Chưa được phân loại

Đoản khúc cho cố nhân

 Đoản khúc cho cố nhân

Bao năm phiêu bạt giang hồ
Ta đi biệt xứ mồ côi tâm hồn

Ngủ trong nỗi nhớ cuộn tròn
Trái tim thổn thức mỏi mòn nhớ thương

Thoảng đâu trong cõi vô thường
Kết tràng kí ức ta mường tượng ra

Vô tình trong một sát na
Ai gom nỗi nhớ hoan ca…điệu buồn

Ông trời khóc, lệ trào tuôn
Chão chuộc rệu rã, lả lơi chuồn chuồn

Cố nhân ơi…Cố nhân còn…
Gọi tên ta mãi trong tiềm thức không?

Cuộc đời sắc sắc không không
Lìa xa tất cả ta nương Phật Đà

Rồi đây trong cõi Ta Bà
Cố nhân ơi, cố nhân còn nhớ ta?!!!

Tác giả: Cỏ Phong Sương
P/S: Viết tặng Phong Cầm

Xem thêm bài thơ cùng chủ đề:  Cõi tạm – Cỏ phong sương

***

Đoản khúc cho cố nhân Đoản khúc cho cố nhân
Doan khuc cho co nhan – tac gia co phong suong

Lời bàn về bài thơ:

“Cố nhân” trong tiếng Việt còn có nghĩa tương đương với “bạn cũ”. Thế nhưng, hai chữ “cố nhân” có thêm ý nghĩa khác với bạn cũ: đó là thời gian quen nhau trong xa xôi và lâu chưa gặp lại, tình cảm bạn bè giữa họ khá đặc biệt với nhau, ở trên mức tình bạn thông thường.

Chữ “cố nhân” xuất hiện một cách tràn ngập như một réo gọi, như một ám ảnh, trở đi trở lại: Cố nhân ơi…Cố nhân còn… Cố nhân ơi, cố nhân còn nhớ ta?!!! bốn lần và ở lần cuối cùng mới bật lên thành câu hỏi “Cố nhân còn nhớ ta?”. Trong cuộc đời gập ghềnh lúc lên lúc xuống, nhiều buồn vui cuộc đời tới rồi qua, tới khi gá nương cửa Phật tác giả vẫn nhớ tới “cố nhân”. Một người bạn thế nào, có ý nghĩa thế nào mới khiến tâm hồn người tu sĩ vốn tĩnh lặng lại gợn lên những nhớ thương?

Trong bài, Cỏ Phong Sương cũng nhắc đến khái niệm “sắc sắc không không”, ám chỉ cuộc đời của chính mình. Tất cả mọi thứ trong cuộc đời này (thuộc về vật chất ví dụ như là thân xác, nhà cửa, xe cộ, tiền tài) cũng do nhân duyên tạm bợ nương nhờ nhau mà thành. Hết duyên thì tan rã rồi trở về với cát bụi hư vô. Mọi thứ đều tồn tại trong mối liên hệ với sự vật khác. Sắc tướng và tính không đều có sự tương tác lẫn nhau. Giác ngộ được tư tưởng này mà tác giả đã nương cửa Phật tiến vào con đường tu tập Phật pháp. Nhưng ngoài ra, “sắc sắc không không” khi kết hợp với câu hỏi “Cố nhân còn nhớ ta?”, cá nhân tôi có thể hiểu rằng tác giả đang hỏi người bạn cũng hỏi chính mình: Liệu duyên phận giữa tác giả và bạn cũ có còn không để sau này có thể gặp lại, để tiếp tục tình bạn đã từng sâu sắc tạo thành nỗi nhớ thương “Gọi tên ta mãi trong tiềm thức không?”. Tuy chưa từng nhắc tới vui thú của kỉ niệm với bạn cũ, nhưng chỉ với những từ “hoan ca…điệu buồn” dù thoáng qua nhanh như “sát na” (nhanh hơn cả một cái chớp mắt) nhưng lại da diết “nỗi nhớ cuộn tròn”, “thổn thức mòn mỏi” đủ để hiểu tình cảm sâu đậm giữa hai người. Ta nhớ người tới như vậy, liệu rằng người còn nhớ tới ta? Ẩn sau đó có lẽ là niềm mong chờ thầm kín chuỗi duyên phận gắn kết giữa hai người vẫn còn nhiều mối nút buộc chặt, mong chờ sự đáp lại dù chỉ cái gật đầu để biết rằng trong bạn vẫn có ta.

“Đoản khúc cho cố nhân” – Cỏ phong sương là một bài thơ về tình bạn bè, cũng đồng thời là bài thơ Phật giáo đem lại những suy ngẫm về cuộc đời và tình bạn sâu sắc, tình cảm thiết tha trong bài làm lay động bạn đọc về thứ tình cảm đích thực dù thời gian, không gian xa cách vẫn gắn bó, thiết tha.

 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close