NGỮ VĂN 12Những bài văn hay

Phân tích nhân vật Bà cụ Tứ

Nhân vật bà cụ Tứ là nhân vật được Kim Lân xây dựng hết sức độc đáo, bà không xuất hiện từ đầu mà tới gần tối mới đi về trong sự chờ đợi thấp thỏm của cô vợ. Và thái độ của bà cụ chuyển biến hết sức chân thực trước sự bất ngờ mà con trai đem lại.

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ

Bà cụ Tứ là nhân vật không xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm mà đến khi anh cu Tràng “nhặt được vợ” cùng về thưa chuyện với mẹ thì nhà văn mới cho bà xuất hiện. Có lẽ, nhà văn cần đến sự xuất hiện của bà để thêm một mối quan hệ với người vợ nhặt và góp phần hoàn chỉnh hơn ý niệm về một gia đình. Nhưng đối với một người sâu sắc như Kim Lân, dụng ý của ông không chỉ đơn giản như thế!

Nhà văn nổi tiếng người Đức Betong Brecht cho rằng: “Các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là những bản dập của những con người sống mà là hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả”. Xây dựng nhân vật bà cụ Tứ, Kim Lân không đi sâu vào khái quát dáng vẻ bên ngoài mà tập trong đi sâu vào những nét đẹp tâm hồn làm nổi bật tính cách của người mẹ nghèo. Bà cụ Tứ – một chân ung về người mẹ nghèo khổ, thương con; thấm đẫm tình người (bao dung, nhân hậu); dù cùng quẫn, túng thiếu nhưng chưa bao giờ thôi hi vọng, thôi hướng về tương lai. Bà là sự hiện thân cho những gì cao đẹp nhất, thiêng liêng về tình mẫu tử. Bao nhiêu năm lặn lội “cõng nắng qua sông”, bà cụ Tứ giờ đây sống một cuộc sống nghèo khổ, là dân ngụ cư. Bà nay đã yếu, dáng đi lọng khọng, vừa đi vừa ho “húng hắng”. Cuộc sống vốn đã bấp bênh chìm nổi, ấy vậy mà bà phải chịu cảnh “mẹ góa con côi”, chồng mất sớm, con gái út đi lấy chồng xa, chỉ còn lại người con trai duy nhất là anh cu Tràng. Hai mẹ con yêu thương đùm bọc nhau sống trong “tấm phên rách” nằm “rúm ró trên mảnh vườn lổn nhổn những búi cỏ dại” trong những ngày tăm tối năm 1945.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu nhận định: “Tình huống là một lát cắt của sự sống, là một sự kiện diễn ra có nhiều phần bất ngờ nhưng cái quan trọng là sẽ chi phối nhiều điều trong cuộc sống con người”, trong văn chương cũng vậy! Một tình huống nảy sinh, lại là một phân đoạn cho con người có thêm phần đất diễn, từ đó làm nổi bật tính cách nhân vật. Như Hegel nói: “Phải đẩy tới chóp đỉnh cao của mâu thuẫn thì sự sống nhiều hình mới vẽ ra”. Hiểu được những đặc trưng ấy, Kim Lân đã rất khéo léo khi lựa chọn thời điểm để bà cụ Tứ xuất hiện, tại sao không phải ở đầu câu chuyện mà là ở cuối câu chuyện. Bà cụ Tứ xuất hiện khi Tràng đưa vợ về nhà và diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ thay đổi liên tục khi có người đàn bà khác xuất hiện trong nhà của mình. Vào một buổi chiều chạng vạng, bà cụ trở về căn nhà tồi tàn của mình và bất ngờ trước sự xuất hiện của một người đàn bà lạ trong nhà. Sự sốt sắng hiện ra qua thái độ của con trai nay “quá đon đả”, “thấy mẹ, Tràng reo như một đứa trẻ”, làm bà không khỏi ngạc nhiên, băn khoăn, phấp phỏng, lo âu. Lại thêm việc có người lạ trong nhà, rồi chào bà bằng u. Khiến lòng bà ngổn ngang trăm mối. Với sự nhạy cảm của một người trải đời, bà cứ hấp háy, run run theo chân con bước vào nhà. Sau khi Tràng giãi bày chuyện hệ trọng của cuộc đời mình, người mẹ nghèo khổ ấy mới vỡ lẽ và ngổn ngang bao cảm xúc. Từ đây, diễn biến tâm trạng bà cứ từng chữ, từng câu xoắn sâu vào lòng người, ngưng đọng ở đó sự xót xa.

Miêu tả nhân vật bà cụ Tứ, ngòi bút của Kim Lân đã lấy đi biết bao giọt nước mắt đánh rơi trên trang giấy. Nhà văn không tả thêm những suy nghĩ, những căn dặn trong tiềm thức của nhân vật, hay những hành động có tác động tâm lí phức tạp khác mà đơn giản chỉ là cái “cúi đầu nín lặng”. Một câu văn trần thuật ngắn gọn nhưng lại rưng rưng một tấm lòng hoài cảm, đầy ân tình của nhà văn Kim Lân. Cái cúi đầu ấy chất chứa bao suy nghĩ, cả những nỗi niềm không thể nói thành lời. Có chút gì đó chua xót, chút gì đó tủi hờn, và cả những nghẹn ngào khiến người mẹ nín lặng bởi câu chuyện con trai vừa giãi bày. Cái im lặng đầy tủi hờn, cam chịu và xót xa. Người mẹ nhanh chóng thấu hiểu sự tình, “bà lão hiểu rồi” bà lão hiểu vì sao hôm nay con trai mình hệt như một đứa trẻ chờ mẹ đi chợ về. Bà lão hiểu vì sao lại có người đàn bà lạ trong nhà. Sự từng trải đã giúp bà thoát ra khỏi sự chậm chạp của một con người già để lập tức hiểu ra “biết bao cơ sự” cơ sự của con trai, cơ sự người đàn bà kia và cũng là cơ sự của chính mình. Nhân vật bà cụ Tứ

Quả thực “nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư”. Nếu thi ca cho rằng: “Trên đời chỉ có những thứ giải quyết bằng thơ”, hay “thơ ca mang đến cho con người những điều kỳ diệu”, thì văn chương sẽ lượm lặt những hạt rơi trên luống đất của người dân cày, ấp ủ chúng nơi trái tim người nghệ sĩ rồi gieo vào những túp lều, từ đó lớn lên và nở ra những đóa thơ tuyệt đẹp để an ủi trái tim những người cùng khổ. Và nhà văn Kim Lân đã mang hơi ấm ở trái tim ông, giao thoa, đồng cảm với nỗi lòng bà cụ Tứ, mô phỏng nó một cách chính xác nhất từng tiếng nấc nghẹn ngào. Nên chỉ với hai câu văn ngắn: “Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán, vừa xót thương”.

nhân vật bà cụ tứ Phân tích nhân vật Bà cụ Tứ
nhân vật bà cụ tứ

Từ thương con bà hướng về hờn trách chính bản thân mình: “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì…”. Từ cảm thán “chao ôi!” đứng đầu câu tạo nên một giọng điệu than oán, nó bắt trọn cảm xúc chua xót của một người làm mẹ. Đời người làm mẹ, còn gì chua xót hơn, đau đớn hơn khi nghe chuyện “trăm năm” của con mà lại “cúi đâu”?  Phận làm cha, làm mẹ ai mà chẳng vui mừng khi “trai lớn dựng, gái lớn gả chồng”. Đằng này, bà cụ Tứ nghe chuyện của con lại “không khỏi chạnh lòng”! Bà nghĩ đến người ta, rồi ngầm so sánh với chính mình mà khóc! Bà tủi hờn, trách phận lắm! Bởi khi gia đình có điều kiện cha mẹ sẽ lo cho con một đám cưới chu toàn, đầy đủ lễ nghi thế, để chúng được bằng bạn bằng bè. Để họ hàng đôi bên chúc phúc cho cặp uyên ương trăm năm bạc đầu, nhưng giữa cái thời buổi khó khăn khốn đốn này, nó không cho phép bà lão làm tròn trách nhiệm của một người mẹ với con. Bao nhiêu tủi cực, nghẹn ngào chua xót, đắng cay nén sau chữ “thì” vô vọng ấy. Bà xót xa vì không thể làm tròn bổn phận của một người mẹ, không lo nổi chuyện đại sự cho con. Giờ đây giữa lúc người chết đói “như ngả rạ” lại có người theo con trai mình làm vợ. Dấu chấm lửng “…” thể hiện sự nghẹn ngào, bất lực như một tiếng thở dài đây tâm trạng của người mẹ già có tâm nhưng lại không đủ sức. Nếu cho rằng “Văn chương là lịch sử tâm trạng con người thì Kim Lân quả là nhà văn đích thực trên cái ý nghĩ ấy” (Trần Ninh Hồ). Ông đã vẽ đúng cung bậc mà con người hướng đến: “Con người đến với cuộc sống từ nhiều nẻo đường, trên muôn vàn cung bậc phong phú nhưng tiêu điểm mà con người hướng đến vẫn là con người”. Nhân vật bà cụ Tứ

Nhà văn Nam Cao quan niệm: “Nước mắt là giọt châu của loài người”. Ở đây nhà văn của nông thôn Bắc Bộ đã cho ta thấy giọt châu, hạt ngọc trong tâm hồn người hồn người mẹ qua những giọt nước mắt hiếm hoi: “Trong kẽ mắt kèm nhèm rỉ xuống hai dòng nước mắt” lí trí đã không thể ngăn nổi con tim, bà đã cố nén giọt nước mắt vào trong, để chỉ riêng mình bà đau, trong nỗi đau của một người mẹ. Nhưng tình thương con quá lớn, nó tràn qua khỏi vách ngăn của một trái tim nóng nổi. Bà khóc vì thương con và bà quá tủi nhục cho chính mình. Kim Lân đã như một nhà quay phim tài ba khi lia ống kính của mình chớp lấy những nét thần tình đó là những thước phim cận cảnh làm hiện lên đôi mắt hằn in dấu chân chim vất vả một đời của người mẹ già. Và trong cái kẽ mắt nứt nẻ theo thời gian ấy rạn ra một dòng nước mắt khô héo. Nước mắt của người già mà như Nguyễn Khuyến xưa đã từng viết trong Khóc Dương Khuê: Nhân vật bà cụ Tứ

“Tuổi già giọt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan”

Từ tủi hờn, bà thương xót cho các con, bà không chỉ thương cho số kiếp của đứa con mình mà với tấm lòng nhân hậu, bao dung, bà còn thương cả người đàn bà xa lạ bị hoàn cảnh xô đẩy mới thành con dâu mình. Bà nghẹn ngào, suy nghĩ: “… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”, câu nói ấy chứng tỏ bà lão đã chấp nhận người vợ nhặt là thành viên trong gia đình nên lo lắng cho hạnh phúc của chúng nó giữa cảnh khốn cùng của cuộc sống, chứ không riêng gì anh cu Tràng. Và rồi: “Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà” tiếng thở dài nhè nhẹ ấy là tiếng thở của bao lo toan, uất ức cả một đời. Bà “đăm đăm” nhìn người đàn bà như để nhìn người bạn sẽ đồng hàng cùng mình trong cuộc đời khổ cực phía trước. Dường như thị e thẹn quá, chỉ biết đứng im đấy “vân vê tà áo đã rách bợt”. Và cũng từ đó  trong tâm hồn người mẹ ấy như đã thức dậy bao ý nghĩ nhân đạo và cả sự hàm ơn: “Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được… Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con..”. Những lời độc thoại ấy cứ như những đợt sóng cuộn trào, dâng ngập lên trong lòng người mẹ vừa khắc khoải vừa dào dạt vừa bao la, đong đầy tình mẫu tử, hòa vào trong đó là những rung cảm xót xa trong trái tim nhân đạo của Kim Lân.  Mà vừa nhoi nhói tình cảm tủi hờn, ai oán cho số kiếp, vừa nhoi nhói tình cảm tủi hờn, ai oán cho kiếp, vừa như một nén cái bất dĩ trước sự việc đã rồi lại vừa rưng rưng, xao xuyến niềm vui. Quả thực, “văn học vì con người mà có, do con người sáng tạo nên”. Điều đó lâu nay, vốn là quy luật bất biến mà con người ta phải khắc ghi, khi tìm đến văn chương.

Nhưng suy nghĩ rất đỗi đời thường mà chan chứa đôn hậu, yêu thương của bà cụ Tứ khiến trái tim người đọc thổn thức với những trăn trở bình dị và xiết bao ân tình. Hai chữ “mừng lòng” của bà lão nói ra với con: “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…”. Chữ “mừng” thật là một chữ đắc địa. Nó lột tả đúng cái thần thái của một tấm lòng vị tha cao quý đang ngượng ngập, vụng về tìm cách giấu đi giọt nước mắt xót thương vì sợ phiền lòng cho chính người đang thương xót. Người mẹ già như cố nuốt nước mắt vào trong, cố nén nỗi đau trong lòng để tình yêu thương của mình an ủi các con. Người mẹ ấy chẳng muốn con buồn, chẳng muốn con đau, chỉ mong con hãy hưởng trọn vẹn hạnh phúc lứa đôi. Chữ “mừng” cho ta theo yêu hơn những giá trị nghệ thuật thuộc về văn chương, “nghệ thuật là sự vươn tới, sự níu giữ mãi mãi. Cái cốt lõi của nghệ thuật là tính nhân đạo”. Kim Lân viết “mừng lòng” chứ không phải “vui lòng”. Vì một lẽ đơn giản, trong hoàn cảnh đói kém như thế bà chỉ có thể “mừng” vì cuối cùng con bà cũng lấy được vợ, nhưng làm sao có thể “vui” khi phía trước các con là cả một giai đoạn đói khát. Nhân vật bà cụ Tứ

Ta cũng quên làm sao được cử chỉ ân cần mà xiết bao thương mến của mẹ với con dâu ta tưởng như có cái vẫy tay đầy thân thương đằng sau câu nói: “Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”. Câu nói ấy, đã xóa tan mọi khoảng cách, ranh giới giữa mẹ chồng – nàng dâu. Dường như tình yêu thương, sự bao dung của người mẹ già đã xóa nhòa tất cả. Và rồi “Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót” người mẹ nghèo khổ ấy thấu hiểu bao nỗi lòng của đứa con dâu mới. Nhưng e thẹn, tủi hổ ấy có lẽ bà đã từng trải qua trong cái tuổi trẻ của chính mình. Thấy người đàn bà chỉ “khẽ nhúc nhích” nhưng vẫn khép nép đứng nguyên chỗ cũ”. Trong không khí mang đôi chút ngột ngạt chứa đựng cả những ngại ngùng, tình yêu thương sự quan tâm của bà đã đánh tan đi không gian chật chội ấy. Tưởng chừng như dưới mái phên che chắn mà nắng có thể lọt qua khe mà rơi xuống ấy, tình thương đã dâng ngập bến bờ nơi tấm lòng người mẹ già, bà thấp giọng thân mật: “Kể có ra làm được ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo…”, đâu còn sự ngỡ ngàng, kinh ngạc như lúc có người đàn bà lạ trong nhà, lời nói ấy chính là những lo lắng cho người con dâu mới, lo lắng cho hạnh phúc đôi trẻ. Bà nói tiếp: “Cố làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”. Còn điều gì cao quý và thiên liêng hơn tình mẹ. Kim Lân đã thật sự nung đốt lên trong tâm hồn chúng ta tình mẫu tử thiên liêng và cao quý. Quả thật, không có kì quan nào đẹp đẽ nào mà trường tồn bất tử hơn tình mẹ. Nghệ thuật xét đến cùng là “nâng đỡ tâm hồn con người” để con người không sa xuống thành con vật hay ông thành vô duyên vô bổ. Nhân vật bà cụ Tứ

Nhà văn Lep-ton-xtoi khẳng định: “Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu”. Tình yêu chính “là ngọc đọc, là phiến kì nan trong rừng trầm hương, là tinh hoa trong vườn phương thảo”, kết tinh nên tình cảm được hun đúc bằng tâm hồn người nghệ sĩ trước những rung cảm của cuộc đời. Trong nỗi lo lắng, băn khoăn về hạnh phúc lứa đôi, người mẹ ấy kẹp lại trong tình thương và khao khát hạnh phúc. Bà cụ “nghẹn lời không nói được nữa”, bao nhiêu nỗi lo lắng cứ tích tụ lại, nghẹn lại nơi cổ họng. Nỗi lo mà không thể nào tan đi không thể bào thả trôi, nào dễ ai thấu. Phó mặc cho cảm xúc làm chủ “nước mắt bà cứ chảy ròng ròng”. Nếu ở trên, Kim Lân miêu tả giọt nước mắt “rỉ xuống hai kẽ mắt kèm nhèm” để chỉ đường chảy của nó là thấm sâu, chảy ngược vào trong, thì ở đây nó đã tuôn trào thay cho bao cảm xúc suy tư của người mẹ già. Những dòng nước mắt tuôn chạy “ròng ròng” như sự giải thoát của tâm trạng và cảm xúc. Bà khóc vì thương mình, cũng vì thương cho đứa con trai và nàng dâu mới. Có ai đó đã từng nói, đạo ý rắng: Trên đời này thứ chân thật nhất chính là đôi mắt của một người. Đôi mắt tinh là cửa sổ tâm hồn là tiếng lòng “hồn nhiên nhất”; “hồn hậu nhất”. Người mẹ ấy đã sống một đời trọn vẹn đủ đầy vì con, vì cháu mà hết lòng, hết sức như chính câu ca dao: “Nước biển bao la không đong đầy tình mẹ”.Nhân vật bà cụ Tứ

Nếu ta đã từng xót xa hình ảnh cái đói trong “Một bữa no”, con người vì đói quá mà ăn đến nghẹn thở mà chết; Hay cái hình ảnh bế tắc của chị Dậu vùng chạy ra khỏi nhà trong cái cảnh trời tối như đêm 30 trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố; Hoặc ám ảnh cái dáng đi ngật ngưỡng của Chí Phèo phải tự kết liễu cuộc đời mình trên bàn xoay của chế độ để tìm nhân tính trong những trang viết của Nam Cao ta mới thật sự ngỡ ngàng đi đọc văn của Kim Lân. Trong đau khổ, bất hạnh và tối tăm Kim Lân vẫn nâng con người lên trong tình nhân ái. Hình ảnh bà cụ Tứ chính là ánh sáng le lói trong bóng tối của những kiếp người nghèo khổ. Nhân vật bà cụ Tứ đã làm cho giá trị nhân đạo của tác phẩm trở nên thấm thía và cảm động hơn.Hình ảnh bà cụ Tứ mang thông điệp nhân bản hơn: Dù kề bên cái đói, cái chết con người vẫn không bị  mất đi vẻ đẹp bản chất lương thiện của mình. Vẫn luôn khát khao hạnh phúc vẫn không thôi mong ước mề tương lai tươi sáng và tốt đẹp.Nhân vật bà cụ Tứ

“Mỗi tác phẩm nghệ thuật phải là một phát minh về hình thức một khám phá về nội dung” (Leonid Leonov). Kim Lân đã khám phá, phát hiện và miêu tả nhân vật nhẹ nhàng như không, ông luồn lách ngòi bút vào đến tận nơi sâu thẳm của tâm hồn, bắt người đọc phải cùng cười, cùng khóc với nhân vật của mình. Đối với văn chương, đặc biệt là truyện ngắn, bao giờ cũng có những chi tiết đắt “làm nên hạt bụi vàng” cho cả tác phẩm. Chi tiết ấy, được kết đọng ở tầng sâu trong tư tưởng, chiều rộng đến độ bỏng sôi mãnh liệt của thứ tình cảm xuất phát từ đáy lòng nhà văn. Và chi tiết bữa cơm ngày đói cũng được dựng xây từ thứ ngôn từ ngọc ngà, chân phương mà Kim Lân có, nó quy tụ về làm bừng sáng cho trang văn như “Mỗi chữ phải là hạt ngọc buông xuống trang bản thảo, hạt ngọc mới nhất của mình tìm được, do phong cách văn chương của mình mà có”. Kim Lân đã cho ra đời biết bao đứa con tinh thần viết về người nông thôn, nhưng với thứ ngôn từ ông dùng để nói về bữa cơm ngày đói chưa bao giờ là cũ. Bữa cơm đầu đón nàng dâu mới hiện lên thật thảm hại “giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có hai lưng lưng bát đã hết nhẵn”, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà lão còn rất tâm lý, khi cố gắng chắt những vốc cám cuối cùng để nấu “chè khoán” – cháo cám để mang đến sự bất ngờ cho các con, tuy đắng chát nhưng đó là món ăn mà “cả xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn”. Trong bữa ăn, bà lão “nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng sau này”, bà mở ra một viễn cảnh tương lai qua câu chuyện đàn gà: “Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này, ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem...”. Giữa những ngày đói khát mà bà nhắc chuyện toàn chuyện tương lai và hình ảnh “đôi gà – đàn gà” trong câu chuyện của bà như liều thuốc bổ tinh thần, sự sinh sôi nảy nở lấn át cả cái đói, cái tăm tối của hiện thực. Câu chuyện ấy chính là tấm lòng người mẹ đang vun vén cho hạnh phúc mới của các con đấy! Dù chẳng vẹn tròn nhưng cũng phần nào gieo vào đôi vợ chồng trẻ niềm tin vào ngày mai. Đúng như Kim Lân đã khẳng định: “Khi đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống”.

Nhà văn đã miêu tả thật sâu sắc tâm lí ấy qua một hệ thống ngôn ngữ giản dị nhưng giàu sức gợi, thể hiện qua từng lời nói, cử chỉ, hành động. Phải là nhà văn có vốn hiểu biết phong phú, thấu hiểu và cảm thông, yêu mến và trân trọng cuộc sống thì Kim Lân mới có thể viết nên những trang văn có sức lay động hồn người đến vậy.

Chúng ta sẽ nhớ mãi những trang văn viết về tình mẹ xúc động vào dào dạt chứa chan ân tình trong “Hòn đất” của Anh Đức, hay “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Đình Thi và sẽ không thiếu đi hình bóng của bà cụ Tứ trong “Vợ nhặt” của Kim Lân. Ông đã miêu tả thật sâu sắc tâm lí ấy qua một hệ thống ngôn ngữ  giản dị nhưng giàu sức gợi, thể hiện qua từng  lời nói, cử chỉ, hành động. Phải là nhà văn có vốn hiểu biết phong phú, thấu hiểu và cảm thông , yêu mến và trân trọng cuộc sống thì Kim Lân mới có thể viết nên những trang văn có sức lay động hồn người đến vậy. Nhà văn đã thêm một lần khắc sâu trong tâm khảm mỗi người tình mẹ cao cả và thiêng liêng trong cái đói tối tăm đã cứu vớt tâm hồn người, nâng con người lên bằng những sợi dây tình cảm đan dày. Ta thêm yêu những trang viết của Kim Lân để thêm một lần tìm về với cội nguồn dân tộc, tìm về với những bóng dáng người mẹ lầm lũi một đời.

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close