NGỮ VĂN 11

Quan niệm nghệ thuật về con người của Thạch Lam trong Hai đứa trẻ.

Thạch Lam là cây bút truyện ngắn xuất sắc trong nhóm Tự lực văn đoàn, mỗi tác phẩm của ông giống như một bài thơ trữ tình đầy xót thương. Truyện ngắn của ông “thường không có cốt truyện, hiếm khi thừa lời thừa chữ không uốn éo làm duyên một cách cầu kì kiểu cách nhưng vừa giàu hình ảnh nhạc điệu vừa uyển chuyển tinh tế”( Vũ Ngọc Phan). Một trong những tác phẩm của ông là Hai đứa trẻ, trong tác phẩm nhà văn đã làm hiện lên bức tranh cuộc sống con người để từ đó gửi gắm niềm trắc ẩn sâu xa

Quan niệm nghệ thuật về con người của Thạch Lam trong Hai đứa trẻ.

Xuất phát từ quan niệm văn học là nhân học, văn học lấy con người làm đối tượng. Hình thức của văn học suy đến cùng là hình thức thể hiện con người. Quan niệm nghệ thuật về con người là sự lí giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp hình thức thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và giá trị thẩm mĩ cho hình tượng nhân vật. Nói ngắn gọn, quan niệm nghệ thuật về con người chính là nguyên tắc cảm thấy, hiểu và miêu tả về con người trong văn học.

Ở mỗi nhà văn khi cầm bút đều có những quan niệm sáng tác về con người mang phong cách riêng. Chẳng hạn như Ngô Tất Tố nhìn con người luôn giữ được bản chất trong mọi hoàn cảnh, Nguyễn Công Hoan nhìn con người trong sự đối lập giàu nghèo, Nam Cao luôn yêu thương trân trọng con người, luôn nhìn thấy vẻ đẹp con người đằng sau sự tha hóa, tăm tối. Còn đối với Thạch Lam, ông cũng có quan niệm nghệ thuật về con người một cách mới mẻ, đó là nhìn con người ở những kiếp người tàn, ở thế giới nội tâm với những xúc cảm mong manh, mơ hồ trong cuộc sống đời thường trong Hai đứa trẻ.

Thạch Lamcây bút truyện ngắn xuất sắc trong nhóm Tự lực văn đoàn, mỗi tác phẩm của ông giống như một bài thơ trữ tình đầy xót thương. Truyện ngắn của ông “thường không có cốt truyện, hiếm khi thừa lời thừa chữ không uốn éo làm duyên một cách cầu kì kiểu cách nhưng vừa giàu hình ảnh nhạc điệu vừa uyển chuyển tinh tế”( Vũ Ngọc Phan). Một trong những tác phẩm của ông là Hai đứa trẻ, trong tác phẩm nhà văn đã làm hiện lên bức tranh cuộc sống con người để từ đó gửi gắm niềm trắc ẩn sâu xa

Trước hết đó là sự thể hiện con người ở những kiếp người tàn như: mẹ con chị Tí, gia đình bác phở Siêu, gia đình bác xẩm, cụ Thi điên,… Mẹ con chị Tí, ngay cái tên của chị cũng gợi sự nhỏ bé, nó như cho thấy  cái thân phận của người nông dân trước Cánh mạng tháng Tám làm người đọc hình dung mọi sự cố gắng của chị đều nhỏ nhoi, đều vô nghĩa trước cái mênh mông của cuộc đời, cái mênh manh của bóng đêm. Nghề nghiêp, công việc của mẹ con chị là, ngày ngày mò cua bắt tép, liên tưởng tới những kiếp người lầm than đói khổ nhưng chịu thương chịu khó trong cổ tích từ ngàn xưa. Chị Tí đang cố gắng âm thầm tìm kiếm nhặt nhạnh để có thể thay đổi cuộc sống, thay đổi nhịp quay đều đều tẻ nhạt của sự nghèo khổ. Kiếm sống dưới ánh sáng mặt trời chưa đủ, để thay đổi số phận chị phải cố gắng cả ban đêm. Cứ tối tối chị lại dọn hàng nước đến tận khuya nhưng càng cố gắng xoay bức thì lại càng bị trói vào cái nghèo. Câu nói của chị “Chao ôi, sớm với muộn mà ăn thua gì” thể hiện sự ngán ngẩm cũng là sự khái quát cuộc sống tủi cực nghèo khó âm thầm.

So với cuộc sống người dân phố huyện, gia đình bác phở Siêu có phần khá hơn. Nếu chị em Liên chỉ có một cửa hàng bách hóa nhỏ xíu, chị Tí có một chõng hàng nước thì gia đình bác có cả một hàng phở nhưng đó lại là cả một nguy cơ bởi phở là một thứ hàng xa xỉ. Nhiều tiền như chị em Liên (từ Hà Nội về) cũng không bao giờ mua được huống chi là những đứa trẻ nghèo. Gia đình bác phở Siêu cũng không thoát khỏi cái nghèo, rất nhiều hàng phở khác đã đóng cửa, nỗi buồn đã đậm hơn trong hình ảnh “bóng bác mênh mang ngả xuống đất”.

Bác xẩm là một nghệ nhân mù kiếm ăn bằng nghề hát dong lương thiện. Tên và nghề của bác đã  là hình ảnh tiêu biểu cho kiếp người tàn, rách rưới nghèo khổ không hi vọng. Gia tài của bác không có gì ngoài manh chiếu rách, chiếc chậu thau méo mó, cả phương tiện duy nhất là tiếng đàn hát thì nó cũng bật lên trong đêm còm cõi yếu ớt. Kết quả thê thảm của gia đình bác x1ẩm là một đứa trẻ, nó bò lê la ra khỏi manh chiếu rách, nghịch những chiếc rác bẩn vùi trong cát bên vệ đường. Đêm khuya phố huyện càng tĩnh mịch thì tiếng đàn càng yếu ớt rồi lặng dần. Cả gia đình bác Sẩm ngủ gục trên một manh chiếu rách.

Nếu bác xẩm là hình ảnh kiếp người tàn thì nhân vật cụ Thi điên là sự cụ thể hóa cho một đời tàn. Thạch Lam không dụng tâm miêu tả nhân vật này nhưng đã gợi được sự ám ảnh rất lớn đối với người đọc, phải chăng là vì men rượu, phải chăng là tiếng cười khanh khách giữa đêm tàn, cũng có khi bởi cuộc đời tăm tối khổ cực, sống quá lâu trong bóng đêm trong nhịp điệu tù đọng quẩn quanh mà con người trở thành điên dại.

Chị em Liên có phần may mắn hơn những người dân, những đứa trẻ nơi phố huyện bởi chị em Liên đã có một kí ức tuổi thơ vui vẻ êm đềm, đẹp đẽ. Được sống ở Hà Nội được chơi bờ hồ, được ngắm ánh đèn rực sáng của phố phường, được uống những cốc nước xanh đỏ. Khi về phố huyện nghèo lúc cha mất việc chị em Liên vẫn có một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, giá trị của quầy hàng không nhiều nhưng nó là một chỗ dựa tinh thần, một mái ấm chở che để không phải sống cảnh màn trời chiếu đất như gia đình bác Sẩm, không phải lê la tội nghiệp bên những đống rác bẩn sau phiên chợ tàn.

Liên có khát vọng có ước mơ từng được hạnh phúc và sung sướng hơn người dân nơi đây. Song vì không vô tâm nên cuộc sống của Liên lại cực khổ, buồn chán. Chị cảm nhận được cả hình ảnh thực và nỗi buồn mênh mang của phố huyện mình. Nếu cứ ngày này tiếp ngày kia như thế, nếu sự ý thức không còn mơ hồ trong tâm hồn Liên nữa mà trở thành nỗi dằn vặt ám ảnh thì có lẽ chị em Liên cũng sẽ hòa cuộc đời mình vào bóng tối, hòa tiếng cười vào trong cái vắng lặng của đêm như chị Tí, cụ Thi điên.

Tất cả người dân phố huyện, những người tồn tại ban ngày lại là những người sống ban đêm. Họ lấy đêm đốt sáng thành ngày thắp lên hi vọng cho ngày mai. Nhưng ánh sáng đó hiu hắt càng làm nổi bật lên bóng đêm mênh mang đè nặng lên kiếp người. Nhịp sống ở phố huyện lúc nào cũng lặp đi lặp lại một cách đơn điệu, quẩn quanh tẻ nhạt. Chừng ấy con người, mỗi người một cảnh nhưng đều sống trong sự quẩn quanh tù túng của cái ao đời phẳng lặng. Cuộc sống ấy khiến cho ta liên tưởng tới bài thơ “Quẩn quanh” của Huy Cận:

“Quanh quẩn mãi với vài ba dáng điệu

Tới hay lui cũng chừng ấy mặt người

Vì quá quen nên quá đỗi buồn cười

Ngồi nhắc lại cũng chỉ từng ấy chuyện”

Thạch Lam đã kín đáo bộc lộ niềm xót thương da diết ngay từ trong cách dựng người, dựng cảnh trong giọng văn đều đều chậm buồn của ông. Nhà văn đã phát hiện ra những hi vọng dù rất mơ hồ của người dân nơi đây, hi vọng một cái gì tươi sáng cho cuộc sống nghèo khổ của họ.

Không chỉ nhìn con người ở những kiếp người tàn, khám phá cuộc sống con người ở chiều sâu của nó: đơn điệu, nghèo nàn, quẩn quanh. Cái đáng quí là ở chỗ  Thạch Lam nhìn thấy thân phận nhỏ bé ở con người để thể hiện một cách cảm động ước mơ, khát vọng của họ. Ông cũng đem đến cho người đọc những rung động rất sâu, rất thấm thía trước thân phận con người, cảm nhận được nội tâm con người với những cảm giác mơ hồ, xúc cảm mong manh. Điều đó được nhìn nhận rõ ràng hơn ở vẻ đẹp tâm hồn cô bé Liên.

Liên là một cô bé nhạy cảm. Cô cảm nhận được mọi biến thái của thiên nhiên, nhạy cảm trước mọi biến thái của lòng người. Nhìn về cuộc sống con người Liên mơ hồ buồn, cảm nhận từng kiếp sống nghèo qua những quan sát nhạy cảm. Cô bé dành tình thương cho những người xung quanh mình nơi phố huyện nghèo: Chị Tí, bác phở Siêu,… những đứa trẻ từ trong bóng tối bò ra nhặt nhạnh những gì còn xót lại của ban ngày và thương nhất là bé An. Liên là một cô gái đảm đang, tháo vát trong công việc, chăm lo cho gian hàng nhỏ, chăm lo cho em trai. Liên cũng là một cô gái giàu mơ ước. Mọi mơ ước, khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc đầy ánh sáng của Liên gửi gắm ở hình ảnh đoàn tàu. Vì vậy đợi tàu xét cho cùng chính là khát vọng đổi đời, khát vọng sống trong một cuộc sống có ý nghĩa hơn, huyên náo, rực rỡ hơn, không phải cuộc sống lụy tàn trong khát vọng.

Như vậy, trong khi những nhà văn hiện thực chưa nhận ra những rạng đông sắp tới. Nguyễn Công Hoan nhìn người dân như nạn nhân của áp bức và đau khổ; Ngô Tất Tố nhìn cuộc đời người dân như trong khung cảnh “Tắt đèn”; Nam Cao nhìn thấy con người tồn tại trong guồng quay của sự tha hóa; Vũ Trọng Phụng chỉ thấy những biến chất… thì Thạch Lam lại nhìn thấy được khao khát đổi thay, khao khát về một cuộc sống đẹp đẽ giống như kí ức tuổi thơ êm đềm. Tác phẩm cũng như một lời kêu cứu: hãy cứu lấy những đứa trẻ, hãy cứu lấy phố huyện để con người được quyền sống trong hi vọng chứ không lụi tàn trong khát vọng. Ông cũng như muốn lay động, thức tỉnh những con người đang buồn chán, quẩn quanh, đang muốn đánh thức họ, động viên họ hãy cố vươn lên để thay đổi cuộc sống.

Nguyễn Đảm

Tags
Show More

Thy Việt

Admin Thy Việt, thành viên BQT diễn đàn văn học trực tuyến Vanhoctre.com Sở thích đọc sách, yêu văn học và viết lách.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close