Bài văn hay THCSNgữ Văn 6
Kể lại truyền thuyết Thánh Gióng bằng lời văn của em
Kể lại truyền thuyết Thánh Gióng bằng lời văn của em
Hàng năm nhà trường thường tổ chức Hội khỏe Phù Đổng, các bạn có biết tên gọi cuộc thi đó bắt nguồn từ đâu không? Đó chính là từ người anh hùng dân tộc Thánh Gióng trong truyền thuyết cùng tên. Thánh Gióng chính là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam về sức mạnh đánh giặc và truyền thống yêu nước.
Truyền thuyết kể lại rằng: Vào đời Hùng Vương thứ sáu, ở một làng kia có hai vợ chồng ông lão, chăm chỉ làm ăn lại có tiếng phúc đức nhưng vẫn chưa có con. Một ngày kia, bà ra vườn tưới rau, bỗng nhìn thấy một vết chân to dẫm nát cả luống cà. Lấy làm lạ, bà thử ướm chân của mình vào vết chân đó. Nào ngờ, bà có thai và sinh ra một cậu con trai khôi ngô tuấn tú. Cậu bé ra đời là niềm mơ ước của cả hai vợ chồng nên ông bà mừng lắm. Ít lâu sau, người cha mất, bà mẹ phải một mình tần tảo nuôi con. Cậu bé được bà mẹ đặt tên là Gióng, nhưng lạ ở một điều ba tuổi cậu vẫn không biết nói cười, không tập đi, tập đứng, suốt ngày chỉ nằm một chỗ. Mẹ Gióng buồn lắm.
Cũng năm ấy, nước Văn Lang bị giặc Ân xâm chiếm. Chúng phá làng, phá xóm, giết người không ghê tay. Quân dân ta đã ra sức chiến đấu nhưng đều bị giặc Ân đánh gục. Vua Hùng lo lắng cho vận mệnh của đất nước bèn triệu các lạc hầu, lạc tướng tới để bàn kế. Vua quyết định sai người đi khắp nơi cầu hiền tài.
Một ngày nọ, sứ giả đến làng Gióng, chiêng trống reo vang từ đầu làng đến cuối xóm. Sứ giả hô to:
– Ai có tài, có sức xin hãy giúp vua cứu nước.
Già, trẻ, lớn, bé đều vây kín xung quanh sứ giả, bàn tán xôn xao. Lúc này, Gióng vẫn nằm trên giường. Bà mẹ thấy vậy nói:
– Đất nước đang lâm nguy, con mau lớn nhanh để giúp nước.
Vừa dứt lời, Gióng liền cất tiếng nói:
– Mẹ ơi! Mẹ ra mời sứ giả vào đây giúp con ạ!
Người mẹ nửa tin nửa ngờ:
– Gióng ơi! Có phải là con nói không?
Gióng gật đầu:
– Việc nước khẩn cấp, xin mẹ đừng chần chừ.
Bà mẹ vội vàng chạy đi mời sứ giả. Trong lòng người mẹ rất tin tưởng nơi con, tự hào vì câu nói đầu tiên của Gióng chính là tình yêu nước, xin đi đánh giặc cứu nước cứu dân.
Sứ giả vừa nhìn thấy Gióng đã giật mình và nói:
– Ngươi chỉ bằng cây lúa, giặc Ân như thác đổ ầm ầm, chúng sẽ đánh bại ngươi.
Gióng điềm tĩnh trả lời:
– Ta sẽ phá được giặc Ân. Sứ giả về tâu với vua đúc cho ta một thanh gươm sắt, một con ngựa sắt, một cái roi sắt, một bộ giáp sắt.
Vui mừng vui khi được sứ giả báo về liền sai những người thợ giỏi nhất nước làm những đồ vật giống như Gióng đã xin. Từ đó, Gióng lớn nhanh như thổi, mẹ nấu bao nhiêu cơm Gióng cũng ăn không đủ no. Thấy vậy, dân làng góp gạo nuôi Gióng. Hàng nong cơm, hàng nong cà được bày ra để Gióng ăn. Ai ai cũng mong Gióng lớn thật nhanh, thật khỏe để ra trận lập công.
Giặc đã đến sát chân núi Trâu. Đúng lúc đó, sứ giả mang ngựa sắt, roi sắt, mũ sắt, áo giáp sắt. Gióng bỗng vươn vai lớn bổng thành một tráng sĩ khổng lồ, oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ đội mũ sắt, mặc áo giáp, lên ngựa rồi quay lại chào mẹ và bà con dân làng. Chàng thúc ngựa, ngựa phi như bay đến chân núi, Gióng đã gặp ngay giặc Ân. Tráng sĩ thúc ngựa bay vào giữa trận địa, vung gươm loang loáng. Từng lớp giặc Ân chết dưới mũi gươm của Gióng. Đang đánh nhau ác liệt thì roi sắt gãy, Gióng bèn nhổ phăng bụi tre ven đường, làm vũ khí tiếp tục chiến đấu. Quân giặc bỏ chạy toán loạn. Chẳng mấy chốc không còn bóng giặc dữ nào còn trên đất nước ta. Đánh giặc xong, Gióng phi thẳng ngựa đến chân núi Sóc Sơn, cởi áo giáp, bỏ nón sắt, một người một ngựa bay thẳng về trời.
Đất nước bấy giờ đã thanh bình, ấm no. Vua và nhân dân biết ơn đã lập đền thờ người anh hùng cứu nước. Vua phong cho Gióng là Phù Đổng Thiên Vương. Giờ đây, vẫn còn những ao nhỏ người ta vẫn thường nói rằng đó là vết chân ngựa của Gióng để lại, có cả làng Cháy và bụi tre ngả màu vàng óng vì ngày xưa ngựa Gióng phun lửa.
Nhiều thời đại qua đi, truyền thuyết người anh hùng Tháng Gióng vẫn được lưu giữ và truyền tụng mãi trong dân gian. Câu chuyện về người anh hùng Thánh Gióng đã không chỉ còn là niềm yêu thích của riêng tôi mà nó đã là niềm say mê của bao thế hệ học trò.
Cùng chuyên đề: Kể lại truyền thuyết Thánh Gióng| Tác giả: ThS Trần Thị Ngọc