Cây viết mớiTác giả

Tác giả Trần Hàn

Tác giả Trần Hàn – người muốn tìm chính mình qua con chữ?

Trần Hàn, cái tên quen thuộc với những bạn đọc đã theo dõi Văn học trẻ. Nếu đọc các tác phẩm của Trần Hàn sẽ nhận thấy ngòi bút miêu tả của Trần Hàn rất chắc chắn, từ vẻ đẹp tự nhiên tới hành động, tâm lí được anh miêu tả khá sắc nét. Ta có thể khen – chê về tổng thể biểu đạt tác phẩm sau khi đọc, nhưng tuyệt nhiên phải công nhận những con chữ Trần Hàn viết ra không phải là người mới tập tành viết lách có thể viết ra.

Nếu ví văn học là một chiến trường công lí, mỗi tác giả là một chiến binh đấu tranh vì công lí, vì thế giới tốt đẹp hơn, ta có thể dành cho Trần Hàn một vị trí phù hợp: Phù thủy đánh xa. Gã Yordle Ziggs có vẻ là một nhân vật khá tương đồng với Trần Hàn. Nếu Ziggs với tình yêu cháy nổ, làm trợ lí sáng chế ở Piltover nhưng gã luôn thấy nhàm chán với cuộc sống và công việc dễ chán ở đây, gã kết bạn với bom thủ tóc xanh Jinx Nguyên và đi tới những nơi gã tự do khám phá, làm việc hắn đam mê, đôi khi là quậy phá chút ít. Trần Hàn, một anh chàng hiền lành trong dáng hình một pháp sư (các bạn có thể nhìn qua ảnh), công việc văn phòng, cuộc sống quy tắc có lẽ chỉ là ở trên bề mặt, tâm hồn nồng cháy và muốn phá vỡ các quy tắc thông thường để thả nội tâm, suy nghĩ của anh vào con chữ, Trần Hàn luôn miệt mài viết lách và sự ham học hỏi của anh khiến tôi phải nhìn nhận anh kĩ.

Bạn đọc có thể thấy những tác phẩm của Trần Hàn khá êm đềm, dịu dàng với bông hoa cà phê trắng muốn rung rinh trong nắng, người mẹ khao khát đứa con, hiền lành ôm con bên hiên cửa, và một chú chuột ham sống nhút nhát chạy trong đêm tối…cao trào nhất mà Trần Hàn từng viết có lẽ là trong tác phẩm “Ngay dưới hiên nhà” nhưng cũng giống như nhân vật trong câu chuyện của anh, thị tới cửa nhà người ta đánh ghen nhưng lại nhượng bộ, quay về. Có thể các dòng chữ của anh, giống như con người của Trần Hàn đều lịch sự, nhã nhặn, song nếu tinh ý tất cả đều ẩn chứa một sự phá cách ngầm muốn bùng nổ, phá vỡ khỏi cái kén hiền lành anh tạo ra.

Có lẽ, cần phải cọ sát nhiều hơn để “siêu bom” của Trần Hàn được hoàn toàn giải phóng, trở thành thứ vũ khí có lực sát thương mạnh hơn, đem tới cho bạn đọc cảm nhận rõ nhất về những gì mà nội tâm anh muốn diễn tả.

Đó là lí do vì sao, tôi gọi anh là kẻ muốn tìm chính mình qua con chữ. Với những sự tinh tế, khả năng sử dụng con chữ vô cùng sắc nét của mình, cái Trần Hàn cần lúc này có lẽ chỉ là một hướng đi thực sự phù hợp để tác phẩm của anh có thể bùng nổ được như mong muốn.

Tác phẩm nổi bật: Đứa con, Ngay dưới hiên nhà, Cái chết của con chuột, Ngày mai thôi gõ cửa, Trót yêu, Rồi sẽ có một người thuộc về em, Người thế vai, Đã từng làNgắm hoàng hôn trên tầng thượng...

Trần Hàn cũng là thành viên tích cực nhóm sáng tác CLB Diễn đàn Văn học trẻ, đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi trên Diễn đàn Văn học trẻ, tiêu biểu nhất là giải Khuyến khích chung cuộc cuộc thi viết chủ đề Nhà.

Bạn đọc có thể có nhiều ý kiến trái chiều về Trần Hàn, đọc tác phẩm của anh có thích, có không thích, chỉ đơn giản là những vấn đề anh đặt ra dễ khiến gây tranh cãi của bạn đọc, nhưng cũng vì thế mà cái tên Trần Hàn càng được nhắc tới nhiều hơn. Đây là một chàng trai rất trẻ, chắc chắn sẽ còn tiến xa hơn rất nhiều bởi tiềm năng mà anh mang lại. Văn học trẻ đã có một buổi phỏng vấn chàng trai này để các bạn hiểu hơn về chàng trợ lí không muốn ngồi yên này.

Tác giả Trần Hàn Tác giả Trần Hàn
Tác giả Trần Hàn – Ảnh do tác giả cung cấp

Trò chuyện với Trần Hàn

Xin chào Trần Hàn, hãy chia sẻ với các độc giả của Văn học trẻ biết tới bút danh Trần Hàn đôi điều về chính bản thân bạn nhé. Có lẽ, rất nhiều độc giả muốn tìm hiểu nhiều hơn về Trần Hàn, do đó, Văn học trẻ đã tạo ra cuộc phỏng vấn này để giúp bạn có thể đến gần hơn với độc giả của chính mình.

PC:  Đầu tiên, hãy giới thiệu một chút về bạn.

Xin chào các bạn, mình là Nguyễn Văn Thắng

–  Tuổi: 24

–  Nghề nghiệp hiện tại: viết lách tự do,…

PC: Tại sao bạn lại chọn bút danh Trần Hàn?

Bút danh Trần Hàn có hai ý phần để giải thích:

– “Trần”: Như mọi người biết thì mình tên thật là Nguyễn Văn Thắng. Tuy nhiên, họ Nguyễn là do bố mình lấy họ từ bà nội, ông nội mình là họ Trần. Vì vậy, nên mình tìm về với cội nguồn và bắt đầu bút danh bằng chữ Trần. Còn để hỏi lý do vì sao bố mình lấy họ của bà nội để làm giấy khai sinh thì mình thật sự không biết.

– “Hàn”: Mình thích lạnh, thích mùa đông. Bao nhiêu năm ở Sài Gòn chỉ ước có thể chui vô tủ lạnh ngồi cả ngày thôi, haha. Chữ Hàn có ý nghĩa như vậy.

Trần Hàn, theo như biên tập viên nói thì mình hay lười viết bài, một tháng được một, hai bài thôi nên mọi người hãy chờ nhé, mùa đông đến rồi, Hàn sẽ chăm chỉ hơn để biên tập viên vui lòng.(BTV có chứng thực là mùa đông Trần Hàn được độ “hàn” nên tốc độ ra bài năng suất hơn)

PC: Trần Hàn đã bắt đầu viết từ khi nào? Có sự tác động (người dẫn dắt/ tác giả ảnh hưởng/ tác phẩm ảnh hưởng) nào không?

– Mình viết nghiêm túc thì bắt đầu từ tháng 6/2020, tính đến nay là gần một năm rưỡi.

– Không có ai tác động cả, mình thích thì mình viết thôi, giống như đói thì phải ăn vậy còn ế thì không có giải pháp cứu vãn. (Trần Hàn đang khoe ngầm mình là chàng trai vàng độc thân đúng không? – (Cười lớn) Có thể coi là vậy)

– Người dẫn dắt thì không có, đồng hành thì có Nguyên, tác phẩm ảnh hưởng thì không bởi vì mình hay cả thèm chóng chán. Nói thì nói vậy chứ Hàn chung thủy lắm (nếu có người yêu).

PC: Tác giả bạn yêu thích nhất là ai? Bạn đã học hỏi được điều gì từ ông/cô ấy?

Mình thích nhiều nhưng thích nhất là Higashino Keigo – một nhà văn trinh thám nổi tiếng của châu Á. Ông được biết đến với các tác phẩm như Phía Sau Nghi Can X, Bạch Dạ Hành, Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya,…

– Đọc tiểu thuyết trinh thám của bác Keigo thì có nhiều thứ để học hỏi lắm. Ví dụ như cách xây dựng cốt truyện thu hút người đọc, kích thích óc suy luận và phán đoán của độc giả, cái kết không ai ngờ tới,… Dù đã đọc gần hết các tác phẩm của bác Keigo in ở Việt Nam nhưng thú thật là mình ít khi đoán được hung thủ là người nào (trừ trường hợp tác giả nói tên hung thủ trước rồi sau đó đi chứng mình cách thức phạm tội).   Mình thích cách bác miêu tả tâm lý nhật vật nên khi viết mình đặc biệt chú ý điểm này, không biết có được tính là đã học hay không.

PC: Tác phẩm bạn ưng ý nhất ? Có kỉ niệm nào đáng nhớ về nó? Có thông điệp gì qua tác phẩm đó không?

Mình hiểu câu này theo hai nghĩa: Tác phẩm (của bạn) mà bạn ưng ý nhất hoặc tác phẩm (của người khác viết) mà bạn ưng ý nhất.

*  Cách hiểu 1:

– Tính đến thời điểm hiện tại thì ưng ý nhất là truyện ngắn “Đứa con” – một bài thi trong cuộc thi Nhà.

– Nếu ai có theo dõi thì cũng biết trong một phút ngớ ngẩn mình đã vô tình xóa hết 950 chữ rồi lưu lại với số từ 2800 chữ ( bản hoàn thiện là 3750 chữ). Sau một buổi mày mò và tìm phương pháp cứu chữa thì mình bất lực và tiếc nuối. Cuối cùng, bằng một phép nhiệm màu nào đó mình đã gõ lại được 880 chữ. Có lẽ, đó là định mệnh rồi nhưng thú thật ra là xui.

– “Đứa con” mình viết về nỗi khao khát có một đứa con của thị và lão chồng. Có con, đồng nghĩa với việc thị hoàn thành được thiên chức của người mẹ mà Thượng đế ban cho. Tuy nhiên, trớ trêu thay là thị xin con nuôi rồi mới có con ruột. Thông điệp mà Hàn muốn gửi gắm là dù con nuôi hay con ruột, nếu đã nuôi chúng thì bậc làm bố mẹ phải có trách nhiệm. Biết là không thể đồng đều nhưng phải cố gắng, cố gắng và cố gắng. Điều quan trọng nên Hàn nhắc tới ba lần.

* Cách hiểu 2:

– Tác phẩm mà mình thích nhất là Thư – Higashino Keigo.

– Kỷ niệm thì không có nhưng mình đã có một cái nhìn rõ nét về “SỰ CÔNG BẰNG” trong xã hội. Trong cuộc sống của chúng ta, mọi người đều nói phải công bằng nhưng có thật là chúng ta làm được điều đó hay không? “Công bằng” chỉ mang tính chất tương đối, không thể tuyệt đối như phép toán 1 + 1 = 2 được. Nếu bắt buộc phải quy hai chữ “công bằng” vào trong Toán học thì chắc hẳn nó là phép toán mà kết quả yêu cầu làm tròn tới hai chữ số thập phân. Hồi còn đi học, mình khá chấp niệm với việc đòi công bằng trong các cuộc thi vì mình thi suốt từ cấp hai lên cấp ba. Mình luôn nghĩ rằng chỉ cần bạn cố gắng hết sức, kết quả sẽ được như ý nguyện. Nhưng không, mọi thứ mình đạt được đa phần là bất ngờ nhiều hơn mấy chữ “có thể dự đoán từ trước”. Tượng tự như nhân vật Naoko trong truyện “Thư”, dù cậu không phải là kẻ giết người, là em trai của kẻ giết người nhưng chính cậu mới là “nạn nhân” từ hành vi phạm tội do anh mình gây ra. Có một câu mà mình rất thích là: “Một thế giới không có phân biệt hay thành kiến, chỉ có thể là sản phẩm của trí tưởng tượng. Bởi con người là loài sinh vật sống không thể thiếu phân biệt và thành kiến.” (mình rất thích câu trả lời của bạn, nếu biết trước có lẽ PC sẽ hỏi thêm là: Bạn học cách làm quen với sự bất công hoặc điều chỉnh tâm thái trước sự bất công bạn gặp phải như thế nào?) 

PC: Cách bạn luyện tập viết lách? Trần Hàn có viết hàng ngày không?

– Mình chủ yếu là đọc nhiều, viết nhiều thì khoảng một năm trở lại đây thôi. Ngày xưa mình làm Văn toàn 4 hoặc 5 điểm thôi, sau này đọc sách rồi thấy hứng thú nên cải thiện được một chút.

– Đa số là viết hằng ngày, có một khoảng thời gian tầm 2 hoặc 3 ngày không viết để đi đọc truyện. Hàn đọc sách kiểu ngấu nghiến, đọc hết một quyển xong rồi lâu lâu lôi ra đọc lại (đó là gần đây thôi chứ trước kia chỉ đọc một lượt). Đọc lại vì Hàn thích viết review sách và ghi lại những câu văn hay để làm tư liệu.

PC: Cầm bút, bạn có mục đích nào không? Như phục vụ nhân sinh, quốc gia, dân tộc… Hay chỉ vì mình thích và viết ra những suy nghĩ riêng tư, gửi gắm quan điểm cá nhân?

Trước hết là muốn viết ra suy nghĩ của mình, sau đó là muốn kiểm chứng tác dụng của việc đọc sách. Quả thật là nếu bạn đọc đủ sách đến một mức độ nhất định, bạn có thể viết tốt lên. Tuy nhiên, bạn cần duy trì thói quen này hằng ngày thay vì hứng thú nhất thời. Hàn chuyên mua sách trên Tiki, thỉnh thoảng mua quá đà nên có ăn mì tôm vài ngày, hoặc một tuần, haha.

PC: Bạn có ấp ủ gì về một tác phẩm “tầm cỡ” trong tương lai không? 

Muốn viết được một tiểu thuyết trinh thám được mọi người hưởng ứng hoặc một kịch bản phim điện ảnh, MV ca nhạc nào đó. Nói cho oách vậy chứ Hàn chưa chuẩn bị gì cả. Khi nào còn thở thì còn có quyền được ước mơ nhỉ? Còn việc làm được hay không thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

PC: Khi bạn viết truyện, bạn có lấy nguyên mẫu, sự kiện ngoài đời thực không? Chúng chiếm bao nhiêu %?

– Nguyên mẫu thì có nhưng không nhiều, chủ yếu là nhìn rồi tưởng tượng ra và viết, thay đổi chúng đi. Phần trăm nguyên mẫu chưa bao giờ quá 30%.

– Để viết truyện thì phải quan sát nhiều, nghe nhiều, đọc nhiều và viết nhiều. Đó là cách mình viết, dù hiện tại có thể chưa tốt về mọi mặt nhưng ít ra cũng có một vài truyện khiến mọi người thích thú.

PC: Theo bạn, điều quan trọng nhất ở một tác phẩm văn học là gì?

– Quan trọng là tác phẩm đó phải do bạn viết, do bạn sáng tạo và không đi ngược lại với thuần phong mỹ tục. Có thể nó không hay nhưng ít ra nó không cổ xúy tiêu cực và cẩu thả (trình bày, lỗi chính tả, ngữ pháp).

PC: Theo bạn, điểm trừ của công việc viết lách là gì?

– Tốn rất nhiều thời gian của bạn. Hầu như nếu bạn lựa chọn viết lách là nghề nghiệp nghiêm túc để theo đuổi thì bạn phải làm việc với nó mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm. 

PC có thể hiểu để trở thành một nhà văn chân chính và kiếm sống từ nó sẽ phải tốn công phu rất nhiều, cho ra đời một tác phẩm không những vắt hết trí óc, thời gian và sức lực của tác giả, nếu như được bạn đọc đón nhận thì mọi công sức đều là đáng giá, đúng không?

– (Cười) Có thể nghĩ như vậy. Trần Hàn cũng rất mong nhận được bình luận của độc giả, dù khen hay chê cũng chứng tỏ tác phẩm mình thực sự được chú ý. 

PC: Từ đâu mà bạn biết tới Văn học trẻ? Nếu cần nói ngắn gọn về ấn tượng của bạn với những trải nghiệm của bạn ở Văn học trẻ, bạn sẽ nói gì?

– Do Nguyên rủ rê. Ban đầu mình cũng không có ý định cộng tác với Văn Học Trẻ vì Hàn lười nhưng chắc do bạn mình rủ nhiệt tình nên gửi bài và gắn bó tới bây giờ. (Công khai mối quan hệ bạn bè giữa Jinx Nguyên và Hàn Ziggs – đôi bạn thân ôm vũ khí (bàn phím) oanh tạc khắp diễn đàn Văn học trẻ, chắc các bạn cũng muốn một tình bạn thúc đẩy nhau cùng tiến như thế này đúng không? ^^)

– Chuyên nghiệp, chắc chắn rồi. Dù là bài nhuận, bài tham gia cuộc thi hay bất kỳ bài viết nào trên diễn đàn đều được nhận xét và góp ý một cách tâm huyết nhất. Đó là lý do mình ở lại Văn Học Trẻ và cầu thị mọi ý kiến để bản thân có thể tốt hơn mỗi ngày. Mỗi lần nhìn thấy bài mình được đăng lên trang web của Văn Học Trẻ cảm giác “oách” lắm. Nói chung là sướng.

PC:  Lí do gì khiến bạn muốn gắn bó với Văn học trẻ? Và điều bạn mong đợi ở VHT sẽ làm tốt hơn?

Văn học Trẻ rất chuyên nghiệp, lý do để mình gắn bó lâu dài. Bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, chuyên nghiệp chính là việc thể hiện sự tôn trọng với người hợp tác cùng bạn.

– Mong đợi VHT sẽ tìm ra được nhiều tác giả và tác phẩm chất lượng. Đọc một bài viết hay giống như ăn một món ăn ngon vậy, và tác giả là người nấu – chứng tỏ “tay nghề” không phải tầm thường.

PC:  Bạn có muốn nhắn gửi gì tới độc giả của mình không?

– Hy vọng các bạn sẽ tiếp tục ủng hộ Hàn và các tác phẩm sẽ đăng trên VHT trong thời gian tới. Có thể Hàn không là người viết hay nhất nhưng sẽ cố gắng đem đến cho bạn những cảm xúc chân thật nhất từ chính tác giả. Và Hàn mong các bạn hãy ủng hộ Văn Học Trẻ bởi nó là nơi xứng đáng để chúng ta cùng nhau học hỏi, rèn luyện và phát triển.

Cảm ơn Trần Hàn với cuộc trò chuyện offline vô cùng chỉn chu từ nhà văn trẻ. Cùng với sự nỗ lực, cầu thị của mình, mong rằng Trần Hàn sẽ sớm trở thành một ngôi sao văn học với những tác phẩm để đời, được nhiều người yêu mến. Mong rằng bạn đọc của VHT cũng sẽ ủng hộ cho Trần Hàn và Văn học giả bằng cách đọc, nhận xét bên dưới bài viết để chúng mình có nhiều động lực hơn viết ra những tác phẩm.

Phỏng vấn tác giả Trần Hàn

Thực hiện: Phong Cầm

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close