Cây viết mớiCon ngườiQuê hương - Đất nước

Có một dòng kênh chuyển mình hóa phố

Quán cơm bình dân của Má cất trên một mảnh đất vốn dĩ trước kia là ao rau muống, cách một con đường hẻm là kênh Ba Lai - bây giờ chỉ còn là một cái tên trong ký ức.

Má huơ tay xua đám bồ hóng đang bay lởn vởn trong không trung, lẹ làng đảo mớ cải ngồng làm dưa đang dần dần héo đi trong khi hơi nước đang bốc lên ngùn ngụt. Mé sân bên kia dì Út đang dời mấy nia củ cải, hành tím. Khoảnh sân nhỏ lưu cữu từng lớp dầu mỡ bóng nhẫy lên dưới tàn dư của nắng chiều.

Chút nắng ít ỏi còn sót lại tràn qua đám bìm bìm ngắc ngoải trong mớ bụi dày cộm rồi le lói quét lên tán cây gòn cuối cùng của xóm Rạch Miễu – nhân chứng cho một cuộc “thương hải tang điền”. Phải, bây giờ cố nhân có trở lại chắc chẳng ai nhận ra con xóm nằm quay lưng với dòng kênh đen xì, quanh năm bốc mùi váng vất của rác rến ngày xưa. Bởi dòng kênh biến thành một con rạch nhỏ ngoằn nghoèo với nước đen đặc quánh rồi từ từ biến mất, thay vào đó là một con đường trải nhựa bằng phẳng.

Diện mạo thay đổi đồng nghĩa với giá trị cũng thay đổi, từ khu nhà ổ chuột ai cũng ngán ngẩm bởi quanh năm muỗi mòng, quanh năm triều cường nước ngập thoắt cái biến thành khu đất vàng liền kề khu trung tâm nhiều người mơ ước. Những ngôi nhà cao tầng thi nhau mọc lên, những cuộc ngã giá chớp nhoáng, những công trình bắt đầu thi công rầm rộ kéo theo những người con xa xứ, tha phương cầu thực.

Quán cơm bình dân của Má cất trên một mảnh đất vốn dĩ trước kia là ao rau muống, cách một con đường hẻm là kênh Ba Lai – bây giờ chỉ còn là một cái tên trong ký ức. Như đang nói chuyện hay đang dở tay xới cơm cái sực nhớ ra.

“Đó đó, chỗ đó đó, hồi xưa là cái kênh, triều cường ngập lút bánh xe luôn. Chèn ơi, nhà tui còn có cá bơi vô đó chú.”

“Ủa, cá vô nhiều thì mừng chớ sao dì Hai?”

“Mà hổng phải có cá không đâu, ba cái rác rến, kim tiêm trôi vô dữ lắm, mà lâu thiệt lâu mới rút, bởi  giờ nghĩ lại còn thấy hãi hùng.”

Đó là câu chuyện quen thuộc của Má mỗi khi có một nhóm khách mới – những công nhân từ những công trình xung quanh quán tới ăn cơm. Những con người chưa bao giờ hình dung được chỗ họ đang ngồi trước kia từng là một cái ao rau muống, hay cái nhà cao tầng cao thiệt cao kia đang nằm trên một con kênh mùa nắng dậy mùi, mùa mưa nước ngập thênh thang như một dòng sông, hay tại sao những ngôi nhà trong thành phố mà phải “đắp đập, be bờ” như ở vùng rốn lũ.

Má vẫn luôn tay múc cơm, xới đồ ăn, vẫn nói chuyện với khách, đôi khi, chỉ có có tiếng Má, phụ họa bằng tiếng chén đĩa va vào nhau lanh canh, chen lẫn tiếng húp suỵt soạt. Tiếng Má lơ lửng giữa thinh không, rồi lọt thỏm giữa những âm thanh xô bồ khác.

Nhưng Má không để ý, có người nghe Má nói Má vui lắm chứ, nếu không nói chắc Má sẽ nghĩ hoài, nghĩ hoài rồi lẩn thẩn mất. Rồi Má sẽ nghĩ, thằng Linh với hai chục ngàn trong túi của tám năm về trước đã đi đâu? Rồi cái ý nghĩ nó giận Má nên mới bỏ nhà đi mà nói là qua nhà bạn chơi sẽ bắt Má day dứt không yên. Rồi cái cảnh tượng của Má đi rạc chân gõ cửa từng nhà bạn của thằng Linh hiện lên mồn một, hay cái cảnh Má canh coi từng cái tin thời sự mỗi tối như bắt lấy một tia hi vọng mong manh rằng “sống phải thấy người, chết phải thấy xác” cứ đeo đuổi Má. Má sợ, Má cũng không thể tâm sự với dì Út, Má thấy mình ích kỷ khi phải chia nỗi đau, gánh nặng tâm can của mình cho người khác.

Nghĩ vậy, Má lại thôi.

Suốt nhiều năm qua, Má chọn nhớ con kênh, con rạch, nhớ con đường Má hay dắt thằng Linh đi học hồi nhỏ xíu, nhớ để kể, để có ai tình cờ nghe được hay thằng Linh về còn nhận ra. Má sợ một ngày nó quay về mà chẳng còn biết đâu là nhà của mình nữa. Má già rồi, xóm Rạch Miễu cũng thay đổi quá nhiều rồi.

Nhưng cũng có lúc quán vắng khách, những câu chuyện vãng chẳng níu giữ được tâm trí Má nữa, Má lại nhớ thằng Linh.

Cũng có lần Má xới cơm dư dả hơn, xong lại dặn dì Út lấy thêm đồ ăn. Má nhìn thấy thấp thoáng đâu đó giữa những con người tuềnh toàng, hịch hạc đó những đứa trẻ cỡ tuổi thằng Linh, cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới đã phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cái tuổi đáng lẽ được đi học lại phải trôi dạt nơi xứ người. Liệu thằng Linh của Má có phải cũng trôi dạt, cũng đang làm một công việc nặng nhọc nào đó không? Nó có được ăn no hay không? Có ai đối tốt với nó không? Má không thể nào biết được điều đó nên Má lựa chọn tốt với những đứa trẻ xung quanh Má.

Má như thấy thằng Linh trong cái tướng đi gù gù của thằng Hiên – thợ phụ trong công ty xây dựng mới rời đi tháng trước. Thằng Hiên vóc dáng nhỏ thó, mái tóc hớt húi cua nhuộm vàng khè lởm chởm, miệng lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc hay qua xin đá về uống mấy ngày trời nắng hừng hực như đổ lửa.

Có khi, Má lại thấy thằng Linh trong cách nói chuyện của thằng Dần – thằng nhỏ miền Tây tay chân khẳng khiu, rụt rè, lần nào xin thêm canh cũng đứng cả buổi không dám thưa thốt. Thằng nhỏ lúc rời đi cũng lặng lẽ tựa như giọt nước bốc hơi khiến Má giật mình. Chắc có công trình nào gấp quá nó đi mà quên chào, chớ thằng nhỏ lễ phép, dễ thương lắm.

Má còn nhìn thấy thằng Linh qua biết bao cảnh đời trôi nổi khác, khi thì thằng nhỏ bán báo, lúc thằng nhỏ dắt ông đi bán vé số dạo, khi là thằng nhỏ lượm ve chai. Nhưng chưa bao giờ là thằng Linh của Má, nếu có, lẽ nào Má lại không nhận ra?

Hay Má đã thật sự quên rồi, bởi có quá nhiều khuôn mặt của thằng Linh lướt qua trong trí nhớ của Má, trong cuộc sống thường nhật.

Nhưng đối với Má có lẽ không ai giống thằng Linh như thằng Tư Hơn, cái thằng ăn nói tếu táo, làm thợ phụ mà lúc nào quần áo cũng chỉnh tề, mái tóc húi cua được cắt gọn gàng, không hút thuốc cũng không chửi thề bát nháo như mấy đứa nhỏ cùng tuổi. Mấy lần qua ăn cơm nó đều xăng xái phụ Má bưng khi thì rổ rau, khi thì rổ cà chạy cho kịp cơn mưa dở hơi ngang nhiên trút xuống.

Con hồi đi học là con học giỏi lắm nghen dì Hai, nhứt nhì lớp luôn đó, mấy đứa ghét con cứ chặn đường hăm đánh hoài.”

“Rồi sao bây không đi học nữa, làm phụ hồ chi cho cực? Đã vậy bao nhiêu bụi bặm hít vô phổi coi chừng bịnh đó nghen, kiếm cái khẩu trang đeo vô, dì thấy bây cứ ho sù sụ miết.

Con trai mà lo gì dì Hai, có đàn bà con gái sợ nắng sợ đen mới đeo chớ! Quê con quanh năm mưa gió mất mùa, nhà hai anh chị lớn thì lập gia đình ở miệt trong hết rồi, giờ còn hai đứa em đang tuổi ăn tuổi lớn mà nhiều bữa nhà chỉ có mớ rau ráng, rau tập tàng luộc chấm tương. Thương tụi nó lắm dì Hai, đói vàng mắt!”

Chỉ vài câu hỏi thăm bâng quơ nhưng Má cũng hình dung được hoàn cảnh anh em thằng Tư Hơn khó khăn tới cỡ nào, hình dung được gánh nặng trên đôi vai của đứa nhỏ mới bước ra đời, trong đầu còn mang theo những suy nghĩ ngây thơ.

Giờ con nghèo rớt vậy chớ mai mốt giàu lắm nghen dì Hai!”

“Ủa, bây mần gì mà giàu?

Mai mốt người ta đi học hết hổng ai làm nghề này nữa, có mình con làm thì được nhiều tiền hơn!

Má rớt nước mắt trước ý nghĩ của thằng nhỏ, ai đời muốn làm thợ xây thợ hồ hoài. Nhưng mơ ước của thằng nhỏ mười bảy tuổi đầu bước ra từ vùng quê nghèo chỉ đơn giản là có ngày hai bữa, có chút đỉnh tiền gửi về quê cho mấy đứa em có được bữa cơm đầy đặn thịt cá, manh áo mới ngày Tết mà thôi. Có lẽ, nó còn quá nhỏ để hiểu được câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nhưng Má tin cuộc sống sẽ đối tốt với người siêng năng, cần mẫn trong công việc như nó.

Có một dòng kênh chuyển mình hóa phố
Có một dòng kênh chuyển mình hóa phố

Ngày mai nhà chủ hoàn công, ngày mai thằng Tư Hơn cùng bầu đoàn xây dựng cũng rời đi, đi tới nơi cần những người thợ lành nghề như nó. Má gói cho thằng Tư Hơn mấy cái bánh ít khoai mì mới nấu còn nóng hôi hổi, giọng cứ rưng rưng:

Nhớ đeo khẩu trang vô không bụi lắm, nghen con!”

Lần này, Má kịp đi tiễn một bóng dáng thân thương.

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close