Hồ Chí Minh

Bản án chế độ thực dân Pháp Chương VI: Tệ tham nhũng trong bộ máy cai trị

“Bản án chế độ thực dân Pháp” ra đời như một luồng ánh sáng mới xé tan đám mây mù đang bao phủ trên khắp đất nước Việt Nam và nhiều nước thuộc địa. Nó thỏa mãn cả lý trí và tình cảm của hàng triệu quần chúng cách mạng đang ngưỡng vọng và khát khao một chân trời mới; nó thu hút mạnh mẽ sự chú ý của nhiều lớp người tiến bộ đang mơ hồ, băn khoăn về một con đường giải phóng sáng sủa

Chương VI: Tệ tham nhũng trong bộ máy cai trị

 

Ngân sách Nam Kỳ chẳng hạn, năm 1911 là 5.561.680 đồng (12.791.000 phrăng); năm 1912 là 7.321.817 đồng (16.840.000 phrăng). Năm 1922, ngân sách đó lên tới 12.821.325 đồng (96.169.000 phrăng). Một con tính đơn giản cho chúng ta thấy giữa hai năm 1911 và 1922, trong ngân sách của thuộc địa này có một sự chênh lệch là 83.369.000 phrăng. Số tiền đó chạy vào đâu? Tất nhiên là vào các khoản chi về nhân sự, vì các khoản này ngốn gần hết 100% tổng số thu. 

Hết hành vi điên rồ này đến hành vi điên rồ khác đã phung phí đồng tiền mà người dân An Nam khốn khổ đã phải đổ mồ hôi nước mắt mới kiếm được. Chúng tôi chưa biết đích xác số tiền chi tiêu cho vua An Nam sang ngao du bên Pháp, chỉ biết rằng, để đợi ngày lành cho con Rồng tre xuống tàu, người ta đã phải bồi thường cho tàu Poóctốtxơ trong bốn ngày chờ đợi, mỗi ngày 100.000 phrăng (tức là 400.000 phrăng tất cả). Tiền tàu hết 400.000 phrăng. Tiền chiêu đãi hết 240.000 phrăng (chưa kể tiền lương trả cho bọn mật vụ để theo dõi người An Nam ở Pháp), 77.600 phrăng trả tiền ăn ở tại Mácxây cho lính khố xanh dùng để “bồng súng chào” Cụ lớn và Hoàng thượng. 

Vì nói đến Mácxây, nên nhân tiện cũng thử xem cuộc Triển lãm thuộc địa ở đây đã tốn phí bao nhiêu. Trước hết, ngoài bọn có thế lực ở chính quốc ra, người ta còn cho mời ba chục viên chức cao cấp ở các thuộc địa về; bọn này phè phỡn ở đường phố Cannơbie(1) mà vẫn được lĩnh phụ cấp cả ở Triển lãm lẫn ở thuộc địa. Riêng Đông Dương phải bỏ ra 12 triệu cho cuộc Triển lãm này. Và các bạn có biết người ta đã chi tiêu số tiền đó như thế nào không? Một ví dụ: Việc dựng lại cái mô hình nổi tiếng của các cung điện Ăngco đã tốn 3.000 mét khối gỗ, giá 400 hoặc 500 phrăng một mét khối. Tức là: Từ 1 triệu 200 nghìn đến 1 triệu 500 nghìn phrăng! 

Còn nhiều ví dụ khác về sự phung phí nữa. Trong việc đi lại của quan toàn quyền, xe hơi và xe luých vẫn chưa đủ, còn phải có một toa xe lửa đặc biệt nữa kia; việc sửa sang toa xe đó tốn cho ngân khố 125.250 phrăng. 

Trong vòng mười một tháng hoạt động, Nha Kinh tế (?) đã làm hao phí công quỹ Đông Dương một số tiền 464.000 phrăng. 

Tại Trường Thuộc địa, nơi “chế tạo” ra những nhà khai hoá tương lai, 44 Giáo sư đủ các loại được đài thọ để dạy từ 30 đến 35 học viên. Lại phải tốn hàng nghìn phrăng nữa. 

Công việc thanh tra thường xuyên các công trình phòng thủ thuộc địa hằng năm tốn cho ngân sách 785.168 phrăng. Thế nhưng các ngài Thanh tra thì không bao giờ rời khỏi Pari và đối với các thuộc địa thì các ngài cũng không hiểu biết gì hơn là hiểu biết ông trăng già! 

Nếu chúng ta đến các thuộc địa khác, thì ở đâu chúng ta cũng thấy một tình trạng tệ lậu như vậy. Để đón tiếp một phái đoàn “kinh tế” không chính thức, ngân khố Máctiních “nhẹ bổng đi” mất 400.000 phrăng. Trong vòng 10 năm, ngân sách Marốc từ 17 triệu lên 290 triệu phrăng, mặc dầu người ta đã giảm 30% các khoản chi tiêu cho lợi ích địa phương, tức là những khoản chi tiêu có thể có lợi cho nhân dân bản xứ! 

* 

*         *

Một cựu nghị sĩ đi thăm thuộc địa về, đã phải kêu lên: “So với bọn viên chức thuộc địa thì những tên cướp đường còn là những người lương thiện!”. Mặc dù đồng lương rất hậu (một nhân viên Pháp mới bổ dụng, dù có dốt đặc đi nữa, lương ít nhất cũng 200 đồng = 2.000 phrăng mỗi tháng), nhưng các ngài viên chức ấy vẫn không bao giờ thoả mãn, họ muốn kiếm chác nhiều hơn, bằng đủ cách. 

Học bổng thì cấp cho các cậu ấm con các quan Công sứ, hoặc các quan cai trị tại chức mà lương được coi như quá thấp (từ 4 vạn đến 10 vạn phrăng). 

Có thể nói một số phiên họp của Hội đồng quản hạt chỉ là để bàn việc cướp giật công quỹ một cách có phương pháp. Riêng một ông Chủ tịch nào đó của Hội đồng đã được lãnh thầu những công việc trị giá hai triệu phrăng rồi. Ông đổng lý sự vụ nọ, đại diện của Chính phủ trong Hội đồng, đã xin tăng lương mình lên gấp đôi và đã được chấp thuận. Việc làm một con đường kéo dài năm này qua năm khác chẳng ai kiểm tra đem lại cho một vị thứ ba những món lợi thường xuyên đều đặn. Chức vụ thầy thuốc của các viên chức Đông Dương đem lại cho vị thứ tư một khoản lương khá hậu. Vị thứ năm được bổ làm thầy thuốc các công sở thành phố. Vị thứ sáu nhận cung ứng giấy và in tài liệu cho Chính phủ. Cứ thế, vân vân và vân vân. 

Kho bạc có vơi đi chút ít thì đã có những quý quan làm cho nó đầy lại một cách nhanh chóng. Với quyền hành sẵn có, họ sức cho dân bản xứ biết nhà nước cần một khoản tiền bao nhiêu đó, rồi họ phân bổ cho các làng phải đóng góp. Và các làng lo vội vàng tuân lệnh để khỏi bị trừng phạt ngay lập tức. 

Khi một viên Khâm sứ cần thanh toán một khoản tiền gì đó thì ngài phát hành các bằng sắc để bán. Người ta kể lại ở một tỉnh nọ, một vụ kinh doanh kiểu ấy đã thu được tới 10.620 phrăng. Mà những vụ như thế không phải hiếm. 

Một trong những quan Khâm sứ của chúng ta, vì tiêu hết trước hạn mấy tháng tất cả kinh phí cho chiếc xàlúp đã bắt công quỹ hoàn lại cho ngài các khoản chi phí về một cuộc lễ tiết nào đó không ai biết rõ, nhưng nói rằng nhà vua đã được mời ngự trên xàlúp. 

Các tay chào hàng cho văn minh và dân chủ quả thật thông thạo về cái ngón xoay xở kiểu D. 

*

 *        *

Một cựu Toàn quyền Đông Dương, một hôm đã thú nhận rằng thuộc địa này đầy rẫy những viên chức ăn hại ngân sách mà thường chẳng được tích sự gì cả. 

Một người thực dân viết: Quá nửa số viên chức ấy, từ các quan đầu tỉnh đến các quan chức khác, đều không đủ tư cách cần thiết của những con người được giao phó những quyền hạn rộng rãi và ghê gớm như thế. 

Tất cả bọn chúng chỉ có mỗi cái tài là phung phí công quỹ, còn người An Nam khốn khổ thì cứ nai lưng đóng góp, đóng góp mãi. Họ đóng góp không những để trả lương cho những viên chức giữ những chức vụ vô dụng, mà còn để trả lương cho cả những viên chức không có chức vụ gì cả! Năm 19…, 250.000 phrăng đã tan biến đi như thế. 

Một chiến hạm đã được dành riêng cho sự đi lại của một Cụ lớn. Việc sửa sang chiếc chiến hạm đã tốn 250.000 phrăng, ấy là chưa kể những khoản “chi phí linh tinh” mà Đông Dương phải đài thọ cho mỗi chuyến đi là trên 80.000 phrăng. 

Quan Toàn quyền chưa vừa ý với những lâu đài tráng lệ mà ngài ở tại Sài Gòn và Hà Nội, còn phải cần thêm cho ngài một biệt thự ở bãi biển nữa. Ngân sách Đông Dương lại phải “è lưng ra gánh”. 

Năm 19… một tay nước ngoài(2) tai to mặt lớn nào đó ghé qua Sài Gòn, đã được viên Thống đốc đón tiếp một cách đế vương. Bốn ngày liền ăn chơi phè phỡn thả cửa, yến tiệc, rượu chè lu bù, rốt cuộc xứ Nam Kỳ tội nghiệp phải tính sổ trả 75.000 phrăng. 

Các quan cai trị đều là những ông vua con. Họ muốn xung quanh mình cái gì cũng xa hoa tráng lệ, và nói rằng, có thế mới nâng cao được uy tín của họ đối với người bản xứ. 

Một viên Công sứ nọ đã lập cả một đội kỵ mã cận vệ và không bao giờ hắn đi đâu mà không có đội ấy theo hầu. Ở tất cả các toà sứ đều có từ 6 đến 11 con ngựa và 5, 6 cỗ xe sang trọng đủ kiểu: Độc mã, song mã, tứ mã, v.v.. Ngoài những phương tiện đi lại đã quá thừa ấy, còn thêm những xe hơi mỹ lệ, tốn cho công quỹ hàng vạn đồng. Một viên quan cai trị nọ còn có cả một tàu ngựa đua. 

Tiền nhà cửa, bàn ghế, điện nước của các vị đó đều do công quỹ đài thọ cả. Ngoài ra, những người đánh xe, lái xe, giữ ngựa, làm vườn, tóm lại, tất cả những kẻ hầu người hạ của họ cũng đều do nhà nước trả tiền công. 

Thậm chí những cuộc giải trí về văn chương của những người tốt số ấy cũng lại do nhà nước trang trải. Một viên quan cai trị đã ghi vào ngân sách 900 đồng tiền sưởi ấm, và 1.700 đồng mua báo chí! Một vị khác đã dùng mánh lới kế toán để biến tiền mua sắm áo khoác ngoài, đàn dương cầm, đồ trang sức thành những khoản vật liệu tu bổ toà sứ, hoặc những khoản tương tự như thế để bắt ngân sách nhà nước phải chịu. 

* 

*        *

Dù trước kia họ là những anh hàng cháo, hoặc giám thị trong các nhà trường, nhưng khi đã đặt chân đến thuộc địa là các nhà khai hoá ấy của chúng ta sống một đời sống đế vương. Một viên quan cai trị dùng năm sáu lính khố xanh để chăn dê cho mình; một viên khác bắt lính có nghề điêu khắc chạm trổ cho mình những tượng Phật xinh xắn hoặc đóng cho mình những rương hòm rất đẹp bằng gỗ dạ hương. 

Theo lệ, một viên giám binh chỉ được lấy một lính hầu, thế mà người ta kể, có một ngài đã dùng: 1 viên đội làm quản gia, 1 đầu bếp, 3 bồi, 2 phụ bếp, 3 người làm vườn, 1 hầu phòng, 1 người đánh xe, 1 người giữ ngựa. Còn bà lớn thì dùng: 1 thợ may, 2 thợ giặt, 1 thợ thêu ren, 1 thợ đan lát. Và cậu ấm thì có một người bồi riêng không lúc nào rời cậu nửa bước. 

Một người mắt thấy kể lại: Chỉ trong một bữa ăn thường, không phải yến tiệc gì, ở nhà một viên quan cai trị, cũng thấy đằng sau mỗi người ngồi ăn có một lính đứng hầu chờ thay đĩa và đưa món ăn. Và tất cả lính hầu trong phòng ăn đều do một viên đội nhất chỉ huy!

Chú thích

1) La Cannebière. Tên một đường phố đông đúc ở Mácxây. 

2) Nguyên văn: Un Tartempion de marqué étranger. Tartempion là một danh từ riêng đặt ra dùng để chỉ một anh chàng cha căng chú kiết nào đó. 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close