THƠ CA

Sao không về Vàng ơi?- Trần Đăng Khoa

Sao không về Vàng ơi! được Trần Đăng Khoa viết cách đây hơn nửa thế kỷ, khi ông mới là một cậu bé 9 tuổi, học trường làng ở Nam Sách, Hải Dương.Gia đình cậu bé Khoa nuôi một con chó mực đen tuyền, chứ không hề có chút màu vàng nào. Nhưng vào một buổi chiều, chính xác là chiều ngày 3/4/1967, sau một trận bom Mỹ trút xuống, chú chó bỗng dưng mất tích.

Sao không về Vàng ơi?- Trần Đăng Khoa

Tao đi học về nhà
Là mày chạy xồ ra
Đầu tiên mày rối rít
Cái đuôi mừng ngoáy tít
Rồi mày lắc cái đầu
Khịt khịt mũi, rung râu
Rồi mày nhún chân sau
Chân trước chồm, mày bắt
Bắt tay tao rất chặt
Thế là mày tất bật
Đưa vội tao vào nhà

Sao không về Vàng ơi?- Trần Đăng Khoa

 

Dù tao đi đâu xa
Cũng nhớ mày lắm đấy
Hôm nay tao bỗng thấy
Cái cổng rộng thế này!
Vì không thấy bóng mày
Nằm chờ tao trước cửa
Không nghe tiếng mày sủa
Như những buổi trưa nào
Không thấy mày đón tao
Cái đuôi vàng ngoáy tít
Cái mũi đen khịt khịt
Mày không bắt tay tao
Tay tao buồn làm sao!

Sao không về hả chó?
Nghe bom thằng Mỹ nổ
Mày bỏ chạy đi đâu?
Tao chờ mày đã lâu
Cơm phần mày để cửa
Sao không về hả chó?
Tao nhớ mày lắm đó
Vàng ơi là Vàng ơi!

1967  sao không về vàng ơi tao nhớ mày lắm đó!

Nguồn: Trần Đăng Khoa, Góc sân và khoảng trời, Nxb Văn hoá dân tộc, 1999

Kỷ niệm ngày mất chó 3-4-1967

Sao không về Vàng ơi! được Trần Đăng Khoa viết cách đây hơn nửa thế kỉ, khi ông mới là một cậu bé 9 tuổi, học trường làng ở Nam Sách, Hải Dương.Gia đình cậu bé Khoa nuôi một con chó mực đen tuyền, chứ không hề có chút màu vàng nào. Nhưng vào một buổi chiều, chính xác là chiều ngày 3/4/1967, sau một trận bom Mỹ trút xuống, chú chó bỗng dưng mất tích. Sao không về Vàng ơi!

“Đến tối mịt vẫn chẳng thấy con chó đâu. Mấy ngày hôm sau nữa cũng không thấy. Cả nhà tôi như có đám tang. Em gái tôi khóc, chị gái tôi cũng khóc. Mẹ tôi đêm nào cũng ra mở cửa chờ. Tôi không khóc nhưng người cứ thất thần, chẳng làm được việc gì…”, nhà thơ nhớ lại. Với cả gia đình Trần Đăng Khoa, con chó mực thực sự là một người bạn thân thiết. Cậu bé Khoa đi đâu cũng có con chó ríu rít đi theo. Thậm chí, con chó còn được coi là “ân nhân cứu mạng” cả gia đình khi có công phát hiện con rắn cạp nong to tướng chui vào gậm giường…

Đúng lúc đang thất thần vì nhớ con chó mực thì nhà của Trần Đăng Khoa có khách. Đoàn khách do chính Trưởng ty Giáo dục Hải Dương Lê Hào dẫn đầu, về để… kiểm tra xem có đúng Trần Đăng Khoa có khả năng làm thơ thần đồng như đồn đại hay không. Bác Trưởng ty đã ra luôn đề bài cho cậu bé Khoa là viết về chuyện con chó vừa mất. Vậy là cậu bé 9 tuổi viết luôn vào cuốn sổ tay bài thơ Mất chó, phía dưới còn đề là “Kỷ niệm ngày mất chó 3/4/1967”.

Một tuần sau, bài thơ được đăng trên báo Văn nghệ, ở góc thơ Nhi đồng, nhưng đã được sửa một vài câu. Đó là câu Sao không về hả chó? được sửa thành Sao không về Vàng ơi? và câu cuối Chó ơi là chó ơi thành Vàng ơi là Vàng ơi. Tên bài thơ Mất chó cũng được đổi thành Sao không về Vàng ơi!

“Sau này, tôi mới biết người sửa cho mình những câu thơ này là nhà thơ Phạm Hổ. Chỉ thay đổi vài chữ thôi, mà bài thơ hay hơn hẳn”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói. Ông nói, câu kết ban đầu của mình Chó ơi là chó ơi! quá là thật thà, nếu không muốn nói là ngây ngô, bởi dù bạn có đúng là con chó thật thì kêu như thế thật không ổn. Khi được chữa thành Vàng ơi là Vàng ơi, từ một tiếng gọi bình thường đã chuyển thành tiếng khóc và tình cảm của bài thơ cũng được nâng lên rất nhiều. Chữ “Vàng” được nhà thơ Phạm Hổ đổi thành chữ hoa, như một tên riêng, như một người bạn quý giá chẳng khác gì vàng đã góp phần khiến bài thơ độc đáo, có hồn hơn bao giờ hết.

Một điều thú vị là sau khi bài thơ in báo được mấy hôm thì con mực đột ngột trở về. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, lúc đó đã giữa đêm, ông đang ngủ thì nghe tiếng cào cào cửa, rồi tiếng sủa. Ông chạy ra mở cửa thì đúng là nó thật! Mừng quá, đêm ấy nhà thơ 9 tuổi ngồi viết tiếp bài Chó về. Nhưng mà đó là một bài thơ mà theo tác giả tự nhận là… quá dở, và ông không dám cho ai đọc.

Đã hơn 50 năm kể từ ngày bài thơ Sao không về Vàng ơi! ra đời, cậu bé Khoa ngày nào giờ đã là một người đàn ông cao niên, còn “nhân vật Vàng” trong bài thơ của ông thì đã sang thế giới khác từ gần nửa thế kỷ trước. Nhà thơ chia sẻ, không chỉ riêng con Vàng mà cả với những con chó khác đều được ông và người thân yêu thương, nâng niu như một thành viên trong gia đình. Trần Đăng Khoa cho biết, mẹ ông và cả mấy anh em ông không ai biết ăn thịt chó. “Mỗi khi chó nuôi trong nhà qua đời, chúng tôi lấy chăn quấn lại chôn ở góc vườn”, ông nói,

Cách đây 2 năm, Liên minh Bảo vệ Chó châu Á (ACPA) đã phát động chiến dịch Về đi Vàng ơi! kêu gọi không ăn thịt chó lấy cảm hứng từ chính bài thơ của Trần Đăng Khoa. Chiến dịch đã dùng hình ảnh những chú chó thân thiết với con người và ý thơ Sao không về Vàng ơi? đầy xúc động để đánh vào lòng trắc ẩn của cộng đồng. Không có gì ngạc nhiên khi nhà thơ Trần Đăng Khoa là người ủng hộ rất tích cực cho chiến dịch, bởi với ông, chó là loài vật thân thiết, gần gũi, gắn bó với ông không chỉ lúc bé thơ mà cho đến tận bây giờ

Văn học trẻ sưu tầm

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close