TẢN VĂN

Nắng tháng ba

Nắng tháng ba

Hạ chưa về mà xuân đã vội qua. Trong vườn nhà, cây khế trổ lá vàng chuẩn bị cho đợt đơm hoa kết trái vào tháng sáu. Nắng buông mình uể oải trên tán cây um tùm còn đẫm sương đêm. Hạt nào hạt nấy long lanh như viên kim cương bé xíu, chầm chậm trôi theo màu xanh mướt của cuống lá non tơ. Nắng xuyên qua nhành cây mãng cầu, tinh nghịch vờn quanh những quả non lúc lỉu trông thích mắt. Nắng lướt trên mái nhà, phất phơ nhè nhẹ đám lông chú mèo con nằm cuộn tròn sưởi ấm. Khí trời thanh mát, dịu nhẹ điểm tô thêm cảm giác bình yên, thoải mái tuyệt vời vào những ngày cuối tháng ba.

Khoảng thời gian này là khi vạn vật đã tận hưởng no nê, trọn vẹn sự ưu ái của thiên nhiên vào mùa xuân. Ngay cả bông hoa tím vô danh, dù khiêm nhường ẩn mình giữa cỏ dại vẫn không giấu được sắc hương tuyệt vời của mình. Sớm tinh mơ, khi không gian vẫn còn dậy mùi đất, mùi hơi nước quấn quýt hòa lẫn vào nhau, nội tôi đã thức dậy trước cả ánh mặt trời. Như thường lệ, ông tập vài ba động tác thể dục rồi bắt tay cắt tỉa, tưới nước vun trồng cho từng khóm cây trong vườn. Bước vào tuổi chín mươi, độ tuổi mà nhiều người đã về trời hoặc bình lặng sống giữa sự chăm sóc của con cháu, ông tôi vẫn hào hứng với niềm vui của riêng mình. Vườn cây được ông tự tay trồng ngay từ khi chúng đang còn là hạt giống. Từ những giống ăn quả như khế, ổi, mãng cầu, chanh cho đến những loài hoa khác nhau, qua thời gian chúng lớn lên song hành với tháng năm cuộc đời của ông. Bao nhiêu chiếc lá trên cành là bấy nhiêu thăng trầm với ông tôi. Mọi thứ ở đây gắn bó suốt từ thời niên thiếu cho đến khi mái tóc trên đầu đã bạc phơ. Với ông, vườn cây là nơi mà khi đặt chân vào, mọi thứ ồn ào vội vã sẽ ở lại phía ngoài kia. Tâm hồn được tưới mát giữa sự tinh khôi, thuần kiết của cỏ cây hoa lá. Đã từng có lần, tôi hỏi tại sao không thấy ông đi đâu nhiều mà chỉ quanh quẩn suốt ngày trong vườn. Ông chỉ cười rồi nói, vì sao phải đi khi chúng ta đã có nơi để đến?

Phía góc vườn, cạnh những chậu túc địa lan với thân lá bén nhọn như lưỡi kiếm, một khóm hồng dại vươn mình tỏa sắc rực rỡ. Từng cánh hoa mềm mại bung nở, trông kiêu hãnh như thiếu nữ đang đến tuổi cập kê. Ông nội bảo, giống này còn gọi là hoa tầm xuân. Chúng mọc hoang trong vườn, không giống những loài còn lại đều từ công chăm bón của con người. Có lẽ, cơn gió đi hoang nào đó đã mang hạt giống của chúng đến đây để rồi nảy mầm trên vùng đất xa lạ. Mỗi khi nói về hoa, ông thường rất say mê giảng giải cho tôi nghe về những đặc tính của chúng. Từ ý nghĩa của những bông mười giờ cho đến câu chuyện về đóa hướng dương, ông tôi có thể nói hàng giờ đồng hồ với niềm thích thú đến kì lạ.

Gió khúc khích cười trong vòm lá trên cao, giương mắt nhìn cậu thiếu niên vươn vai uể oải bước ra vườn. Năm cuối cấp, bài vở chất đống như núi khiến chẳng có đêm nào tôi ngủ trước một giờ sáng. Áp lực của kì thi đại học khiến cậu trai trẻ lao vào ôn luyện miệt mài. Tranh thủ chút thời gian cuối tuần rảnh rỗi, tôi rời khỏi bàn học để thư giãn đôi mắt của mình. Theo chân ông nội, nhìn bàn tay sần sùi lấm tấm đồi mồi đang thoăn thoắt cầm kéo tỉa cành, mệt mỏi tan biến mất nhường chỗ cho cảm giác nhẹ nhõm chẳng biết từ đâu kéo đến. Tôi im lặng theo sát ông, cả khu vườn rung lên trong từng cơn xào xạc của cành lá. Không gian trong vắt, hương hoa bưởi lẩn khuất đâu đây rồi bất chợt hiện ra, ngào ngạt lạ lùng. Và rồi, khi ánh mắt tôi tình cờ chạm phải, chùm hoa bưởi trắng tinh khôi đang thẹn thùng mỉm cười sau tán lá um tùm. Đánh rơi bước chân ông nội tự khi nào, tôi lặng lẽ đứng yên để mùi hương nồng nàn quấn lấy. Các giác quan bị đánh thức, tận hưởng sự dễ chịu bất ngờ.

Chẳng rực rỡ kiêu sa như hoa hồng, hoa cúc hay hướng dương, hoa bưởi mang nét mộc mạc, giản dị của mình để xoa dịu tổn thương cho những tâm hồn khó tính nhất. Bông trắng nhụy vàng giấu mình giữa màu xanh non của đám lá, không khoa trương kiểu cách lộ liễu. Bông bưởi trắng ngần đẹp theo cách của riêng nó, thứ mà những loài hoa khác dù cố gắng đến mấy cũng chẳng bắt chước được. Mải miết chạy theo cảm nhận, tôi không hề biết ông nội đang nhìn mình từ nãy giờ. Đến khi phát hiện ra, nụ cười hiền lành chất phác kia tự nhiên làm dậy lên cảm giác ấm áp trộn lẫn xấu hổ. Có phải không, khi tôi đã dần dần giống ông của mình vì bắt đầu thấy đồng điệu với thiên nhiên. Dù chưa rõ rệt, những dấu hiệu bé nhỏ có lẽ đã khởi đầu cho một tâm hồn rộng mở, sẵn sàng cho đi và đón nhận.

Tháng ba vẫn dừng lại, chưa trôi đi hay bị cuốn lấy bởi dòng thời gian. Từng chút một, những sinh mệnh không tên mở mắt thức tỉnh sau giấc ngủ dài. Lững lờ thả trôi cảm xúc vào ánh nắng, tôi biết mình đang đứng giữa khu vườn lộng gió.

Của ông nội, của tôi và của sau này.

 

Tác giả Kì Phong

Xem thêm tản văn hay cùng tác giả

  1. Mảnh vụn kí ức
  2. Ở bên mẹ bão giông hóa nắng vàng
  3. Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ
Nắng tháng ba - Kì Phong Nắng tháng ba
Nắng tháng ba – Kì Phong – tản văn hay Văn học trẻ

Lời bàn tản văn “Nắng tháng ba”

Tháng ba – quãng thời gian “Hạ chưa về mà xuân đã vội qua” theo lời tác giả viết – đã được Kì Phong hiện hữu cụ thể bằng sắc nắng, giọt mưa long lanh đậu trên cành lá và từng khoảnh khắc rất khẽ trong hoa lá trong khu vườn của ông nội.

Vẻ đẹp của thiên nhiên được miêu tả rất cụ thể: “Phía góc vườn, cạnh những chậu túc địa lan với thân lá bén nhọn như lưỡi kiếm, một khóm hồng dại vươn mình tỏa sắc rực rỡ. Từng cánh hoa mềm mại bung nở, trông kiêu hãnh như thiếu nữ đang đến tuổi cập kê.”; “Gió khúc khích cười trong vòm lá trên cao”; “Bông trắng nhụy vàng giấu mình giữa màu xanh non của đám lá, không khoa trương kiểu cách lộ liễu. Bông bưởi trắng ngần đẹp theo cách của riêng nó, thứ mà những loài hoa khác dù cố gắng đến mấy cũng chẳng bắt chước được.”

Cảnh mùa xuân đẹp, nhưng tình người cũng được Kì Phong nhắc tới song song. Ông nội đã chín mươi tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, giàu tình yêu mến hòa hợp với thiên nhiên, yêu mến những mầm non trong vườn cũng như đứa cháu nhỏ. Bàn tay ông dạy dỗ cháu mình thành một cậu bé có tâm hồn tinh tế, yêu mến cái đẹp đất trời. Để mùa xuân tươi đẹp trong đôi mắt trẻ thơ, cần lắm một bàn tay chu toàn chăm sóc, bảo vệ khu vườn này.

Tản văn “Nắng tháng ba” vừa là một bức tranh thiên nhiên đẹp và cao hơn là một bức tranh về tâm hồn con người đẹp – cả người ông và người cháu đều có những vẻ đẹp mà đọc từng chi tiết, ngẫm nghĩ ta mới càng trân quý thêm vẻ đẹp ấy.

Bạn có những nhìn nhận và kí ức nào về tháng ba muốn chia sẻ với Văn học trẻ hãy để lại bình luận dưới bài viết này nhé. Và nếu yêu thích “Nắng tháng ba, hãy chia sẻ bài viết để ủng hộ tác giả Kì Phong cũng như khích lệ Văn học trẻ cố gắng hơn nữa.

Tags
Show More

Related Articles

1 thought on “Nắng tháng ba”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close