THƠ CAVăn học Tuổi trẻ

Chùm thơ về cha mẹ

Chùm thơ về cha mẹ của tác giả Hoa phù sa gồm 4 bài thơ: 1. Giọt thời gian đọng lại, 2. Mẹ; 3. Cha ơi; 4. Tiếng ru của mẹ với những áng thơ chất chứa tình cảm của tác giả dành cho đấng sinh thành.

1. Giọt thời gian đọng lại

Giọt thời gian đọng lại
Trên mái tóc hoa râm
Cha đương thời có tuổi
Bước đi cũng chậm dần
Ngồi mình trên bậc cửa
Mở đôi mắt già nua
Nhìn lại đường chọn lựa
Bỗng chán cảnh ganh đua
Con thì toàn con gái
Lớn lần lượt theo chồng
Khi ốm đau bệnh tật
Nằm mình lặng lẽ trông
Nhìn bao người cùng tuổi
Có con cháu thay nhau
Mình làm chi  nên tội
Mà lệ ướt mắt nâu
Giọt thời gian đọng lại
Ở trên làn da ngăm
Cha bước về thui thủi
Ước con trở về thăm
Con mải theo cuộc sống
Kiếm cơm áo gạo tiền
Thi thoảng mưa ghé lại
Vẫn toe toét điềm nhiên
Giọt thời gian đọng lại
Bất chợt thấy cha già
Chờ con con bỏ mặc
Hối hận đến xót xa
Nhắn người trong cuộc sống
Hãy trân quý một điều
Cha mẹ là độc nhất
Nên hãy cố mà yêu.

2. Mẹ

Con non nớt ban sơ
Trắng ngần như trang giấy
Mẹ trồng vào trong ấy
Những hạt ngọc dâng đời
Theo năm tháng đưa nôi
Qua bàn tay chăm bẵm
Con học đi học nắm
Học ăn nói gửi thưa
Học đội nón trời mưa
Học che ô trời nắng
Học cách ngồi yên lặng
Sẻ chia những vui buồn
Mẹ như nước đầu nguồn
Tưới cuối đồng con mát
Mẹ phù sa dào dạt
Con thỏa sức vươn lên
Mẹ tia sáng trong đêm
Dẫn con đi đúng hướng
Sàng lọc chăm kỹ lưỡng
Đợi quả ngọt tương lai
Mẹ ánh nắng ban mai
Dạy vuông tròn số chữ
Không bao giờ trách cứ
Những hành động trẻ con
Ơn mẹ lớn hơn non
Cả đời sao trả hết
Bờ vai gầy thấm mệt
Gánh từng bước con đi
Mốt mai lỡ chia ly
Lá vàng về nguồn cội
Mẹ ơi con xin đổi
Thanh xuân lấy vài ngày.

3. Cha ơi

Ai đem giọt nắng nhuộm vàng
Ai đêm cơ cực mà quàng cổ cha
Lênh đênh bốn bể là nhà
Bàn tay vạm vỡ sạn qua bao mùa
Sinh nơi ruộng trũng đồng chua
Quanh năm hạn hán mất mùa liên miên
Một nhành rau dại không tên
Ăn hoài ăn mãi hóa mềm hóa say
Một thân cặm cụi đêm ngày
Ai kêu phụ nữ mới hay thân cò
Trong ngoài tất bật cha lo
Hai vai nặng gánh nhỏ to mấy người
Con đi đến lớp vui cười
Thay cha học nốt cái thời dở dang
Đời người được mấy tết sang
Ngoảnh đi ngoảnh lại phũ phàng qua đi
Mấy lần lệ trực tràn ly
Áo sờn cha trải xuân thì nuôi con
Đôi tay  trần trụi hao mòn
Mắt mờ chân chậm cuối còn chi đâu
Gió đời thổi vạt áo nâu
Thanh xuân con đổi mái đầu bạc phơ
Chiều hôm đầu ngõ đứng chờ
Thương con thương tới lửng lơ mảnh hồn.

4. Tiếng ru của mẹ

Chiều bung từng giọt nắng  vàng
Bâng khuâng nhớ nét dịu dàng bên nôi
Quẩn quanh vẳng tiếng à ơi
Con cò be bé đi chơi quên đường
Con à tròn giấc mẹ thương
Cả đời mẹ gắng trải đường con đi
Ngoài kia mưa đổ thầm thì
Việc con là ngủ chuyện gì để sau
Bên thềm rụng trắng hoa cau
Rung rinh bóng lá xanh màu tương lai
Ngày sau trên đoạn đường dài
Vững tin thẳng bước lên đài vinh quang
À ơi con ngủ cho ngoan
Lúa chiêm đã chín mùa vàng về sân
Chuông chùa theo bóng chiều ngân
Khói rơm phủ kín một tầng mây xanh
Theo hoàng hôn tới trường thành
Con về tìm lại mái tranh gió lùa
Kẽo cà kẽo kẹt nôi đưa
Tiếng ru còn đó người xưa đâu rồi
Ơi à ơi hỡi à ơi
Con về tìm lại tiếng nôi cuối chiều
Mái rêu tường mốc tiêu điều
Lá khô xào xạc lời yêu vọng về.
Xem thêm bài thơ hay của Văn học trẻ:
Chùm thơ về cha mẹ - Hoa phù sa Chùm thơ về cha mẹ
Chùm thơ về cha mẹ – Hoa phù sa. Ảnh sưu tầm

 

Lời bàn:

Với những tiếng thơ khi thì gần gũi khi thì lắng sâu, Hoa Phù Sa đã đưa bạn đọc tới những góc khuất của tình yêu cha mẹ dành cho con cái, đồng thời càng thêm thương cho bậc làm cha mẹ, khuyên mỗi chúng ta nên trân trọng tháng ngày bên cha mẹ.

Bài “Giọt thời gian đọng lại” bằng thể thơ năm chữ, viết về người cha có toàn con gái, nhưng nỗi buồn không phải vì ông không có con trai mà vì khi con gái lấy chồng hết, chẳng còn ai ở bên, lúc ốm đau cũng chỉ có thể nằm một mình buồn bã. Trong tình cảnh ấy, tác giả đưa ra tình trạng xót xa và nhắn nhủ:

Nhắn người trong cuộc sống/ Hãy trân quý một điều/ Cha mẹ là độc nhất/ Nên hãy cố mà yêu.

Bài “Mẹ” cũng là một bài thơ năm chữ viết về những việc mẹ làm cho con để thành hạt ngọc giữa đời, ca ngợi công ơn của mẹ: Ơn mẹ lớn hơn non/ Cả đời sao trả hết / Bờ vai gầy thấm mệt / Gánh từng bước con đi. Khổ thơ cuối có lẽ là khổ thơ xúc động nhất của tác giả khi sẵn sàng đổi thanh xuân để giữ thêm vào ngày bên mẹ.

Cha ơi – bài thơ lục bát với hai câu đầu cực hayAi đem giọt nắng nhuộm vàng / Ai đêm cơ cực mà quàng cổ cha“, động từ quàng nhẹ nhàng, vốn để chỉ hành động đưa gì đó lên cổ như quàng khăn, quàng tay…vậy nhưng đó lại là nỗi cơ cực, vô hình đấy nhưng cũng nặng một đời. Ai kêu phụ nữ mới hay thân cò; Con đi đến lớp vui cười /Thay cha học nốt cái thời dở dang, chỉ bằng vài câu thơ cũng đủ khắc họa một đời cha, nghèo khổ từ bé do hoàn cảnh, khi làm cha rồi lại dốc lòng vì con, vì muốn cho con cái chữ nên người không giống cuộc đời cha. Hi sinh đời cha để cho con có tương lai tốt đẹp, Hoa phù sa khiến cho tất cả những ai đọc bài thơ đều phải nhớ tới cha mình – sự hi sinh rất Việt Nam.

Tiếng ru của mẹ – cũng là một bài thơ lục bát về sự hi sinh của mẹ. Hoa phù sa viết 4 bài thơ thành hai cặp thơ năm chữ và lục bát, một bài về cha, một bài về mẹ rất đều. Bởi trong gia đình, vai trò của cả cha và mẹ đều lớn lao, mẹ tần tảo, cha gánh đỡ, chẳng kể hết được hành động thương mến cha mẹ dành cho con. Mở đầu bài thơ đã lấy được cảm tình của bạn đọc bởi một từ “bung” dùng rất chính xác:

Chiều bung từng giọt nắng  vàng 
Bâng khuâng nhớ nét dịu dàng bên nôi

Bung là động từ chỉ sự nở rộ không giữ lại – chiều bung nắng vàng, chỉ một câu thơ đã làm trước mắt ta cả một trời nắng vàng lan tỏa khắp muôn nơi.Giữa cái nắng ấy, hình ảnh mẹ bên nôi càng thêm dịu dàng, đẹp đẽ:

À ơi con ngủ cho ngoan/ Lúa chiêm đã chín mùa vàng về sân/ Chuông chùa theo bóng chiều ngân/ Khói rơm phủ kín một tầng mây xanh

Sử dụng câu thơ của dân tộc với từ “À ơi” đưa nôi truyền thống của dân gian để ru con, Hoa phù sa qua lời ru của mẹ ru con đã bày tỏ những hình ảnh quê hương đặc trưng thân thuộc không kém phần đẹp tươi và tình cảm yêu thương với con, với quê hương đong đầy.

Chùm thơ về cha mẹ với những câu thơ nhẹ nhàng thiết tha, đã lấy lòng mỗi bạn đọc khiến ta chìm vào lời ru để nhớ về quê hương, về cha mẹ và ngẫm lại chính tình cảm của mình.

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close