Bài văn hay THPTNhững bài văn hay

Thơ đối với cuộc sống được ví như người con gái đối với gia đình. Cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh

Đề: Bằng hiểu biết của mình về thơ văn nói chung, anh/chị hãy bàn luận về ý kiến sau: “Thơ đối với cuộc sống được ví như người con gái đối với gia đình. Cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh”.

 

Bước vào thế giới hội hoạ, người ta sững sờ trước bức họa chân dung nàng Mona Lisa xinh đẹp. Lạc trong thiên đường âm nhạc, người ta say sưa thăng hoa cùng điệu nhạc Beethoven. Còn khi đến với địa hạt của văn chương, người ta lại không khỏi rung lên những xúc cảm thẩm mĩ trước tư tưởng nhân đạo sâu sắc mà nhà văn gửi gắm thông qua ngôn từ. Và đây cũng là lí do để tác phẩm văn học luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của bạn đọc. Bởi thế mà Xuân Quỳnh nhận định: “Thơ đối với cuộc sống được ví như người con gái đối với gia đình. Cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh”.

Có lẽ những người yêu văn thơ đã không còn xa lạ với cái tên Xuân Quỳnh- một hồn thơ nhẹ nhàng, nữ tính khởi phát từ trái tim đa cảm lúc nào cũng sẵn sàng ngân rung những giai điệu trầm bổng của tình yêu. Trải qua không ít sóng gió, thơ Xuân Quỳnh đã thấm đẫm vị đời, gắn với những quan niệm về tình yêu lứa đôi. Những trang thơ ấy cũng lấp lánh vẻ đẹp của nghệ thuật nói chung, đó là sự hài hòa đan kết chặt chẽ giữa hình thức và nội dung. Sở dĩ Xuân Quỳnh ví von “thơ” với “người con gái” là bởi cả hai đều gặp gỡ ở điểm chung là cái đẹp. Nếu con gái thường được gắn với những mỹ từ như “giai nhân”, “sắc nước hương trời” để đề cao vẻ đẹp thì thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung cũng không thể tách rời tính thẩm mĩ, thể hiện qua ngôn từ giàu sức gợi và tư tưởng nhân đạo sâu sắc.

“Nhan sắc” và “đức hạnh” là những thứ được biểu tượng hoá cho hai báu vật của người nữ, hai báu vật của nghệ thuật: Vẻ đẹp được nhìn thấy và vẻ đẹp được cảm thấy, đụng chạm. Chế Lan Viên từng phát biểu đại ý rằng: cảm xúc của thơ thì có cảm xúc ngoài da và cảm xúc trong lòng. Dĩ nhiên thực tế thì không có khái niệm “cảm xúc ngoài da” nhưng đó là cách nói ẩn dụ mà những ai sống với văn chương đều không khó khăn để hiểu.

Thực ra, những cảm nhận bản năng có lúc còn chính xác gấp nghìn lần những suy luận khoa học, nhất là trong văn chương nghệ thuật. “Nhan sắc” mà Xuân Quỳnh nói không hoàn toàn là hình thức thơ, “đức hạnh” mà Xuân Quỳnh nói không hoàn toàn là nội dung thơ.

Xuân Quỳnh đang nói về một quan hệ tương giao tương cảm từ bên trong. Góc nhìn của Xuân Quỳnh có thể đã chứa đựng hàm nghĩa rằng:

Một bài thơ đẹp sẽ hấp dẫn người đọc ngay lập tức;  Một bài thơ đẹp được phát hiện sâu dần vào trong sẽ sống với người đọc mãi mãi;

“Nhan sắc” của người con gái, có người có nét đẹp trời sinh, có người đẹp từ sự ưu nhã, tri thức, có người đẹp bởi sự hài hòa, nhìn đã thấy thiện cảm, một tác phẩm văn học, cái nhan sắc của nó trước hết ở phần nhìn thấy đó sự trôi chảy, mượt mà, đọc lên đã có “chất thơ” tạo nên những rung cảm đẹp khi mới tiếp cận, câu chữ sáng tạo, dùng từ chuẩn xác. Còn “đức hạnh”  là cái đẹp được “phát hiện”, được “khám phá”, “đụng chạm” và nối kết chúng ta ở sự gắn bó cuối cùng. Ngôn ngữ mà Xuân Quỳnh dùng để nói về thơ là ngôn ngữ của tình yêu, của một người đã yêu “tận cùng đau xót”. Hãy đọc Xuân Quỳnh bằng chính hồn thơ của bà, kể cả những phát ngôn có màu sắc “truyền thống”, vì bà chẳng dẫn đường cho ai, ngoài dẫn cho chính mình.

“Đức hạnh” là một nhãn tự nhạy cảm, tinh tế nhất trong phát biểu của Xuân Quỳnh:  Nhạy cảm, vì nó dễ làm người ta “bật lò xo” về câu chuyện đạo đức, đạo hạnh, gia phong, công dung ngôn hạnh của phụ nữ trong “xã hội xưa”; Tinh tế, vì nó chứa nhiều tầng ý nghĩa đan xen cùng lúc. Trong những ngày tháng ngẫm nghĩ về thơ thiền tông, tôi có viết rằng: “Nỗi buồn có “đức hạnh” của nó khi tham dự vào cuộc chơi sáng tạo, chỉ khi nào không đủ sâu sắc và chân thật, nỗi buồn mới là cái gì đó “tiêu cực”.

Ta cũng có thể hiểu “đức hạnh” theo ý là nội dung tư tưởng, là bức thông điệp của mỗi tác phẩm. Đây cũng là yếu tố quyết định tới sức sống của tác phẩm trong lòng độc giả.Nhưng có những tác phẩm không cần tới thông điệp cao cả mà nó vẫn được yêu mến tới ngàn năm sau bởi chính sự kết nối, đồng cảm từ bên trong mà tác giả đã truyền tới người đọc.

Như khúc hát của cảm xúc cất lên từ sâu thẳm trái tim người nghệ sĩ, thơ ca làm cho những gì tốt đẹp nhất trên đời trở nên bất tử. Thơ – là biểu hiện của những tình cảm sâu sắc, là ước mơ cao đẹp con người luôn vươn tới, là nghệ thuật bên trong của tâm hồn, là sự bùng cháy của cảm xúc trong khoảnh khắc, là sự bột phá của những tình cảm mãnh liệt. Ta tìm đến với một bài thơ có khi vì ta yêu lối thể hiện của người nghệ sĩ, và có khi ta cũng đồng cảm với họ trong giây phút lắng lòng ẩn sâu ở từng lời thơ, câu chữ.
Không biết thơ ca đã đi vào cuộc sống của con người từ khi nào, chỉ biết rằng, khi tìm đến với thơ ca, ấy là khi con người đang khát khao một nhu cầu tự bộc lộ, giãi bày. Thơ ca đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong đời sống tâm hồn mỗi người, làm cho “con người đi từ chân trời của một người đến với chân trời của nhiều người” (Pôn Êluya). “Thơ đối với cuộc sống quý như người con gái đối với gia đình”, dường như đó là quan hệ khăng khít, gắn bó không thể tách rời. Thơ ca và cuộc đời như người phụ nữ trong gia đình, bàn tay ấy chăm chút, vun vén cuộc sống cũng như thơ ca bồi đắp thêm cho tâm hồn con người bao cảm xúc và rung động tinh tế. Là một thể loại nằm trong phương thức trữ tình, nhưng bản chất của thơ lại rất đa dạng và phong phú. Lêôna đơ Vanhxi từng nói: “Thi ca là một bức hoạ để cảm nhận thay vì để ngắm”. Rõ ràng, hình thức bên ngoài là yếu tố tác động đến ấn tượng ban đầu của người đọc, nhưng để khẳng định sức sống, giá trị của một tác phẩm, thì nội dung tư tưởng vẫn luôn được đặt lên hàng đầu.
“Thơ đối với cuộc sống quý như con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh”. Phát biểu quan điểm này, Xuân Quỳnh đã lấy tác phẩm của chính mình để chứng minh. Xuân Quỳnh thuộc những thi sĩ làm thơ như người đàn bà phải sinh con, như cây cối thì phải đơm hoa kết quả. Ta thích thơ Xuân Quỳnh vì cái vẻ giản dị, đôn hậu của nó. Phải chăng mọi bài thơ của thi sĩ đều như những lời tâm sự tự nhiên, chân thành, ta như được tiếp xúc với người phụ nữ thật cởi mở, chan chứa tình yêu hạnh phúc.
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ.
Hình thức thơ giản dị, nó đi vào lòng người đọc và lắng sâu thành khúc hát tình cảm. Xuân Quỳnh rất ít khi câu nệ hình thức, nhưng người đọc vẫn bị lôi cuốn ấn tượng với lối thơ của thi sĩ, chân thành mộc mạc như tiếng lòng của một người phụ nữ. Cho dù là thơ thất ngôn hay lục bát, nó vẫn mang dấu ấn của Xuân Quỳnh, thứ “nhan sắc” chỉ riêng mình thơ thi sĩ đem lại:
Rào rào tiếng những bầy ong
Chuyên cần là tiếng cái tằm nhả tơ
Mẹ còn đang bận đưa ru
Cái hoa bận đỏ, cái hồ bận xanh
Hạt cây đang bận nảy mầm
Con quay quay có một mình ngoài kia
Ngủ đi con hãy ngủ đi
À ơi, cái ngủ đang về cùng con.
(Lời ru trên mặt đất)
Những cảm xúc vui buồn, những tình cảm gắn bó thân thương được nói đến thật nhiều trong thơ Xuân Quỳnh. Từ lối thơ lục bát nhẹ nhàng như lời ru êm dịu trong Lời ru trên mặt đất hay (bài thơ này là thơ 5 chữ không phải lục bát) đến lối thơ 5 chữ trong Lòng hay Thuyền và biển, nó đều thu hút và làm hấp dẫn với người đọc. Thế nhưng, điều làm nên sức sống lâu bền, giá trị trong thơ Xuân Quỳnh lại ở giá trị tư tưởng, ý thơ, xúc cảm trong thơ. Đó là niềm thương cảm của người em gái với chị ở phương xa trong Tháng ba viết cho chị, là lòng biết ơn với người mẹ chồng tần tảo trong Mẹ của anh, là giây phút hồi hộp, hạnh phúc của người phụ nữ khi bắt đầu làm mẹ, là trạng thái muôn màu của tình yêu nam nữ. Mọi cung bậc cảm xúc đều xuất hiện trong thơ của Xuân Quỳnh, cái “đức hạnh” trong thơ thi sĩ chính là phẩm chất quý giá của một người phụ nữ khát khao bộc lộ, giãi bày tất cả. Nồng nàn, tha thiết, đắm say mà vẫn dịu dàng nữ tính, Xuân Quỳnh đã mang cuộc sống đời thường giản dị vào trong thơ một cách tự nhiên nhưng vô cùng sâu sắc. Đó là lòng ham sống, khát khao được sống hết mình, sống trọn vẹn.
Thơ đối với cuộc sống được ví như người con gái đối với gia đình. Cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh Thơ đối với cuộc sống được ví như người con gái đối với gia đình. Cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh
Thơ đối với cuộc sống được ví như người con gái đối với gia đình. Cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh
Ngược thời gian về với những trang thơ trong phong trào Thơ mới, ta không quên một tiếng thơ “thiết tha, rạo rực, băn khoăn” Xuân Diệu. Là người chịu ảnh hưởng rõ rệt của văn hoá phương Tây, Xuân Diệu đã đem vào làng thơ Việt Nam bấy giờ một hình thức, giọng điệu mới mẻ, với những cách thể hiện hình ảnh “rất Tây”.
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh.
Hay:
Hãy sát đôi đầu hãy kề đôi ngực
Hãy trộn vào nhau đôi mái tóc ngắn dài
Những cánh tay, hãy quấn riết đôi vai
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt.
Thời gian đã trôi qua, Xuân Diệu với các tác phẩm của mình đã chứng tỏ được sức sống lâu bền trong bạn đọc. Điều gì đã làm nên giá trị của thơ ca Xuân Diệu, nếu không phải là tư tưởng, ý nghĩa sâu xa trong từng tác phẩm. Điều gì đã làm nên sức sống mãnh liệt ấy nếu không phải là một niềm khát khao sống, khát khao tình yêu, hạnh phúc đến vồ vập, mạnh mẽ. Có thể nói, đúng như câu nói của Xuân Quỳnh, điều làm nên sức sống của tác phẩm văn học chính là ở “đức hạnh,” ở phẩm chất, ở giá trị tư tưởng mà người viết muốn gửi gắm.
“Văn tức là người” (Bujjon) và một bài thơ cũng như người con gái, “Thơ đối với cuộc sống quý như con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh”. Không phủ nhận ý nghĩa của hình thức đối với thơ ca, nhấn mạnh yếu tố nội dung có vai trò quyết định đối với sức sống của tác phẩm, câu nói của Xuân Quỳnh cũng là bài học có giá trị trong quá trình lao động và sáng tạo nghệ thuật.

Như vậy, bằng cách ví von nữ tính và đầy sức gợi, Xuân Quỳnh đã khẳng định mối quan hệ khăng khít không thể tách rời giữa ngôn từ bề mặt và nội dung tư tưởng, tình truyền cảm từ bên trong. Bằng những tác phẩm của Xuân Quỳnh, đủ thấy không cần một thứ hình thứ quá mới lạ, quá đột phá mà trước tiên cần một sự dễ cảm, không cần truyền đạt những tư tưởng triết lí cao rộng, mà đó là sự đồng cảm, thổn thức nơi người đọc.Hình thức, chúng ta vẫn luôn đi tìm một câu trả lời chính xác cho hình thức, nội dung mà  một tác phẩm cần có là gì. Xuân Quỳnh đã đưa ra một đáp án cho băn khoăn ấy.

Văn học lấy ngôn từ làm chất liệu biểu hiện, bởi thế dù nội dung tư tưởng có sâu sắc cỡ nào cũng không thể thoát xác khỏi câu chữ. Ngôn từ chính là cây cầu nối bạn đọc tới tác phẩm, là con đường dẫn tới cái đích tư tưởng của nhà văn.

Thơ đối với cuộc sống được ví như người con gái đối với gia đình

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close