Cuộc thi viết vănTRUYỆN NGẮNVăn học Việt Nam

Cá lớn biển Đông

Cá lớn biển Đông

“Này! Ông đừng tưởng ông già mà tôi không dám làm gì nhé! Có thích không? Hả? Hả? “

Tiếng chửi bới ầm ĩ bỗng vang lên dưới chân mỏm đá ngoài bờ biển, phá tan hoàn toàn cái sự yên bình vốn có của hòn đảo nhỏ còn chìm trong làn sương mỏng. Thấy vậy, một số người đang cào ngao gần đó vội chạy ra can ngăn. Họ sẵn sàng bỏ lại cả công việc còn dang dở khi nghe đến tên ông Bình- ông già gàn dở sống trong túp lều cách bãi đá một đoạn.

“Thôi chị Hoa, ông Bình, có chuyện gì từ từ giải quyết. Mới sáng sớm ra... ” Một người trong số họ lên tiếng.

“Lão đánh tôi tím trán đây này! “

Bà Hoa vừa nói, vừa vén tóc mái sang hai bên rồi chìa phần trán bị sưng ra cho mọi người cùng nhìn. Họ tập trung vào bà Hoa mà ngó lơ cái thùng lớn đổ ngang bên bãi đá. Từ trong đó, chai nhựa, túi bóng văng ra, tung tóe khắp nơi, nằm xen lẫn đám vỏ sò, ốc, đầu cá,… Một người đàn ông lớn tuổi, da dẻ sạm đen, nhăn nhúm như quả táo tàu với mái tóc bạc trắng khẽ cúi người, nhặt lấy mấy thứ rác rưởi kia rồi vất lại vào thùng. Ông ta im lặng, không nói lấy một lời nào nhưng đôi bàn tay run rẩy vẫn không ngừng làm việc.

Lão dám lấy nạng đánh tôi, mọi người ạ. Lão giằng lấy cái thùng trên tay tôi rồi đánh tôi. “

Bà Hoa ra vẻ ấm ức lắm, quay về phía ông Bình, gào lớn:

“Bà đây không chấp lão già lẩm cẩm nhá! Phải đứa khác, bà đấm rụng răng. Hứ! “

Tại bà định đổ rác ra bãi đá đấy chứ. Trong xóm có bãi tập kết, sao không mang vào đấy? Ông Bình làm vậy cũng phải… Nhưng tự tiện đánh người cũng là sai…” Một người nói.

Mọi người đều đồng tình với người đó. Họ đã kịp hướng mắt về phía ông Bình. Có anh thanh niên chạy ra phụ ông nhặt mấy chai nhựa kẹt trong khe đá mà ông ấy không với được.

Á à, các người hùa vào với lão kia đúng không? Tôi thích đổ đâu kệ tôi, ảnh hưởng đến miếng cơm nhà mấy người à? Nhà tôi ở đây, tôi không thích vào xóm đấy. Vừa sâu vừa xa, ai thèm vác xác vào trong? Đúng là cái ngày xui xẻo mà.”

Biết rằng hành động của mình đã bị phát giác, bà Hoa thôi ăn vạ, bỏ lại cái thùng và rời khỏi đám đông thật nhanh. Họ chỉ biết lắc đầu thở dài vì đã quá quen với việc có người đổ trộm rác. Không phải họ không có biện pháp gì để ngăn việc này lại nhưng cứ được một thời gian là đâu lại hoàn đó. Vài người cứ quen thói cũ, lén đổ trộm rác xuống biển.

Quay lại phía ông Bình. Thùng rác kia được anh thanh niên xách lên, dựng vào một góc để lúc trở về tiện đem đi xử lí. Đám đông tản ra, tiếp tục làm việc. Một người nói với ông :

“Tôi biết cụ bức xúc nhưng cụ không được đánh người. Một lần thì chúng tôi còn thông cảm cho, nhưng lần nào cũng thế. Họ vi phạm thì còn có chính quyền xử lí…

Anh ta chưa kịp nói hết câu đã bị ông Bình trừng mắt đuổi đi. Ông già vừa quơ quơ cái nạng, vừa lẩm bẩm:

Cái người thì biết cái gì… Cứ đầu độc bãi đá cho lắm đi… Rồi…rồi… Chết, chết, chết…”

Người kia bị dọa sợ, vội vã chạy đi. Ông già vẫn đứng đó, hướng đôi mắt đục ngầu nhìn về phía đoàn người rồi nhìn về phía biển. Mặt trời đã lên.

Lấp ló nơi đường chân trời, đoàn thuyền đánh cá vừa trở về. Những cánh buồm căng rộng, đón lấy gió trời và ánh bình minh hồng rực…

—————

  • “Hôm nay bà Hoa đổ rác ra bãi đá, bị ông Bình đánh cho đấy.”

Bố thằng Hải và một miếng cơm rồi trả lời mẹ nó:

  • “Ông Bình à? Lão ấy vẫn sống ở đấy nhỉ? Thằng Hải, mày có ra ngoài bãi chơi thì né né lão ra nhé, không lại rách việc.”

Thằng Hải vâng dạ rồi cắm mặt vào ăn.

  • “Mày lại đánh nhau với bọn ở xóm à?” Mẹ nó hỏi.

Thằng Hải khựng lại đôi chút nhưng rồi nó lắc đầu nguây nguẩy:

  • “Không, con bị ngã ấy mà. Thằng An nó chạy, nó trượt chân, nó xô vào con. Thế là con cũng bị ngã.”
  • “Thế à? Mày không được đánh nhau với bọn nó đâu nhé. Hôm qua tao nghe mẹ thằng An nói là mày đánh thằng An đấy.”

Mặt thằng Hải đỏ hết cả lên. May là có bố nó cứu nguy:

  • “Thôi đi bà, trẻ con nó nghịch ngợm tí có sao đâu. Tôi ngày xưa cũng thế đấy thôi. Khi nào nó lớn thì hết ấy mà.”
  • “Vâng, nó thì giống ông rồi. Giá nó được một góc của thằng anh nó thì tôi đã không phải nghe hàng xóm phàn nàn.”
  • “Ầy, mỗi đứa mỗi vẻ, bà nói thế không được…”

Bữa cơm nhà thằng Hải diễn ra trong bầu không khí vui vẻ. Mọi hôm chỉ có mẹ và nó, bố nó thì đi biển cả tháng trời mới về còn anh nó thì vào đất liền học đại học. Thằng Hải năm nay lên 9, người nhỏ thó như đứa 6,7 tuổi. Nó có một làn da trắng bệch, đôi mắt to tròn lúc nào cũng sáng và hai cái lúm đồng tiền ở hai bên má. Thằng Hải tuy vậy mà khoẻ như trâu, nó chẳng ngán thằng cu nào trong xóm. Bọn thằng An, thằng Hùng  ghét nó lắm, chúng nó không chơi cùng với Hải. Thậm chí chúng còn trêu chọc thằng bé, nghêu ngao bài vè về nó rằng nó dị hợm như thế nào. Vì thế, người trên đảo thường bắt gặp thằng Hải đi chơi một mình. Nó cũng có một bí mật, một bí mật mà nó không muốn để bất kì ai biết được, kể cả bố mẹ nó…

Nhà Hải có thói quen ăn cơm tối sớm nên lúc nó dọn dẹp xong mới có 5 rưỡi chiều. Vì là mùa hè nên trời còn rất sáng, Hải xin phép bố mẹ ra ngoài chơi một lát rồi về. Nó chạy ra ngay bờ biển, lúc này thủy triều đang lên. Gió biển thổi nhẹ qua mái tóc cháy nắng và xơ xác của nó, tiếng sóng biển dội vào bờ cát khiến nó vui biết bao, như là tiếng hò reo mời gọi Hải tham gia cuộc vui của chúng vậy.

———-

Bạn có tin vào một thế giới mà chúng ta không thể nhìn thấy?

Có thể bạn sẽ cho rằng đó là một điều viển vông và phi lý. Nhưng thật sự có tồn tại một thế giới như vậy giữa thế giới của chúng ta. Một thế giới mà cỏ cây ca hát và muôn vật cất tiếng nói yêu đời. Thế giới của linh hồn.

Vạn vật trên đời đều có trong mình linh hồn của riêng chúng, từ cây cỏ hoa lá cho đến những đám mây trắng xốp. Bạn có bao giờ nghe tiếng những cánh rừng lao xao hay tiếng vọng của những dãy núi chưa? Dưới giác quan của con người, chúng chỉ là những hiện tượng hết sức bình thường và có thể lí giải bằng khoa học nhưng thực ra, đó lại là tiếng nói của vạn vật. Nếu bạn lắng tai nghe thật kỹ, có lẽ bạn sẽ nghe thấy một phần nào đó những gì chúng muốn bày tỏ.

Con người không hẳn là không thể nhìn thấy thế giới linh hồn. Mỗi đứa trẻ đều đã từng thuộc về nơi đó cho đến khi ta học được ngôn ngữ riêng. Và vì còn quá nhỏ nên ý thức về sự tồn tại của thế giới ấy chỉ thật mơ hồ trong tiềm thức của mỗi người. Nó như bị bao phủ bởi một lớp vải mỏng cũ kĩ, bị lãng quên theo thời gian. Tuy vậy, một số ít người vẫn có khả năng nhìn hoặc nghe thấy thế giới hư ảo này…

Thằng Hải cũng là một trong số những người như thế. Điều ấy vừa là một niềm vui, vừa là bí mật lớn nhất của nó và nó tự an ủi rằng mình chỉ nhìn thấy nhiều hơn người khác một chút thôi. Vào ngày đầu tháng, khi mặt trời đã lặn hẳn, nó lại háo hức nhìn về phía biển và mong chờ một thứ gì đó. Ngày hôm nay trời đẹp quá, những áng mây vàng như mỡ gà chiếu xuống mặt biển lấp lánh. Nó nhặt cái que, vẽ lên cát mấy hình nguệch ngoạc và tận hưởng gió biển. Chờ mãi cho đến lúc mặt trời khuất dần sau núi, ánh mắt của nó long lanh, thích thú như khi được bố mẹ cho quà. Nó reo lên:

  • “Sắp đến rồi!”

Ngay khi nó vừa dứt lời, những đốm sáng màu xanh lam dần xuất hiện, trôi nổi trong không trung, soi sáng cả một vùng biển rộng lớn. Nếu có ai đó đi qua bờ biển vào lúc này, họ sẽ chỉ nhìn thấy thằng Hải ngồi một mình trên bãi cát. Họ sẽ không biết được thằng Hải đang vui như thế nào khi được đắm chìm trong cái thế giới tràn ngập ánh sáng ấy. Nó cười khoái chí lắm, chạy tung tăng trên nền cát rồi lao xuống lội nước bì bõm để đuổi theo đám ánh sáng kia. Đang chơi đùa vui vẻ, nó buột miệng:

  • Hình như càng ngày càng ít hơn thì phải.” Thằng Hải vừa quan sát mặt biển vừa nói.

Những đốm sáng tuy rực rỡ nhưng lúc ẩn lúc hiện. Có vài đốm còn tối hẳn đi. Ngày trước, bờ biển này có nhiều lắm, chúng như những con đom đóm đẹp đẽ bay lượn, nhảy múa trong không trung. Từ cái lúc người ta mở bến cá ở đây rồi đổ rác ra bãi đá, chúng cứ biến mất dần. Không chỉ có những đốm sáng, những cục tròn trong suốt như pha lê cũng vơi đi không ít. Mấy cục tròn ấy thi nhau leo trèo trên mỏm đá dựng đứng hướng ra biển, có cái to như quả bóng, cái lại nhỏ như hòn bi. Chúng sẽ đập vào nhau mà tạo thành những  tiếng leng keng như chuông gió, nghe rất vui tai. Khi nửa vầng trăng đã treo mình trên đường chân trời, Hải cất tiếng gọi lớn:

  • “Cá ơi, cậu có ở đó không? Lên chơi với mình đi!”

Nó gọi mấy lần liền nhưng đều không có tiếng trả lời lại.

  • “Chắc hôm nay cậu ấy lại bận rồi, mình đi về vậy.”

Hải mang cái bộ mặt dài như cái bơm của nó cùng nỗi thất vọng to lớn trở về nhà. Vừa đi được vài bước, từ đằng sau thằng bé vang lên một tiếng ngân dài, kèm theo đó là tiếng ầm ầm của nước biển trút xuống:

” Tu…u…u…u”

Đó là tiếng kêu của Cá.

Thằng Hải quay lại thì nhìn thấy một con cá lớn nằm dài trên bãi cát, cả thân thể của nó bị kẹt lại trong một tấm lưới đánh cá. Có vẻ như việc cố thoát khỏi lưới đã khiến nó kiệt sức. Rồi con cá ấy nhỏ dần, nhỏ dần, hoá thành hình một cậu bé và gục xuống nền cát.

Thằng Hải hét lên:

  • “Cá!”

Những đốm sáng đậu lên lưng, lên đầu Cá, soi rõ cơ thể trong veo và bộ trang phục kì lạ của nó. Chúng rít lên như tiếng bầy chim lạc bầy, át đi cả tiếng hét của thằng Hải. Thằng Hải chạy lại, gỡ tấm lưới khỏi người đứa bé kia nhưng tấm lưới to quá, nó không biết phải làm sao. Nó cũng không thể nhờ ai giúp được, họ sẽ chỉ nhìn thấy tấm lưới chứ không nhìn thấy cậu bé nằm ở bên trong…

Đúng lúc nó đang bối rối, từ phía bãi đá, một bóng hình cao lớn, tay chống nạng, đi từng bước chậm rãi lại gần chỗ Hải.

  • “Mày làm cái gì ở đó? Gan to nhỉ? Muộn rồi mà còn ra biển. Không sợ bị ma nước kéo à?”

Nó nhận ra ngay tiếng của ông Bình hâm, nhà ở ngay gần đấy. Mọi lần ra đây, nó không bao giờ gặp ai, kể cả ông ta. Vậy sao lần này lại… Bất giác, nó lấy thân mình chắn trước người đứa trẻ kia dù lý trí không ngừng nói với nó rằng nó không cần thiết phải làm thế. Thằng Hải cũng như mọi đứa khác trong xóm, đều được người lớn cảnh báo về ông Bình. Theo những gì nó được nghe kể, ngày xưa ông Bình là một ngư dân lão luyện, lại tốt bụng và cởi mở nên ai cũng quý. Từ cái ngày vợ ông mất, mấy đứa con lớn rồi cũng vào đất liền ở hết, chân ông lại bị què, không đi lại được thì ông mới đâm ra khó tính. Chuyện tồi tệ hơn khi ông chuyển ra bãi đá ở. Ai bắt gặp cũng thấy ông lảm nhảm một mình rồi lại gào thét và đuổi đánh bất kì người nào dám làm bẩn khu đó. Ngay cả thằng Hải cũng sợ ông Bình. Nó đã tưởng tượng ra cái viễn cảnh ông ta hét vào mặt nó rồi đuổi nó đi.

  • “Cháu… cháu… À! Cháu ra đây chơi một chút. Hôm nay gió mát quá ông nhỉ? Hi hi.”

Vẫn cái giọng khàn khàn đó, ông Bình nói:

  • “Mày không cần phải nói dối tao. Mày nhìn thấy chúng nó đúng không? Tao già rồi, không thấy được. Tao chỉ nghe được thôi. Chúng nó hét to quá, tao ngủ không yên.”

Thằng Hải chưa hết ngạc nhiên, ông Bình đã cúi xuống, cùng nó gỡ tấm lưới ra.

  • “Tao đoán không nhầm thì có đứa nào bị mắc trong đấy đúng không? Mày đi sang bên kia đi. Mày kéo đầu đằng đấy, tao kéo đầu đằng này.”

Nó nhanh chóng phối hợp cùng ông Bình mà không nói một lời nào. Mấy đốm sáng thấy động liền tản ra, bay quanh hai ông cháu. Bằng một động tác dứt khoát, họ đã thành công. Thằng Hải nhanh chóng kéo đứa trẻ ra, lay mạnh người nó để nó tỉnh, miệng không ngừng gọi:

  • “Cá! Tỉnh lại đi Cá!”
  • “Mày dốt lắm! Mày lay nó thế làm gì? Đem nó ra bãi đá đằng kia rồi thả nó xuống nước.” Ông Bình quát.

Thằng Hải dăm dắp nghe theo ông Bình, nó cõng Cá trên lưng, chạy về phía bãi đá. Làn da của Cá chạm vào người nó mát lạnh, có chút tanh tanh, mặn mặn của biển. Hải quen Cá từ lâu rồi nhưng đây là lần đầu tiên nó chạm vào Cá nên có cảm giác hơi xa lạ.

  • “Mày quen thằng Cá này lâu chưa?”

Ông Bình đi theo sau nó, vừa đi tập tễnh, vừa hỏi. Thằng Hải thở không ra hơi nhưng vẫn cố trả lời:

  • “Cũng lâu rồi ông ạ!”
  • “Từ cái ngày mày lên 6 nhỉ? Chiều nào tao cũng nghe thấy hai đứa mày nô nhau ngoài bãi, cả cái bọn hồn đá với hồn nước nữa. Thật là chẳng để cho ai ngủ. Hôm nay tao nghe chúng nó hét, mày hét, tao cũng lo.”

Chiều ngày hôm nay, thằng Hải đã đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Ông Bình mà nó được kể khác nhiều quá. Dù đúng là ông ấy hơi cộc cằn thật nhưng cũng rất tốt bụng. Nó đến bên mép nước, đặt thằng Cá nằm xuống rồi ngồi chờ trên mặt của một tảng đá. Ông Bình để nạng sang một bên rồi ngồi cạnh thằng bé.

  • “Trông thằng Cá như thế nào hả mày?” Ông Bình hỏi.
  • “Người nó trong suốt ông ạ, tóc nó dài, xanh như màu nước và nó mặc cái đồ kì lạ lắm, như của mấy người ngày xưa ấy.”

Thằng Hải vẫn nhìn về phía thằng Cá, những đốm sáng lại bao quanh thằng bé, mái tóc xanh của nó sáng rực lên.

  • “Ồ, thế mày có biết nó là ai không?”
  • “Dạ? À, về chuyện đó thì cháu chưa có hỏi nó.”
  • “Mày chơi với nó lâu vậy rồi mà không biết nó là ai à?”
  • Quả thật, Cá chưa bao giờ nói điều gì với Hải và thằng Hải cũng chưa bao giờ hỏi nó.

Ông Bình nói tiếp:

  • “Ngày xưa ấy, bờ biển này kéo dài ra tít đằng kia cơ.”

Ông lấy tay chỉ về phía xa cho thằng Hải nhìn.

“Trước ở đấy có cái miếu con con đắp bằng đá để thờ thần biển. Bây giờ nó bị nước dâng lên lấp mất rồi. Cái thằng Cá mà vẫn hay chơi với mày ấy, là một hiện thân của ông thần ấy đấy.”

Nghĩ đến việc thằng Cá hay chơi với mình là ông thần biển, thằng Hải có hơi rùng mình.

  • “Sao ông lại biết? Thằng Cá chưa bao giờ nói với cháu cả. Cháu chỉ biết nó đến từ biển thôi.”

Ông Bình thở dài:

” ao từng gặp nó rồi, khi tao còn đi câu. Ngày ấy nó lớn lắm, thân hình vạm vỡ, mắt xanh như ngọc, tóc xanh như màu trời và da thịt nó thì trắng như cát. Theo như mày kể thì có vẻ nó đã bị nhỏ lại nhiều so với hồi ấy.”

Rồi ông chuyển sang vẻ mặt tức giận:

  • “Mẹ kiếp! Bây giờ cái gì bẩn người ta cũng đổ ra biển, từ nước cống rãnh cho đến rác sinh hoạt. Cứ thế này thì đến thần thánh cũng không chịu nổi. Chết mất thôi, chết mất thôi! Không có ông thần bảo hộ, rồi tai họa cũng sẽ ập xuống hòn đảo này.”
  • “Vậy đấy là lý do ông đuổi đánh mấy người bén mảng à?” Thằng Hải hỏi.
  • “Tao có định đánh chúng nó đâu mà tao nói thì chúng nó không tin. Tao cũng muốn tốt cho chúng nó, vậy mà… Sáng nay tao mà không cản con mụ Hoa lại thì bọn hồn nước biến chất nó hò nhau kéo mụ ấy xuống đấy.”
  • “Hồn nước biến chất?”

Ông Bình cốc đầu thằng Hải:

  • “Mày không thấy mấy đốm sáng bị tối đi à? Bị ô uế đấy. Cái bọn buôn cá nó giết cá ngay biển, máu hoà lẫn vào nước, kèm thêm mấy đám dầu máy loang ra nữa. Thằng Cá nó khoẻ hơn nên không sao nhưng tao nghĩ nó sắp không ổn rồi.”

Đúng lúc ấy, đứa trẻ tỉnh dậy, nó ôm lấy miệng, ho khan vài cái. Thấy thế, thằng Hải chạy vụt khỏi phiến đá, lao đến chỗ thằng Cá. Thằng Cá ho ra mấy thứ đen sì, cái mùi kinh khủng bốc lên khiến dạ dày thằng Hải sôi lên sùng sục. Nó cũng muốn nôn ra.

  • “Xin lỗi nhé, mấy ngày hôm nay tớ không đến được. Khụ… khụ… Hẳn là cậu cô đơn lắm đúng không?”

Thằng Cá yếu ớt trả lời, nó cố đứng dậy nhưng không được nên đành ngồi dưới nước. Mái tóc nó tỏa sáng nhè nhẹ, đủ để soi sáng một vùng nhỏ. Trăng đã lên đến giữa lưng trời.

  • “Không, mình không có cô đơn, mình luôn có cậu ở bên mà. Cậu sao thế? Không khỏe à?”

Thằng Hải sốt sắng hỏi.

  • “Tớ chỉ hơi mệt thôi. Không sao đâu. Đừng lo cho tớ. Dù sau này không có tớ thì cậu cứ hãy mạnh mẽ lên nhé. Cảm ơn Hải nhiều. Tớ sẽ nhớ cậu lắm đấy.”

Thằng Cá đã biến lại nguyên hình, một con cá vây xanh to lớn. Thằng Hải xoa nhẹ lên những hoạ tiết sóng nước trên thân con cá. Nó chỉ nhìn cậu, một giọt nước mắt khẽ lăn ra khỏi đôi mắt xanh trong veo của nó. Nó quẫy đuôi, lấy đà nhảy lên cao rồi lặn xuống đáy biển, bơi đi mất tăm. Sau khi thằng Cá đi, những đốm sáng trên mặt biển cũng biến mất.

Ông Bình khẽ đặt tay lên vai thằng Hải:

  • “Để nó đi đi. Tao nghĩ nó không quay lại được nữa đâu. Nó đã cố đến để tạm biệt mày rồi đấy. Nó yếu quá rồi, phải trở về với biển lớn thôi. Ít nhất, nó còn được sống.”

Thằng bé có vẻ cứng cỏi hơn những gì ông Bình đã nghĩ. Nó không khóc nhưng mặt vẫn buồn rười rượi.

  • “Vâng, cháu hiểu rồi.”

———–

Thằng Hải tạm biệt ông Bình rồi trở về nhà. Cả người nó ướt sũng nước. Bố mẹ nó vẫn đang mải nói chuyện.

  • “Ngày mai tôi với anh em sẽ ra ngoài xa. Không thể cứ mãi đánh cá gần bờ được, tận diệt như thế thì chết. Lần trước đi chẳng kiếm được bao nhiêu, toàn cá nhỏ. Tôi cũng tiếc lắm nhưng đành thả về biển thôi.”
  • “Ừ, ông đi cẩn thận đấy. Tôi định kiếm thêm việc làm thêm ở nhà. Thằng Nam sắp cuối cấp rồi, lại bao nhiêu khoản cần lo. Được cái thằng nhà mình nó cũng ngoan, lại chín chắn. Chỉ là nó có vẻ không hoà hợp lắm với bọn cùng lứa.”
  • “Bọn trẻ con mà, tránh sao được. Bà ít mắng nó thôi, cứ để nó thoải mái. Hải nó giống tôi mà, không sợ không có bạn.”

Thằng Hải nghe bố mẹ nó nói chuyện mà nó hạnh phúc lắm. Nó đẩy cửa đi vào, dù có bị mẹ mắng vì ướt quần áo thì nó vẫn cười tươi. Nhưng lúc ở trong phòng, nó úp mặt vào gối mà khóc nức nở. Nó buồn vì sự ra đi đột ngột của Cá, người bạn đã gắn bó với nó suốt ba năm trời. Nó nhớ lại những kỉ niệm cả hai cùng vui đùa trên cát cùng những linh hồn thiên nhiên mà nước mắt cứ chảy ra. Ước gì, nó có thể làm gì đó cho cá thì tốt biết mấy.

  • “Hãy mạnh mẽ lên nhé…”

Những lời cuối cùng của Cá như vang lên trong đầu thằng Hải. Nghĩ thế nào, nó lấy tay tát mình một cái.

  • Mày không được như thế.” Hải tự nhủ.

Rồi nó lấy tay gạt nước mắt, nhìn ra cửa sổ hướng về phía biển, nói khẽ:

  • “Tạm biệt nhé Cá! Tớ sẽ không quên cậu đâu!”

———

Khi bố nó ra khơi được một tháng thì có tin báo về. Đoàn của bố nó gặp bão lớn ngoài khơi xa nhưng may mắn là không có ai bị thương hay mất tích. Người trong xóm đồn ầm lên rằng trong cơn bão ấy, có một cái bóng mờ mờ hình con cá lớn bay lơ lửng trên đầu con thuyền, giữa những tầng mây. Kì tích đã xảy ra, con thuyền lướt đi như bay trên biển động mà không bị sóng đánh chìm dù gió có thổi, mưa có to như thế nào đi chăng nữa. Chỉ có ông Bình và thằng Hải biết được sự thật đằng sau đó.

40 năm sau…

Hòn đảo nơi thằng Hải lớn lên đã trở thành một xã đảo sầm uất. Với bờ biển và bãi đá còn giữ được vẻ hoang sơ, cùng hệ thống xử lí chất thải hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường, hòn đảo là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu cả nước. Thằng Hải hiện là ông chủ tịch xã, quản lý mọi công việc ở đảo.

Khi mặt trời vừa buông xuống và mặt trăng bắt đầu lên cao, thằng Hải lại dạo  bước trên bãi cát, nó bồi hồi nhớ về những kỉ niệm ngày xưa.

Mấy đốm sáng thi nhau chen chúc trên mặt biển và gió thổi nhẹ qua mái tóc đã bạc đi nhiều của nó. Nhìn chúng ca hát vui vẻ mà lòng nó cũng vui theo.

Bất chợt, từ đằng xa, một tiếng ngân quen thuộc bỗng vang lên:

  • “Tu…u…u”

Thằng Hải cười rạng rỡ, nét trẻ con hiện về trên khuôn mặt người lớn của nó. Nó hướng về nơi ấy, hét to:

  • “Chào Cá nhé!”

 

Tác giả Huyền Lam

Truyện ngắn Cá lớn đại dương Huyền Lam Cá lớn biển Đông
Truyện ngắn Cá lớn đại dương Huyền Lam, truyện ngắn viết về môi trường, tự nhiên – Văn học trẻ. Ảnh từ Pinterest

Huyền Lam, cô gái trẻ tuổi nhất trong nhóm tác giả, dễ khiến người ta định dạng văn chương mà Huyền Lam viết ra có chút lãng mạn, non nớt. Song, những gì mà Huyền Lam thể hiện, dù hẵng còn ít ỏi, nhưng đã khiến nhiều người nhạc nhiên vì suy nghĩ sâu sắc và góc nhìn mới mẻ, độc đáo của những người trẻ. Ngòi bút của Huyền Lam hướng về cuộc sống thực tại với những góc khuất, bản chất con người, song qua lăng kính của người trẻ, rất dễ lấy lòng bạn đọc và khiến vấn đề trở nên nhẹ nhàng và hấp dẫn hơn rất nhiều. Chiến binh này chắc chắn sẽ trở thành điểm sáng, là tương lai của nền văn học Việt Nam, tôi tin vào điều này.

Tham gia thách đấu truyện ngắn lần này, Huyền Lam mang tới truyện “Cá lớn biển Đông”, “chiến đấu” với các tác giả khác, chiến đấu vì môi trường – vấn đề nhức nhối theo năm tháng của Trái đất và loài vật bằng một cách truyền đạt cực kì sáng tạo.

 

 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close