THƠ CA

Thu đã qua rồi

Thu đã qua rồi

Thu đã qua rồi, thu đã qua
Mùa đông gõ cửa trước hiên nhà
Cô em gái nhỏ ngồi đan áo
Tóc xõa vai mềm như suối ca.

Thu đã qua rồi, thu đã qua
Tàng cây trút lá dưới trăng tà
Bình minh sương muối còn chưa ngủ
Trên bông cúc vàng, trong mắt ta.

Có người em gái ở nơi xa
Bỏ mặc quê hương với mẹ già
Ra đi từ độ xuân mười tám
Thu tàn, đông đến có phôi pha?

Chiếc áo em đan trước hiên nhà
Tấm lòng lữ khách ở quê xa
Gửi về phương ấy – mùa trở gió
Ấm mái nhà tranh, ấm mẹ già…

Tác giả: Cỏ Phong Sương

Thu đã qua rồi - Cỏ phong sương Thu đã qua rồi
Thu đã qua rồi – Cỏ phong sương

Lời bàn:

Bài thơ bảy chữ, tả cảnh thu tàn đông tới với những hình ảnh hòa hợp giữa cảnh và người. Cảnh vật đẹp nhưng gợi lên nỗi buồn với “tàng cây trút lá”, “sương muối”, “cúc vàng trong mắt”, Cỏ phong sương với thế mạnh sử dụng câu chữ tả ít gợi nhiều, chỉ vài ba hình ảnh họa về thu cuối mà gợi nỗi tàn phai, hoang vắng, buồn thương. Hình ảnh con người cô đơn, lẻ loi được nhấn mạnh hai lần với hành động ngồi trước hiên nhà đan áo chuẩn bị áo ấm cho mẹ già phương xa mà người con gái ấy đã bỏ quê nhà, bỏ mẹ già ra đi từ độ mười tám. Câu hỏi “Thu tàn đông đến có phôi pha?” liệu có hỏi về cảnh vật khi đông tới phai bớt sắc màu hay hỏi về lòng người ra đi từ ấy có còn giữ tình cảm thắm thiết với quê nhà hay không? Người xưa thường dùng cảnh thu tàn để hàm ý nói tới tuổi già, tàn lụi về cuối đời “đông đến” của con người, cho nên câu hỏi ấy còn có thể hiểu là nỗi nhớ của người con gái ấy với mẹ già, không biết mẹ còn khỏe mạnh hay không?

“Thu đã qua rồi” – Cỏ Phong Sương đã đem tới cho bạn đọc một bức họa tĩnh của cảnh vật: sắc vàng cúc, lá cây rơi, sương mờ trắng, đủ để làm ta cảm nhận được cái lạnh đang len lỏi khắp không gian. Trọng điểm bức tranh ấy là hành động đan áo của nhân vật trữ tình, chuyên chú, đẹp đẽ của cả mái tóc suối ca và cả tình cảm dồn vào hành động đan áo ấy. Bài thơ có bút pháp gợi tả giống như những bài thơ Đường luật của cổ nhân mạnh về họa tranh phong cảnh nhưng vẫn gần gũi bởi mật độ từ Hán Việt thấp, ta bắt gặp sự vọng lại cái vị cổ thi ngàn đời, lại mang hơi thở của cuộc sống đời thường. Cám ơn Cỏ Phong Sương vì một bài thơ hay.

Tags

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close