâu như hoà cùng cái màu lấm lem bùn đất của những người nông dân chất phát, hồn hậu. Nhưng cái sỏi đá ấy không mang lại sự cứng cáp, thô kệch. Bởi nó khép mình, nằm im lìm theo những nét uốn lượn quanh co đầy mềm mại của con đường. Con đường trìu mến chạy men theo những cánh đồng lúa thơm hương làng quê, dọc theo dòng sông hiền hoà đỏ nặng phù sa – thứ quà thơm thảo dành cho những miền đất mà nó đi qua.
Phía hai bên đường là đủ thứ loại cỏ hoa như đang dùng hương sắc của mình để mê dụ đàn ong bướm bay lượn dập dìu. Thỉnh thoảng, chúng hút mật rồi đậu im lìm trên những nụ dâm bụt đỏ chói. Phía xa xa là những rặng tre, hàng cau ôm lấy mảnh hồn quê trìu mến. Bất kể dù mưa hay nắng, con đường vẫn luôn hiện ra với một dáng vẻ rạng ngời, kiêu hãnh đầy sức sống. Thứ hương toả ra từ những quả mít làm cho ai đi qua cũng phải say sưa, chất ngất. Rồi cả hương xoài, hương chanh đọng lại thơm lừng cả đất trời.
Con đường vẫn mãi ở đó, gối đầu lên những bước chân của năm tháng qua đi. Khi xuân đã chạm ngõ giao mùa, những cơn gió mang thứ dư vị ngọt ngào của hoa cỏ, chảy tràn trên khắp thôn quê. Hai bên đường dâng lên một màu xanh rì của cỏ non, căng mọng của sương đêm còn sót lại. Đến khi hạ về, đất trời như gắt gỏng, nắng tươm mật đọng thành từng vũng. Những nhành phượng ven đường cũng kịp thắp lửa chia tay tuổi học trò. Rồi khi tiếng ve ngân phai dần theo bóng nắng cũng chính là lúc hạ tàn thu sang. Nắng cũng vì thế mà cứ ươn ướt, mềm mại như dải lụa. Cả đất trời lâng lâng trong thứ men vào hồi ủ lá. Rồi đông về, sương giăng mắc, phong kín cả cung đường. Đôi khi trong hơi thở run rẩy của đất trời, ta nghe được thứ hương thoang thoảng của bắp ngô, củ khoai ai đã lùi trong bếp lửa buổi sớm.
Bốn mùa cứ mải miết qua đi, con đường ấy đã thấm đượm những giọt mồ hôi mặn mòi của cha mẹ giữa những ban trưa nắng cháy. Nơi ấy, tôi nghe nỗi nhớ trong lòng mình đã vào độ chín muồi, toả thứ hương ngào ngạt của đất, của mạ non, của ụ rơm vàng. Những thứ mùi hương làm lòng tôi gợn lên những nỗi nhớ về cả thời thơ ấu mà mình đã đi qua. Đó là những buổi trưa ngồi nơi đầu ngõ đợi mẹ đi chợ về với mong mỏi mẹ sẽ mua cho mình gói bánh hay vài cái kẹo. Thỉnh thoảng lại giật mình vì những cơn gió trêu đùa xào xạo trên làn sóng lúa. Hay là những buổi chiều tan học, thong dong về nhà trên chiếc xe đạp, vừa đi tôi vừa ngắm nắng chiều dần phai, màn đêm rót thêm đầy đặn phía cuối trời. Những nốt hoàng hôn ngân lên da diết trong bản giao hưởng ngày phai, cả con đường chìm trong một vẻ buồn khó tả của thanh âm chiều rơi.
Tôi đã từng ước rằng con đường ấy cũng như những cánh phượng vĩ để tôi có thể ép vào trang vở để làm kỉ niệm. Bởi đường về nhà khi trưởng thành có lẽ chúng ta sẽ ít đi hơn, bởi cuộc sống ngoài kia luôn cuốn ta vào những bộn bề, lo toan. Rồi tôi lo sợ một ngày nào đó mình sẽ quên đi con đường ấy. Nhưng giờ đây, tôi chợt nhận ra rằng con đường vẫn luôn ở mãi trong trái tim tôi, đã là một phần kí ức không thể nào phai nhạt.
Xa quê lâu ngày, có lẽ mỗi chúng ta sẽ ước được như cái thuở tập tễnh biết đi, được giẫm chân trần trên con đường của quê hương, buông chân vào từng thớ đất, nghe quê hương mềm mại, dịu hiền, nghe đất rì rầm chuyện thời ấu thơ, để bước về miền nhớ với triền miên kỉ niệm.
Đường về nhà là con đường đẹp nhất bởi nơi ấy có gia đình luôn mong ngóng chúng ta trở về.
Tác giả Đặng Văn Hường
Xem thêm tản văn hay cùng tác giả đăng trên Văn học trẻ
Lời bàn của BTV về tản văn “Đường về nhà”
Có những chứng nhân lịch sử đã cùng con người trải qua bao năm tháng, đón đợi người về sau bao năm tháng qua. Đó cũng là chứng nhân cho bốn mùa xuân hạ thu đông, chứng kiến quê hương lặng yên thay đổi từng ngày. Qua những niềm nhớ về từng mùa mà tác giả đã có với con đường, vị quê hương đã thấm vào trong tâm hồn người văn sĩ và con đường cũng là một người bạn luôn bên cạnh để chia sẻ tất cả, có lẽ vì vậy mà nó có vị trí đặc biệt với Hường.
Con người ta, sau khi đi đây đó đến mọi nơi lại nhận ra rằng:
“Đường về nhà là con đường đẹp nhất bởi nơi ấy có gia đình luôn mong ngóng chúng ta trở về.”
Cải thiện vốn từ văn học, nguồn cảm hứng