Góc hoài niệmTẢN VĂN
Một Lần Về Thăm Huế
Buổi sáng mai trời mù trong sương, sông núi cỏ cây nhoè đi trong hơi nước huyền hoặc lãng đãng đến từ dãy núi Kim Phụng, tưởng như từ đây màu nắng sẽ vĩnh viễn phai dần, báo hiệu muà thu đã về, nhưng xế trưa trời bỗng hửng lên một vài sợi nắng le lói trên từng không, chói chang đến nỗi làm cho trái bưởi nám hồng cả đôi má tròn.
Thăm Núi Ngự, Sông Hương, Cầu Gia Hội
Viếng Nội Thành, bến Thừa Phủ, Kim Long
Ngẩn ngơ nhìn trong một chuyến về thăm
Thấy Huế đẹp, Huế thơ nên quyến luyến
Qua Đồng Khánh nhìn sân trường xao xuyến
Huế muôn đời ưa cám dỗ thi nhân
Bóng dáng nào hò hẹn khách dừng chân
Hay là tại nón bài thơ ai đội
Có những ngày nghe hơi lạnh rùng mình trên da thịt thoáng sần lên một chút gai ốc „đổi trời“, tưởng như từ đây mưa thu sẽ ray rức không ngừng trên mái ngói, bỗng nhiên cơn nóng ở đâu về bất chợt, như một nỗi nhung nhớ mùa hè, nồng nàn hâm hấp những giọt mồ hôi thấm bết tóc mai.
Ngỡ ngàng, lưỡng lự là những ngày đầu thu của Huế, như một nỗi bấp bênh! Ðang mưa bỗng nắng, đang buồn bỗng vui ! Có chắc chắn chi một cơn gió heo may, để cứ đinh ninh mùa thu mãi hoài chìm trong màu tím! Có bền bỉ chi những cơn mưa đuổi nhau trên đầu sóng, để cứ mãi tin từ đây bốn bề hiu hắt „lòng rộng không che“! Huế đang say đắm rực rỡ với chiều vàng trên sông Hương, bỗng nhiên não nùng rũ rượi trong màu xanh thủy mặc trên những con đường cây lá giao nhau trong Ðại Nội. Huế suốt một ngày mây xám vần vũ xao xuyến cả bầu trời tháng tám, tưởng „trăng lạnh đầu non“ không bao giờ „trở lại“, bỗng đâu nửa khuya trên gối đầy ắp ánh trăng liêu trai, vằng vặc, quyến rũ và mê hoặc như một tình nhân bí mật không hẹn mà về.
Trải vạt áo dài thi ca muôn thuở
Xỏa mái tóc huyền thi nhạc giao duyên
Môi ai cười vành nón lá che nghiêng
Nghe vướng vấp bước chân người khách lạ
Hãy đừng tin chi vào chút nắng trên hàng cau nơi thôn Vỹ ! Một buổi sáng trời trong như ngọc, trái tim chưa kịp reo vui với nỗi mong đợi một ngày đầy nắng ở nơi đây „ nhất là cho những kẻ đã quen sống theo „thời khoá biểu“ thường hằng ở phương Tây „ chưa chi đã nghe đâu đó trong thoáng gió bay về hơi nước của cơn mưa đang ào ạt nơi cầu Bến Ngự. Cũng đừng vui hay buồn chi với cơn mưa buổi sáng nơi đường Ngự Viên, tưởng như cầm chân được ai đang dứt áo ra đi thành người ở lại nơi đây vĩnh viễn. Chỉ chưa đầy một chút quay lưng ra áo, nắng đãlên, lấp lánh ngoài sân, quí giá như vàng ngọc, mời gọi ra ngõ, rủ nhau đem áo ra phơi ngoài dậu, thúc dục kẻ hành nhân rảo bước…
Và cứ thế những ngày qua đi, không vội mà như có tiếng dục giã của thời gian đang nhuộm lần sắc nhớ…
Tôi đã về Huế hơn một lần mang theo ý niệm trung thành tuyệt đối với những bóng hình ngày cũ, với Huế ngày xưa, với nỗi nhớ nhung mùa thu cũ và với tôi hôm nay như những gì „xưa và nay“ không thể lay chuyển, đổi thay.
Tôi đã muốn đi tìm một vầng trăng Trung Thu thật tròn thật sáng thật trong nơi đồi Vọng Cảnh, như một „vầng trăng từ độ“…mãi hoài là một vầng trăng „đêm đêm bến cũ“, nhưng thường được những cơn mưa tháng tám bất chợt làm ướt áo đợi chờ. Trăng thường không lên như nắng gió trong ngày đã hẹn, cứ để cho người háo hức những mong ước thần tiên của thời thơ ấu, để rồi đùng đùng sấm chớp, cơn mưa từ sầm sập đến, rửa sạch mọi ảo ảnh chờ mong, dồn nén nỗi thất vọng vào trong giấc ngủ. Thế nhưng có những khoảnh khắc không chờ không đợi trăng lại về…trong ngần và sâu thẳm như đôi mắt người xưa!
Tôi đã muốn tìm lại „Thu vàng“ khi trở về nơi đây để „nhặt lá vàng rơi“ như một thời đã hát, nhưng ngỡ ngàng nhận ra mùa thu nơi đây không vàng mà xanh mướt lá cây như màu ngọc thạch nằm trong giếng nước sâu của Trọng Thủy. Ðể nhận chân hơn một lần „tiếng thu xào xạc“ với „nai vàng“, với „lá vàng khô“â thời trước chỉ là âm vang „màu thời gian“ điểm xuyết cho „mùa thu xanh“ của Huế thêm một chút bâng quơ huyền thoại, thêm một lần vu vơ cho những tâm hồn nhạy cảm thuộc lứa tuổi hai mươi. Ai có về Huế trong buổi giao muà mới thấy được màu thu xanh của Huế nơi những cây bàng, cây khế, cây me, cây phượng, cây chuối, cây muối, cây sầu đông, lá cứ xanh mãi một màu hồ thủy, „lá không vàng lá không rụng, lá lại thêm xanh“…ấy là mùa thu mới về…
Tôi đã muốn tìm về giòng sông Hương với „chiều tím“ thẳm sâu, ghi khắc mối tình sông núi thủy chung, khi đứng từ cầu Trường Tiền nhìn lên nẻo sông xa vắng in bóng núi im lìm. Con sông mênh mang lưu luyến ánh mặt trời đang chìm dần sau bóng núi bỗng trở thành „lỡ làng nước đục bụi trong“, hắt hiu „bến Tầm Dương…đưa khách“, vội vàng phấn son, rộn ràng ca kỷ…Màu tím của sông, chút lòng trung kiên vĩnh viễn của Huế, phôi pha như một giấc mộng cố nhân, mỏng manh như một thoáng hơi sương thu, chỉ còn lãng đãng trong hoài niệm và đợi chờ…
Hôm nay Huế nằm nghe mưa tầm tã
Mưa suốt ngày mưa Huế lạ lùng chưa
Những khi nắng lên, những khi mưa về bất chợt, Huế vào thu đã không dành cho tôi một ý niệm, một hình ảnh cố định nào đề con tim chiều theo một nhịp. Buổi giao mùa của Huế cứ giăng mắc những mảng trời vô định, vần vũ những đám mây lang thang như một thứ thiên la địa võng bao phủ lấy tâm hồn, nhận chìm con tim xuống một vùng vực thẳm mơ hồ nào đó, mất hút nẻo đi về, và lũ giác quan như những kẻ mù, sờ soạng trong không gian vô bờ của gió, của nắng, của mưa, của trăng, của sương, của mây, bỗng trở thành nhạy cảm đến mức tinh vi trong sự lắng nghe âm vang của tiếng mùa nơi từng giọt mưa rơi, nơi từng rung động của lá, nơi từng câm nín của ánh trăng…nơi từng bước chuyển trong muôn ngàn nẻo vô thường của Huế đầu thu.
Ai muốn biết vô thường của cuộc đời là chi, hãy đến Huế khi gió mùa đang chuyển…
Một lần về thăm Huế
Yên Sơn
Thăm Núi Ngự, Sông Hương, Cầu Gia Hội
Viếng Nội Thành, bến Thừa Phủ, Kim Long
Ngẩn ngơ nhìn trong một chuyến về thăm
Thấy Huế đẹp, Huế thơ nên quyến luyến
Qua Đồng Khánh nhìn sân trường xao xuyến
Huế muôn đời ưa cám dỗ thi nhân
Bóng dáng nào hò hẹn khách dừng chân
Hay là tại nón bài thơ ai đội
Trải vạt áo dài thi ca muôn thuở
Xỏa mái tóc huyền thi nhạc giao duyên
Môi ai cười vành nón lá che nghiêng
Nghe vướng vấp bước chân người khách lạ
Hôm nay Huế nằm nghe mưa tầm tã
Mưa suốt ngày mưa Huế lạ lùng chưa
Nguồn: