TRUYỆN NGẮN

Chồi biếc

Chồi biếc

Phố sáng đèn.

Thằng Hoàng từ dưới bếp đi lên, tay xách hai bình năm lít chứa đầy nước hầm xương. Nó đặt vào trong tủ xe đẩy, cẩn thận xếp cạnh bao than tổ ong đầy ứ.

– Em lấy hộp chả bò lên luôn nhé. Anh để cạnh bình gas đấy. – Huy bảo.

– Dạ vâng.

Hoàng đáp rồi nhanh nhẹn chạy đi.

Huy nhìn theo cái dáng còm cõi của nó. Tí tuổi đầu, ngày học trường trung học cơ sở gần nhà, tối lại theo anh đẩy xe đi bán hủ tiếu gõ. Bất chấp bạn bè cùng lớp trêu chọc, sẵn sàng lao vào đánh nhau với đứa nào dám chê bai gia cảnh của nó. Có một lần Hoàng hỏi.

 – Anh ơi, hay là em nghỉ học để phụ anh bán nhé?

Huy lắc đầu, cười đáp.

– Không được. Em phải đi học. Buổi tối có rảnh lúc nào thì phụ anh được rồi.

– Nhưng mà học chán lắm, mấy đứa sống khu phố trên toàn trêu chọc em. Bọn nó gọi em là “thằng hủ tiếu”. – Hoàng nói với vẻ bực tức.

Huy bật cười to.

– Bọn nó nói đúng quá còn gì.

Thấy em trai cúi mặt im lặng, Huy lại nói.

– Đừng buồn. Anh hứa khi nào kiếm đủ tiền, mình sẽ về quê. Không phải ở lại thành phố nữa, Hoàng nhé.

Nghe anh nói vậy, Hoàng rạng rỡ, phấn chấn lên hẳn. Vớ lấy tấm áo mưa đã gấp gọn gàng, Huy nhét dưới góc tủ hàng rồi hai anh em đẩy xe hủ tiếu ra khỏi nhà. Con hẻm lầy lội sau cơn mưa lúc xế chiều, nghe mùi ẩm mốc của rác rưởi, bụi và hơi người phảng phất trong không khí. Tiếng dép lẹp kẹp vang lên sau mỗi bước chân, lép nhép nước bắn lên từ những vũng sình đọng bên dưới.

Huy và Hoàng sống trong kiệt mười chín trên đường Phan Tứ. Một trong những nơi tăm tối bậc nhất thành phố Đà Nẵng nhộn nhịp, hoa lệ. Ở đó không có những tòa nhà chọc trời cao mấy chục tầng, không có những chiếc xe hơi đời mới xếp hàng dài trên đường phố. Ở đó là mấy trăm hộ dân ngoại tỉnh, sống nép mình phía bên kia cầu Trần Thị Lý trong những căn phòng trọ ẩm thấp, bốn mùa làm bạn với nắng mưa bất chợt không hẹn trước. Phần đa dân ở đây toàn công nhân trong các khu công nghiệp tập trung hoặc làm công nơi cảng cá bán đảo Sơn Trà. Số còn lại không buôn bán nhỏ thì cũng là sinh viên tỉnh lẻ vào trọ học. Chính quyền lãng quên, thành phố nhắm mắt làm ngơ, họ níu lấy chút hi vọng từ chiếc áo lộng lẫy của thành phố đang khoác lên mọi thứ. Che đi những góc khuất, nơi đáy sâu của xã hội với biết bao hoàn cảnh cơ cực. Chẳng bao giờ chạm đến được!

Hoàng đội chiếc mũ lưỡi trai màu xám, vừa đẩy xe vừa líu lo về bài học sáng nay trên lớp. Luôn luôn như thế, sau mỗi buổi học tại trường, khi về nhà nó thường kể cho Huy nghe không thiếu chuyện gì. Từ những vụ xích mích nhỏ nhặt tuổi học trò cho đến bài kiểm tra điểm kém, đôi lần là những chi tiết khó hiểu trong bài học, Hoàng đều hỏi ý kiến anh trai.

Hai anh em rẽ dưới chân cầu Trần Thị Lý, đi thêm tầm ba trăm mét thì ngoặt qua trái ở đường Chương Dương. Đêm nào xe hủ tiếu của Huy Hoàng đều đỗ ngay góc đường, chỗ giao nhau với Trần Hưng Đạo. Tầm hai tháng trước, chỗ này là của một cụ già bán bánh canh cá lóc. Chẳng hiểu sau đó có chuyện gì mà không thấy cụ bán nữa. Thế rồi, anh em Huy chuyển sang chỗ mới. Cơ bản là địa điểm này nằm ngay giao điểm, xe cộ và người đi lại đông đúc nên khả năng bán được hủ tiếu cũng tăng lên đáng kể.

Hoàng lấy hai viên gạch trong hốc đá bên vệ đường, đặt ngay dưới bánh xe để ngăn lốp trượt. Đêm nào bán xong, nó cũng cất vào một chỗ rồi hôm sau lại lấy ra để chèn lốp. Huy cho than vào lò, châm lửa để đun nước hầm xương. Tiếng lửa nổ lép bép, kéo theo những tia đỏ li ti bắn lên. Cậu dùng ống nứa thổi phù phù, lửa càng lúc càng bén than cháy rực.

Đêm.

Từng giọt tối thi nhau buông xuống rồi thoáng chốc đan dày đặc thành tấm màn đen khổng lồ. Gió dịu mát, từng cơn thổi vù qua mơn man da thịt khiến các lỗ chân lông như giãn nở hết cỡ. Huy rùng mình. Cái lạnh đầu mùa không rét buốt, khiến người ta run lên cầm cập như khi mùa đã vào sâu. Chớm đông lả lướt, chậm chạp và khó nhận thấy hơn. Như kiểu một cô gái đỏng đảnh, làm mình làm mẩy với người yêu chứ không vội chấp nhận lời hẹn hò. Ranh giới mong manh, vô hình khi chuyển giao từ cuối thu sang những ngày đông đầu tiên làm đất trời, phố phường như trầm lắng hẳn.

Một chiếc Mazda trắng lướt xẹt qua, làm nước đọng dưới lề đường bắn tung tóe. Đèn pha sau đuôi ô tô màu đỏ nhấp nháy, xa dần rồi hòa vào hàng trăm ánh đèn khác cũng đang di động trên đường phố. Huy nhìn theo, ánh mắt lóe lên tia sáng bất chợt. Khoảnh khắc ấy, sự vất vả thường nhật vụt biến mất nhường chỗ cho ước mơ ngày xưa khi cậu còn là một sinh viên mới ra trường.

Hồi ấy, Huy nhiều khát vọng và hoài bão. Với vốn liếng văn chương học được trên giảng đường, cậu vẽ ra viễn cảnh vừa đi dạy vừa viết lách nuôi mộng trở thành nhà văn nổi tiếng. Sáu lần. Đó chính xác là con số mà Huy nộp hồ sơ thi viên chức để vào được biên chế ngành giáo dục. Và cũng trong những lần ấy, cậu đều vượt qua được vòng thi tuyển kiến thức, chuyên môn và nghiệp vụ. Nhưng rốt cuộc, đến vòng phỏng vấn Huy lại bị đánh trượt. Ban đầu, cậu không hiểu lí do vì sao khi mà những ứng viên kém hơn cậu rất nhiều lại trúng tuyển. Dù là về chuyên môn nghiệp vụ hay kiến thức ngoại biên, cậu đều cao điểm hơn hẳn. Để rồi, khi biết được sự thật cay đắng về quyền lực của những mối quan hệ, những tờ giấy xanh đỏ, Huy lắc đầu ngán ngẩm trước sự trần trụi, rẻ rúng này.

– Em đói chưa? Anh làm cho tô hủ tiếu ăn lót dạ nhé. – Cậu hỏi em.

Dạ chưa. Nãy có ăn ổ bánh mì nên vẫn còn no anh ạ. – Hoàng trả lời.

– Ừ. Nay anh nấu nhiều nước hầm xương, lát làm một tô. Ngọt phết đấy!

– Ôi chao! Anh của em mà nấu hủ tiếu thì số một rồi.

Nó lém lỉnh đáp. Hoàng đang rải bàn ghế trên khu đất trống đằng sau xe hủ tiếu. Ngày thường, gặp những khi buôn bán thuận lợi, bàn ghế nhiều lúc không đủ để khách ngồi. Huy phải để em trai trông quán rồi chạy vù về xóm trọ mượn thêm của cụ Chà, một người bán bắp ngô nướng. Thương hoàn cảnh hai anh em nên cụ lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ. Gần tháng nay, hàng mới bán trở lại sau quãng thời gian thành phố chịu lệnh giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid19. Khách khứa vẫn còn vắng. Có khi đến tận khuya, xe hủ tiếu vẫn còn y như khi mới đẩy ra khỏi nhà.

“Brừm”

Tiếng động cơ rồ rồ, nhẹ dần rồi tắt hẳn. Chiếc Wave màu xanh đậm dừng trước xe hàng của anh em Huy Hoàng. Một người phụ nữ dáng vẻ phốp pháp chở đứa trẻ tầm bảy, tám tuổi. Cô ta gạt chân chống, cẩn thận dặn dò con ngồi yên rồi tiến tới gần xe hủ tiếu.

– Hàng mình bán gì vậy em nhỉ?

– Dạ vâng. Chỗ em có hủ tiếu xương, giò, chả và trứng cút. – Huy từ tốn đáp.

– Thế à? – Cô ta suy nghĩ trong giây lát – Vậy cho hai phần hủ tiếu xương chả, một nước một khô em nhé.

Cậu gật đầu đáp.

– Vâng. Chị ngồi ghế đợi em một lát.

Nói đoạn, Huy lấy một nắm hủ tiếu bỏ vào muôi nhúng nước hầm. Sợi hủ tiếu làm bằng bột gạo tẻ, gặp nước nhanh chóng mềm nhũn đi. Hoàng ngồi bóc tỏi gần đó, nó lén đưa mắt nhìn người phụ nữ. Cô ta tầm trên bốn mươi, mái tóc dài được búi cao. Gương mặt với gò má xương xẩu, đôi mắt ti hí gần như hai sợi chỉ vắt ngang qua dưới lông mày.

Em làm một phần không cay nhé. Thằng cu con của chị không ăn ớt được. – Người phụ nữ khẽ nói.

– Vâng chị.

Huy đáp rồi rắc thêm chút hành phi vào gói hủ tiếu. Mùi thơm phức bốc lên, tỏa ngào ngạt hương hòa quyện của xương heo, hành lá và nước dùng. Hoàng thả một củ tỏi vừa bóc xong vào rổ. Đầu suy nghĩ vẩn vơ. Cô kia có lẽ cũng khó khăn giống như anh em nó. Bộ áo quần cũ kĩ, mùi tanh nồng của tôm cá phảng phất ra từ đó khiến Hoàng đoán cô này cũng làm ở cảng cá như một số người ở xóm trọ. Cũng phải, nếu làm ca chiều thì giờ này công nhân sẽ bắt đầu ra về. Nó bất giác trộm nghĩ, cuộc sống của mọi người khác nhau đến cỡ nào? Câu hỏi bật lên bất ngờ trong tâm hồn nó nhưng không đợi chờ được giải đáp. Bởi lẽ, một đứa nhóc mười hai tuổi như Hoàng dù có già dặn cỡ nào cũng khó lòng hiểu hết gánh nặng cơm áo của người trưởng thành.

Huy trao hủ tiếu cho người phụ nữ, nhận tiền và thối lại phần còn thừa. Cô ta mỉm cười gật đầu chào lịch sự. Cậu cũng đáp lễ rồi gác muôi vào thanh ngang trên xe hàng.

Em bóc tỏi ít thôi. Anh xem chừng tối nay cũng chả có mấy khách đâu.

– Dạ. Bóc luôn cho tối mai một thể anh ạ. – Hoàng nhanh nhảu.

Huy phì cười, chùi tay vào tạp dề rồi ngồi xuống cạnh em.

Khờ quá em. Tỏi để qua ngày nó mất đi hương vị còn gì.

Hoàng nghe anh nói cũng cười theo rồi ngừng tay. Số tỏi bóc nãy giờ cũng được kha khá, củ nào củ nấy trắng mẩy nằm chen chúc trong chiếc rổ nhỏ màu đỏ.

Nãy anh bán cho cô kia hai phần bao nhiêu vậy anh? – Nó thắc mắc.

Anh lấy bốn mươi nghìn. Sao đấy? – Huy hỏi lại.

– Ủa? Sao rẻ thế anh? Lão Chu trong xóm hay lấy một phần gần ba mươi nghìn cơ đấy.

Huy trầm ngâm.

– Thôi. Dịch bệnh mới ổn được chưa bao lâu. Ai cũng khó khăn cả em ạ.

– Dạ. – Hoàng gật đầu.

Câu chuyện dừng lại rồi chìm vào im lặng. Huy nhìn em trai. Mái tóc đen dày cắt kiểu bát úp nhìn tức cười. Hồi cậu cắt tóc cho Hoàng, nó dỗi suốt gần tuần lễ vì kiểu đầu ngố tàu ấy. Đôi bàn tay có nhiều chỗ xước với vết thâm trên các ngón, kết quả của việc bóc tỏi bóc hành trong một thời gian dài.

Huy rất thương em. Cậu luôn cố gắng buôn bán tiết kiệm tiền cho Hoàng ăn học. Những đêm gần ngày thi, nó thức ôn bài đến tận khuya. Huy cũng thức cùng và chỉ dẫn ở những chỗ khó hiểu. Có lẽ thừa hưởng trí thông minh từ anh trai nên Hoàng học rất giỏi. Nó sáng dạ, học nhanh, giảng một lần thường hiểu bài ngay. Hiếm khi Huy thấy em trai bỏ bê hay chểnh mảng việc học hành. Ngặt vì, mỗi khi đến lớp, bạn bè hay trêu chọc hoàn cảnh nó, lấy việc bán hủ tiếu ra làm trò đùa nên Hoàng có chiều hướng nản chí, không muốn đi học.

Xe cộ đi lại như mắc cửi. Hai vị khán giả bất đắc dĩ không cần mua vé vẫn được xem miễn phí bộ phim đa sắc, đa diện đang diễn ra ngay trước mắt. Hai tấm lưng nhỏ bé tựa vào nhau, lặng lẽ ngắm nhìn phố phường. Thế giới bỗng chốc thu lại thành bức tranh chỉ có cây cầu, dòng sông, chiếc xe hủ tiếu và hai bóng người.

Từ đằng xa, một chiếc Mercedes trờ tới rồi đỗ xịch ngay trước mặt hai anh em. Gương xe từ từ hạ xuống. Một người đàn ông đeo kính, tóc rẽ ngôi giữa bóng mượt quay đầu vào phía xe hủ tiếu hất hàm gọi.

– Ê! Bán gì đấy nhóc?

Hoàng toan mở miệng trả lời thì Huy ngăn em lại. Cậu đứng dậy bước tới gần người đàn ông.

– Dạ cho hỏi anh muốn mua gì?

– Mày điếc à? Tao hỏi mày bán gì mà. – Hắn gay gắt.

Huy bình tĩnh đáp.

– Xin lỗi! Tôi nghe không rõ. Xe bán hủ tiếu giò xương chả đấy ạ.

– Có xí quách không? – Hắn vẫn cộc lốc.

– Vâng. Có anh ạ. Anh muốn mua bao nhiêu? – Cậu chậm rãi.

– Lấy hai trăm nghìn xí quách. Cho nhiều nước chấm cay và chanh. – Hắn nói mà mắt nhìn vào màn hình điện thoại.

Huy dặn lòng kiềm chế. Cậu thở nhẹ.

– Vâng. Anh đợi cho một lát ạ.

Nói rồi Huy quay vào trong xe hàng, mở tủ kính nhỏ phía trên lấy ra một rổ xương hầm. Món này còn có tên gọi khác là xí quách. Chủ yếu là những khúc, đoạn xương heo, xương bò… đã được ninh nhừ làm nước lèo. Phần còn lại là lớp mỡ, gân, tủy xương đã chín tới. Dân ăn nhậu rất thích món này vì dễ ăn và không bị ngán. Cậu vớt ra tầm hơn chục khúc xí quách đã chần qua nước hầm, gói chung với hành tím, cà rốt, chanh và nước mắm chua ngọt. Huy kín đáo liếc mắt nhìn người đàn ông đang ngồi trên xe. Chiếc Mercedes đời mới cáu cạnh màu đen bóng, ánh lên sáng choang dưới đèn đường. Biểu tượng ngôi sao ba cánh nằm chễm chệ phía đầu xe. Trông cô độc, lạnh lùng như đẳng cấp riêng biệt mà vốn dĩ dòng xe này luôn luôn thể hiện. Hắn vẫn bấm điện thoại, rồi đưa lên tai nghe máy ra chiều bận rộn, vội vã.

– Xong chưa mày? – Người đàn ông nói với vào.

– Vâng. Có ngay đây anh trai. – Huy đáp vọng ra.

Đoạn cậu gọi em, giao gói xí quách để đưa ra cho khách. Hoàng ngừng thái hành lá, đón lấy rồi nhanh nhẹn chạy ra chỗ chiếc xe đang đỗ. Mới nãy nó theo dõi cuộc nói chuyện giữa anh mình và ông khách, nghe loáng thoáng thấy âm điệu của người đàn ông liền trào lên chút khó chịu trong lòng. Ít ra đối với Hoàng, nói năng lịch sự với người khác vẫn là điều đáng để kính trọng. Dù người đối diện với bạn là ai, làm nghề gì và tuổi tác như thế nào đi chăng nữa. Đó là điều mà trường học đã dạy nó.

– Cháu gửi chú xí quách ạ. – Hoàng lễ phép.

Người đàn ông vẫn chẳng cần mở cửa xuống xe. Hắn bỏ điện thoại sang một bên ghế phụ, lấy gói xí quách rồi móc ví trả tiền. Trong một thoáng, Hoàng không nghĩ sự việc lại xảy ra như thế. Gã đàn ông vứt tờ hai trăm nghìn xuống đất rồi trong ánh nhìn ngây thơ của nó, hắn đóng kính xe lại, rồ máy chạy đi mất. Huy nhìn theo đuôi chiếc Mercedes trong khi Hoàng cúi xuống nhặt tờ tiền hãy còn mới, chất polyme láng mịn. Nó chạy vào đưa tiền cho anh, không quên nhăn mặt.

– Anh ơi. Lần đầu tiên em thấy kiểu đưa tiền như vậy đấy ạ? – Hoàng hậm hực.

Huy cầm tờ hai trăm nghìn, lặng lẽ bỏ vào túi xách treo cạnh xe hàng.

– Kệ đi em. Miễn khách trả tiền là được, không cần để ý tới mấy điều đó.

– Dạ. Nhưng em tức lắm. Đâu phải có tiền là thích gì làm nấy đâu.

Huy im lặng. Thấy em trai còn nhỏ nhưng ý thức được sự tử tế, tự trọng về nhân cách, cậu cảm thấy an lòng. Ít nhất giữa cuộc mưu sinh vất vả, đầy gian khổ này, hai anh em vẫn có thể nương tựa vào nhau. Hoàng mới học sinh cấp hai nhưng hiểu chuyện hơn vô khối người lớn mà Huy từng biết.

Huy mò tay dưới hộc tủ xe hàng, lấy ra một cuốn “Thám tử lừng danh Conan” đã cũ sờn, bìa truyện bong ra gần hết.

– Quên chuyện đó đi Hoàng. Em đọc cuốn này chưa? Tập chín mươi tám đấy. – Huy giơ cuốn truyện ra trước mặt em.

Hoàng liếc nhìn rồi đáp.

– Em đọc tuần trước kia. Có vụ Akai Shuichi cùng Conan giải cứu Haneda đó.

Huy tận dụng cơ hội đó, lái câu chuyện sang hướng khác.

– Ủa? Vậy à? Em phân tích kĩ hơn đoạn đó được không?

– Sao anh không tự đọc? – Hoàng thắc mắc.

– Giờ tối quá, đèn đường lờ mờ như thế này đọc đau mắt chết. Em kể trước rồi mai anh xem lại thử. – Huy vừa nói vừa cười.

Thế là, bị anh trai “dụ dỗ”, Hoàng nhanh chóng luyên thuyên gần ba mươi phút về diễn biến trong tập truyện tranh. Nó kể rành mạch, rõ ràng, có những đoạn còn phân tích sâu khiến Huy vô cùng bất ngờ. Cậu cũng cổ vũ em trai bằng việc thỉnh thoảng đặt ra những câu hỏi gợi mở, nhằm dẫn dắt óc suy luận và tư duy vấn đề của Hoàng.

Đêm về muộn.

Dòng xe vẫn lưu thông trên đường trong sự va chạm của hàng loạt thứ ánh sáng đa sắc màu. Đất trời giao hòa trong cái lành lạnh đặc trưng của những ngày đầu đông. Không khí nhẹ bẫng thứ mùi trong vắt khó gọi tên, thường lẩn khuất xuất hiện sau cơn mưa. Bên lề, chiếc xe hủ tiếu lặng lẽ đứng yên như một người già ngắm nhìn đám thanh niên vui đùa, nhảy múa trong hoài niệm mơ hồ về thời quá vãng. Hai thế giới song song nhau, hai đường thẳng nối dài trong bức tranh cuộc đời tưởng chừng phức tạp mà lại quá đỗi giản đơn. Nhộn nhịp hào nhoáng, buồn tẻ nhạt nhòa. Phút chốc, ranh giới càng lúc càng hiện rõ mồn một.

Nghe chừng giọt khuya đã thấm, mớ âm thanh hỗn độn xung quanh nhạt đi nhiều, Huy gọi em chuẩn bị thu dọn bàn ghế. Lại một đêm ế ẩm, tính từ lúc bày hàng đến bây giờ đúng bốn vị khách ghé quán. Họ rời đi nhanh chóng, để lại xe hủ tiếu luôn trong trạng thái chỉ có mỗi hai anh em. Huy trộm nghĩ về ngày mai. Gương mặt nần nẫn mỡ với đôi cánh tay dài ngoẵng của lão chủ trọ đến thu tiền hàng tháng. Hóa đơn mua nợ của tiệm tạp hóa nằm trong ngăn kéo bàn cá nhân của Huy, chờ đợi được giải quyết từ tuần trước. Những con số quay cuồng trong tâm trí cậu, cất tiếng cười đầy khiêu khích.

Hoàng rút hai viên gạch dưới bánh xe, cất vào lại dưới hốc tường trên vệ đường. Bây giờ về phòng, nó vẫn phải còn việc phải làm rồi mới đi ngủ được. Đống bài tập về nhà chất cao như núi vẫn nằm im trong cặp sách của Hoàng. Sắp kiểm tra giữa học kì, giáo viên tha hồ ra bài ôn tập cho học sinh. Biến chúng thành những cái máy chỉ biết đọc, ghi chép và giải bài.

Như nghĩ ra điều gì, Hoàng cất tiếng hỏi anh.

– Đêm nay không thấy nó anh nhỉ?

Huy ngẩng đầu nhìn.

– Nó là ai? – Cậu hỏi ngược lại em.

Một tiếng rên ư ử gần đó kèm bước chân rất khẽ trên nền đất ẩm. Kia rồi. Mắt Hoàng sáng rực lên. Từ trong bụi cây gần hốc tường, một chú chó nhỏ với đôi chân khẳng khiu, cặp tai cụp xuống đang giương cặp mắt nhìn hai anh em. Nó đứng im ở đó, ra chiều muốn quay đi. Huy nhìn thoáng qua. Bụng lép kẹp thế kia hẳn là đang đi kiếm ăn rồi đây. Nghĩ bụng, Huy bảo em.

– Sao em biết nó đến mà đợi thế?

Hoàng cười đáp:

– Đêm nào nó cũng đến vào tầm giờ này anh ạ. Mọi hôm anh ham dọn dẹp không để ý thôi. Em hay cho nó xương thừa để gặm. Chắc vì vậy mà nó quen hơi nên đến mãi.

Nghe em nói, Huy ngẩn người ra một chốc rồi mở tủ xe hàng. Cậu lấy một ít xương hầm, trộn với hành phi và chút nước mắm. Đảo đều tay, cậu cho tất cả vào một bát rồi quay lại bảo Hoàng.

– Em quen nó đúng không? Gọi nó tới đi.

Thấy anh trai làm hẳn một bát xương, Hoàng thắc mắc.

– Anh lấy xương hầm cho nó luôn à?

– Không sao đâu. Dù sao cũng ế rồi, đằng nào để lại thì ngày mai cũng hư. Ít nhất ta vẫn có thể làm quen với một người bạn mới. – Huy đáp.

Hoàng thích chí cười tít mắt, vẫy chú chó lại gần. Con vật quen hơi Hoàng liền tiến tới. Ban đầu, những bước chân vẫn còn chậm, thăm dò thận trọng. Khi cảm thấy không có nguy hiểm, nó vẫy đuôi chạy lại gần hai anh em.

Huy đặt bát xương xuống đất. Chú chó đưa mũi sát lại, hít hít rồi ăn không ngần ngại. Thỉnh thoảng, nó ngước mắt nhìn Huy. Trong đôi mắt đen biếc, linh động đó, cậu cảm thấy có một điều gì đó vừa bùng lên trong khoảnh khắc. Chút tia sáng mỏng manh nhưng tràn đầy sự ấm áp, bình yên khi tìm được chốn trú ẩn. Phải chăng, sâu trong thâm tâm của con vật, nó cũng như anh em Huy. Việc mong đợi một mái nhà, tình thương và sự yên ổn luôn là ước muốn đáng trân trọng. Nhìn cái đuôi ngoãy tít vui vẻ của chú chó khi gặm khúc xương, Huy bất giác chạnh lòng. Cùng là sinh mệnh như nhau, do Thượng Đế tạo tác ra để tồn tại trên cõi đời này. Mà sao số phận, hoàn cảnh lại khác biệt nhau như thế. Với chú chó, một bữa no đã là điều tuyệt vời nhất. Với anh em nó, một buổi ế hàng chưa hẳn đã là điều xấu. Ngày mai, khi mặt trời mọc, biết đâu thần may mắn sẽ mỉm cười với hai anh em thì sao?

Thấy Hoàng vuốt ve chú chó ra chiều thân thiết, Huy hỏi.

– Em muốn nuôi nó không?

Hoàng ngẩng đầu dậy ngay tức khắc. Dường như Huy đã nói trúng mong muốn của em trai mình.

– Nhưng mà… ?

Huy hiểu ý em. Hoàng biết cảnh nhà không dư giả gì để nuôi thêm miệng ăn, dù chỉ là một con chó.

– Không sao. Anh lo được. Nó sẽ phải lao động thật sự để có miếng ăn chứ. Có lẽ anh sẽ để nó làm vệ sĩ của em.

Hoàng chợt bật cười to.

– Haha. Anh nói cứ như thật thế.

– Thế em có muốn nuôi nó không?

– Dạ muốn chứ. Vậy lát nữa dẫn nó theo anh em mình về nhà luôn anh nhé.

Huy nhìn em trai, trái tim cậu chợt se lại. Một cảm giác xen lẫn giữa ấm áp và lạnh lẽo bùng lên. Cứ vậy đi, dù sao cuộc đời này vẫn có nhiều điều đáng để mong đợi hơn. Khoảnh khắc này, chỉ cần nhìn Hoàng vui vẻ là Huy đã thấy cuộc sống mình vẫn phần nào có ý nghĩa rồi.

Dưới bầu trời đêm Đà Nẵng, ở một góc chân cầu, hai người một chó quây quần bên xe hủ tiếu.

Bình lặng.

 

Tác giả: Kì Phong

Xem thêm tác phẩm cùng tác giả: Ở bên mẹ bão giông hóa nắng vàng

Chồi biếc - Kì Phong Chồi biếc
Chồi biếc – Kì Phong

Lời bàn

Truyện ngắn “Chồi biếc” của Kì Phong là một tác phẩm viết về những cuộc đời nhỏ bé, những thân phận dưới đáy xã hội. Qua những con chữ mà tác giả đem tới có thể khiến chúng ta nhức nhối về chuyện mưu sinh, về thân phận, về những bất công xã hội. Chồi biếc – cái tên đầy ngụ ý về tương lai của những đứa trẻ sinh ra trong nghèo khó. Người anh trai – Hoàng, giống như tán lá to đủ để che sương gió, đã từng là một sinh viên Đại học đầy nhiệt huyết và tri thức, để rồi bị những quy tắc xã hội, những khó khăn cuộc đời làm anh nhận ra cuộc đời này thật khốc liệt. Về bán hủ tiếu mưu sinh, lo cho cậu em trai ăn học. Hoàng tỏ rõ trách nhiệm làm anh, trách nhiệm che chắn sóng gió, nuôi nấng mầm non – em Huy không vì những nghèo khó ấy mà lùi bước hay sa ngã. Dù nghèo khó nhưng cậu vẫn thẳng lưng, thương người, dạy em trai nên người, mà cốt cách ấy ta dễ dàng nhận qua cách cư xử khi gặp những loại người, những thân phận khác nhau khi bán hàng. Qua cuộc đối thoại giữa hai anh em, ta thấy được Huy là một cậu bé thông minh, nhanh nhẹn, biết phụ anh, vẫn giữ được những phẩm chất trong sáng, lễ phép, thương anh, yêu thương động vật. Cậu bé giống như chồi biếc mọc lên từ mảnh đất đầy sỏi đá, bùn sình nhưng vẫn khỏe mạnh (phẩm chất), tươi tốt (dưỡng chất tự thân và từ anh Hoàng nuôi dưỡng).

Hai con người giữa mảnh đất thành phố xa hoa ấy dường như nương tựa vào nhau, tự vun đắp cho nhau tình yêu thương và lòng tử tế. Tôi mường tượng ra thước phim rộng quay từ trên cao thành phố rực rỡ ánh đèn có chút lạnh về đêm, có hai con người một lớn một bé đang vỗ về, sưởi ấm cho nhau, ánh lên tia sáng của lòng người.

Tác giả đã tạo ra sự đối lập về giàu – nghèo vô cùng đa dạng chỉ trong một buổi tối bán hàng ấy. Đầu tiên là khách hàng nữ trung niên – lớp lao động bình dân nghèo khó giống anh em họ, hai là chàng trai đi ô tô nhà giàu nhưng cách cư xử kém cỏi. Sự phân hóa giàu – nghèo về vật chất nhưng không có nghĩa là phân hóa luôn về hành xử, về đạo đức. Có những kẻ lắm tiền nhưng hành xử tệ bạc, mà xã hội ngày nay không khó để gặp được.

Chi tiết con chó nhỏ cuối bài, chính là vẻ đẹp, ánh sáng cuối ngày khiến cho câu chuyện bớt đi những nặng nề của mưu sinh cuộc sống, của những đối lập cách xa. Chú chó nhỏ với đôi mắt đen láy vô tư, khiến người ta xua đi được nhọc nhằn, gợi mở về tương lai tốt đẹp hơn. Phải chăng, đó cũng là một “chồi biếc” mà tác giả muốn nhắc tới?

Kì Phong đã viết về những bông hoa dại, mọc nơi cằn cỗi nhưng vẫn tỏa hương thơm âm thầm. Hoàng là hoa của đất, còn Huy chính là mầm non xanh biếc, để nhìn vào đó mà người ta thấy được tương lai. Chỉ cần đất nước vẫn còn những mầm xanh như vậy thì vẫn còn hi vọng.

 

 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close