Bài văn hay THPTNGỮ VĂN 12Những bài văn hay
Quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu về người nghệ sĩ và cuộc đời
Nhận xét quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu về người nghệ sĩ và cuộc đời qua Chiếc thuyền ngoài xa.
Nguyễn Minh Châu làLà một nhà văn suốt đời nỗ lực khám phá cái đẹp và sự chân thực của đời sống, ông đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật và có một vị trí đặc biệt quan trọng trong văn đàn khi được mệnh danh là người tiền trạm đổi mới hay người mở đường tinh anh và tài năng của văn học Việt Nam sau 1975. Ông chuyên viết về cuộc sống thường nhật của con người và gửi đến nhiều thông điệp giàu ý nghĩa, cốt truyện và nhân vật hết sức đặc biệt đã khiến tên tuổi của nhà văn luôn nhận được quan tâm hàng đầu từ độc giả. Trong mỗi tác phẩm của ông luôn thể hiện rõ quan điểm nghệ thuật với cuộc đời: nghệ thuật chân chính cần bắt nguồn từ cuộc đời, con người và phải vì cuộc đời và con người để phát triển.
Cuộc sống có những nghịch lí mà con người buộc phải chấp nhận, “sống chung” với nó. Muốn con người thoát ra khỏi cảnh đau khổ, tối tăm, cần có những giải pháp thiết thực chứ không phải không phải chỉ là thiện chí hoặc các lý thuyết đẹp nhưng xa rời thực tiễn.
Chiếc thuyền ngoài xa giống như một gợi ý về khoảng cách, về cự li nhìn ngắm đời sống mà người nghệ sĩ cần coi trọng. Khi quan sát từ“ngoài xa” người nghệ sĩ không thể thấy hết những mảng tối, những góc khuất. Chủ nghĩa nhân đạo trong nghệ thuật không thể xa lạ với số phận cụ thể của con người. Nghệ thuật mà không vì cuộc sống con người thì nghệ thuật chẳng có ích gì. Người nghệ sĩ khi thực sự sống cuộc sống, thực sự hiểu con người thì mới có những sáng tạo nghệ thuật có giá trị đích thực góp phần cải tạo cuộc sống. Tạo ra tình huống đối lập ấy, nhà văn muốn truyền tới người đọc thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ sĩ và cuộc đời. Những tác phẩm nghệ thuật vô giá không phải tự dưng mà đến, đó là kết quả của quá trình lao động miệt mài hăng say. Khi bắt gặp cảnh đẹp người nghệ sĩ thấy tâm hồn mình trong sáng vô ngần. Từ đây nhà văn muốn nhấn mạnh đến khả năng nhân đạo hoá con người của nghệ thuật chân chính: “Cái đẹp cứu vớt con người”. Để có được phát hiện thứ nhất, người nghệ sĩ phải trăn trở tìm kiếm và lựa chọn, cảnh đẹp ở rất xa nhưng vì niềm đam mê và khát vọng cống hiến cho nghệ thuật nên phải đi tìm kiếm. Phát hiện thứ hai lại ở rất gần, ngay bên cạnh cuộc sống mỗi người, nhưng đó lại là sự thật trần trụi và thô ráp, chỉ mang những nỗi khổ đau, bất bình. Đôi khi ta cứ mải miết theo đuổi những thứ xa vời mà bỏ qua những sự thật ngay trước mắt. Ở cả hai phát hiện đều có hình ảnh chiếc thuyền, khi ở ngoài xa, chiếc thuyền là vẻ đẹp của nghệ thuật lung linh, huyền ảo, khi về gần cũng là lúc sự thật cuộc đời hiện ra. Nguyễn Minh Châu đã nói với chúng ta rằng: “Nghệ thuật không bao giờ dừng lại ở cái vẻ đẹp bên ngoài, nếu chỉ dừng lại ở cái vẻ đẹp bên ngoài thôi thì người nghệ sĩ đã chẳng phải là một người nghệ sĩ tài năng rồi”. Nhưng người nghệ sĩ còn cần phải vượt qua cái vẻ đẹp bề ngoài ấy, cái vẻ đẹp mà Thạch Lam trong tiểu luận “Theo giòng” đã nói: “Đó là vẻ đẹp của hoa, của liễu để đi tìm được cái hạt ngọc trai, ẩn giấu bên trong cái vỏ bề ngoài xù xì của lớp vỏ trai”.
Đúng như Thạch Lam đã nói: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở những vật tầm thường. Công việc của nhà văn là hiểu cái đẹp ở chỗ mà không ngờ tới, tìm kiếm cái đẹp kín đáo và che lấp, cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”. Xóa mờ đi cái mơ hồ, lòe nhòe của màn sương hồng sớm mai, cảnh bạo lực trong gia đình hàng chài khiến Phùng nhận ra rằng: Để hiểu được sự thật đời sống không thể nhìn một cách đơn giản, người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn. Nghệ thuật chân chính phải luôn gắn bó với cuộc đời và người nghệ sĩ không thể nhìn đời một cách đơn giản, cần phải nhìn cuộc sống và con người một cách đa diện, nhiều chiều. Bởi, hóa ra đằng sau vẻ đẹp “toàn bích” đầy nghệ thuật mà anh vừa chụp được trên mặt biển lại chẳng phải là “đạo đức” hay “chân lý của sự toàn thiện”, mà là sự tồn tại của cái ác, cái xấu, của nỗi đau khổ, tủi nhục.
Như vậy, thông qua sự đối lập trong hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng, nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn nêu ra một điều chiêm nghiệm sâu sắc: Cần phải gắn nghệ thuật với cuộc đời, bởi “nghệ thuật chân chính luôn được khơi dậy từ cuộc đời và quay trở lại cuộc đời”. Người nghệ sĩ không được phép nhìn sự vật một cách đơn giản, dễ dãi, phải có tấm lòng biết trăn trở về con người, phải đào xới vào những tầng sâu của đời sống để làm hé lộ những “hạt ngọc trong tâm hồn” có thể còn mang những lấm láp của cát bụi đời thường. Nghệ thuật và cuộc sống luôn luôn có quan hệ mật thiết với nhau. Nếu nghệ thuật không bám sâu vào đời sống thì nghệ thuật sẽ như cái cây bị héo khô vì thiếu những mạch nước ngầm. Hiện thực xã hội là mảnh đất sống của văn chương, là chất mật làm nên tính chân thực, tính tự nhiên, tính đúng đắn, tính thực tế của tác phẩm văn học. Một tác phẩm có giá trị hiện thực baọ giờ cũng giúp người ta nhận thức được tính quy luật của hiện thực và chân lý đời sống. Người nghệ sĩ phải “lặn ngụp” sâu vào cuộc đời để làm sáng lên cốt lõi của cuộc sống. Nếu xa rời cuộc sống, người nghệ sĩ cũng sẽ đánh mất đi thiên chức cao quý nhất của nghệ thuật: Nghệ thuật vị nhân sinh.
“Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó” (Biêlinxki). Tìm đến những tác phẩm văn học, người đọc đâu chỉ mong chờ vài phút giây giải trí bâng quơ. Trang sách đóng lại, tác phẩm nghệ thuật mới mở ra và “cuộc đời là điểm khởi đầu và là điểm đi tới của văn chương”. Nguyễn Minh Châu từng khẳng định: “Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử”. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận giữa cuộc sống và con người, một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thực sự sau vẻ ngoài đẹp đẽ của hiện tượng.
Quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu về người nghệ sĩ và cuộc đời