TẢN VĂNVăn học Tuổi trẻ

Cửa nhà vẫn mở con đợi bố quay về

Cửa nhà vẫn mở con đợi bố quay về

Bố à, giờ này bố ở đâu? Bao nhiêu lâu rồi bố con mình chưa nói chuyện? Bao nhiêu lâu rồi hai bố con chưa có dịp nhìn thấy nhau?

Mùa đông gõ cửa, nó khởi đầu bằng cơn gió se se lạnh, lướt trên mấy tán lá cây ven đường. Sau một giấc ngủ dài, con thức dậy rồi thấy lòng mình trống trải. Kể từ ngày bố đi, con vẫn luôn suy nghĩ đến việc tha thứ cho những lỗi lầm của bố. Nhưng con lại sợ… con sợ khi bố quay về, ngày tháng xưa cũ lại tái diễn, mẹ của con lại khổ. Đứng giữa hai đấng sinh thành, con biết phải làm sao đây?

Chiều hôm qua, vượt qua dòng người vội vã trên hè phố, con trở về căn phòng nhỏ quen thuộc. Ngả lưng xuống giường, con nhìn lên trần nhà rồi nghĩ ngợi mông lung. Sắp đến Tết rồi, con đang đếm ngược từng ngày để trở về với mái ấm của gia đình đây. Ở đó có mẹ, có em nhưng lại thiếu đi bóng hình của bố. Vậy bố cho con hỏi, ba người dưới một mái nhà có được coi là một gia đình trọn vẹn không hở bố?

Dòng suy nghĩ giữ con lơ lửng giữa không gian, trôi trong dòng thời gian vô định. Điện thoại rung lên, con bừng tỉnh. Nhận được tin nhắn từ em gái, lòng con bất giác lại đắn đo. Em nói bố đã về, thân hình gầy xác xơ, khuôn mặt hốc hác, làn da đen sạm hẳn đi. Khoảng thời gian qua bố làm gì, ở đâu, cuộc sống mưu sinh vất vả lắm sao bố? Sao bố không về, không nói với mẹ con một lời xin lỗi. Biết đâu, gia đình mình lại hạnh phúc như xưa. Lần này bố về, con chỉ muốn hỏi bố đã thay đổi chưa? Bố có biết con mong đợi ngày bố hiểu ra gia đình là tất cả đến nhường nào không? Chỉ cần một lần thôi, một lần bố đặt mấy mẹ con con lên vị trí ưu tiên, ắt hẳn con đã có thể mỉm cười mà bỏ qua tất cả.

Kết thúc cuộc trò chuyện với em gái, con lại lao vào những dằn vặt của trái tim. Một nửa con muốn xin mẹ tha thứ cho bố, một nửa lại không. Suy cho cùng, cái con sợ nhất là quá khứ lặp lại, hình ảnh bố trong mắt con lại xấu thêm. Con biết ai cũng có lỗi lầm, ai cũng mong được tha thứ, ai cũng muốn thay đổi nhưng liệu có mấy ai làm được đây bố? Bố có biết, nhiều lần con muốn gọi để nói cho bố hiểu lòng con, muốn bố trở về với gia đình thay vì cứ lang thang đây đó trong những tháng ngày cô đơn. Nhưng khi cầm lấy điện thoại lên, lục trong danh bạ, con lại không thấy số của bố đâu. Phải, con đã xóa rồi. Từ lúc nào không hay.

Người đời có thể nói con vô tình, nói con lạnh lùng hay bất hiếu nhưng con tin bố hiểu cho hành động có phần trẻ con này. Nhiều lần, rất nhiều lần rồi con phải chứng kiến mẹ khóc, chứng kiến mẹ lau nước mắt mỗi đêm, không dám để hai anh em con nhìn thấy. Khi ấy, con cảm thấy bất lực, rồi con tức, con giận bố, thậm chí là hận. Mọi chuyện đều có lý do, con hiểu, bố hiểu và mọi người xung quanh ai cũng hiểu.

Từ lúc bố đi cho đến giờ có lẽ cũng hai năm rồi. Trong hai năm đó, thỉnh thoảng bố có về mấy lần nhưng con không được biết, cũng không được thấy. Bố như ngọn gió vô tình giữa mùa đông rét mướt, đến rồi đi, chỉ để lại cái lạnh tê tái trên da thịt.

Hai năm, một khoảng thời gian không dài nhưng đủ để con trưởng thành, tập quen với cuộc sống không có bố bên cạnh. Những ngày đó con thấy mẹ cười nhiều hơn, ngủ sâu hơn dù cuộc sống có phần vất vả. Thi thoảng, mấy mẹ con có nhắc đến bố nhưng chỉ là những câu hỏi lướt qua mà thôi. Thời gian trôi đi, con người ta đều có thể làm quen với mọi sự thay đổi phải không bố?

Hơn một tháng nữa là đến Tết rồi, con thật lòng mong bố sẽ quay về. Nếu bố thay đổi, con sẽ rất vui, con tin mẹ và em cũng thế. Nếu bố không thay đổi, bố vẫn có thể quay về. Có lẽ, chúng ta không thể nói chuyện thoải mái với nhau như xưa nhưng ít ra con vẫn có thể trông thấy bố bên cạnh. Tết là dịp đoàn viên, dù bố có lỗi lầm, gia đình vẫn mở cửa, đón bố trong vòng tay yêu thương, dù yêu thương đó có phần cảnh giác.

Mùa đông năm nay, con lớn rồi, em cũng lớn, chỉ có mẹ là nhọc thêm. Tuy vậy, một khi đã là gia đình, con vẫn muốn có bố trong bữa cơm tối giao thừa. Nghĩ đến ngày cả nhà quây quần bên nhau chuẩn bị đón năm mới, con ước gì bố chưa từng phạm sai lầm, chưa từng khiến nước mắt mẹ rơi, chưa từng khiến anh em con thất vọng. Rồi mai đây trên bước đường đời, nếu con trở thành bố, con có thể trở thành một người bố tốt không hở bố?

 

Tác giả Trần Hàn

Xem thêm bài viết cùng tác giả:

Cửa nhà vẫn mở con đợi bố quay về Cửa nhà vẫn mở con đợi bố quay về
Cửa nhà vẫn mở con đợi bố quay về – Trần Hàn

Lời bàn:

Cửa nhà vẫn mở con đợi bố quay về là dòng suy nghĩ lơ lửng giữa mong bố về nhà và không muốn sự việc cũ xảy ra. Không khó để nhận ra gia đình tan vỡ ở quá khứ đến từ người bố. Giữa bố và mẹ, giữa tình yêu và sai trái, người con chắc chắn sẽ chọn bảo vệ mẹ, bảo vệ tình yêu, dù phía bên kia cũng là tình yêu nhưng lại chứa đựng cả đau khổ. Trần Hàn đã xuất sắc diễn tả tâm tư của một người con vừa muốn gia đình trọn vẹn, vừa thứ tha cho người bố đã phạm sai, nhưng cũng hết sức chân thành khi sợ chuyện cũ tái diễn. Không hề tỏ ra cao thượng, tha thứ và mời  gọi, mà là khao khát sự hiện diện của bố trong căn nhà này, nhưng nếu chỉ vì bản thân hạnh phúc mà mẹ lại khổ đau thì thà không cần. Nhất là, khi bố đi rồi, nhân vật con trở thành người đàn ông gánh vác thay bố, thì mọi sự quyết định vì tổ ấm, vì gia đình càng trở nên cẩn trọng.  Em nói bố đã về, thân hình gầy xác xơ, khuôn mặt hốc hác, làn da đen sạm hẳn đi. Khoảng thời gian qua bố làm gì, ở đâu, cuộc sống mưu sinh vất vả lắm sao bố? Sao bố không về, không nói với mẹ con một lời xin lỗi.

Có thương, có trách nhưng có lẽ nhiều nhất là hi vọng, hi vọng người bố sẽ thay đổi, hi vọng gia đình đầm ấm như xưa. Cửa nhà vẫn mở, nhưng không phải có thể trở về vô điều kiện, mà cần sự sửa đổi. Một quan niệm gia đình hiện đại và đúng đắn. Nhà là tổ ấm, là nơi yêu thương chứ không phải nơi chịu đựng những đau khổ. Câu cuối, mượn tâm trạng, mượn hoàn cảnh nhân vật, tác giả đã viết: Rồi mai đây trên bước đường đời, nếu con trở thành bố, con có thể trở thành một người bố tốt không hở bố? đem đến nhiều sự suy tư. Đúng vậy, người ta quên mất bố mẹ là tấm gương trực tiếp cho con noi theo, bố tồi, liệu con có thể không phạm sai lầm ấy không? Câu hỏi nhức nhối vừa đặt ra vấn đề nuôi dạy, làm gương, vừa là sự chất vấn trực tiếp lên trách nhiệm người làm cha, dù biết rằng người con sẽ khác bố, thế nhưng những ám ảnh về tổn thương mà bố để lại khiến người con mất hết dũng khí.

Cửa nhà vẫn mở con đợi bố quay về vừa là một tản văn thú vị với những câu văn miêu tả nội tâm tha thiết, viết về hạnh phúc gia đình, vừa đặt ra trách nhiệm cho mỗi chúng ta cần cư xử có trách nhiệm và đầy bản lĩnh khi đã trở thành bố mẹ để cho con cái một mái ấm thực sự, nuôi dạy con khỏe mạnh về cả thể xác và tinh thần.

Suy nghĩ của bạn như thế nào sau khi đọc bài viết “Cửa nhà vẫn mở con đợi bố quay về” ? Hãy để lại bình luận để Văn học trẻ  và tác giả Trần Hàn được biết nhé.

Tags
Show More

Related Articles

2 thoughts on “Cửa nhà vẫn mở con đợi bố quay về”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close