NGỮ VĂN 12

Phân tích một số đoạn thơ tiêu biểu trong bài Tây Tiến – Quang Dũng

“Tây Tiến” là bài thơ thể hiện phong cách tài hoa và bút pháp lãng mạn của Quang Dũng. Qua đó ta cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo về người lính Tây Tiến trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp.

Bài số 1: Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng ?

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Mở bài:

Quang Dũng viết bài thơ Tây Tiến” vào tháng 5/1948 khi nhà thơ đã rời xa đoàn quân Tây Tiến, vì lẽ đó bao trùm bài thơ là một nỗi nhớ, với ăm ắp những kỉ niệm về một thời đã qua. Đặc biệt bằng cảm hứng lãng mạn và bút pháp bi tráng Quang Dũng đã dựng lên bức chân dung của người lính Tây Tiến trong một đoạn thơ đặc sắc.

Thân bài:

“ Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

Câu thơ đã gợi lên hình ảnh đoàn quân lạ lùng và có phần độc đáo “đầu không mọc tóc, da xanh như tàu lá” đó là thực tế của đời sống chiến tranh gian khổ, khắc nghiệt, phải đối mặt với đói khát, sốt rét, bệnh tật triền miên nhưng người lính vẫn hiện lên với dáng vẻ oai phong hùng tráng. Trong hai câu thơ tiếp theo, tác giả đã diễn tả cái chí và cái tình của người lính.

“ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

– Người lính không chỉ sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì tổ quốc mà còn có tình cảm lưu luyến, nhớ thương được gửi trong giấc mơ lãng mạn về một “dáng kiều thơm” ở quê hương yêu dấu. Câu thơ biểu hiện đời sống tình cảm dạt dào nhưng rất đỗi chân thật của người chiến sĩ.

– Đoạn thơ 4 câu không chỉ sử dụng nét vẽ hiện thực mà nổi bật hơn cả là bút pháp lãng mạn đã khắc họa hoàn cảnh gian khổ, những thử thách khó khăn của người lính Tây Tiến nhưng đằng sau khó khăn vất vả ấy là một tâm hồn hào hoa, đa cảm. Đó chính là nét nổi bật về những người chiến binh sẵn sàng hiến dâng cả tuổi xuân của mình trong sự nghiệp cứu nước vĩ đại của dân tộc.

“ Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

– Tác giả không ngần ngại khi nói đến sự mất mát, hi sinh của người lính qua hình ảnh những nấm mồ nơi biên giới. Người lính ra đi sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho cuộc đấu tranh của dân tộc. Hai chữ “chẳng tiếc” đặt giữa câu thơ thể hiện một thái độ dứt khoát, họ đón nhận mọi thử thách gian khổ trong chiến đấu thậm chí cả những hi sinh mất mát. Câu thơ khẳng định lí tưởng sống cao đẹp “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

“Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

– Câu thơ mang âm hưởng bi tráng khi nói về cái chết của người lính Tây Tiến. Bao khó khăn gian khổ, người lính ra đi về cõi vĩnh hằng chỉ một manh chiếu bọc thây nhưng trong mắt nhà thơ đó là những áo bào sang trọng, vì thế cái chết của người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp hào hùng, oai phong, nhẹ nhàng, thanh thản.

– Câu thơ cuối cùng vang dội như một khúc nhạc kì vĩ, âm hưởng bi hùng của câu thơ dội lên từ chữ “gầm”. Khúc độc hành của dòng sông Mã là tiếng khóc lớn của thiên nhiên, của quê hương, đất trời nghiêng mình tiễn đưa người lính trở về với đất mẹ.

Kết bài:

Trên cái nền hùng vĩ và mĩ lệ của núi rừng Tây Bắc, bức chân dung người chiến sĩ dũng cảm, kiên cường mà hào hoa, lãng mạn, thấm đẫm chất bi tráng. Họ tiêu biểu cho cả một thế hệ anh hùng: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Bài số 2: Bình giảng 14 câu thơ đầu trong bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng ?    

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Phân tích một số đoạn thơ tiêu biểu trong bài Tây Tiến – Quang Dũng
                Hình ảnh những người lính Tây Tiến

 

 Mở bài:

Quang Dũng vừa là một chiến sĩ, vừa là một thi sĩ nên thơ ông đằm thắm, đôn hậu như con người Tây Bắc, nhưng cũng có nét tinh tế, tài hoa của người Hà Nội.

Thân bài:

– Cảm hứng bao trùm toàn bộ bài thơ là một nỗi nhớ mênh mang, vời vợi về những kỉ niệm về một thời gắn bó với Tây Tiến, về tình đồng chí, đồng đội thiết tha, tình quân dân mặn nồng và về những miền đất đã đi qua trên những chặng đường hành quân.

Tây Tiến trở thành những kỉ nệm không thể nào quên trong cuộc đời Quang Dũng, nhà thơ đã bộc lộ những cảm xúc chân thành của mình ngay ở những câu thơ mở đầu.

“Sông Mã xa……………núi nhớ chơi vơi”

– Nỗi nhớ Tây Tiến được bộc lộ trực tiếp bằng tiếng gọi thiết tha trìu mến như được thốt lên tự đáy lòng, không thể nào kìm nén nổi . Nhạc điệu câu thơ được tạo nên từ âm sắc của tiếng gọi ấy và từ vần “ơi” rất gợi cảm, khiến âm hưởng câu thơ ngân dài, lan tỏa, vang vọng. Ba chữ “nhớ chơi vơi” rất sáng tạo, nó làm cho nỗi nhớ ở đây dường như được vật chất hóa, như đang cất lên ở lưng trời, gợi dậy những kỉ niệm về một thời Tây Tiến.

– Nỗi nhớ da diết cháy bỏng ấy đã xua tan sương khói, không gian mênh mang và thời gian thăm thẳm làm sống lại trong hoài niệm, trong kí ức nhà thơ những tên đất, tên mường, tên bản gắn liền với một thời đã qua, đó là con sông Mã, con sông hùng vĩ đã chứng kiến những vui buồn của cuộc đời người chiến sĩ. Đó là núi rừng mờ sương bên dốc cao, bên vực thẳm, là Sài Khao, Mường Lát những địa danh miền sơn cước gợi bao cảm xúc mới lạ. Tất cả là miền Tây tổ quốc với thiên nhiên khắc nghiệt nhưng cũng tràn đầy vẻ thơ mộng.

“ Sài Khao sương ……………về trong đêm hơi”

– Trên chặng đường hành quân đầy gian khổ, những người lính Tây Tiến vượt núi băng rừng như bị lấp đi dưới màn sương mịt mờ ẩm ướt, nhưng không vì thế mà tâm hồn lãng mạn của họ không xao xuyến trước một đóa hoa rừng tươi tắn. Có thể nói kỉ niệm về thời chinh chiến trong nỗi nhớ của Quang Dũng là kỉ niệm về một vùng núi hùng vĩ nhưng rất đỗi nên thơ, nỗi nhớ ấy khơi nguồn cho những cảnh núi cao, rừng dày của những câu thơ sau

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

……………………………………………

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

– Với nét bút gân guốc, với ngôn từ giàu chất tạo hình cho thấy một bức tranh thiên nhiên hiểm trở, hoang vu và heo hút của núi rừng Tây Bắc địa bàn hoạt động chủ yếu của đoàn quân Tây Tiến.

– Câu thơ thứ nhất và câu thơ thứ ba nhiều thanh trắc như bị bẻ làm đôi đã diễn tả những dốc núi lên rất cao, xuống rất sâu. Âm điệu của các từ láy “Khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút” gợi ấn tượng mạnh đối với người đọc về cảnh núi non hiểm trở, gập ghềnh và độ cao ngút trời của núi đèo Tây Bắc, núi cao chót vót bốn mùa mây phủ đoàn quân Tây Tiến đi trên đó như đi trên mây, mũi súng như chạm đến đỉnh trời. Chữ “ngửi” rất táo bạo, tinh nghịch, đầy chất lính.

– Quang Dũng không chỉ phác vẽ cảnh núi non trùng điệp của Tây Bắc bằng nét bút gân guốc mà còn sử dụng nét vẽ mềm mại bởi một câu thơ toàn thanh bằng

“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

– Đại từ phiếm chỉ “nhà ai” là một ngôi nhà không xác định là hình ảnh của làng quê bình dị, đồng thời thể hiện niềm xúc cảm da diết của người lính Tây Tiến trên con đường hành quân gian khổ. Nhìn xa xa thấy ngôi nhà thấp thoáng ẩn hiện trong không gian mịt mùng của sương rừng, mưa núi. Đó là hình ảnh của sự sống thanh bình khiến cho giọng thơ Quang Dũng như mềm lại, tạo nên sự linh hoạt rất đỗi tài hoa trong bút pháp thể hiện

– Hình ảnh người lính kiên cường còn được nhà thơ thể hiện trong một khía cạnh khác, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục trên súng mũ bỏ quên đời !”

– Âm điệu câu thơ chùng xuống khi nói đến sự hi sinh của người lính trên đường hành quân, sự ra đi ấy thật nhẹ nhàng, thanh thản nhưng cũng đầy khí phách bởi 3 chữ “bỏ qên đời”. Chất hoang sơ đầy bí hiểm của thiên nhiên miền Tây tiếp tục được nhà thơ khai thác ở hai câu kế tiếp

“Chiều chiều oai  linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

– Rừng thiêng, nước độc của miền Tây chính là những thách thức đối với các chàng trai Hà Nội hào hoa, thanh lịch. Song ngày qua ngày họ vẫn đối mặt với thiên nhiên, tham gia cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc bằng tâm hồn lãng mạn, bằng ý chí kiên cường và tình yêu nước thiết tha.

Đoạn thơ kết thúc đột ngột bằng hai câu thơ tả cảnh đầm ấm, êm đẹp của Tây Tiến trong ấm no ngày mùa.

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thêm nếp xôi”

Hương vị “thơm nếp xôi” và tình quân dân của con người Tây Bắc đã xua tan những gian khổ, hiểm nguy với đoàn quân Tây Tiến

Kết bài:

Đoạn thơ thể hiện sinh động cảnh sắc miền Tây hoang vu, hiểm trở nhưng nó cũng tươi tắn, ấm áp tình người. Nổi bật lên trên nền thiên nhiên ấy là hình ảnh người chiến sĩ Tây Tiến hào hoa mà dũng cảm.

Tags
Show More

Thy Việt

Admin Thy Việt, thành viên BQT diễn đàn văn học trực tuyến Vanhoctre.com Sở thích đọc sách, yêu văn học và viết lách.

Related Articles

1 thought on “Phân tích một số đoạn thơ tiêu biểu trong bài Tây Tiến – Quang Dũng”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close