Nghị luận xã hộiNGỮ VĂN 12Những bài văn hay

Giá trị của mỗi người

Giá trị của mỗi người

Giá trị là gì? Hai cây tre giống nhau, một cây dùng làm sáo, một cây dùng làm giá phơi đồ, Một hôm, cây dùng làm giá phơi đồ mới hối cây dùng làm sáo: “Tại sao chúng ta sinh ra cùng một nơi, đều là tre trên núi nhưng tôi mỗi ngày đều phải giãi nắng dầm mưa, còn bạn lại rất đáng tiền?”. Sáo trả lời: “Bởi vì bạn chỉ chịu một nhát dao khi bị chặt ra, còn tôi đã trải qua hàng ngàn nhát dao, được người ta chế tạo cẩn thận”. Giá phơi đồ im lặng.

Đời người cũng như vậy, nếu có thể chịu đựng được cực khổ, cô đơn, cọ xát vào thực tế, dám đảm đương và đứng lên chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình, cuộc sống mới có giá trị.

Khi nhìn thấy vinh quang của người khác, bạn không cần phải ghen tức, bởi vì người khác trả giá nhiều hơn bạn. Thật ra trên thế giới này có rất nhiều người thông minh nhưng lại có quá ít người có thể kiên trì đến cuối cùng, thế nên số người chiến thắng chỉ là số ít. Người càng thông minh họ càng hiểu rõ khuyết điểm của mình và luôn cố gắng đến cùng.

Trưởng thành không phải là trải qua thất bại một lần mà phải tích lũy nhiều lần, cả về tri thức lẫn kinh nghiệm sống.

Đây chính là luật tre,

(Hạt giống tâm hồn, Tập 3, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2015, Tr.79)

Nghị luận xã hội: Suy nghĩ của anh/chị về giá trị của mỗi người trong cuộc đời.

***

Mỗi người sinh ra đều trong hình hài một đứa trẻ, thậm chí có những người sinh ra còn mang trong mình khuyết điểm không lành lặn, khỏe mạnh như bao người. Tuy vậy , khi trưởng thành, giá trị của mỗi người lại dần khác nhau, mà người kém may mắn hơn lại chứng minh được giá trị cao hơn, người tưởng như sinh ra với đầy đủ may mắn không chỉ về cơ thể lành lặn, sức khỏe tốt, có cha mẹ bao bọc đôi khi giá trị lại có giá trị phổ thông. Giống như cây tre, lúc đốn hạ đều một lứa như nhau nhưng giá trị của sào tre lại khác sáo tre. Sự khác biệt này đến từ đâu?

Trước hết cần khẳng định rằng, ai sinh ra trên cõi đời này cũng có một giá trị nhất định, giống như tiền mà ngân hàng nhà nước phát hành vậy, có tờ mang mệnh giá trăm đồng, có tờ lại mệnh giá trăm ngàn, tờ năm trăm ngàn không tờ nào giống tờ nào. Không nên mang tờ năm trăm ngàn đi chợ mua bó rau được vì giá trị quá lớn, số tiền thừa quá nhiều, sẽ bị người bán rau mắng; cũng không nên mang rất nhiều tờ một ngàn để tới tiệm điện thoại mua Iphone, đếm rất mất thời gian. Chỉ là không hợp thôi, dù chúng ta có thể đổi vị trí cho nhau, dù sẽ cố gắng làm được nhưng làm sẽ không tốt như nên có. Và điều này cũng chứng tỏ rằng nếu nhiều người gộp sức lại sẽ tạo ra giá trị to lớn hơn, và nếu người có giá trị đặt không đúng vị trí, sẽ hoài phí.

Khi nói tới giá trị, thông thường người ta nghĩ tới tiền lương của một người, tài năng của người đó, vì kiến thức trong bộ não là một thứ vô hình khó đong đếm nên người ta thường dùng tiền bạc, thứ vật chất trực tiếp và dễ thấy để đánh giá giá trị của một con người. Người kiếm được nhiều tiền, tạo ra nhiều phát minh được công nhận thì người đó có giá trị cao hơn. Thước đo này không phải là sự chính xác tuyệt đối vì có những người có được sự may mắn, thuận lợi hơn những người khác, nhưng về cơ bản nó là thước đo hữu hiệu trong xã hội hiện đại này. Bạn có thể không phục mà cho rằng, những bạn được điểm cao hơn mình là may mắn, trúng tủ hoặc được cô giáo ưu ái hơn. Bạn đã rất chăm chỉ tại sao có thể kém hơn được? Tôi từng chứng kiến một bạn, không phải vì bạn ấy giỏi hơn tôi, cũng có lực học ngang bằng tôi, nhưng để đạt được lực học hiện tại, bạn ấy đã phải thức tới 1,2 giờ sáng để đọc thêm sách vở, hỏi bài để đuổi kịp bọn tôi, vì trên lớp bạn ấy không hiểu được hết những gì cô giáo dạy. Tôi thường nghĩ, tôi học cũng bình thường thôi, vậy mà để đạt được cái sự bình thường ấy bạn đó đã phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba so với tôi. Nếu như bạn ấy cũng dễ dàng tiếp thu như tôi và cộng thêm nỗ lực ấy, chắc hẳn bạn ấy sẽ cách xa tôi rất nhiều. Từ chuyện đó, tôi hiểu ra rằng, để đạt được những nấc thang cao hơn, chúng ta cần bỏ nỗ lực nhiều hơn, không chuyện gì là không thể, chỉ có người chưa đủ sự nỗ lực. Và dù ta có thể thua kém người khác vài điểm nhưng nhờ ý chí kiên định, dùng thời gian của bản thân để bù đắp thì ta sẽ đuổi kịp người khác sớm thôi.

Là giá phơi cũng được, dùng để phơi đồ, là cây sáo cũng được, để thổi ra những khúc ca hay, chẳng thể phơi đồ bằng cây sáo và ngược lại. Vậy thì cớ gì nói thứ nào tốt hơn thứ nào, đúng không? Mỗi vật lại có giá trị riêng của nó. Tuy nhiên, nếu so về giá trị tiền mặt, cây sáo bán được giá hơn vì cùng vật liệu ấy cần nhiều công sức, nhiều thời gian, nhiều sự khéo léo tỉ mỉ hơn để làm ra, vì vậy mà bán được giá hơn. Nó hơn cây sào phơi đồ chính là ở thời gian gọt đẽo và công phu không phải ai cũng có được mà là do quá trình học tập, rèn luyện, thất bại không biết bao nhiêu lần của người thợ để có được tay nghề làm ra nó. Do vậy, độ phổ biến của nó chắc chắn cũng ít hơn. Một người thường cũng chỉ cần chút công sức mà làm ra giá phơi nhưng cần biết bao nhiêu mồ hôi, thời gian luyện tập để tạo ra cây sáo. Con người ta cũng vậy, càng bỏ công học tập càng tỏa sáng, càng làm được những việc mà ít người có thể làm lại càng có giá trị. Thiên tài, chỉ 1% là tự có, 99% là do nỗ lực mà thành. Nếu nỗ lực gấp đôi chưa được thì gấp 10, gấp 20, rồi sẽ có lúc được. Một người teo nhỏ tay chân, gần như không có tay chân, để tốt nghiệp đại học ư? Quả thực là chuyện nghĩ thôi cũng đã thấy không thể? Nhưng Nick Vujicic lại làm được, tốt nghiệp với hai tấm bằng kép, thậm chí ông còn trở thành một diễn giả nổi tiếng, với 1.600 bài phát biểu tại hàng chục quốc gia, truyền cảm hứng sống và vươn lên cho hàng triệu người. Một người khiếm thính muốn trở thành nhà soạn nhạc thì sao? Vậy mà Beethoven lại trở thành nhà soạn nhạc vĩ đại nhất. Những điều tưởng như không thể, lại xuất hiện như một kì tích. Những kì tích ấy, thực ra đã đổi bằng biết bao nhiêu nỗ lực phấn đấu không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Ai cũng sinh ra để sống rồi chết đi, khởi đầu giống nhau, kết thúc cũng y như nhau, song, khi ta còn sống, sống như thế nào, giá trị mang lại cho cuộc đời này bao nhiêu lại hoàn toàn do chính chúng ta quyết định.

Tôi chẳng dám phê phán quyết định làm người giá trị bao nhiêu của các bạn, miễn sao chúng ta phải có giá trị. Đừng sống như con kí sinh chỉ biết ăn hại và bạn biến mất thế giới này thở phào. Hãy sống sao để khi ta nằm xuống, những giọt nước mắt tiếc thương cho một con người đã cống hiến tình yêu và công sức của mình cho thế giới này ngày càng đẹp hơn. Đừng ganh tị, hiềm khích với ai vì họ có giá trị hơn mình, có quá nhiều yếu tố đằng sau giá trị ấy: nỗ lực, may mắn, đánh đổi, thời gian. Nếu chúng ta chịu được những gì họ phải chịu, một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ có được vị trí ấy; nếu ta không muốn chịu những gò ép khắc khổ, thì cố gắng hoàn thiện bản thân, so sánh với chính chúng ta ngày hôm qua. Mỗi ngày một chút nỗ lực để hơn bản thân mình từng chút, ấy cũng là sống đẹp lắm rồi.

Bạn muốn làm một người tầm thường hay phi thường, tất cả nằm trong bàn tay của bạn. Có giá trị cao hay giá trị thấp là ở chính bản thân bạn có dám bứt phá, có dám trả giá, có dám bỏ ra thời gian để rèn giũa chính mình hay không? Bạn muốn làm chiếc sào tầm thường hay cây sáo trúc vĩ đại?

Giá trị của mỗi người Giá trị của mỗi người
Giá trị của mỗi người – bài văn nghị luận xã hội hay

Xem thêm những bài văn nghị luận xã hội khác trên văn học trẻ:

Giá trị của mỗi người có được tùy thuộc vào nỗ lực, quyết tâm của mỗi người trong trau dồi tri thức và làm việc, nó có thể cải thiện bằng việc học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức. Đừng cố gắng so sánh với ai khác mà hãy cố gắng để cải thiện bản thân tốt hơn ngày hôm qua.

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close