Bài văn hay THPTNGỮ VĂN 10
Chuyên đề Truyện Kiều – Nguyễn Du nâng cao
Nhận định hay về Truyện Kiều, Phong cách của Nguyễn Du, cảm thức buồn trông, ẩn dụ trong truyện Kiều
Chuyên đề Truyện Kiều – Nguyễn Du nâng cao
I .NHẬN ĐỊNH HAY VỀ TRUYỆN KIỀU
- “Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn đứt ruột…
Tố Như Tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trong thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”(Tiên Phong Mộng Liên Đường Chủ Nhân)
- “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”(Chế lan Viên)
- “Đồng tiền lăn tròn trên lưng con người. Đồng tiền làm cho trái hoá phải, đen hoá trắng và người đàn bà goá phụ trở thành cô dâu mới” (Sheakespear)
-
“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”
(Tố Hữu) - “Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta. Với Truyện Kiều của Nguyễn Du, có thể nói rằng ngôn ngữ Việt Nam đã trải qua một cuộc thay đổi về chất và đã tỏ rõ khả năng biểu hiện đầy đủ và sâu sắc” (Đào Duy Anh)
- “Tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê. Đây là căn nguyên của hai chữ đoạn trường” (Tiên Phong Mộng Liên Đường Chủ Nhân)
- “Đem bút mực tả lên trên tờ giấy nào những câu vừa lâm ly, vừa ủy mị, vừa đốn tỏa, vừa giải thư, vẽ hệt ra người tài mệnh trong mười mấy năm trời, cũng là vì cái cảnh lịch duyệt của người ấy có lâm ly, ủy mị, đốn tỏa, giải thư, mới có cái văn tả hệt ra như vậy” (Phong Tuyết Chủ Nhân)
- “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn” (Phạm Quỳnh)
- “Truyện Kiều về mặt mỹ thuật rõ là cực tốt, mà ở trong đựng những vật có chất độc” (Huỳnh Thúc Kháng)
- “Truyện Kiều là một tiếng khóc vĩ đại… Nguyễn Du đã nhìn thấy, đã cảm xúc, đã tổng kết hàng vạn vạn đau khổ của người đời dưới chế độ phong kiến suy đồi” (Xuân Diệu)
- “Truyện Kiều là một tiếng kêu thương, một bản tố cáo, một giấc mơ… một cái nhìn bế tắc” (Hoài Thanh)
- “Hồn Nguyễn Du phảng phất mỗi trang Kiều” (Khuyết danh)
II .Phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều
Truyện Kiều là tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn trường tân thanh, tác phẩm đã đưa Nguyễn Du lên hàng danh nhân văn hóa thế giới. Có rất nhiều công trình nghiên cứu về đề tài này, tuy nhiên, trước Phan Ngọc, chưa có một công trình ngôn ngữ học nào nghiên cứu về phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều. Giáo sư là người đầu tiên thực hiện công trình nghiên cứu về vấn đề này.
Nội dung trọng tâm của cuốn sách này là phân tích, lý giải những cống hiến của một nhà thơ, một thiên tài, một tấm lòng trong thiên hạ. “Ít nhà thơ trên thế giới có khả năng đạt được tiếng vang sâu đậm trong dân chúng của mình như Nguyễn Du ở Việt Nam. Truyện Kiều của ông là cuốn sách kinh điển của văn chương Việt Nam nhưng là một thứ kinh điển mọi người đều biết, không có ai là ngoại lệ” (Georges Boudarel).
Viết về một kiệt tác không có gì là khó khăn, nhưng để viết làm sao vừa hay, vừa lạ, vừa chất, vừa có giá trị lại là một chuyện hoàn toàn khác. Viết về một nhà văn nổi tiếng thì có hàng nghìn tư liệu để viết, nhưng viết làm sao để người ta nhớ tới mình, cảm ơn mình, viết làm sao để không thẹn với tác giả ấy, ngòi bút ấy hay chính ngòi bút của mình thì lại là một chuyện cần phải tốn nhiều giấy mực. Trong viết văn cũng giống như vậy. Một nhà văn khi xây dựng phong cách của mình, có những yếu tố vay mượn và có những yếu tố sáng tạo. Phong cách một nhà văn, dù có vĩ đại đến đâu, cũng phải phản ánh phong cách thời đại. Nguyễn Du có một kiểu lựa chọn riêng, không giống kiểu lựa chọn của Thanh Tâm Tài Nhân, và GS.Phan Ngọc đi tìm lý do giải thích kiểu lựa chọn của Nguyễn Du. Đây là một điểm tốt cho con đường tiếp cận Truyện Kiều và Nguyễn Du của tác giả.
Nguyễn Du cũng là một con người của thời đại, ông có những cách lựa chọn mà thời đại khuyến khích ông. Qua tác phẩm cũng như qua chính cuốn sách này, ta sẽ thấy rõ tính thời đại của nghệ thuật ông. Dẫu sao, nghệ thuật của ông cũng thể hiện sâu sắc nhất và điển hình nhất nghệ thuật của thời đại, qua đó lại thấy được phong cách thời đại… Việc đặt Nguyễn Du vào sự đối lập với các văn hào của thế giới cũng là một phương pháp nghiên cứu quan trọng, bởi qua đó ta chứng minh được sự vĩ đại của Nguyễn Du. Vì thế, Phan Ngọc nghiên cứu đánh giá trên nhiều khía cạnh: vấn đề tư tưởng, phương pháp tự sự, bố cục theo yêu cầu của kịch, ngôn ngữ, câu thơ, ngữ pháp…
Mặc dù bản thảo cuốn sách Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều được Phan Ngọc hoàn thành năm 1965, hai mươi năm sau (1985) cuốn sách mới được ra mắt bạn đọc ở nhà xuất bản Khoa học xã hội, bởi như tác giả nói “còn để bổ sung hoặc sửa chữa hệ thống thao tác”. Và cũng có thể là nó gặp rất nhiều những thách thức mà một tác phẩm “vượt thời” luôn mắc phải. Tuy nhiên, nói như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: “Cuốn sách vẫn sừng sững như một thách thức”. Phải, nó cũng thách thức chính những người đang nghiên cứu, đang muốn tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Truyện Kiều là một niềm tự hào của dân tộc Việt “trên từ các bậc văn nhân thi sĩ, dưới đến các kẻ thường dân phụ nhụ, ai cũng thích đọc, thích ngâm và thuộc được ít nhiều…” (Dương Quảng Hàm). Ca dao lại có câu:
Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống chè Mạn hảo, xem Nôm Thúy Kiều.
Nói thế để chúng ta biết Truyện Kiều có ảnh hưởng như thế nào đến đời sống dân tộc, vì vậy việc hiểu Truyện Kiều đối với thế hệ chúng ta ngày nay là một điều cực kì cần thiết. Chúng ta không thể khơi khơi nói rằng Truyện Kiều rất hay, Nguyễn Du rất tài được. Chúng ta phải hiểu cái hay đó như thế nào? Cái tài đó thể hiện ở đâu? Đây cũng là một kho báu văn hoá mà những ai muốn quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè năm châu.
Tôi từng quen một giảng viên của đại học California, bà đang nghiên cứu về Truyện Kiều trên báo chương Việt Nam. Tôi thực sự rất phục lòng kiên trì của bà khi tìm hiểu về một tác phẩm nổi tiếng như vậy. Vì nó nổi tiếng nên số lượng các bài viết về nó nên báo chương 3 thế kỉ nay thực sự là một con số khổng lồ. Nhưng bà nói: yêu và say mê. Đơn giản vậy thôi. Tôi hi vọng sau công trình công phu và nghiêm túc của bà, Truyện Kiều sẽ được nhiều người quan tâm hơn ở ngoài biên giới Việt Nam.
Còn GS. Phan Ngọc, với tình yêu đối với Truyện Kiều, ông đã mang đến cho chúng ta một cuốn sách khơi rất nhiều suy nghĩ mới về một kiệt tác của một thiên tài theo hướng mở. Nếu bạn là một người nghiên cứu văn chương thực sự, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều những nhận định mang tính luận đề. Bạn sẽ có cơ hội chứng minh hoặc phản bác. Nếu bạn là một người yêu văn chương hay đơn giản là yêu Truyện Kiều, thích Nguyễn Du, bạn cũng có thể thấy được những yêu ghét của cuộc đời dành cho tác phẩm này để rồi ngẫm nghĩ và thích thú.
Hãy đọc để thấy Nguyễn Du và Truyện Kiều thực sự đáng được muôn đời tôn vinh…
III. Cảm thức ‘buồn trông’ trong Truyện Kiều
Cảm thức “buồn trông” của Nguyễn Du là đạp bước và nhắm hướng cái đẹp mà đi, đầy mơ tưởng dù chỉ dựa vào ít ỏi điều trông thấy.
Bi cảm có mặt trong mọi nền văn học. Từ đó mà có mỹ học về cái bi. Nhưng cái bi cũng đa dạng như chính đời sống. Vì thế mà có vô số niềm bi cảm. Bi cảm cũng là cách ta nhìn cuộc đời: “Trăm năm trong cõi người ta”, “Trần thế bách niên khai nhãn mộng” (Nguyễn Du).
Bi cảm mang những tên gọi khác nhau trong từng nền văn học, thậm chí trong từng tác phẩm văn chương.
Với Hy Lạp đó có thể là pathos.
Với nhà thơ La Mã Virgil, phải chăng cái bi cảm đó là “lệ trong muôn vật”.
Nhìn từ Ấn Độ, đó là cảm thức karuna.
Ở Nhật, đặc biệt trong kiệt tác Truyện kể Genji, đó là aware.
Trong văn học Thổ Nhĩ Kỳ, qua diễn giải của Orhan Pamuk, ta có bi cảm huzun mà tôi thích phiên âm là u dung (dung mạo của u buồn).
Với Schopenhauer, trong nghệ thuật ông nhấn mạnh đến “tinh túy của bi thương, ý niệm của bi thương” (the essence of distress, the very Idea of distress).
Và Nguyễn Du? Nhà thơ “có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”, nói theo Mộng Liên Đường chủ nhân (1820).
Mộng Liên Đường chủ nhân ngay từ năm 1820 ấy đã nắm bắt thần tình cái tinh túy của bi cảm Nguyễn Du là “trông thấu” và “nghĩ suốt”.
Vận dụng cái bi cảm “buồn trông” của ca dao, Nguyễn Du đã tạo nên cái bi trong một cái nhìn sâu thẳm, xứng đáng được xưng tụng là trông thấu sáu cõi nghìn đời.
Ngay nơi đoạn mở đầu, ta đã gặp cái “buồn trông” đó:
“Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Nguyễn Du không chỉ nhìn thấy cái đau đớn (cái bi, cái đoạn trường) trong cõi người ta, trong đời Kiều, trong thập loại chúng sinh mà, ông còn làm cho ta thấy, làm ra cái thấy. Nhà thơ tuyệt diệu nhất là “Người làm cho thấy” (the Maker-see) nói theo Robert Browning.
Buồn trông nguyên là một cái nhìn của ca dao:
-
“Buồn trông con nhện giăng tơ,
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai!
Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ”. -
“Buồn trông ngọn gió vờn mây,
Tương tư ai giải cho khuây nỗi buồn”. -
“Buồn trông trăng đã khuyết rồi,
Chia tay nhớ mãi những lời giao ngôn”. -
“Buồn trông con nhện giăng tơ,
Con mắt vẫn tỉnh mà ngờ chiêm bao”.
Khi Kiều ở lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du nhìn nàng bằng con mắt nàng đang nhìn thiên nhiên. Một cái nhìn buồn ôm lấy cả nhân vật và sự vật:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dàu dàu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”. (câu 1047-1054)
Ta thấy dường như Kiều lần lượt đồng hóa mình với cánh buồm (thấp thoáng mong manh trên biển) với hoa trôi (lênh đênh vô định), với nội cỏ (không còn là cỏ non xanh tận chân trời thuở chơi xuân cùng các em) và đặc biệt là gió cuốn (cuốn theo chiều gió) và tiếng sóng (vây bủa quanh chỗ ngồi trong tiếng gầm khủng khiếp).
“Buồn trông” ở ca dao chỉ cho thấy sự vật thấm đẫm nỗi chờ trông thương nhớ của con người chứ chưa mang lấy một ý thức về thân phận bị lưu đày như ở Kiều.
Nghĩa là Nguyễn Du đã đẩy cái cảm thức buồn trông ở ca dao đi xa hơn, tạo nên một bi cảm về thân phận chứ không chỉ là một bi cảm về tình tự.
Cái phương thức biểu hiện của Nguyễn Du được ông nói rõ trong câu 1038:
“Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”.
Ở đây, cần phải hiểu thấu đáo là tình và cảnh không bao giờ biệt lập. Mà là tương thôi. Cái này thôi thúc cái kia. Cùng như tương chiếu. Cái này chiếu ánh cái kia. Và cũng là tương duyên. Cái này là duyên cớ của cái kia.
Con người trong Truyện Kiều không bao giờ đứng ngoài cảnh, không bao giờ đứng ngoài thiên nhiên.
Bi cảm không chỉ là cách nhìn vào thiên nhiên, sự vật, thiên hạ mà còn là cách để cho thiên hạ nhìn vào mình, trông vào bi kịch của mình:
“Cũng liều một hạt mưa rào,
Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay!” (câu 1961-1962)
Đó cũng là “buồn trông” chứ sao? Kiều nhìn Đạm Tiên như thế nào thì nàng cũng muốn người đời nhìn mình như thế.
“Nỗi niềm tưởng đến mà đau,
Thấy người nằm đó biết sau thế nào?” (câu 109-110)
Trong Kiều, “tưởng” trong nhiều trường hợp cũng có nghĩa là “buồn trông” như là câu trên. Tưởng đến mà đau thì cũng như trông thấy mà đau.
Tưởng cũng là “mơ tưởng”, là trông thấy trong mơ mà buồn. Do đó Nguyễn Du viết ra câu thơ kỳ lạ đầy lung linh này:
“Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao,
Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng”. (câu 251-252)
Đừng nghĩ đến một mặt hay hai mặt. Đây là cái lung linh của ngôn từ Nguyễn Du. Có vô số gương mặt kiều mị của Kiều hiện ra trong mơ tưởng của chàng Kim. Hoặc là nhìn đâu cũng thấy gương mặt nàng. Trong mây, trong nước, trong hoa. Và cũng có vô số nỗi buồn, nỗi lòng. Thời gian thì cứ hết đêm, rồi hết tháng, mà bóng Kiều đâu?
Nhưng những cái “buồn trông” vừa kể có vẻ thuộc về nỗi niềm riêng tư. Còn những buồn trông lớn hơn, ôm cả cõi người ta. Cái buồn trông luôn luôn mang tính quán chiếu, quán sát.
Khi chia tay với Kiều, Kim Trọng có cái nhìn bao quát hơn về phong cảnh và thời gian. Bây giờ “bước đường” đang “chia hai”. Bây giờ thời gian đang chuyển mùa, từ hạ sang thu. Bây giờ anh có một “mối sầu” đang sẻ nửa.
Và chính vì vậy mà cái buồn trông của anh vừa hướng ra ngoài vừa vọng vào trong. Trên người mình, anh gánh cả cảnh và tình:
“Buộc yên quẩy gánh vội vàng,
Mối sầu sẻ nửa, bước đường chia hai.
Buồn trông phong cảnh quê người,
Đầu cành quyên nhặt cuối trời nhạn thưa.
Não người cữ gió tuần mưa,
Một ngày nặng gánh tương tư một ngày”. (câu 563-568)
Mới vừa “Dùng dằng chưa nỡ rời tay”, Kim đã bước vào cuộc lưu đày, vào cõi xa lạ và vào tương tư xứ. Cuộc lưu đày của Kim diễn ra trước Kiều, hướng về một tang lễ, một tang tóc nhưng không có gì chết trong bản thân anh.
Trong khi, cuộc lưu đày mà Kiều sắp bị ném vào thì khác. Có cái gì đó trong bản thân nàng sẽ phải chết, mà cái nhìn buồn của nàng như tiên cảm được:
“Nàng thì đứng tựa hiên tây,
Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ.
Trông chừng khói ngất song thưa,
Hoa trôi dạt thắm liễu xơ xác vàng”. (câu 569-572)
Cái “buồn trông” của Kiều luôn luôn là một khả năng dự cảm về một tương lai u thảm. Chơi mả Đạm Tiên, ngồi lầu Ngưng Bích và ngay cả khi tắm trước mặt Thúc Sinh. Ngay khi để lộ một tòa thiên nhiên nàng lại nói: “Lại càng dơ dáng dại hình, Đành thân phận thiếp, ngại danh giá chàng”.
Vừa khi “rời tay” Kim Trọng, Kiều đã cảm thấy bao nhiêu nỗi truân chuyên đang chờ mình. Cái bi cảm đó không trừu tượng mà rất cụ thể với khói ngất, hoa trôi, liễu xác.
Nó gợi đến đoạn ca dao:
“Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ,
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai!”
Nhưng rõ ràng cái “buồn trông” của Kiều bi thiết hơn ca dao nhiều với làn khói của nghiệp duyên bay đến trước, dẫn đường cho những oan khổ lưu ly. Chính thế mà nhận định về thi hào Nguyễn Du, Từ điển Bách khoa Britannica viết:
“Truyện thơ của Nguyễn Du diễn đạt những đau đớn riêng tư và thể hiện lòng nhân đạo sâu sắc thông qua sự khai thác học thuyết của nhà Phật về nghiệp quả báo ứng cho những tội lỗi cá nhân”. (Dẫn theo văn bản Truyện Kiều của Hội Kiều học Việt Nam, Nxb Trẻ, 2015).
Thực ra, không có gì là đau đớn riêng tư. Mọi nỗi đau đều được Nguyễn Du thể hiện như là nỗi đau con người, nỗi đau trong cõi người ta. Cái bi trong đời Kiều được diễn đạt thành yếu tính của bi, ý niệm của bi. Do đó mà người ta trích Kiều, tập Kiều trong mọi trường hợp.
Mỗi câu thơ trong Kiều không gói mình trong ý nghĩa riêng tư. Truyện Kiều, như mọi kiệt tác khác, mang trong mình chân trời của ý nghĩa. Đó là thứ ý nghĩa mở ra mãi mãi, không dừng lại ở nơi chốn hay thời đại nào:
– “Tưởng bây giờ là bao giờ,
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao”. (câu 3013-3014)
– “Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời.
Hoa tàn mà lại thêm tươi,
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”. (câu 3121-3124)
Cái nhìn của Nguyễn Du thì buồn, nhưng không bao giờ tuyệt vọng. Cái buồn trông ấy hướng về chân trời của bình an.
Từ bi đến an, đó là cái nhìn phương Đông, rất gần với mỹ học Ấn Độ: Từ karuna rasa đến santa rasa.
Cái nhìn đó khác với bi kịch Hy Lạp. Theo Roland Barthes: “Bi kịch chỉ là cách kết tập bất hạnh của con người”.
Nhưng Kiều, hay con người, không chỉ có bất hạnh, bất an.
Cũng khác với Virgil, thiên nhiên trong Kiều dù đôi khi đẫm lệ vẫn có mùa xuân và những ngày vui.
Đặt bên bi cảm mono no aware của Truyện kể Genji ở Nhật, cái buồn trông của Nguyễn Du “động” hơn, phong trần hơn vì aware giống như cái nhìn của người lữ khách, còn buồn trông đi với một thân phận lưu đày.
Còn cái huzun mà nhà văn Orhan Pamuk nhắc tới thì lại khác. Là một thứ tâm trạng u tối, cái u dung của hàng triệu con người trong một thành phố lâu đời.
Cái buồn trông của Nguyễn Du thì ít bóng tối hơn:
“Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều,
Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang”. (câu 265-266)
Cảm thức “buồn trông” của Nguyễn Du là đạp bước và nhắm hướng cái đẹp mà đi, đầy mơ tưởng dù chỉ dựa vào ít ỏi cái trông thấy.
Cái buồn ấy chính là “cái tâm” của thơ ca, tinh túy của thơ ca. Một thứ thơ ca buồn nhưng ái ân với đời sống.
IV. Ẩn dụ trong Truyện Kiều
Truyện Kiều sử dụng rất nhiều ẩn dụ. Theo thống kê sơ bộ,Truyện Kiều gồm có khoảng 240 câu có ẩn dụ trong số 3254 câu, chiếm tỉ lệ 7,2%. Mọi người đều biết ngôn ngữ thơ thực chất là ngôn ngữ ẩn dụ, do đó thành phần ẩn dụ gia tăng rõ ràng có tác dụng tạo nên chất thơ cho lời thơ, làm cho văn chương Truyện Kiều thêm bóng bẩy, thấm thía. Lê Trí Viễn từng nhận xét rất đúng: “Cách nói nhiều hình tượng trong Truyện Kiều là cách nói bằng ẩn dụ, không có trang nào là không thấy một vài ẩn dụ.
Khái niệm “ẩn dụ” ở đây mang nội dung hiện đại. Trong thuật ngữ phong cách học cổ điển Trung Hoa có thuật ngũ tỉ dụ bao gồm ba hình thức: minh dụ (A như B), ẩn dụ hay ám dụ (A là B) và tá dụ (mượn B thay cho A, A vắng mặt. Ví dụ: Tuế hàn nãi tri tùng bách chi hậu điêu dã. “Tùng bách” được ví với người quân tử, nhưng ở đây nó không được nói ra, vắng mặt). ẩn dụ trong nội dung hiện đại rõ ràng là bao gồm cả hình thức “tá dụ” nêu trên và chỉ phân biệt với “minh dụ”, được hiểu là phương thức so sánh hình ảnh.
Ẩn dụ nói chung là phương thức tu từ thường gặp trong thơ ca (và cả trong các văn bản khác) có cấu tạo như sau: Nó đem từ ngữ hay phương thức biểu đạt vốn để chỉ sự vật A hay hành động A, mà chỉ trực tiếp sự vật B hay hành động B hoàn toàn khác, mà lại không thấy rõ sự so sánh giữa chúng với nhau. Người ta cũng gọi đó là ví ngầm, cái đem dùng làm ví là dụ thể, cái được ví tức là được nói đến là dụ chỉ. Trong văn học ẩn dụ là hình thức tu từ nhằm phát hiện cái tương đồng giữa hai sự vật khác lạ. Hai sự vật dụ thể và dụ chỉ càng khác xa nhau bao nhiêu thì ẩn dụ càng gây ấn tượng bấy nhiêu. Đó là ẩn dụ có giá trị nhận thức, phát hiện. Một số nhà nghiên cứu cho rằng ẩn dụ ở phương Tây thiên về giá trị nhận thức, còn ẩn dụ trong văn học phương Đông thiên về giá trị biểu cảm.
Truyện Kiều là tác phẩm văn học cổ điển thời trung đại, ẩn dụ của nó nằm trong quỹ đạo thi ca phương Đông. Ở đây ẩn dụ ít có giá trị nhận thức, phát hiện mà nặng về giá trị biểu cảm. Ẩn dụ biểu cảm có loại thể hiện cảm xúc nhất thời, thoáng qua. Có loại cảm xúc hằng thường. Chính vì nặng về giá trị biểu cảm hằng thường mà người ta thường sử dụng những ẩn dụ quen thuộc như là sáo ngữ. Nguyễn Du có những ẩn dụ biểu cảm độc đáo, nhưng vẫn có cội nguồn trong thơ văn Trung Quốc:
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.
Hình ảnh ngầm ví hoa lựu với lửa lập lòe làm nhớ tới câu thơ của Dĩu Tín “Sơn hoa diệm hỏa nhiên” hay câu thơ “Sơn thanh hoa dục nhiên” của Đỗ Phủ. Song ở đây cũng như hoa trong Truyện Kiều có xu hướng cụ thể hóa trong khi tả cảnh: lửa lựu, cũng như hoa lê, hải đường …. hoa lửa từ tính chất chuyển thành trạng thái, động tác.
Như khi tả tình Thúc Sinh:
Mày ai trăng mới in ngần
Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa.
Câu này có thể gợi nhớ câu thơ Trung Quốc “Sơ nguyệt như mi” nhưng đã chuyển từ so sánh tả cảnh khách quan sang ẩn dụ chủ quan để miêu tả tình cảm Thúc Sinh. Nhìn trăng mà liên tưởng tới nét cong của lông mày người đẹp, rồi nhớ tới phấn hương ngày nào, thật là tinh vi.
Khi Từ Hải ra đi:
Quyết lời dứt áo ra đi
Gió đưa bằng tiện đã lìa dặm khơi.
Hoặc khi Kiều nhớ Từ Hải:
Cánh hồng bay bổng tuyệt vời
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm
hình ảnh đều rất đẹp, khi thì khí phách, khi thì mênh mang, tuy có vận dụng hình ảnh của Trang Tử.
Khi tả tiếng đàn bạc mệnh với hai ẩn dụ mà ẩn dụ thứ hai rất mới mẻ:
Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay
Hình ảnh này cũng có nguồn trong hình ảnh “khốc huyết” trong thơ văn Trung Quốc.
Đó là ẩn dụ tuy có cội nguồn ngoại lai nhưng đều mang dấu ấn Nguyễn Du. Nhưng nhìn chung ẩn dụ trong Truyện Kiều phần nhiều thuộc loại “Thay thế giản đơn” một đối tượng muốn biểu hiện bằng một đối tượng khác đẹp đẽ, cao quý, thi vị và đã được sử dụng nhiều lần, lặp đi lặp lại.
– Nàng càng giọt ngọc chứa chan
– Dòng thu như xối cơn sầu.
– Hoa cười ngọc thốt đoan trang.
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da
– Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
– Êm đềm trướng rũ màn tre,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai
– Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương.
– Khen tài nhả ngọc phun châu.
– Nàng rằng khuảng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.
– Gìn vàng giữ ngọc cho hay…
Các dụ thể loại này thường được sử dụng nhiều lần, hoặc đã quen thuộc như là sáo ngữ: tuyết trở, sương che, gió bắt mưa cầm, đá biết tuổi vàng, đầu trâu mặt ngựa, ruồi xanh, vườn hồng, chim xanh, nước non, bình gãy gương tan, trâm gẫy bình rơi…. Nhưng có lẽ ta nên chưa vội kết luận là Nguyễn Du thiếu cá tính, mặc dù đây là bút pháp cổ điển quen thuộc của Thơ Đường. Hai tác giả Mỹ gốc Hoa là Cao Hữu Công và Mai Tổ Lân nghiên cứu ngôn ngữ nghệ thuật thơ Đường đã nhận thấy phần nhiều ẩn dụ trong thơ Đường đều là sáo ngữ như mặt trăng thì gọi “minh nguyệt”, minh kính, ngọc luân, người đẹp thì gọi là hoa, mắt thì gọi là thu ba, chiến tranh thì gọi là can qua, quan hệ gắn bó thì gọi là cốt nhục… Khi một ẩn dụ được sử dụng đi sử dụng lại quá nhiều thì mất đi cảm giác mới lạ và trở thành sáo ngữ. Đó là đặc trưng chung của tu từ học trung đại.Lúc này ẩn dụ được sử dụng chỉ vì thói quen. Tuy vậy, các sáo ngữ này có tác dụng cường điệu đặc trưng tình cảm của chúng(3). Điều này đặc biệt đúng với Nguyễn Du, và ở đây nhà thơ đã thể hiện nét riêng của mình. Dường như Nguyễn Du “có một cảm quan cây, trái” khi nghĩ về cuộc đời(4).
Đối với con người ở xứ sở nông nghiệp có lẽ không có cảm xúc nào thân thiết với con người hơn là cảm xúc cây trái, hoa, cành. Đành rằng trong thơ cổ điển dụ thể hoa thường dùng để chỉ người đẹp, nhưng ở đây nhà thơ đã dùng để chỉ Thúy Kiều trong mọi tình huống, khi được yêu, khi bị bán, bị hành hạ, tủi nhục. Hoa, liễu đây đã trở thành hình tượng con người, hóa thân thành người cho nên có người hiểu là “nhân hóa”.
– Nặng lòng xót liễu vì hoa
– Cành hoa đem bán vào phường lái buôn.
– Ba cây chập lại một cành mẫu đơn.
– Đang tay vùi liễu dập hoa tơi bời.
– Đào hoen quẹn má, liễu tan tác mày….
Các ẩn dụ này đã có tác dụng gợi cảm xúc thương yêu và đau xót. Chúng không phải là ẩn dụ nhận thức mà là biểu trưng cho nhân vật và đã trở thành những ẩn dụ biểu cảm. Các hình ảnh vàng, ngọc, hương, hoa…. vốn là hình ảnh tôn quý, đáng được nâng niu, và được dùng thay thế con người khi miêu tả trong các tình huống khác nhau.
Khi Kiều bị Mã Giám Sinh chiếm đoạt:
–Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về.
Một cơn mưa gió nặng nề
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương!
Khi Kiều hối hận:
Phẩm tiên rơi đến tay hèn
Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thả bẻ cho người tình chung
Khi Kiều biểu hiện vẻ đẹp:
– Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.
Khi Kiều được hưởng hạnh phúc:
– Hải đường mơn mởn cành tơ
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng
Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng,
Đêm xuân ai dễ cầm lòng cho đang!
– Một nhà sum họp trúc mai
Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông
Hương càng đượm lửa càng nồng
Càng xôi vẻ ngọc, càng lồng màu sen.
Các ẩn dụ này không rời rạc, riêng lẻ, mà là một chùm, một tập hợp thể hiện một hiện tượng đầy đặn và một cảm xúc toàn vẹn. Nguyễn Du hầu như không dùng một từ ngữ hay một phương thức biểu đạt riêng lẻ làm ẩn dụ, mà dùng một chuỗi các sự vật tương đồng làm ẩn dụ, cho nên các dụ thể mất đi ý nghĩa sáo ngữ, mà hóa thân vào dụ chỉ, khêu gợi dụ chỉ, mà con người ở dụ chỉ đó cảm nhận về cuộc đời một cách tượng trưng. Cảm nhận về sự yếu đuối, lênh đênh, tan vỡ:
– Bây giờ trâm gẫy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
– Rõ ràng hoa rụng hương bay.
– Phận sao phận bạc như vôi,
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
– Bây giờ trâm gẫy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
– Rõ ràng hoa rụng hương bay.
– Phận sao phận bạc như vôi,
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
– Vì ai rụng cải rơi kim
Để ai bèo nổi mây chìm vì ai.
– Rằng tôi bèo bọt chút thân
Lạc đàn mang lấy nợ nần yến anh
– Rộng thương cỏ nội hoa hèn
– Đã đành túc trái tiền oan
Cũng liều ngọc nát hoa tàn mà chi
– Phận bèo bao quản nước sa
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.
– Nghĩ mình mặt nước cánh bèo
– Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng,
E dè sóng gió hãi hùng cỏ hoa.
Các hình ảnh bọt bèo, bến nước, nước chảy hoa trôi, cỏ nội hoa hèn, rụng cải rơi kim hô ứng với các hình ảnh một hạt mưa rào, con ong cái kiến, nhện này tơ kia, thân lươn lấm đầu, kiến bò miệng chén, con tằm đến thác, mạt cưa mướp đắng, kẻ cắp bà già, thăm ván bán thuyền…. đã tạo nên một cảm quan rất dân tộc. Những hình ảnh sóng gió, mưa gió, mặt nước cánh bèo, nước sa, bèo nổi mây chìm… gợi ra một môi trường sông nước, gió bão, mưa lụt mà người Việt Nam rất quen thuộc. Đồng thời các hình ảnh sáo trong thơ Đường hòa trộn với hình ảnh của tục ngữ thành ngữ, làm nên chất lượng mới cho ngôn ngữ văn học tiếng Việt. Các hình ảnh ẩn dụ trong Truyện Kiều cho thấy một đặc điểm là từ hàng loạt hình ảnh sáo mòn Nguyễn Du đã tạo thành những hình ảnh gợi cảm. Người xưa thường nói “hóa trần hủ thành thần kì” (biến cũ nát thành thần kì) chính là như vậy. Như chúng tôi đã phân tích, đó là do nhà thơ dùng từng cặp, từng chuỗi dụ thể và truyền vào đó một cảm quan dân tộc, từ cảm quan cây trái, hoa lá, đến cảm quan mưa gió, lênh đênh, từ cảm quan quí phái, trang nhã đến cảm quan sinh hoạt hương thôn phàm tục. Đó chính là cảm quan của Nguyễn Du, là cá tính của Nguyễn Du. Ẩn dụ được nói ra từ trong cảm nhận sâu thẳm của tâm hồn người, cho nên mỗi ẩn dụ có một sức nặng tình cảm. Văn chương hay không chỉ do hình ảnh mới lạ mà còn do tình cảm. Mà nói đến tình cảm thì phải nói tới chiều sâu của tình cảm đó. Hêghen từng nói đại ý mọi người ai vào nhà thờ cũng làm dấu thánh giá và nói “Amen”. Nhưng có người nói Amen như bắt chước người khác, có người nói như thói quen hút thuốc, ăn trầu, có người từ niềm tin mê muội, có người nói từ tất cả sự chiêm nghiệm cuộc đời đầy đau khổ.
Do vậy, chiều sâu tình cảm khác nhau rất xa. Những ẩn dụ của Nguyễn Du đều dồn nén tình cảm thật sự.
Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc vui đầy tháng trận cười suốt đêm
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rũ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?
Tác giả (và nhân vật) đã để tất cả niềm vui nỗi đau đích thực của mình vào trong các ẩn dụ ấy. Có thể nói đó không chỉ giản đơn là ẩn dụ mà còn là sinh dụ, hoạt dụ, tình dụ.
Những ẩn dụ quen thuộc làm người đọc không cần giải mã ẩn dụ, mà tức khắc chuyển sang đồng cảm. Loại ẩn dụ này là một yếu tố tạo thành văn bản “dễ đọc” cho công chúng. Người ta có thể đọc Truyện Kiều như đọc ca dao rất đỗi thân thuộc, gần gũi.
Tất nhiên trong Truyện Kiều cũng có những ẩn dụ khô khan như:
– Thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong
Dù khi lá thắm chỉ hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.
Hoặc: Khen: Tài nhả ngọc phun châu
Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này.
Hoặc Tay tiên gió táp mưa sa,
Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu.
Đó là những chỗ lời nói nhân vật chưa được tự nhiên do mới tiếp xúc với nhau buổi đầu, mới có tính cách xã giao, đưa đẩy hoặc do nhà văn có vẻ tán tụng nhân vật của mình, chứ chưa sống vào tâm hồn nhân vật.
Ẩn dụ trong Truyện Kiều cũng đồng chất với so sánh trong Truyện Kiều, là so sánh biểu cảm, chứ không phải so sánh nhận thức. Chẳng hạn:
Thiếp như hoa đã lìa cành
Chàng như con bướm lượn vành mà chơi
Do đó chúng tôi tạm thời không xem xét riêng.
Nghiên cứu ẩn dụ trong Truyện Kiều có thể thấy rằng Nguyễn Du như các nhà thơ trung đại nói chung, không có dụng ý đi tìm ẩn dụ hoàn toàn mới mẻ mà là dùng một cách mới, sáng tạo lại các ẩn dụ, so sánh…. đã có trong thi văn truyền thống. Ông đã tiếp nhận kiểu ẩn dụ trong thơ Đường và trong tục ngữ, ca dao theo hướng ẩn dụ biểu hiện tính chất và biểu cảm làm cho lời văn Truyện Kiều thêm thi vị và chứa chan tình cảm.
(sưu tầm)
Chuyên đề Truyện Kiều – Nguyễn Du nâng cao tập hợp những bài nghiên cứu của Nhật Chiêu, Trần Đình Sử vô cùng đáng tin và kiến thức chuyên sâu, mong sẽ giúp các thầy cô và học sinh tìm hiểu thêm kiến thức về Truyện Kiều, yêu thêm văn học Việt Nam.
1 thought on “Chuyên đề Truyện Kiều – Nguyễn Du nâng cao”