THƠ CAVăn học Tuổi trẻ

Về đi em

Về đi em

Bông lúa chín tiễn mùa đi hối hả
Sợi nắng vàng hong lại liếp tranh thưa
Bằng lăng tím nhuộm đường xưa
Để cho những nghĩa tình đưa ta về.

Đôi chân trần nhảy sáo dọc triền đê
Ru mùa thơm sen, hồng em đôi má
Tuổi thơ xanh bỗng gồng mình trở dạ
Tập hồi sinh sau vấp ngã đô thành.

Tiếng sáo diều vi vu giữa trời xanh
Soi xuống dòng sông ngọt lành sữa mẹ
Úp mặt nghe tiếng lòng mình khe khẽ
Sóng mơn man ngân điệp khúc ân tình.

Phía xa xa rung rinh đóa lục bình
Đang ngẩn ngơ tự tình ta – mắt biếc
Bụi phồn hoa nửa đời ta rũ biệt
Cho phù sa xanh miên viễn đắp bồi

Tháng năm thơ ấu gọi mời
Về đi ta hát vang trời đồng dao…

 

Tác giả Cỏ Phong Sương

Đọc thêm:

Bài thơ Về đi em - Tác giả Cỏ Phong Sương Về đi em
Bài thơ Về đi em – Tác giả Cỏ Phong Sương

Lời bàn:

Có những bài thơ thu hút người đọc bởi ngôn từ, có bài thơ lại đem cho bạn đọc cả một thước phim đầy hình ảnh, rồi lại có bài bởi tình cảm gợi lên những đong đầy cảm xúc khiến ta hoài niệm,… ở “Về đi em” có đủ ba điều thu hút ấy.

Cỏ Phong Sương dùng những từ ngữ vẫn bình dị đấy thôi nhưng lại cực kì tinh tế, dùng hay không bằng dùng chuẩn, gợi lên ở bạn đọc hình ảnh về mùa lúa vàng nơi đồng quê, những liếp tranh, hàng bằng lăng tím, sáo diều giữa trời xanh, dòng sông với lơ thơ những cây lục bình trôi giữa dòng nước đỏ màu phù sa bồi đắp. Mọi vật thân thương tràn đầy sự sống bởi những từ ngữ gợi hành động ở con người như: Bông lúa chín tiễn mùa đi hối hả/ Sợi nắng vàng hong lại liếp tranh thưa/ Bằng lăng tím nhuộm đường xưa. 

Tiễn trong đưa tiễn, mỗi khi bông lúa vàng là ta biết đã sắp đến mùa thu hoạch, người dân cần vội vã thu hoạch nhanh kẻo hạt chín rụng xuống đất, cơn bão mùa hạ đánh gục ngọn lúa nặng. Sợi nắng hong, làm khô liếp tranh thưa ọp ẹp sau những ngày mưa dài, cành bằng lăng tím dù là loài hoa báo hạ tới, nhưng lại được tác giả cho rằng cố ý “nhuộm” con đường. Cả sắc tím trải dài khiến cảnh vật hiện hữu sống động, rõ nét trong tâm thức người đọc. Người dân quê ta có gì đâu ngoài những cảnh sắc, con người sống thuận vào tự nhiên, hoa trái nắng gió làm nên nét đẹp của cả một vùng đất.

Phần tình của bài thơ là ở bóng dáng, tình cảm con người khi ta bắt gặp cậu bé cô bé nào trưa nắng chẳng chịu ngủ, chân trần nhảy chân sáo dọc triền đê. Màu hồng đôi má vì nắng gắt nhưng lại được ví với màu hồng cánh sen, vừa nên thơ vừa trữ tình cái tuổi thơ khốn khó. Bao nhiêu những kỉ niệm ùa như “gồng mình trở dạ” –  như được tái sinh lần nữa để sống trong tâm thức tác giả như chưa từng rời xa. Vẫn là những vấp ngã chốn đô thành – nơi mà Cỏ đã trăn trở mình trong nhiều tác phẩm trước đó là một hình ảnh biểu trưng cho sự phù hoa, vật chất mà đời người ai cũng từng cố sức hướng tới. Và từ đó, Cỏ lại đưa ra thông điệp của cảm xúc: chẳng đâu đẹp bằng quê hương, chẳng gì sánh được sự yên bình bên mẹ, bên quê. Qua đi tất cả con người vẫn sẽ trở lại chốn cũ, nơi tuổi thơ in dấu tháng năm – mất đi rồi mới biết lúc bé mới hạnh phúc đến nhường nào:

“Tháng năm thơ ấu gọi mời
Về đi ta hát vang trời đồng dao.”

Bài thơ Về đi em – tiếng khuyên nhủ, gọi mời về chốn quê hương nơi ta chôn nhau cắt rốn, để gột rửa bụi trần trong dòng sông tuổi thơ. Chẳng biết Cỏ Phong Sương là viết cho mình hay viết cho người, chỉ biết, bất cứ ai đọc được những câu thơ ấy nếu đi xa cũng muốn bỏ hết những muộn phiền gác lại để trở về bên mẹ, ai đang ở chốn quê lại càng thêm thương mến đậm đà.

 

Tags

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close