Nghị luận xã hộiNGỮ VĂN 12Những bài văn hay

Trong thế giới của người gù kẻ thẳng lưng sẽ thành khuyết tật

Suy ngẫm về câu nói “Trong thế giới của người gù, kẻ thẳng lưng sẽ thành khuyết tật.”

Bài làm của học sinh lớp 12

Fukuzawa Yukichi trong cuốn sách Khuyến học đã từng nói: “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người. Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn.” Câu nói đó đã có thể được mặc nhiên công nhận là một tiên đề, nếu như trên đời này không tồn tại những ví dụ có thể được dùng để biện minh cho ý kiến ngược lại nó. “Cô giáo” Diệp Thị Hồng Liên – người bị khởi tố hình sự trong vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình năm 2018 – khi đứng trước vành móng ngựa, nói: “Trong thế giới của người gù kẻ thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. Dù là nhận tiền hối lộ của phụ huynh, hay bị “ép phải nâng điểm”, hay là vì bất kì lí do gì đi chăng nữa – người phụ nữ này cũng đã chỉ ra được một thực trạng đáng buồn: rằng sự khác biệt về học vấn của mỗi người, sau cùng cũng chỉ phụ thuộc vào việc người đó có ít hay nhiều tiền mà thôi. Câu nói đó đã làm dấy lên nhiều thứ về cách mỗi chúng ta nhìn nhận thế giới xung quanh không chỉ trên bình diện giáo dục, mà còn cả về nhân cách, đạo đức và lối sống.

Nghề giáo – một thứ nghề cao quý luôn đi song hành cùng kiến thức, chân lí và nghiệp học – là cái nôi của bao viên ngọc quý được người người kính nể, tôn trọng, coi như kim chỉ nam nhằm tìm đường hướng đến những điều đúng đắn. Vậy mà cô Diệp Thị Hồng Liên đã nhẫn tâm chà đạp lên niềm tin yêu của học sinh và xã hội dành cho mình, hủy hoại thanh danh trong sạch của những người cùng theo nghề giáo cũng như tiếp tay cho sự biến chất, thoái hóa hình như ngày càng nhiều trong ngành giáo dục.

Trước khi đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân tại sao “cô giáo” kia lại có thể phát ngôn ra một câu nói đáng phẫn nộ đến như vậy, chúng ta cần biết thế nào là khuyết tật, người gù và người thẳng lưng. Khái niệm “khuyết tật” chỉ những khiếm khuyết về thể xác hoặc tinh thần, khiến con người thành dị biệt trong cộng đồng! Còn “người gù”, nghĩa đen chỉ những người bị dị tật ở lưng, nghĩa ẩn dụ trong câu nói muốn chỉ những người làm điều tồi tệ, xấu xa. Và theo lẽ thường thì “người thẳng lưng” sẽ đại diện cho cái đúng, cái tốt, cho sự tử tế chính trực của con người. Câu nói của cô Liên chỉ ra một sự thật hay một nghịch lí khi khẳng định: trong một cộng đồng nào có nhiều người làm việc xấu, điều ác thì nơi đó, người lương thiện, chính trực sẽ lạc loài, dị biệt.

Và thực tế có đúng như vậy không … ?

Ba năm trôi qua, hẳn trong chúng ta vẫn có vài người còn nhớ đến câu nói nổi tiếng của diễn viên Keanu Reeves: “I don’t want to be a part of a world, where being kind is a weakness.” (tạm dịch: “Tôi không muốn sống trong một thế giới, nơi mà lòng tốt được coi như điểm yếu của con người.”). Đã đến lúc chúng ta không thể phủ nhận được thực tế: cuộc sống xã hội bao đời nay không phải luôn vận hành đơn thuần theo đạo lí trong cổ tích: ác giả ác báo, ở hiền gặp lành! Những nghịch lý xuất hiện ngày càng nhiều khiến chúng ta dần nghi ngờ sự đúng đắn của những điều đúng đắn, thậm chí tự đặt cho mình câu hỏi về lý do tại sao chúng ta lại phải làm những việc tốt.

Lâu nay, nhiều người thường mặc nhiên coi ý kiến của số đông là đúng, thay vì dành thời gian cân nhắc xem liệu điều đó có thực sự đúng hay không. Chính vì thế, nếu như “người thẳng lưng” được hiểu là người luôn làm những điều đúng, điều tốt mà lại bị coi là những dị biệt, là “khuyết tật” thì liệu còn ai dám làm điều tốt, còn ai dám sống “thẳng lưng” khi lúc nào cũng lo sợ sự lạc loài, đào thải khỏi guồng quay cộng đồng, cái guồng quay đem lại cho con người lợi ích và sự an toàn!

Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta rất dễ dàng có thể bắt gặp những “người gù lưng”, điển hình như một vài thực trạng đáng buồn vẫn còn đang xảy ra hiện nay. Nhiều người vẫn còn thói quen thủ sẵn một bao “phong bì” mỗi khi đi làm các thủ tục hành chính, hay mỗi khi bị cảnh sát giao thông bắt nhằm được “ưu tiên giải quyết”, “đỡ lằng nhằng” để từ đó tiếp tay cho nạn tham nhũng, tiêu cực và phạm pháp. Tuy biết điều đó là sai, nhưng nếu không làm theo những người xung quanh, điều đó trở nên có vẻ như cũng “không đúng”. Hay bên cạnh đó, việc không tố giác tội phạm cũng là một biểu hiện hết sức đáng lo ngại liên quan đến vấn đề này. Không biết từ khi nào mà chúng ta truyền tai nhau câu nói: “Nước sông không phạm nước giếng” để biện minh cho sự làm ngơ, sự giả mù giả điếc trước những việc làm xấu hiện hữu xung quanh khi căn bản nói rằng vì đó không phải là việc của mình nên không liên quan đến mình.

Cũng trong bình diện đời sống xã hội, nhiều khi chúng ta chứng kiến con em mình luôn ảo tưởng về trình độ bản thân khi nhận được những phiếu điểm cao chót vót dù lực học chỉ ở mức trung bình khá, chỉ vì trường mắc phải bệnh thành tích. Rồi hiện tượng vì ham thành tích cho trường mà nhiều giáo viên sẵn sàng chỉnh sửa điểm số; vì thu nhập cá nhân mà nhiều thầy cô ép học sinh học thêm với những lá đơn buộc phải “tự nguyện” – những cá nhân học sinh hay phụ huynh phản đối sự “tự nguyện” ấy sẽ thành lạc lõng, dị biệt!

Câu nói của “cô giáo” Liên cũng được chứng thực trong thực tế học sinh hiện nay. Học trò trung thực, phản ứng với quay cóp trở thành gàn dở, dị biệt trong một tập thể lớp coi quay cóp là chuyện đương nhiên của học trò, không liên quan tới đạo đức! Hoặc trong một tập thể trì trệ, lười biếng, thụ động thì những học trò tích cực phát biểu, phản biện, dám nói lên chính kiến của bản thân sẽ bị bạn bè coi là “ra vẻ, thể hiện”, thậm chí bị thầy cô khó chịu!

Qua một số hiện tượng thực tế, một sự thật đáng buồn đã hiện rõ trước mắt: chúng ta đều là tù nhân trong nhà tù nhận thức của chính mình. Giống như bao người khác, “cô giáo” Diệp Thị Hồng Liên cũng chỉ là nạn nhân của chính quan niệm của bản thân cô, cũng là quan niệm khá phổ biến trong một cộng đồng của những người có cách sống, cách nghĩ giống cô!

Trong thế giới của người gù kẻ thẳng lưng sẽ thành khuyết tật Trong thế giới của người gù kẻ thẳng lưng sẽ thành khuyết tật
Trong thế giới của người gù kẻ thẳng lưng sẽ thành khuyết tật

Cách chúng ta suy ngẫm, quan sát và kết luận về thế giới xung quanh theo chiều hướng tiêu cực đó đã gây ra không biết bao nhiêu hậu quả khôn lường cho con người. Sống trong thế giới của “người gù”, vốn tư duy của cộng đồng sẽ rất dễ bị thui chột, xuống cấp, bóp méo. Con người ta sẽ không còn có thể chủ động suy nghĩ, phân tích, đánh giá các vấn đề. Một khi tư duy phản biện mất đi, ai cũng sẽ có khả năng trở thành những “con rối”, những đối tượng để kẻ xấu lừa gạt, lợi dụng. Điều này càng khiến cho chúng ta mất đi niềm tin vào điều tốt, vào chính nghĩa, khiến ta chỉ còn biết quanh đi quẩn lại lo nghĩ cho bản thân. Những hậu quả mà chúng ta gánh chịu còn bao gồm cả sự thoái hóa, xuống cấp của nhân cách, đạo đức con người, tiêu chuẩn sống trong xã hội bị hạ thấp từ đó tạo điều kiện cho cái xấu phát triển và lan rộng. Ta sẽ bình thường hóa những cái sai, coi thường những cái đúng, làm đảo lộn luân thường đạo lí trong cuộc đời – đó là một viễn cảnh đáng sợ và không phải là không thể xảy ra. Cuối cùng, căn bản nhất, những mối quan hệ giữa người với người sẽ sụp đổ. Làm sao chúng ta có thể thực sự yêu thương nhau khi những khái niệm chân chính, thiêng liêng nhất đã bị coi là những khiếm khuyết, dị tật?

Trước hàng loạt vấn đề nghiêm trọng được đưa ra, xã hội loài người thường có xu hướng tìm kiếm những giải pháp nghiêm trọng, to lớn và phức tạp. Chính điều này tạo ra những rào cản về thời gian, quy mô và của cải nhằm có thể giải quyết mọi vấn đề một cách toàn diện. Nhưng đôi khi, chỉ cần nhìn bức tranh với tâm thế tĩnh, ta sẽ nhìn thấy cốt lõi của mớ bòng bong đó. Như đã đề cập ở phía trên, vấn đề của quan niệm sai lệch “Trong thế giới của người gù, kẻ thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” chủ yếu xoay quanh cốt lõi là nhân cách, đạo đức, lối sống cũng như cách nhìn nhận của chúng ta về thế giới xung quanh. Nếu chúng ta muốn cải thiện những bình diện đó, chúng ta cần thay đổi nhận thức của mình – thứ được tạo nên bởi kiến thức, thông tin và kinh nghiệm. Tuy vậy, trước khi chúng ta tiếp cận bất kì loại kiến thức, thông tin và kinh nghiệm nào, chúng ta phải hiểu được cội nguồn của mọi giải pháp cho vấn đề này: đó là ta phải học cách coi trọng giá trị của bản thân. Ta phải học được cách yêu thương và tôn trọng chính bản thân mình, hiểu được rằng mỗi người chúng ta được sinh ra là có lí do, là một phép màu và không bao giờ chúng ta được bỏ cuộc hay đầu hàng. Có vậy, chúng ta mới có thể thực hiện những giải pháp thực tiễn khác. Và một khi chúng ta đã có thể thực sự nhìn thấu được giá trị bên trong mình, chúng ta sẽ có được lòng can đảm. Giống như một quá trình tự nhiên và không thể bị ngăn cản, lòng can đảm sẽ giúp chúng ta tìm thấy động lực sống, tìm thấy sự tự tin, tìm thấy khả năng để cho ta có thể sống vì người khác, có thể cống hiến cho xã hội. Cao hơn nữa, chúng ta sẽ có đủ khả năng để đấu tranh vì những gì đúng đắn, và cả vì những gì mà chúng ta tin là đúng đắn. Và càng nhiều người hiểu được điều mấu chốt đó, càng nhiều người dám sống “thẳng lưng”, để tới một lúc nào đó, những “kẻ gù” sẽ trở về đúng vị trí của những người khuyết tật, những cái xấu xa sẽ lạc lõng và bị đào thải!

Có lẽ, nếu có bất kì bài học nào có thể được rút ra từ việc bác bỏ quan niệm lệch lạc trên, em xin trích câu nói mà em tâm đắc nhất của Triết gia Kishimi Ichiro: “Chỉ khi dám bị người khác ghét bỏ, chúng ta mới có được tự do, có được hạnh phúc.” Thế giới này luôn luôn đổi thay – nhưng chúng ta cũng luôn nắm trong tay khả năng diệu kì để xoay chuyển nó, đó là chiến thắng chính lòng tham và sự hèn kém của mình.

<Bài sưu tầm của học sinh>

Xem thêm:

Trong thế giới của người gù kẻ thẳng lưng sẽ thành khuyết tật

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close