NGỮ VĂN 12Những bài văn hay
Sự trần thuật từ nhiều điểm nhìn là bằng chứng quan trọng về đổi mới quan niệm văn xuôi
Đề văn HSG tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021
Có ý kiến cho rằng: “Sự trần thuật từ nhiều điểm nhìn là bằng chứng quan trọng về đổi mới quan niệm văn xuôi”
(Tài liệu chuyên văn, Đỗ Ngọc Thống chủ biên)
Bằng trải nghiệm văn học giai đoạn sau 1975, anh chị hãy bình luận ý kiến trên.
Bài làm
Trần thuật là phương diện hình thức cơ bản của tác phẩm tự sự, có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải ý đồ nghệ thuật cũng như thái độ thẩm mĩ của nhà văn. Sự dịch chuyển từ điểm nhìn đại diện cộng đồng sang điểm nhìn cá nhân trong truyện ngắn còn rõ rệt hơn nữa. Văn học sau 1975 đã thể hiện rất rõ sự chuyển đổi điểm nhìn thể hiện sự đổi mới quan niệm văn xuôi mà ta có thể thấy được rất rõ qua trường hợp của Nguyễn Minh Châu và truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa .
Tại sao nói “Sự trần thuật từ nhiều điểm nhìn là bằng chứng quan trọng về đổi mới quan niệm văn xuôi”?
Trước 1975, Chủ thể trần thuật ngôi thứ ba hay ngôi thứ nhất theo điểm nhìn bên trong hay bên ngoài thì đều tập trung thể hiện tâm lí nhân vật, cuộc đời nhân vật để người đọc đồng cảm với số phận nhân vật ấy. Người kể chuyện trong văn xuôi Việt Nam từ 1945 – 1975 thường đồng nhất cái nhìn của mình với chân lí. Đó là cái nhìn “toàn tri”, được bảo đảm bằng kinh nghiệm của cộng đồng.
Trước 1975, điểm nhìn trần thuật của Nguyễn Minh Châu theo xu hướng hướng ngoại từ cái chung đến cái cao cả, điểm nhìn của ông từ đầu đến cuối tác phẩm chủ để trần thuật vừa là người dẫn truyện vừa là người hướng đạo cho độc giả, giọng văn sử thi trang nghiêm, ngợi ca với hình ảnh tráng lệ hào hùng đã trở thành chủ âm, nhân vật trung tâm thì bao giờ cũng ở ngôi thứ ba. Đó là lí do khiến cho hình tượng người kể chuyện bao trùm lên tất cả, thay mặt cho tất cả, nói tiếng nói của tất cả. Ngòi bút của ông cũng chạm vào được nỗi đau số phận gợi trắc ẩn con người nhưng phần lớn không đi sâu vào ngõ ngách con người. Tiêu biểu như “Mảnh trăng cuối rừng”, nhân vật Nguyệt, Lâm mà Nguyễn Minh Châu xây dựng vẫn mang chất sử thi, biểu tượng cho cái đẹp trong tâm hồn con người Việt Nam, điểm nhìn của tác giả hướng bạn đọc đến cái cao cả, tình yêu cá nhân lu mờ trước tình yêu đất nước.
Tới sau 1975 khi quan niệm về hiện thực và con người có sự thay đổi thì điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm ông cũng có sự thay đổi. Xuất phát từ quan điểm lấy con người làm đối tượng phản ánh, Nguyễn Minh Châu từng bước chuyển từ quan điểm trần thuật sử thi sang góc độ đời tư – thế sự. “Có bao nhiêu cái đầu thì có bấy nhiêu cách suy nghĩ, có bao nhiêu trái tim thì có bấy nhiêu cách yêu thương” (L.Tôn xtôi), câu nói đậm chất nhân bản soi sáng cho quan điểm trần thuật mới của Nguyễn Minh Châu. Ở truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau 1975, nhân vật có nhiều điểm nhìn trong các mối quan hệ khác nhau, các hoàn cảnh khác nhau để tìm ra cốt lõi bên trong, cả ánh sáng và bóng tối, ….
Trong Chiếc thuyền ngoài xa, tác giả đã luân phiên, lồng ghép điểm nhìn trần thuật – đây là hiện tượng tác phẩm không mặc định ở một điểm nhìn mà luôn đan xen, dịch chuyển từ điểm nhìn này sang điểm nhìn khác. Nhiều nhân vật trong tác phẩm luân phiên nhau đóng vai trò người kể chuyện, và từng nhân vật ấy bày tỏ cách nhìn riêng của mình về hiện thực. Cũng có khi, cùng lúc tồn tại nhiều điểm nhìn, các điểm nhìn chồng lên nhau, đan chéo, móc nối với nhau để mở ra cho người đọc những khám phá mới về đối tượng. Điều này tạo nên tính phức điệu, đa âm cho câu chuyện và tác phẩm văn xuôi trở thành một cấu trúc đa tầng, cùng lúc vang lên nhiều tiếng nói khác nhau. Trước số phận cơ cực, bất hạnh của người đàn bà trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu để cho nhiều điểm nhìn cùng soi rọi vào: cái nhìn trẻ thơ, non nớt của đứa con trai kết án ông bố tàn bạo, và thề sẽ giết ông ta để bảo vệ mẹ. Nhưng con chị thì hiểu biết hơn, vừa khóc lóc vừa can ngăn em. Nhà nhiếp ảnh thì sẵn sàng “giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”. Viên thẩm phán thì khăng khăng: ly hôn là giải pháp đúng đắn nhất. Nhưng người đàn bà, kẻ hứng chịu những trận đòn roi tàn nhẫn và phi lý của chồng lại nhìn nhận khác hẳn: bà hiểu chồng, thương con, hiểu tình cảnh nan giải của gia đình mình; biết mình phải nhẫn nhục, cam chịu để bầy con đông đúc khỏi chết đói. Bi kịch của mẹ con bà không dễ dàng giải quyết được nếu chỉ trông cậy vào thiện chí cá nhân. Người đàn bà ấy có cái trí khôn của đời sống. Bà ta không ảo tưởng: “Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có hiểu được người làm ăn lam lũ, khó nhọc…”. Rõ ràng, nhân vật người đàn bà hiện diện trước ống kính “vạn hoa” của tác phẩm. Và bạn đọc không dễ dàng phán xét đơn giản đúng – sai từ một phía, mà phải thận trọng cân nhắc từ nhiều phía để cắt nghĩa sao cho thấu tình đạt lí. Người đàn bà ấy vừa đáng giận lại vừa đáng thương. Phía sau gương mặt xấu xí của bà ta là vẻ đẹp ẩn khuất trong tâm hồn, vẻ đẹp của mẫu tính: dám hy sinh và chịu trách nhiệm trước đàn con của mình.
Lồng ghép điểm nhìn trần thuật để làm mới kĩ thuật tự sự., trong tác phẩm có sự tương tác giữa điểm nhìn của người kể chuyện với một hoặc nhiều nhân vật, tạo ra sự hoà phối, đan xen, phức hợp của nhiều kinh nghiệm, nhiều luồng tư tưởng, có khi cùng chiều, có khi đối nghịch. Hẳn rằng viên thẩm phán và người nghệ sĩ tên Phùng đại diện cho một cách nhìn, họ với cái nhìn chính nghĩa, muốn tìm cái đẹp và xóa sổ những thứ xấu xa còn tồn tại. Vậy nhưng ở quan điểm của người phụ nữ, việc chịu đựng cơn đòn mà đàn con đủ ăn vẫn còn may mắn, tốt đẹp hơn nhiều so với việc chấm dứt bạo hành mà mất đi trụ cột, mất đi kinh tế. Trong lời nói của người đàn bà còn hé lộ bản tính người chồng mình không ác, chẳng qua do quá khổ, lại không nỡ bỏ vợ con đi 1 mình, đành trút cái sự khổ lên người vợ để giải tỏa. Trong một khung cảnh đẹp, một bức ảnh đầy nghệ thuật, ta dám chắc rằng nó không có câu chuyện riêng của nó? Sau một sự việc mà ta nhận định mình đúng trăm phần trăm liệu có điều gì uẩn khúc. Đặc biệt khi Nguyễn Minh Châu cố miêu tả hình dáng bên ngoài của người đàn ông mặc đồ lính Ngụy – trước nay vẫn bị coi là những kẻ phản quốc, những kẻ xấu, liệu họ có xấu xa hoàn toàn. Cần phải nhìn nhận mọi thứ tòan diện nhất trước khi đưa ra phán xét cuối cùng có lẽ là thông điệp mà Nguyễn Minh Châu gửi gắm.
Có thể thấy, xu hướng vận động của điểm nhìn trần thuật trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 là không ngừng gia tăng điểm nhìn cá thể, và đa dạng hóa điểm nhìn trần thuật. Trước áp lực cạnh tranh từ các phương tiện giải trí – truyền thông, lối sống và nhịp độ sống của thời đại kỹ trị… buộc người viết văn phải nỗ lực kiếm tìm hình thức mới cho văn xuôi Việt Nam đương đại. Dường như nhà văn hôm nay đang cố gắng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Có thể viết văn như thế nào? Khi tái hiện hiện thực đời sống, nhiều nhà văn có xu hướng vượt khỏi mô hình trần thuật quen thuộc, xác lập mối quan hệ mới giữa văn chương với hiện thực, giữa nhà văn với bạn đọc để tạo ra những kinh nghiệm đọc mới. Đa dạng hóa điểm nhìn, phá vỡ cái nhìn toàn tri; văn xuôi đương đại tìm đến những điểm nhìn mang rõ dấu ấn cá nhân, cá thể. Văn học của điểm nhìn nhìn trần thuật như vậy đúng là không dễ đọc với mọi độc giả, đặc biệt là những độc giả yêu thích sự mực thước, hiền lành.
Trường hợp của Nguyễn Minh Châu và Chiếc thuyền ngoài xa là một minh chứng rõ nét cho việc đổi mới quan niệm văn xuôi qua việc gia tăng điểm nhìn trần thuật, xu hướng nhạt dần điểm nhìn đại diện cộng đồng, gia tăng điểm nhìn cá thể hoá để đi sâu vào đời sống từng cá thể , đa dạng hóa cuộc sống này một cách chính xác nhất. Không nói tới văn học, việc mỗi cá nhân trong thế kỉ 21 cũng nên tự đổi mới điểm nhìn của chính mình, thay vì non nớt nhìn cuộc đời một chiều, ta cần nhìn ở nhiều góc độ, tăng cường tri thức để có cái nhìn đúng đắn nhất về mỗi con người, mỗi sự việc. Sự trần thuật từ nhiều điểm nhìn chính là xu hướng phát triển văn học đúng đắn và quan trọng để phù hợp với dòng chảy của xã hội.
Bài viết của Phong Cầm – Văn học trẻ
(Có tham khảo bài viết Xu hướng vận động điểm nhìn trần thuật của TS Nguyễn Thị Tuyết Minh HPU2)
Sự gia tăng điểm nhìn trần thuật ở VH Việt Nam sau 1975, theo mình, là một trong những phát súng quan trọng cho một loạt các sự thay đổi trong cách thức xây dựng tác phẩm về sau. Việc liên kết đa điểm nhìn trong văn bản tạo nên một mạng lưới thú vị, có chiều sâu về cốt truyện cũng như thông điệp của tác phẩm. Rất đáng để học hỏi ^^