TRUYỆN NGẮN

Truyện ngắn Đến ở cùng mẹ

Khi cả tôi và anh ấy đang đau đầu vì không nghĩ ra cách nào thì mẹ tôi (người luôn túc trực bên giường kể từ khi tôi nhập viện) lên tiếng: “Tại sao con không đến ở với mẹ?”

Đến ở cùng mẹ

Năm tuần trước khi con gái tôi chào đời, tôi chuyển dạ nên bác sĩ buộc tôi phải nằm yên một chỗ. Tôi chỉ có thể ngồi dậy vào những lúc bác sĩ đến khám cho tôi mỗi tuần, những lần làm các xét nghiệm hai lần một tuần và những lúc đi tắm.

Bác sĩ bảo tôi không nên ở một mình, cần có một ai đó đưa tôi đến bệnh viện kiểm tra khi cơn co thắt đầu tiên xuất hiện. Jack, chồng tôi muốn để dành những ngày phép của anh ấy để chăm sóc vợ con sau khi đứa bé chào đời. Và cả hai vợ chồng đều không muốn sử dụng hết những ngày phép đó. Căn hộ của chúng tôi lại ở trên tầng một nên rất bất tiện vì lên xuống cầu thang là một trong những điều cấm kỵ dành cho tôi.

Đến ở cùng mẹ Truyện ngắn Đến ở cùng mẹ

Khi cả tôi và anh ấy đang đau đầu vì không nghĩ ra cách nào thì mẹ tôi (người luôn túc trực bên giường kể từ khi tôi nhập viện) lên tiếng: “Tại sao con không đến ở với mẹ?”. Anh Jack cũng nghĩ đây là cách giải quyết ổn thỏa nhất vì mẹ có thể ở bên cạnh chăm sóc tôi suốt ngày, bà đang sống ở một khu nhà gần bênh viện, hơn nữa nhà mẹ tôi lại có một phòng dành cho khánh ở tầng trệt. Nhưng bản thân tôi lại cảm thấy có chút ngần ngại. Cũng như bao cô con gái khác, tôi cũng có những xung đột với mẹ mình và không biết khi sống chung liệu tôi có thể giữ không khí hòa bình với mẹ liên tục trong nhiều tuần được hay không mặc dù, cuối cùng, tôi cũng phải thừa nhận đó là sự lựa chọn tốt nhất. Thế là, tôi khăn gói quay về “mái nhà xưa”.

Tôi ở với mẹ mà lúc nào cũng hờn dỗi – hành động như một đứa trẻ mới lớn cáu kỉnh hơn là một người khách quý của gia đình. Khi Jack đến sau giờ làm việc để mẹ có thể đi thăm bạn bè hoặc giả chạy tới chạy lui làm những việc lặt vặt mà mẹ không thể làm được vào ban ngày, tôi đã bật khóc nức nở. Tôi muốn quay trở lại mái ấm của mình. Tôi không muốn ở chung với mẹ. Trên tất cả, tôi chỉ muốn tất cả mọi thứ quay trở lại bình thường như trước đây. Lúc nào, tôi cũng cáu bẳn với mẹ.

Khi nghe mẹ nói chuyện với ai đó trên điện thoại, tôi gào lên: “Có phải mẹ đi kể cho tất cả mọi người biết về tình trạng sức khỏe của con không?”. Khi mẹ vào nhà tắm để kiểm tra xem tôi có bị ngã hay không, tôi lại khóc lóc than vãn như trẻ con: “Con không thể có được một chút riêng tư nào ở đây sao mẹ?”. Còn mẹ tôi, người trước đây không hề ngần ngại nói “im ngay”, thì bây giờ lại nhỏ nhẹ xin lỗi tôi.

Vài ngày nữa là đến Lễ Tạ Ơn. Mặc dù chẳng có tí lòng biết ơn nào, nhưng tôi lại năn nỉ mẹ nấu món thịt hầm khoai tây. Đêm trước ngày Lễ Tạ Ơn, mẹ đã đến tiệm bách hóa mua tất cả những thứ mà tôi muốn.

Ngày hôm sau, tôi nằm dài trên ghế xem mẹ chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn cho ba người, ngay cả nước xốt mà mẹ còn đem lọc kỹ vì chỉ cần một cục lợn cợn nhỏ xíu cũng có thể làm tôi nôn ra hết. Tôi có thể nhận thấy ngày hôm đó quả thật là một ngày khó khăn đối với mẹ. Cha tôi đã qua đời cách đây sáu tháng, và đó là “ngày đoàn tụ gia đình” đầu tiên mà không có sự hiện diện của ông. Khi bữa ăn tối đã được dọn lên xong xuôi, mẹ ngồi lặng yên nhìn vào đĩa thức ăn của mình thật lâu. Cuối cùng, anh Jack cũng phải lên tiếng: “Mẹ không muốn ăn tối sao?”.

Mẹ trả lời: “Lát nữa” và trong đôi mắt mẹ xuất hiện những giọt nước long lanh. “Mẹ chỉ đang nghĩ rằng mình phải cảm ơn Chúa biết bao vì Ngài đã ban cho mẹ một đứa cháu. Mẹ sẽ không bao giờ có thể quên những ngày tháng mong ngóng sự ra đời của đứa cháu ngọai yêu quí của mình. Và mẹ biết rồi các con cũng sẽ yêu thích vai trò làm bố, làm mẹ như chính mẹ và ba của con trước đây”.

Lúc đó tôi mới nhận ra mình thực sự may mắn biết nhường nào. Trong khi chồng tôi phải làm việc đầu tắt mặt tối, rồi vừa phải thức suốt đêm lắp ráp giường củi cho con, đóng xích đu, bàn xếp và chuẩn bị sẵn sàng tất cả mọi thứ cho đứa trẻ, thì mẹ đã luôn ở bên chăm sóc cho tôi.

Trong mười ngày sau đó, tôi đã để cho mẹ tùy thích chăm sóc cho mình và tôi thực sự cảm thấy sung sướng khi có mẹ bên cạnh. Mẹ đã kể cho tôi nghe những chuyện khi mẹ mang thai tôi và cả thời thơ ấu của tôi nữa. Rồi hai mẹ con cùng nhau đọc sách và tạp chí về trẻ con. Chúng tôi cười phá lên khi cùng xem tấu hài và cùng rơi nước mắt khi xem những bộ phim tình cảm ướt át. Cả hai mẹ con cùng thưởng thức những món ăn mà tôi yêu thích. Tôi hiểu rõ về mẹ hơn cả một người mẹ của tôi.

Không phải mọi chuyện đều luôn vui vẻ như thế. Cứ mỗi sáu tiếng, tôi phải uống một viên thuốc “chống co thắt tử cung” một lần, bao gồm cả một cữ vào lúc hai giờ sáng, thế là mẹ kiêm luôn nhiệm vụ đánh thức tôi dậy vào lúc 2:15 – sau khi tôi đã thò tay tắt chuông đồng hồ báo thức – cho tôi uống thuốc và tiếp tục đi ngủ. Mẹ còn tin rằng nếu tôi nhấc cánh tay lên, tôi sẽ làm em bé bị nghẹt thở (mặc dù bác sĩ đã đảm bảo rằng điều này không thể xảy ra), chính vì thế mà mẹ thường hay hoảng hốt lên mỗi khi tôi với tay lấy một vật gì đó.

Tôi biết ơn mẹ rất nhiều. Tôi biết hai vợ chồng tôi chắc chắn sẽ xoay sở được chuyện của chúng tôi nếu buộc phải như vậy. Nhưng có mẹ ở bên cạnh thì lẽ dĩ nhiên mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Khi mẹ đưa tôi đến bệnh viện trong khám thai lần thứ ba, chị y tá nói: “Xin mời cả bà ngoại của bé vào đây. Bác có muốn nghe nhịp tim của đứa trẻ không ạ?”. Khi nhịp tim của con tôi vang lên trong căn phòng nhỏ, tôi còn nghe được cả một âm thanh khác nữa – đó là tiếng khóc sụt sùi của mẹ.

Mẹ hỏi: “Nhịp tim của đứa bé có tốt không vậy cô?”. “Tất cả mọi thứ đều ổn cả chứ?”. Khi chị y tá cho biết tất cả mọi thứ đều đang tiến triển tốt đẹp, tôi có thể nhìn thấy mẹ đang mỉm cười trong nước mắt, và tôi thật sự hạnh phúc khi mẹ có mặt bên cạnh mình.

Cha tôi qua đời vì bệnh tim, và tôi biết đối với mẹ đó chính là một món quà quí giá khi được lắng nghe nhịp tim khỏe mạnh của đứa cháu ngoại đầu tiên của bà. Mẹ đã siết chặt tay tôi lúc hai mẹ con lắng nghe những nhịp đập đều đặn. Rồi mẹ quay sang chị y tá hỏi: “Cô có chắc là con gái tôi không sao chứ?”.

Chị y tá mỉm cười đáp: “Vâng thưa bác, chị Carol thực sự rất khỏe. Bác đã chăm sóc chị ấy rất tốt”.

Vâng, nó là con gái yêu của tôi mà”. Mẹ nói và hôn lên má tôi.

Ngay giây phút đó, tôi chợt nhận thấy rằng trong khi tôi sẵn sàng quên đi bản thân để mang đến những điều tốt đẹp nhất cho con tôi, thì chính mẹ cũng quên đi bản thân mình để đem đến những gì tốt đẹp nhất cho cô con gái yêu quí của bà. Cầm tay mẹ trong tay, tôi biết rằng mình sẽ noi theo gương mẹ. Mỗi khi con gái tôi cần tôi – bất kể lúc nó bao nhiêu tuổi, bất kể tính tình nó cáu bẳn như thế nào, tôi cũng sẽ luôn ở bên cạnh nó, chỉ bảo cho nó giống như mẹ đã từng dạy bảo tôi.

Nguồn :  Đến ở cùng mẹ– Tuyển Tập 1001 Câu Chuyện Cảm Động

Văn học trẻ sưu tầm tổng hợp

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close