Những bài văn hay
Người lang thang không cô đơn
Tác phẩm: “Người lang thang không cô đơn” của nhà văn Minh Chuyên ngay từ khi xuất bản lần đầu đã gây được nhiều chú ý dư luận xã hội. Nhà phê bình văn học Lê Quang Trang viết in trên Báo Nhân dân ngày 4/7/1993 có đoạn: “Người lang thang không cô đơn” là tập truyện ký đặc biệt xuất sắc. Cái hay không chỉ ở mặt văn chương mà còn là cái hay ở câu chuyện tình người, thấm đẫm chất nhân văn”…
Câu chuyện nói về nhân vật Nguyễn Đình Thúc người lính thời chống Mỹ, quê tỉnh Thái Bình. Trong một trận chiến đấu, bị trọng thương, bị địch bắt, tra tấn dã man, rồi chúng đưa anh vào giam tại nhà tù Côn đảo. Sau ngày đất nước hòa bình, do vết thương thần kinh nặng và thân hình biến dạng, Nguyễn Đình Thúc không còn nhớ quê hương anh ở đâu, bố mẹ, người thân anh cũng quên hết. Nguyễn Đình Thúc được ông bà Lê Minh Châu ở Cầu Giấy, Hà Nội đón về nuôi dưỡng gần 10 năm. Khi tìm được về với gia đình, bố mẹ, anh em họ tộc, người thân không ai nhận ra anh…
Khi tập truyện: “ Người lang thang không cô đơn” ra mắt bạn đọc, 7 đoàn nghệ thuật: Nhà hát kịch Tuổi trẻ, Đoàn cải lương Trung ương, Đoàn kịch nói Thái Bình, Hãng phim Sài Gòn Video..vv… đã chuyển thể thành các tác phẩm sân khấu và điện ảnh. Vở kịch “Người lang thang không cô đơn” sau khi được phát trên VTV1, Đài truyền hình Việt Nam đã được Chính phủ ra quyết định số 129-CP thành lập quỹ mang tên tác phẩm “ Người không cô đơn”. Một năm sau quỹ được đổi thành quỹ: “Đền ơn đáp nghĩa” do Bộ LĐ-TB & XH quản lý. Quỹ được đông đảo khán giả, bạn đọc và nhân dân cả nước hưởng ứng. Đến nay quỹ thu đƣợc trên 1000 tỷ đồng. Nhà văn Minh Chuyên đã nhận được trên 9000 bức thư của bạn đọc, hàng ngàn trang luận văn Tiến sỹ, Thạc sỹ, Đại học, hàng trăm bài báo bình luận về “Người lang thang không cô đơn” in trên báo, tạp chí trong và ngoài nước. Tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Tập sách tái bản lần này, ngoài tác phẩm: Người lang thang… Tác giả còn tập hợp một số truyện tiêu biểu khác, cùng chủ đề về hậu quả chiến tranh. Xin trân trọng giới thiệu và mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của bạn đọc.
[GS – Nhà lí luận văn học: Phương Lựu]