TẢN VĂNVăn học Tuổi trẻ

Và trên đầu, mây trắng vẫn bay

Và trên đầu, mây trắng vẫn bay

“Bà đi rồi.”

Chỉ vỏn vẹn ba chữ, là nội dung tin nhắn mẹ gửi cho tôi. Khi đọc được tin nhắn này, tôi vừa bước ra khỏi phòng thi tốt nghiệp. Nhìn lại, mười ba giờ bốn mươi chín phút, tin được gửi khi tôi mới bước vào phòng thi chưa đầy ba mươi phút đồng hồ.

Nhắm mắt lại, tôi có thể tưởng tượng ra dáng vẻ của mẹ khi soạn dòng tin này. Nước mắt rơi lã chã, hai hàm răng cắn chặt, đôi tay run rẩy, cầm điện thoại còn không vững. Hoặc là, tin nhắn này thậm chí còn không phải do chính tay mẹ tôi gửi cho tôi.

Bà ngoại chỉ có một người con là mẹ, mẹ kết hôn với bố, chỉ đi làm dâu gần một tháng, rồi cả bố lẫn mẹ chuyển về bên ngoại. Chẳng phải do mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, chỉ là vì bố tôi thương vợ chưa đầy hai mươi tuổi đã phải đi lấy chồng, sống xa bố mẹ.

Từ năm đó, bố tôi bắt đầu ở nhà vợ. Sau vài ba năm thì ông ngoại mất. Thú thực, tôi không có kí ức về ông, tất cả những gì về ông mà tôi biết được đều là qua lời kể của bà. Bà kể, năm đó bà mải lo cho các em nên quá lứa lỡ thì, may mà có ông mang cau trầu sang hỏi cưới. Bà kể, ông thương các cháu lắm, khi con gái có bầu ông đi đâu cũng khoe là sắp có cháu bế bồng.

Nhưng một cơn bệnh nặng đã cướp đi ông của bà, rồi sau hơn hai mươi năm, một căn bệnh quái ác, đã cướp đi bà của chúng tôi. Nhưng, nếu suy nghĩ theo một hướng lạc quan hơn, thì có lẽ căn bệnh quái ác mà nền y học hiện đại phải bó tay đó, đã đưa bà về bên ông.

Tôi không biết khi bà không còn nữa, mẹ tôi đau buồn nhiều hơn hay nhẹ nhõm nhiều hơn. Những ngày cuối cùng, mẹ nói, trong những ngày cuối cùng bà không còn giữ được tỉnh táo, chỉ luôn miệng kể về ông. Bà thương ông, cũng nhớ ông nhiều lắm. Hơn hai mươi năm có lẽ là khoảng thời gian dài nhất mà bà có thể chịu đựng được. Và ở nơi đó, nhất định, nhất định ông vẫn luôn chờ đợi bà cùng đi. Bà đi sớm một ngày, là bớt phải chịu thêm một phần đau đớn, và sớm một ngày được gặp lại ông.

Trở về phòng trọ từ phòng thi, tôi quơ vội mấy bộ quần áo, rồi ra bến xe, bắt chuyến xe đêm ngược về nơi quê nhà cách Hà Nội tới hơn ba trăm cây số. Chiếc xe lao vút đi trong màn đêm. Khi những hành khách khác đã chìm trong giấc ngủ, tôi lại ngồi dậy, vén rèm xe và lẳng lặng nhìn ra ngoài. Không gian xung quanh tối tăm tới mức chẳng thể nhìn rõ thứ gì, hoặc là do tầm mắt của tôi đã trở nên nhòa nhạt.

Tôi chợt cảm thấy cô độc vô cùng.

Những người thân yêu rồi sẽ lần lượt bỏ ta mà đi, rồi một lúc nào đó khi ta xa rời nhân thế, ta cũng sẽ phải buông lơi bàn tay níu giữ cuộc sống, một mình.

Mẹ ra đón tôi với đôi mắt đỏ hoe như vừa mới khóc xong, đôi tay run run ôm chầm lấy đứa con lâu ngày không gặp, nước mắt chẳng kiềm chế nổi lại được dịp trào ra: “Con về… muộn quá… vẫn nhắc con suốt từ hôm trước…”

Người ta thường nói, có những người sẽ cảm nhận được thời điểm mình sắp ra đi, nên bà ngoại mới luôn miệng nhắc về đứa cháu gái chưa kịp trở về. Nhưng mẹ biết tôi đang chuẩn bị thi tốt nghiệp, học hành mấy năm chỉ chuẩn bị cho một ngày này, nên chẳng hé răng nói với tôi nửa lời.

Tôi cúi đầu, vụng trộm quệt đi nước mắt rơm rớm trên khóe mi, xách balo đồ đạc bước vội vào nhà.

Ngày đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng là một ngày nắng đẹp. Tôi thầm nghĩ, thì ra không phải lúc nào con người gặp chuyện buồn trời cũng sẽ đổ mưa. Trên đầu, mây trắng vẫn bay, như ngàn đời qua vẫn thế. Dưới đất, xác thân trần tục của một con người bị vùi trong đất đá, qua trăm ngàn năm nữa có lẽ sẽ chẳng còn gì.

Lúc đó, ở trên trời, liệu mây trắng có còn bay?

 

Tác giả Nguyên

Và trên đầu mây trắng vẫn bay - Tác giả Nguyên Và trên đầu, mây trắng vẫn bay
Và trên đầu mây trắng vẫn bay – Tác giả Nguyên

Xem thêm tác phẩm cùng tác giả:

Lời bàn “Mây trắng vẫn bay”:

Một tản văn đầy suy tư của tác giả Nguyên về đời người, về cái chết, “Và trên đầu, Mây trắng vẫn bay” cho ta thấy một niềm hoang mang, chơi vơi, buồn bã của người ở lại. Có lẽ, bất cứ ai đều thế, khi người thân bên cạnh đột ngột ra đi, chúng ta đều cảm thấy hụt hẫng. Người vừa nói cười với ta hôm trước hôm sau đã chẳng còn. Có người tiếc nuối, có người cảm thương. Khi còn nhỏ, ta có thể khóc thật lớn, nhưng khi đã trải qua nhiều mất mát thì thứ còn lại chỉ là miền suy tư vô tận tưởng nhớ về kỉ niệm về người đã khuất.

Bà là người thế nào? Cuộc đời bà đã trải qua những chuyện gì? Chẳng ai biết được buồn vui trong suy nghĩ của bà, chỉ biết rằng bà đã chịu nhiều vất vả để nuôi mẹ lớn lên, có lẽ sự ra đi này, với người ở lại là buồn thương còn bà lại vui vẻ vì được về bên người mình yêu mến. Nói như vậy để an ủi chính mình hay không cũng chẳng biết, nhưng tôi có thể tưởng tượng được cổ họng ứ nghẹn của nhân vật trữ tình.

Tản văn hay, có thể bởi ngôn từ câu chữ mượt mà, hành văn trôi chảy, nhưng tôi thấy tiên quyết là cảm xúc của bạn đọc được khơi gợi, mối đồng cảm nơi bạn đọc và tác giả được gợi tối đa. Nguyên là tác giả trẻ mà mỗi tác phẩm của em đều làm tôi thấy được cảm xúc nơi Nguyên hằn lên từng con chữ.

Và trên đầu, Mây trắng vẫn bay” – tản văn xúc động, không khiến ta rơi nước mắt nhưng lại gợi ra niềm đồng cảm suy tư về người đã mất, đồng thời bày tỏ niềm nhớ, trân trọng về gia đình và những gì đang tồn tại của tác giả.

 

 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close