Bài văn hay THPTNGỮ VĂN 12Những bài văn hay

Phân tích vẻ đẹp con người trong văn Nguyễn Tuân sau Cách mạng qua đoạn trích “Cưỡi lên thác sông Đà phải cưỡi đến cùng … Họ nghĩ thế, lúc ngưng chèo.”

Phân tích vẻ đẹp con người trong văn Nguyễn Tuân sau Cách mạng qua đoạn trích: “Cưỡi lên thác sông Đà phải cưỡi đến cùng (…) Họ nghĩ thế, lúc ngưng chèo.”

Văn học nghệ thuật chân chính phải được dệt nên từ những cái riêng biệt, độc đáo, làm nên dấu ấn riêng biệt của nhà văn. Nói cách khác, nhà văn phải có phong cách nghệ thuật riêng biệt, không trộn lẫn với bất kì ai. Với Nguyễn Tuân, những trang viết của ông luôn mạng đậm dấu ấn cá nhân. Người đọc hết ngưỡng mình trước cái “ngông” của ông đến phải thốt lên đầy bất ngờ trước cách chiếm lĩnh mọi vấn đề trên phương diện duy mĩ của nhà văn. Với cách nhìn cái đẹp mới mẻ, độc đáo, tác phẩm của ông mở ra những cách nhìn nhận cái đẹp mới lạ. Đặc biệt, thông qua tùy bút “Người lái đò sông Đà”, người đọc có dịp được thấy được cách khám phá vẻ đẹp con người của nhà văn Nguyễn Tuân sau cách mạng tháng Tám.
Tuỳ bút “Người lái đò sông Đà” được in trong tập tuỳ bút “Sông Đà”. Tác phẩm được viết trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đó là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn đến Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là chuyến đi thực tế năm 1958. Nguyễn Tuân đến với nhiều vùng đất khác nhau, sống với bộ đội, công nhân và đồng bào các dân tộc. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã đem đến cho nhà văn nguồn cảm hứng sáng tạo. Tùy bút cũng chính là mảnh đất màu mỡ để Nguyễn Tuân thể hiện trí tuệ uyên bác, am hiểu rộng của ông. Từ đầu đến cuối tác phẩm, mỗi đoạn văn đều giống như một thước phim sống động quay lại chân thực vẻ đẹp của sông Đà. Trên nền thiên nhiên ấy, vẻ đẹp con người bừng sáng tác phẩm. Đặc biệt, vẻ đẹp ấy được thể hiện rõ nhất ở đoạn văn miêu tả trận đánh của ông đò với dòng sông trong vòng hai và vòng ba trùng vi thạch trận.
Sông Đà hiện lên với những nét hùng vĩ, dữ dội nhất. Càng đi sâu vào lòng sông, người đọc mới thưởng hết được sự hùng vĩ và dữ dội ấy. Thậm chí, sông Đà còn được ví như kẻ thù nguy hiểm số một của con người. Là một người theo đuổi cái đẹp, với Nguyễn Tuân, mọi thứ được phản ánh qua lăng kính của nhà văn đều hiện lên thật đẹp. Đặc biệt hơn, đấy là vẻ đẹp độc đáo mới lạ mà không phải nhà văn nào cũng khám phá phát hiện ra. Ở tùy bút này cũng vậy. Nhà văn đã quan sát chi tiết, tỉ mỉ từng khúc đoạn của dòng sông để rồi dựng nên hình ảnh sông Đà vừa hung bạo vừa trữ tình. Trong tiếng sóng đánh liên hồi đập vào những tảng đá ấy, con người vẫn dũng cảm chiến đấu với thủy quái để qua sông. Hình ảnh ông đò hiện lên với những vẻ đẹp của người lao động.
Đến với trùng vi thạch trận, ông đò được miêu tả như một dũng sĩ dũng cảm, bản lĩnh, giàu kinh nghiệm và có tay lái ra hoa. Những vẻ đẹp ấy càng được làm rõ hơn trong đoạn văn trên. Đối mặt với bọn thủy quân nguy hiểm, ông đò không hề tỏ ra sợ hãi mà ngược lại, “cưỡi lên thác Sông Đà phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ”. Nhà văn đã dùng hàng loạt những câu văn có động từ mạnh để nói lên sức mạnh của dòng sông nhưng sức mạnh ấy không hề làm người lái đò chùn bước. Dẫu sông Đà có giữ như hổ, có là thứ kẻ thù số một mà bất cứ ai đi ngang qua dòng sông cũng phải khiếp sợ thì ông đò vẫn một mực vươn lên phía trước để chiến đấu với đám thủy quái. Tiếng thác hùm beo “hộc mạnh” càng làm cho không khí trận đấu thêm căng thẳng và quyết liệt hơn. Một loạt những hành động của người lái đò được tác giả liệt kê chi tiết “ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước mà phóng nhanh vào cửa sinh, lái miết một đường chéo vào cửa đá ấy”. Hàng loạt những động từ mạnh được nhà văn sử dụng thành công: ghì, bám, phóng, lái..kết hợp cùng nhịp văn nhanh càng làm cho trận đấu giữa người lái đò và bọn thủy quái hiện lên sinh động và quyết liệt. Câu văn một lần nữa làm nổi bật lên vẻ đẹp sức mạnh của người lái đò. Không chỉ thể hiện mình là một người dũng cảm, khỏe mạnh mà ông đò còn tỏ ra là một tay lái ra hoa và có kinh nghiệm. Trước sự nguy hiểm mà bọn sông Đà luôn rình rập “bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử”, ông lái đò không hề nao núng mà rất bình tĩnh “ông đò vẫn nhớ mặt bọn này”. Dường như chính kinh nghiệm đã tạo nên bản lĩnh và tinh thần quyết đoán của ông trong mỗi nước đi. Ông rảo bơi chèo lên, đè sấn lên chặt đôi đường để mở cửa tiến. Tiếng reo hò của sóng thác như càng làm cho cuộc chiến đấu thêm phần ác liệt. Nguyễn Tuân đã nhân hóa độc đáo tiếng reo hò của thác “không ngớt khiêu khích mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè”. Nếu không có tài năng, phong cách “ngông” vốn có trong con người ông thì làm sao Nguyễn Tuân có thể viết những câu văn táo bạo và đặc sắc đến thế? Câu văn vừa thể hiện được sự hung bạo, dữ dằn của dòng sông đồng thời cũng thể hiện được vẻ đẹp tài năng của ông đò. Đối mặt với bọn thủy quái, ông đò không những không sợ hãi mà còn dũng cảm đương đầu và đánh cho bọn chúng “tiu nghỉu”.
Tính chất nguy hiểm của trận đấu càng được đẩy lên ở trùng vây thứ ba. Ở trùng vây này, ít cửa hơn nhưng bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Dường như sông Đà đang giăng một cái bẫy thật nham hiểm mà nếu sơ sẩy, con sông sẵn sàng vồ lấy bất cứ ai ngang qua khúc sông đó. Bằng kinh nghiệm dạn dày, tay lái ra hoa của mình, người lái đò cứ thế “phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó”. Con thuyền lao nhanh “như một mũi tre xuyên nhanh qua hơi nước” kết thúc trận chiến dữ dội. Vậy là sau những trùng vi thạch trận, sau bọn thủy quái nguy hiểm, ông đò đã chiến thắng.
Lẽ ra sự chiến thắng ấy phải là niềm tự hào, kiêu hãnh của người lái đò nhưng không. Cuộc chiến với sông Đà kết thúc cũng chính là lúc ông đò quên đi những chiến tích vừa qua và đi vào cuộc sống thanh bình hằng ngày “ngồi trong hang đá đốt ống cơm lam”. Tiếng sóng đánh ầm ĩ của thác không còn mà thay vào đó là những lời bàn tán về cá anh vũ cá dầm xanh, “về những cái hầm cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá”. Dường như, tiếng sóng đã bị đánh tan ngay sau giây phút vượt thác thành công. Đối với họ, đó không phải là điều gì quá bất ngờ bởi cuộc chiến ấy ngày nào họ cũng phải trải qua, “ngày nào cũng giành lấy cái sống từ tay những cái thác” nên chiến thắng đó quả là điều hết sức bình thường. Thiên nhiên càng khắc nghiệt và dữ dằn bao nhiêu thì càng khẳng định được sức mạnh và tài năng của con người bấy nhiên. Con người đã gồng mình đấu tranh với thiên nhiên tạo hóa để gìn giữ sự sống. Hình ảnh ông đò hay cũng chính là hình ảnh đại diện cho những người lao động đang âm thầm làm việc và cống hiến cho cuộc sống, cho quê hương. Vẻ đẹp cần cù, chăm chỉ của người lao động hiện lên phản ánh tinh thần hăng say xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta lúc bấy giờ. Chính tinh thần ấy đã dựng xây lên đất nước phát triển như ngày hôm nay.
Phân tích vẻ đẹp con người trong văn Nguyễn Tuân sau Cách mạng Phân tích vẻ đẹp con người trong văn Nguyễn Tuân sau Cách mạng qua đoạn trích “Cưỡi lên thác sông Đà phải cưỡi đến cùng … Họ nghĩ thế, lúc ngưng chèo.”
Phân tích vẻ đẹp con người trong văn Nguyễn Tuân sau Cách mạng – Ảnh minh họa
Có thể nói trong trận chiến trên đã làm nổi bật được vẻ đẹp của người lái đò. Với kinh nghiệm dạn dày, bản lĩnh, lòng dũng cảm và tay lái nghệ sĩ, ông đò đã vượt qua kẻ thù nguy hiểm số một rất hung bạo và dữ dằn. Sông đà càng giăng trận bày hàng thì với con mắt lão luyện cùng sức khỏe, tay lái dẻo dai, ông đò đã vượt qua hết những cửa tử, tìm về đúng cửa sinh. Nếu khi chiến đấu, ông đò hiện lên khỏe khoắn, dũng mãnh và tài hoa bao nhiêu thì khi trở về với đời sống thường nhật, ông lại hồn hậu bấy nhiêu. Cũng qua nhân vật người lái đò, chúng ta thấy được cách khám phá cái đẹp của Nguyễn Tuân thật độc đáo và mới lạ. Có thể ví Nguyễn Tuân như một nhà mĩ học bởi suốt sự nghiệp sáng tác, ông luôn theo đuổi cái đẹp. Dù cái đẹp ở từng giai đoạn có sự xê dịch nhưng nhìn chung, cái đẹp của Nguyễn Tuân bao giờ cũng tỏa ra một chất riêng biệt mê hoặc người đọc “Không biết chừng nào mới lại có một nhà văn như thế… tuôn ra đầu ngọn bút đều như có đóng một dấu triện riêng”. Cái đẹp trong văn Nguyên Tuân luôn là cái đẹp độc đáo, lạ mà ít nhà văn có thể phát hiện ra. Có lẽ sẽ không có một nhà văn nào có thể khám phá sông Đà dưới góc nhìn đặc sắc như của Nguyễn Tuân. Nghệ sĩ đích thực khác những người khác ở chỗ chỉ có họ mới có thể nắm bắt được linh hồn của sự vật, con người. Cũng chỉ có nghệ sĩ đích thích mới có khả năng quan sát, tưởng tượng ra những sự tình mới mẻ bên trong một sự vật tưởng chừng như rất đỗi bình thường kia. Tất cả những quan sát mới mẻ đó đã được Nguyễn Tuân kí gửi trong thước phim sống động mang tên tùy bút “Người lái đò sông Đà”. Đặc biệt hơn, trong bức tranh thiên nhiên hùng vĩ nhưng đầy hiểm nguy ấy, vẻ đẹp con người lao động được tỏa sáng. Họ chiến đấu hết mình, thầm lặng và cống hiến. Quả là một con người tài năng và nhạy cảm thì mới có thể cảm nhận được chân thực và tỉ mỉ về hành động vượt thác của người lái đò. Hóa ra hình ảnh ông đò mà chúng ta vẫn thường hay thấy lại có những vẻ đẹp đáng ngợi ca và trân trọng đến như thế. Con người là động chính là những người đã âm thầm góp sức dựng xây hình ảnh non nước. Nguyễn Tuân quả là người “đi tìm hại ngọc ẩn chứa trong bề sâu tâm hồn con người”.
Tập tùy bútNgười lái đò sông Đà” cũng được coi là sự lột xác trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Vẫn là một Nguyễn Tuân ưa “săn tìm cái đẹp” nhưng cái đẹp sau cách mạng tháng Tám và trước đó có những nét khác nhau. Nếu như trước cách mạng, cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân là cái đẹp của sự tiếc nuối những giá trị cổ xưa bị mai một trong “Vang bóng một thời”. Trước cách mạng, Nguyễn Tuân thể hiện là một người chán chường với thực tại, tiếc nuối quá khứ do đó ông tìm về với những nét đẹp cổ xưa. Tác phẩm của ông vì thế được coi là “bảo tàng lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc”. Tuy nhiên, sau cách mạng, Nguyễn Tuân lại là một cây bút say mê tìm kiếm và đưa vào nghệ thuật những nét đẹp của đời sống. Nguyễn Đình Thi đã có lần khẳng định “Cách mạng là sự đổi đời đối với Nguyễn Tuân, vì ông thấy cái có thật bây giờ đẹp và cái đẹp bây giờ có thật trong cuộc đời”. Không còn hình ảnh một Nguyễn Tuân mải mê tiếc nuối quá khứ mà lại là hình ảnh của Nguyễn Tuân cần mẫn tìm kiếm nét đẹp của hiện tại. Những nét đẹp giản đơn nhưng cũng thật độc đáo và mới lạ, ca ngợi con người mới cuộc sống mới. Nhưng cũng phải khẳng định rằng, dù trước hay sau cách mạng thì nhà văn vẫn giữ nguyên quan điểm đi tìm cái đẹp nghệ thuật của mình. Và trên con đường theo đuổi cái đẹp ấy, nhà văn đã cống hiến cho độc giả biết bao giá trị nghệ thuật.
Văn chương là chuyện của cái đẹp. Nói đến văn chương nghệ thuật là nói đến cái đẹp “Đã là văn chương thì phải đẹp”. Đó không chỉ là quy luật của văn chương mà là quy luật chung của mọi lĩnh vực nghệ thuật. Nhiệm vụ của nhà văn là đi tìm cái đẹp muôn hình vạn trạng và từ cái đẹp ấy, nói lên những tư tưởng đẹp đẽ. Nếu không phản ánh cái đẹp, nhà văn đó không những không hoàn thành sứ mệnh của mình trên con đường lao động nghệ thuật mà còn không nhận được sự tiếp nhận của người đọc. Cái đẹp trong văn chương không chỉ dừng lại ở việc nhà văn khám phá trên phương diện cái đẹp mà cái đẹp của văn chương còn là “cái mang nhiều dấu ấn của chủ thể sáng tạo, là cái riêng, cái độc đáo”. Nghĩa là cái đẹp phải riêng biệt, độc đáo và giàu giá trị.
Nguyễn Tuân với cách sử dụng ngôn từ độc đáo, con mắt quan sát tinh tế, nhạy cảm hơn người đã đưa người đọc đắm chìm trong một thế giới duy mĩ. Đẹp trong ngôn từ, cách chiếm lĩnh đề tài độc đáo tới một phong cách rất Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân “khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa có” và cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Để thưởng thức được trọn vẹn chất tài hoa cùng những nét đẹp dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, người đọc phải là người tiếp nhận tích cực, chủ động và say sưa với những gì nhà văn viết trong tác phẩm. Vũ Ngọc Phan cũng đã từng khẳng định “Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức.” Do đó, tiếp nhận tích cực, giải mã tác phẩm chính là cách mà độc giả hồi đáp quá trình lao động miệt mài của nhà văn. Đời sống văn học cũng từ đó mà phát triển hơn.
Vẻ đẹp trên trang viết của Nguyễn Tuân là kết tinh của một trí tuệ uyên bác, một con mắt quan sát tinh tế, một trái tim đầy nhiệt huyết với nghệ thuật và một tài năng văn học độc đáo. Cái đẹp ấy lại được chuyển tải đặc sắc dưới ngòi bút của “nhà luyện kim ngôn từ” khiến cho tác phẩm càng lung linh chất ngọc. Nguyễn Tuân xứng đáng được tôn vinh là người săn tìm và sáng tạo cái đẹp, góp phần làm cho nền văn học dân tộc thêm giàu đẹp hơn.

Nguồn bài: Cô Thùy Dương
Phân tích vẻ đẹp con người trong văn Nguyễn Tuân sau Cách mạng
Tags
Show More

Related Articles

1 thought on “Phân tích vẻ đẹp con người trong văn Nguyễn Tuân sau Cách mạng qua đoạn trích “Cưỡi lên thác sông Đà phải cưỡi đến cùng … Họ nghĩ thế, lúc ngưng chèo.””

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close