NGỮ VĂN 12

Tác gia Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh

Kiến thức cơ bản về tiểu sử, quan điểm sáng tác, di sản văn chương, đặc điểm phong cách nghệ thuật của tác gia Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh không chỉ là nhà cách mạng vĩ đại, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới mà còn là nhà văn nhà thơ lớn của nước ta . Sự nghiệp thơ văn của Người có ảnh hưởng lớn đến nền văn học Việt Nam hiện đại
Tác gia Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh
Tiếng suối trong như tiếng hát xa /Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa /

Tác gia Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh

Mục đích :
– Giúp nắm được kiến thức cơ bản về tiểu sử, quan điểm sáng tác, di sản văn chương, đặc điểm phong cách nghệ thuật của tác gia Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh .- Giúp biết cách vận dụng kiến thức về tác giả để viết thành bài văn trình bày, tái hiện về tác giả Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.A. Kiến thức cơ bản

I.Tiểu sử

Xuất thân :

Hồ Chí Minh ( 1890-1969 ) sinh ra trong gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở Nam Đàn – Nghệ An . Người sinh trưởng trong hoàn cảnh nước mất nhà tan , nước ta bị thực dân Pháp đô hộ , các phong trào yêu nước nổ ra mạnh mẽ nhưng đều thất bại , nhân dân ta một cổ hai tròng , sống trong nô lệ , lầm than .

– Con người :

Từ nhỏ , Người đã thông minh lanh lợi , thương xót đồng bào , ‎ thức cao độ về nền độc lập dân tộc , sớm tham gia các phong trào yêu nước của thanh niên , khao khát quyết tâm tìm ra con đường cứu nước cứu dân .

– Những hoạt động chính :

1911 : Ra đi tìm đường cứu nước .
1919 : Đưa bản yêu sách của nhân dân An Nam đến hội nghị Véc-xai .
1920 : Tham gia thành lập ĐCS Pháp .
1925 : Thành lập nhiều tổ chức cách mạng như : Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông .
1930 : Chủ tọa hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản nước ta, địa điểm tại Hương Cảng, thành lập ĐCS VN .
1941 : Về nước hoạt động, thành lập Mặt trận Việt Minh, trực tiếp lãnh đạo cách mạng trong nước, lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi .
2/9/1945 : Đọc Bản Tuyên ngôn độc lập .
1946 : Được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa .
1946-1969 : Đảm nhiệm chức vụ cao nhất trong Nhà nước , lãnh đạo toàn dân thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ .
1990 : Được UNESCO suy tôn là “ Anh hùng giải phóng dân tộc , nhà văn hóa lớn”

II. Quan điểm sáng tác

1. Hồ Chí Minh coi văn học nghệ thuật là vũ khí chiến đấu lợi hại , phụng sự cho sự nghiệp cách mạng .

Quan điểm này thể hiện rõ trong hai câu thơ :

Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong ( cảm tưởng đọc Thiên gia thi )

Năm 1951 , Người cũng khẳng định trong Thư gửi các họa sỹ : “ Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận . Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy”

2. Hồ Chí Minh rất coi trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học .

– Tính chân thật được coi là thước đo giá trị của văn chương . Tính chân thật: cảm xúc chân thật, phản ánh hiện thực xác thực.

– Tính dân tộc: nội dung hướng vào đời sống cách mạng toàn dân tộc, hình thức ngôn ngữ trong sáng, phát huy “cốt cách dân tộc”, đồng thời đề cao sự sáng tạo.

3. Khi cầm bút , Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ mục đích , đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm . Người nêu kinh nghiệm trước khi viết văn cần trả lời các câu hỏi : Viết để làm gì ? Viết cho ai ? trước rồi mới trả lời các câu hỏi Viết cái gì ? Viết như thế nào ?

Nhận xét :

Đây là quan điểm sáng tác tiến bộ, vừa đảm bảo tính nghệ thuật của văn chương, vừa gắn văn chương với đời sống thực tế của nhân dân, dân tộc .

Quan điểm sáng tác này trở thành định hướng sáng tác cho các văn nghệ sĩ nước ta và góp phần không nhỏ trong việc thực hiện những nhiệm vụ thời đại, đất nước .

Tác gia Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh
Ai cũng có cơm ăn áo mặc; trẻ em được đến trường

III. Di sản văn học .

Nhận xét chung :

Hồ Chí Minh để lại một di sản văn học lớn lao về tầm vóc, phong phú về thể loại, đa dạng về phong cách, sâu sắc về nội dung tư tưởng, sáng tạo độc đáo về phương diện nghệ thuật. Tác phẩm của Người tập trung ở 3 thể loại: văn chính luận, truyện kí và thơ ca .

1.Văn chính luận .

– Mục đích : đấu tranh chính trị, tiến công trự diện kẻ thù, thức tỉnh, giác ngộ quần chúng, thực hiện những nhiệm vụ cách mạng của dân tộc qua những chặng đường lịch sử .

– Đặc điểm : ngòi bút chính luận của Người rất sắc sảo , linh hoạt , có sức thuyệt phục , ngôn từ chính xác , hùng hồn , giàu tính trí tuệ và tính luận chiến .

– Tác phẩm tiêu biểu :

Các bài báo với bút danh Nguyễn Ái Quốc đăng trên các báo Pháp như tờ Nhân đạo , Người cùng khổ , Đời sống thợ thuyền , …

Bản án chế độ thực dân Pháp : Tố cáo tội ác , chính sách tàn bạo của của thực dân Pháp ở thuộc địa và nêu lên những nỗi khổ của nhân dân do chính sách đó gây ra.

Tuyên ngôn độc lập : Tuyên bố nền đọc lập tự do và thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa .

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến : Thể hiện tiếng gọi cứu nước cứu dân thiết tha trong giờ phút Tổ quốc gặp nguy nan .
Di chúc : Lời căn dặn chân tình , thiết tha , vừa mang định hướng chiến lược phát triển đất nước vừa thấm đượm tình yêu thương đồng bào .

2. Truyện và kí .

– đặc điểm : Ngắn gọn, sắc sảo, kết cấu độc đáo, giàu tính trí tuệ, ‎ tưởng thâm thúy .

– tác phẩm truyện tiêu biểu: Pari, Vi hành, Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu, …

– tác phẩm kí tiêu biểu: Nhật kí chìm tàu , Vừa đi đường vừa kể chuyện , …

3. Thơ ca .

– Đặc điểm : là lĩnh vực nổi bật trong giá trị sáng tạo văn chương của Hồ Chí Minh , ngôn ngữ giản dị mà hàm súc , vừa cổ điển vừa hiện đại , vừa kết hợp chất trữ tình cách mạng vừa dằm thắm với cảm hứng anh hùng ca của thời đại .

– Tác phẩm tiêu biểu :

Nhật kí trong tù : 133 bài , phản ánh tâm hồn và nhân cách cao đẹp của người chiến sỹ cách mạng trong hoàn cảnh lao tù , chan chứa tình cảm nhân đạo , là tập thơ tiêu biểu nhất của Người .

Thơ Hồ Chí Minh : 86 bài

Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh : 36 bài

IV. Phong cách nghệ thuật .

– Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống gia đình , môi trường văn hóa , hoàn cảnh sống –hoạt động cách mạng , cá tính và quan điểm sáng tác của Người .

– Văn thơ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh có phong cách độc đáo , đa dạng mà thống nhất , kết hợp sâu sắc nhuần nhị giữa chính trị và văn chương , giữa tư tưởng và nghệ thuật , giữa truyền thống và hiện đại .
Mỗi thể loại lại có phong cách độc đáo riêng .

– Văn chính luận : bộc lộ tư duy sắc sảo , giàu tri thức văn hóa , gắn lí luận với thực tiễn , giàu tính luận chiến , đa dạng về bút pháp , giọng văn hùng hồn dõng dạc .

– Truyện và kí : giàu chất trí tuệ , tính hiện đại , tính chiến đấu , ngòi bút chủ động , sáng tạo , khi vận dụng lối kể chân thực , khi châm biếm sắc sảo tinh tế , thâm thúy .

– Thơ ca : phong cách đa dạng , vừa cổ điển vừa hiện đại , nhiều bài cổ thi hàm súc uyên thâm , nhiều bài vận dụng nhiều thể thơ phục vụ có hiệu quả cho nhiệm vụ cách mạng .

V. Kết luận .

– Văn thơ của Hồ Chí Minh có tác dụng to lớn đến quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam , có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học và đời sống tinh thần dân tộc .

– Hồ Chí Minh đã để lại một di sản văn chương vô cùng quí giá với nhiều bài học và giá trị tinh thần cao quí mà nổi bật nhất là tấm lòng sâu sắc yêu thương , tâm hồn cao cả , tinh thần đấu tranh đòi quyền sống , quyền độc lập tự do của cả dân tộc .
—–

B. CỦNG CỐ KIẾN THỨC

Đề 1 : Nêu và phân tích ngắn gọn quan điểm sáng tác của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
Đề 2: Trình bày tóm tắt phong cách nghệ thuật Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Gợi ý giải đề

Đề 1:
– Quan điểm nghệ thuật là gì?
+ Quan: quan sát, nhìn nhận. Điểm: chỗ đứng > Chỗ đứng để nhìn nhận nghệ thuật.
+ Vai trò của quan điểm nghệ thuật:
Chi phối toàn bộ sáng tác của nhà văn..
Phần nào xác định tầm vóc tư tưởng người nghệ sĩ.
– Quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh (trọng tâm): trình bày theo 3 ý trong phần kiến thức cơ bản.
Văn học là một thứ vũ khí lợi hại phụng sự cách mạng, nhà văn là người chiến sĩ xung phong trên mặt trận văn hoá tư tưởng.
Coi trọng tính chân thật và tính dân tộc.
Sáng tác xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức tác phẩm.
Phân tích ngắn gọn một dẫn chứng để thấy rõ dấu ấn của quan điểm nghệ thuật trong tác phẩm Tuyên ngôn độc lập, Vi hành, Nhật kí trong tù,…: giá trị chiến đấu, tính chân thật và tính dân tộc thể hiện như thế nào? Đối tượng và mục đích sáng tác đã quyết định ra sao tới việc lựa chọn nội dung và hình thức của tác phẩm?
– Nhận xét:
Quan điểm sáng tác được thực thi, thể hiện nhuần nhuyễn, linh hoạt trong tất cả các tác phẩm của Người.
Hệ thống quan điểm nghệ thuật đúng đắn, có giá trị, thể hiện tầm vóc tư tưởng của một nhà văn lớn. Chính quan điểm đó là nền tảng cho một sự nghiệp văn chương giàu giá trị.

Đề 2:

– Phong cách nghệ thuật là gì:
Nói một cách ngắn gọn: là đặc điểm riêng biệt của sáng tác.
Nghiêng về hình thức (hệ thống các yếu tố hình thức độc đáo)
Thống nhất trong mọi tác phẩm, mọi giai đoạn sáng tác của nhà văn.
Tuy nhiên, nó vẫn có sự vận động.
Nhà văn lớn là nhà văn có phong cách.
– Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh:
Khái quát
Phong cách nghệ thuật của từng thể loại.
Lấy dẫn chứng ở từng đặc điểm: điểm tên khoảng 3 tác phẩm , dẫn chứng cụ thể , phân tích ngắn gọn 1 ví dụ thể hiện đặc điểm phong cách.
– Đánh giá:
Khẳng đinh lại: phong cách nghệ thuật đa dạng và độc đáo.
Phong cách nghệ thuật đó tạo nên tầm vóc của một nhà văn lớn.

Vanhoctre soạn
Tags
Show More

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close