THƠ CA
Đoản khúc giao mùa
Đoản khúc giao mùa
“Thế là thôi, tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ”
Không nắng gắt như mùa hè
Với những trận mưa rào hối hả
Thỉnh thoảng loè sân thóc mẹ đang phơi
Thay vào đó là ánh chiều dịu nhẹ
Gặp cô bé nhà bên
Khẽ núp mình qua kẽ lá…
Rủ trốn tìm
Gió hiu hiu, đung đưa đoá lục bình
Màu tím biếc của ánh nhìn…
Sâu và hun hút
Chạm vào những thước phim
Không còn nữa…
Tiếng ve rộn ràng dạo phím đàn bản nhạc dàn đồng ca mùa hạ
Giữa góc phố im lìm…từng cánh chim chao nghiêng
Trôi hối hả về phía cuối chân trời
Không còn nữa
Những tiếng cười, giọt nước mắt tuôn rơi giữa tiết trời tháng sáu-của mùa thi
Chùm phượng vĩ ngủ quên trong lưu bút chẳng có dịp thầm thì.
Giây phút chia ly hẳn là đã đi vào quên lãng
Thu sang
Chẳng còn nữa những buổi chiều đá banh trên hè phố
Ngày tựu trường đang trực chờ gõ cửa gọi…
Thu sang.
Miên man…miên man…
Ru ca… Ru ca
Vọng từ phía xa xăm nồng nàn mùi hoa sữa
Tựa vào tán bàng ta đóng cửa hè xanh
Uống chút heo may, tắm mình trong không khí trong lành
Nghe một bản nhạc êm êm nhưng sao hồn rệu rã
“Lá rụng nhiều đâu phải bởi mùa thu”
Ru ca… Ru ca
Con đâu xác ve đang ngủ quên trong lòng đất
Chú dế mèn ngất ngây khi điệu nhạc được cất lên
Thay vào đó là lời rên than thở
Não ruột lòng một nỗi nhớ…hư hao
Trái tím bằng lăng-trái chung thủy ngọt ngào
Mi đã kịp gieo mầm ươm sự sống
Tất bật bon chen sắc hương cùng hạ trắng
Rồi ngã vào thu, trơ trọi những cành khô.
Phía của hư hao
Ta…đặt cánh tay lên lồng ngực…
Nghe âm vang từng đợt sóng cuộn trào
Bản giao mùa giữa đêm
Lặng thinh…
Hồn trăn trở
Nỗi nhớ nghiêng mình theo đoản khúc thu sang…
Lời bàn:
Dùng thể thơ tự do, phá khổ , mở rộng, kéo dài câu thơ linh hoạt, câu ngắn dài thoải mái nhưng vẫn không mất đi nhịp điệu trầm bổng, Đoản khúc giao mùa – giống như tiêu đề, giống một khúc ca bằng thơ với những từ “Miên man, miên man, ru ca ru ca” – chuỗi âm thanh tựa tiếng đàn tạo dư âm cho lời hát về mùa thu diệu kì.
Thu – không nắng gắt mà thay bằng ánh chiều dịu nhẹ, gió đung đưa, tiếng ve không còn rộn ràng mà ngủ quên trong lòng đất, không còn mùa phượng vĩ, mùa chia li học sinh tháng sáu, ngày tựu trường tiết thu. Sự đan xen giữa kỉ niệm mùa hè để vắt sang thu, so sánh những điều tuyệt vời nhất của mẹ thiên nhiên, mùa nào cũng có những vui thú, những kỉ niệm. Nếu mùa hè tựa như khúc nhạc rộn rã của tiếng ve, con dế, của những gam màu rực rỡ sắc đỏ phượng vĩ, tím bằng lăng, thì mùa thu lại như một tiếng rên rỉ thở than da diết với hương sữa thơm nồng, lan tỏa. Những cành khô, quả chín, và những nỗi niềm cuộn trong lồng ngực, có một sự tương đồng nào giữa tình người với sự trưởng thành của quả chín.
Sau tất cả những bản nhạc mùa đủ âm điệu, đủ màu sắc thì phần cuối bài thơ lại như một dư âm lắng đọng, nhìn lại, ngẫm nghĩ ….trăn trở “Nỗi nhớ nghiêng mình theo đoản khúc thu sang”. Có lẽ điều tác giả muốn gửi gắm còn ở “mùa người”. Con người cũng như sắc thu kì diệu kia, khi vào độ thu chín, sau cái tuổi trẻ với những yêu đương và vui vẻ, hát những bài ca của tuổi trẻ, ngao du hết những mùa hè xanh, thì ta sẽ trở về với lắng đọng tâm hồn. Chỉ khi nào ta nhận ra được cái quy luật ấy, ta mới biết trân trọng từng mùa, yêu thêm những tháng năm cuộc đời.
Đoản khúc giao mùa – Cỏ phong sương đã thể hiện được cái nhìn nghệ thuật đa dạng về “hạ – thu”, về con người, ẩn giấu những triết lí cuộc đời nhẹ nhàng mà sâu sắc. Bài thơ này cũng như một bản nhạc mà nghe qua chỉ thấy câu từ êm ái, nhưng nghe nhiều mới thấm được lí lẽ thi nhân muốn truyền tải, càng nghe càng hay.