Bài văn hay THCSNgữ Văn 9Những bài văn hay

Thơ là thơ nhưng đồng thời là họa là nhạc là chạm khắc theo một cách riêng. Sáng tỏ ý kiến qua bài Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận

Câu 10 điểm đề thi HSG cấp huyện

Câu 6 (10 điểm) “Thơ là thơ nhưng đồng thời là họa là nhạc là chạm khắc theo một cách riêng” (Sóng Hồng)​

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ ý kiến đó qua bào thơ “Đoàn thuyền đánh cá” – Huy Cận (Ngữ văn 9 tập 1, NXB GDVN)​

Bài làm

Mỗi nhà thơ đều có một cách định nghĩa về thơ cho riêng mình để hiện những suy ngẫm mà cá nhân gửi gắm vào trong đó. Nói như Sóng Hồng: “Thơ là thơ đồng thời là họa là nhạc là chạm khắc theo một cách riêng”. Đây cũng là một nhận định hết sức chuẩn mực về thơ ca và những điều mà một bài thơ nên có được.

“Thơ là thơ” -Thơ trước hết phải là chính nó, nghĩa là phải mang đầy đủ những đặc trưng riêng khác với bất kì loại hình nghệ thuật nào: truyện, kịch… Thơ là phương thức trữ tình, là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc được thể hiện bằng một cấu tạo ngôn ngữ đặc biệt.

“Thơ đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng” – Họa có nghĩa là hội họa, đặc trưng ngôn ngữ thơ giàu tính tạo hình, thơ có thể gợi lên trong tâm trí người đọc những hình ảnh, chi tiết sống động, chân thực như bản thân sự sống vốn có. Nhạc là âm nhạc. Ngôn ngữ thơ giàu nhạc tính. Tính nhạc của thơ thể hiện ở: thể thơ, cách gieo vần, ngắt nhịp, thanh điệu,… Thơ còn là chạm khắc: Khả năng tạo dựng hình khối, đường nét sống động, chân thực của ngôn ngữ thơ ca. Sóng Hồng đã khẳng định tính chất kì diệu của thơ ca: thơ là thơ nhưng thơ còn có màu sắc, đường nét của hội hoạ, thanh âm của âm nhạc và hình khối của chạm khắc. Tuy nhiên, tất cả những biểu hiện ấy phải được thể hiện theo “một cách riêng” nghĩa là nhà thơ phải có phong cách nghệ thuật riêng.

Trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” – Huy Cận, ta phần nào thấy được tính họa, tính nhạc, một tác phẩm chạm khắc riêng qua tay nghề điêu luyện của nhà thơ. Đoàn thuyền đánh cá được Huy Cận sáng tác trong một chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Bài thơ tái hiện cảnh sắc thiên nhiên và không khí lao động của một vùng biển giàu đẹp ở miền Bắc trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Bức họa “Đoàn thuyền đánh cá” nổi lên rõ nét từ cái tên. Hình ảnh đoàn thuyền hừng hực khí thế ra khơi đánh cá:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.

Cảnh hoàng hôn từ trên biển được miêu tả thật ấn tượng, rực rỡ ánh sáng. Hình ảnh “mặt trời” vào cuối ngày, đang từ từ lặn vào dòng biển khơi, dưới sự liên tưởng phong phú của thi sĩ, mặt trời lại được nhân hóa như con người đang xuống biển, được so sánh như “hòn lửa” rực rỡ. Hình ảnh ấy đã gợi ra một không gian lung linh, tráng lệ tuyệt đẹp, mà rất ấm áp, gần gũi với con người. Cùng với “mặt trời”, “sóng” và “đêm” cũng được nhân hóa thực hiện những hành động “cài then”, “sập cửa” đánh dấu sự chuyển giao giữa ngày và đêm. Đây là những liên tưởng rất thú vị và đặc sắc. Thiên nhiên, vũ trụ như một ngôi nhà khổng lồ, với màn đêm là những cánh cửa đang đóng sập xuống, những con sóng đang chuyển động là chiếc then cài cửa. Lúc ấy, cũng là lúc đoàn thuyền đánh cá ra khơi. Ta có thể dễ dàng thấy một không khí tập thể đầy khí thế và ra khơi là hoạt động thường xuyên diễn ra khi nhà thơ sử dụng hình ảnh “đoàn thuyền” kết hợp từ “lại”. Một không gian đông vui tấp nập đã được gợi ra qua những tiếng hát của người ngư dân làng chài trên biển khơi rộng lớn.

“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng,
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”

Trên nền cảnh cảnh thiên nhiên hùng vĩ là hình ảnh người lao động trên biển. Hình ảnh đoàn thuyền hừng hực khí thế ra khơi biểu hiện sức mạnh của người ngư dân, của tập thể lao động đoàn kết, với sức mạnh làm chủ hoàn cảnh. Khi ánh sáng ban ngày dần tắt, màn đêm chiếm ngự không gian, vũ trụ đi vào yên nghỉ thì cũng là lúc họ bắt đầu công việc, bắt đầu một ngày lao động mới.

Cảnh đoàn thuyền đánh bắt cá trong đêm:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng,
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng”.

Đọc câu thơ người ta cảm nhận người, thuyền, thiên nhiên như hoà hợp làm một. Con thuyền ra khơi, lướt đi giữa lớp mây cao, biển bằng thật hùng dũng hiên ngang nó ra khơi không phải chỉ với khí thế hăm hở do người cầm lái mà còn được thiên nhiên nâng đỡ chở che.

Con người hoàn toàn làm chủ thiên nhiên, cảnh vật:

“Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng”.

Hai câu thơ gợi lên những cuộc đánh bắt cá xa bờ đầy những gian khổ hiểm nguy. Nhưng không vì thế khiến lòng người nao núng. Bởi họ mang trong mình nỗi khát khao chinh phục biển cả, thám hiểm, thăm dò “bụng biển” để tìm kiếm những luồng cá lớn.

Dưới ngòi bút miêu tả tài hoa, sáng tạo, lãng mạn của Huy Cận, cuộc đánh bắt cá của ngư dân trên biển bỗng trở thành những cuộc thuỷ chiến đầy gay go, quyết liệt. Con người dùng chính trí tuệ và sức mạnh của mình để chinh phục đại dương, biển cả. Thế trận con người bày ra bằng những tấm lưới chắc chắn đan vào nhau, bủa vây sẵn sàng chờ đón cá. Vừng bước, từng bước con người dành lấy từ bàn tay vĩ đại của thiên nhiên những nguồn khoáng sản, những gì quý giá nhất để góp phần làm giàu thêm quê hương đất nước, hàn gắn những vết thương của chiến tranh.

“Cá nhụ, cá chim, cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”.

Biện pháp liệt kê: “cá nhụ, cá chim cùng cá đé / Cá song lấp lánh đuốc đen hồng” gợi lên sự trù phú, giàu có của biển cả nước ta. Có biết bao loài tôm cá, hải sản quý hiếm mà đâu phải nơi mênh mông làm rực sáng cả một biển trời. Những con cá tung tăng bơi lội, đùa giỡn, tắm mình dưới ánh sáng của vầng trăng và những chiếc đuôi nhỏ bé của nó như đang quẫy đạp vào ánh trăng vàng đang lung linh trong mặt nước.

Một cảnh tượng thiên nhiên thật thơ mộng, ánh trăng bàng bạc chiếu sáng khắp cả không gian lung linh, huyền ảo. Ta ngồi đây mà nghe xung quanh mình những nhịp thở đều đặn màn đêm của đại dương bao la rộng lớn: Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

Đêm thở, lại một cách dùng từ rất sáng tạo, độc đáo của nhà thơ Huy Cận. Ngòi bút nhân hoá của ông đã khiến cho màn đêm trở thành một sinh vật khổng lồ, có sự sống như con người. Nhịp thở của màn đêm chính là âm thanh của những cơn sóng tràn bờ đều đặn, liên tục, không ngừng nghỉ.

Đó không chỉ là tiếng sóng, là những âm vang từ ngoại cảnh mà đó còn là những âm vang, những rung động, cảm xúc trong lòng người, thấy mình với vũ trụ không còn ngăn cách. Mỗi bước đi sự chuyển mình của thiên nhiên, trời đất, vũ trụ con người dường như đều cảm nhận được một cách kì diệu, tinh tế. Câu thơ không chỉ gợi lên âm thanh mà tràn đầy hình ảnh, những vì sao lung linh toả sáng như từng bước từng bước xô đẩy con sóng vào bờ, mặt biển lấp lánh ánh trăng sao êm đềm, sáng trong, dịu mát.

Sang khổ thơ thứ 5, con người – chủ thể của bức tranh thiên nhiên nên thơ tươi đẹp được miêu tả trong tư thế lao động miệt mài, thoải mái khoan thai với những lời ca câu hát vút cao, trong trẻo:

“Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự thuở nào”.

Tiếng hát lại một lần nữa vút cao bay bổng, sảng khoái ung dung. Ánh trăng lung linh in xuống dòng nước rồi theo những cơn sóng lăn tăn đánh nhẹ vào mạn thuyền hoà cùng nhịp gõ cá của ngư dân. Hiện thực cuộc sống chỉ thế nhưng qua cách cảm nhận, miêu tả của Huy Cận thì cảnh vật hiện ra bỗng trở nên có hồn. Ánh trăng trên cao như muốn hoà mình, gởi những tia sáng vàng óng ả để nâng đỡ giúp cho công việc đánh bắt của người dân đỡ phần nhọc nhằn vất vả.

Biển cho ta cá như lòng mẹ: câu thơ ví von so sánh như một lần nữa khẳng định tấm lòng bao la của biển cả như người mẹ hiền ngày đêm đem hết sự sống của mình để nuôi dưỡng con khôn lớn trưởng thành. Biển cả đã bao đời nay hào phóng ban tặng cho con người biết bao tài nguyên, hải sản quý hiếm để nuôi dưỡng sự sống của mỗi người chúng ta. Con người cứ ngày đêm khai thác lấy đi từ lòng đại dương biết bao nguồn lợi lớn nhưng biển cả thì giống như người mẹ hiền cứ cho đi mà không hề nuối tiếc. Câu thơ thể hiện lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc của con người đối với thiên nhiên, bờ biển quê mình đã nuôi dưỡng đem lại cho con người cuộc sống tốt đẹp, đủ đầy no ấm.

Sau một ngày lao động nhọc nhằn vất vả, gờ đây khi sao mờ đi, bình minh ló dạng, mặt trời vươn mình khỏi mặt biển để đón chào ngày mới cũng là lúc họ khẩn trương xếp lưới, căng buồm trở về nhà:

“Sao mờ kéo lười kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vẩy bạc, đuôi vàng loé rạng đông
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”.

Từ ngữ gợi tả độc đáo “kéo xoăn tay chùm cá nặng” giúp ta hình dung những thân hình vạm vỡ đang ra sức kéo mẻ lưới cuối cùng. Cá nằm trong lưới nặng đến mức những bắp tay của học nổi lên cuồn cuộn. Cá chi chít san sát nhau như một chùm quả gợi lên trong lòng người biết bao niềm vui mừng hạnh phúc khi nhìn thấy những chùm cá tươi roi rói – kết quả khả quan của một ngày lao động nhọc nhằn vất vả. Họ ra đi trong tiếng hát và trở về với một khoan thuyền đầy cá nặng.

Nhưng có lẽ đẹp nhất là hình ảnh “vẩy bạc, đuôi vàng loé rạng đông”. Dưới ánh sáng bình minh loé lên, những con cá mắc vào lưới càng trở nên rực rỡ. Dường như ngoài bản chất nhà thơ, Huy Cận còn mang trong mình tố chất của người hoạ sĩ. Nghệ thuật phối sắc tài tình làm cho vần thơ đẹp như một bức tranh sơn mài rực rỡ. Cách phối màu “bạc, vàng” được vận dùng tài tình khéo léo, tô đậm thêm thành quả lao động của người dân vùng biển.

Câu thơ “Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng” với các động từ “xếp, lên, đón” diễn tả mọi công việc diễn ra theo trình tự một cách thành thạo, nhanh chóng để kịp thời trở về đất liền. Hình ảnh lưới xếp và cánh buồm được căng phồng lên trong gió như khép lại một màn đêm mệt mỏi mở ra một buổi sáng đẹp trời với những phiên chợ tấp nập đông vui:

“Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”.

Đây là lần thứ 3, Huy Cận nhắc lại câu hát này. Lần đầu là tiếng hát hứng khởi lúc ra khơi: “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”. Tiếng hát lần thứ hai là tiếng hát say mê lao động: “Ta hát bài ca gọi cá vào”. Và lần cuối cùng chính là tiếng hát của niềm vui thắng lợi: “Câu hát căng buồm với gió khơi”. Câu hát thay ngọn gió làm căng cánh buồm đẩy thuyền về đất liền trong một tư thế mới: “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”.

Tác giả đã nhân hoá và nói quá hai sự vật “đoàn thuyền và mặt trời” đang chạy đua cùng nhau. Trong cuộc đua không cân sức ấy, con người đã thắng. Đất liền chào đó những đứa con thắng trận trở về với khung cảnh thật đẹp đẽ kì vĩ. Vầng dương bao la toả những tia nắng ấm áp, đẹp lung linh xuống mặt biển. Và mặt trời như từ từ dưới lòng sâu biển cả đang từ từ đội nước nhô lên. Một cảnh tượng thật nên thơ, hùng vĩ, tràn đầy sức sống.

Mắt cá huy hoàng là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho một cuộc đời mới vui tươi xán lạn đang chờ đợi con người phía trước. Dưới ánh sáng mặt trời hàng trăm đôi mắt cá li ti đầy ắp dưới khoang thuyền phản chiếu những giọt vàng chan chứa, bống chốc tất cả đều lấp lánh rạng rỡ, nhìn về đâu người ta cũng thấy những mắt cá chiếu sáng lấp lánh như hứa hẹn một cuộc sống đủ đầy no ấm.

Bức tranh quê hương đất nước đang trên đà thay da đổi thịt, tất cả đều toát lên một cái gì đó tràn đầy sức sống, mạnh mẽ hiên ngang, con người hoàn toàn làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống của mình. Cảnh ngư dân bắt cá với sức mạnh lao động hăng say, cảnh những con cá quẫy đạp đầy trong lưới và cảnh của hoàng hôn, đêm buông… đem đến cho bạn đọc bức tranh động hấp dẫn đầy màu sắc.

Bài thơ cũng đem đến khúc nhạc với âm hưởng thơ khỏe khoắn hào hùng và sáng tạo. Bài thơ có bốn từ “Hát”, cả bài như một khúc ca, ngợi ca lao động, với tinh thần làm chủ, với niềm vui phơi phới mà nhà thơ viết thay cho những người lao động. Câu thơ “Câu hát căng buồm cùng gió khơi” ở khổ đầu bài thơ gần như được lặp lại ở khổ cuối bài thơ “Câu hút căng buồm với gió khơi” tạo nên một sự tương ứng đẹp, thể hiện một sự trọn vẹn của cuộc hành trình của đoàn thuyền đánh cá và sự vận hành của thời gian, không gian. Đây là khúc ca về lao động hào hùng, tràn đây sức sống mà tác giả đã thay lời cho những người lao động cất lên tiếng hát.

Thơ vốn phản ánh cuộc sống qua những rung động của tình cảm. Như nhịp đập của trái tim khi xúc động, ngôn ngữ thơ có nhịp điệu riêng của nó. Thế giới nội tâm của nhà thơ không chỉ biểu hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ – mà bằng cả âm thanh, nhịp điệu của từ ngữ ấy. Âm thanh, nhịp điệu thêm hàm nghĩa cho từ ngữ, gợi ra những điều mà từ ngữ không thể nói hết… Tất nhiên, cũng không thể giải thích ý nghĩa của âm thanh, nhịp điệu mà không xuất phát từ nội dung của từ ngữ. Để thưởng thức nhạc điệu của thơ, xưa nay người ta vẫn thích ngâm thơ, đọc thơ. Vì chú ý đến nhạc tính, thơ ca nhiều nước đã quy định khuôn nhịp – tức là số chữ trong một dòng, nhịp điệu – nói về cách phối hợp âm thanh và cách ngắt nhịp và vần – tức là sự hiệp âm cuối dòng hay giữa dòng. Tất cả những điều đó cốt để thơ có nhạc tính. Có thể nói rõ nhạc tính trong thơ thể hiện ra ở ba mặt sau: sự cân đối, sự trầm bổng và sự trùng điệp. Kết hợp hài hòa đủ những yếu tố ấy, thơ sẽ trở nên trầm bổng như một khúc ca mang đậm cảm xúc.

Chất thơ trong bài thơ bảy chữ được thể hiện qua phần nhịp chủ yếu nhịp 2/2/3 tuân thủ chặt chẽ bằng trắc, đọc êm tai, những hình ảnh thơ sáng tạo mang theo sáng tạo cao của Huy Cận như : “Lái gió”, “buồm trăng” là những cách nói vô cùng sáng tạo, mới lạ độc đáo đem đến cho câu thơ những hình ảnh vừa lãng mạn, bay bổng vừa nên thơ, kì vĩ, tráng lệ. Ở đây gió trở thành bánh lái của con thuyền. Chính con thuyền có thể lái cả gió điều khiển nó theo ý muốn của mình. Cánh buồm tuy nhỏ bẻ nhưng có thể mang theo cả vầng trăng trên cao trong suốt cả một hành trình dài. Ánh trăng lung linh bang bạc chiếu sáng cả không gian làm cho cảnh vật trở nên nên thơ, huyền ảo. Ở đây ta nhận ra con thuyền tuy ra khơi giữa không gian biển cả bao la rộng lớn mà không hề nhỏ bé. Nó “lướt” đi vun vút như một con tuấn mã băng băng tiến về phía trước mà không hề sợ hãi. Xung quanh nó là gió trăng làm bầu bạn. Một cảnh tượng thật nên thơ, hùng dũng biết bao. Và rất nhiều những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong bài để tạo ra chất thơ lấy ít gợi nhiều, mềm mại mà gợi hình gợi nhạc.

Thơ là thơ nhưng đồng thời là họa là nhạc là chạm khắc theo một cách riêng Thơ là thơ nhưng đồng thời là họa là nhạc là chạm khắc theo một cách riêng. Sáng tỏ ý kiến qua bài Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận
Thơ là thơ nhưng đồng thời là họa là nhạc là chạm khắc theo một cách riêng

Ngoài tính nhạc và tính họa thể hiện trong ngôn ngữ, mỗi nhà thơ còn để lại những “chạm khắc riêng” trong lòng bạn đọc. Chính điều đó đã tạo nên phong cách độc đáo, riêng biệt không thể trùng lẫn giữa họ. “Đoàn thuyền đánh cá” với giọng điệu bài thơ sôi nổi, khỏe khoắn, tràn đầy không khí hứng khởi. Lời thơ dõng dạc giọng điệu như khúc hát mê say hào hứng, cách gieo vần linh hoạt tạo nên âm hưởng hào hùng cho bài thơ.Thể hiện lòng tự hào của dân chài đối với biển quê hương. Giọng thơ ấm áp, chứa chan nghĩa tình. Con người lao động được khắc họa rõ nét không phải bằng hình khối mặt mũi ra sao mà bởi tâm sự rắn rỏi, tình yêu lao động hăng say. Con mắt Huy Cận đi len lỏi vào đời sống nhân dân để đưa khúc ca hò dô đánh cá vào trong tác phẩm, ghi lại chân thực cảnh đánh bắt khiến cho bạn đọc như được cùng lên chiếc thuyền ra khơi, chứng kiến cảnh đôi bàn tay chắc nịch gắng sức kéo cá. Điều đó vừa tạo ra chất riêng vừa thể hiện sự sáng tạo riêng của người nghệ sĩ.

Là một thể loại nằm trong phương thức trữ tình, bản chất của thơ được thể hiện rất đa dạng với nhiều biến thái và màu sắc phong phú. Một trong những yếu tố không thể thiếu trong quá trình sáng tác thơ ca là ngôn ngữ. Mỗi nhà thơ luôn phải nhớ: ngôn ngữ thơ gắn liền với tính họa và tính nhạc. Để Huy Cận có thể trở thành những nhà thơ lưu danh hậu thế, chính các tác phẩm của ông đã thể hiện đầy đủ quy tắc: “Thơ là thơ nhưng đồng thời là họa là nhạc là chạm khắc theo một cách riêng”.

-Bài viết của Văn học trẻ– 

Thơ là thơ đồng thời là họa là nhạc là chạm khắc theo một cách riêng

Tags
Show More

Related Articles

2 thoughts on “Thơ là thơ nhưng đồng thời là họa là nhạc là chạm khắc theo một cách riêng. Sáng tỏ ý kiến qua bài Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close