Bài văn hay THPTNhững bài văn hay

Suy nghĩ về vấn đề đặt ra trong câu thơ: “Tạo hóa trong tay anh/ Nhưng lòng tốt lại ở ngoài thiên hạ”

Trích trong đề thi HSG tỉnh Gia Lai 2021

Trong bài thơ Nghệ nhân Bát Tràng, nhà thơ Hữu Thỉnh viết:

Tạo hóa trong tay anh
Nhưng lòng tốt lại ở ngoài thiên hạ

Là một người ngoài thiên hạ, anh/chị có đồng tình với ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh? Bằng trải nghiệm văn học, hãy chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề trên.

Gợi ý làm bài:

1. Yêu cầu kĩ năng

-Thí sinh biết vận dụng kết hợp các thao tác nghị luận để giải quyết một số vấn đề nghị luận văn học theo yêu cầu của đề ra.

– Có kĩ năng phân tích, tổng hợp và khả năng cảm thụ tác phẩm văn chương.

– Bố cục rõ ràng, cảm nhận sâu sắc, viết văn giàu cảm xúc.

2. Yêu cầu về kiến thức

– Trên cơ sở kiến thức lí luận văn học, thí sinh thể hiện hiểu biết về sáng tác và tiếp nhận văn học, biết chọn dẫn chứng tiêu biểu để làm sáng tỏ vấn đề.

– Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần làm rõ những ý kiến sau:

a. Giải thích ý kiến

– Tạo hóa: Đấng quyền năng sáng tạo ra vạn vật: Tạo hóa trong tay anh: quyền năng, hoạt động sáng tạo của người nghệ sĩ chiếm linh thế giới nghệ thuật

– Thiên hạ: tất cả mọi người trên thế gian.

– Lòng tốt: Sự tử tế, từ tâm của mọi người, sự thấu hiểu của người tiếp nhận đối với những nhọc nhằn gian truân của người sáng tạo nghệ thuật, sự đồng cảm, tri âm, trân trọng của người đọc đối với người nghệ sĩ.

– Quan hệ từ nhưng gợi lên nghịch lí: người nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm nhưng độc giả mới là người quyết định sự sống của tác phẩm; chỉ có “lòng tốt” của độc giả mới có thể khảm phá giá trị tác phẩm. Qua đó bày tỏ niềm khát khao sự đồng cảm, tri âm từ bạn đọc của người sáng tác.

Hai câu thơ của Hữu Thỉnh vừa khẳng định “quyền năng” của người nghệ sĩ vừa đặt ra vấn đề về mối quan hệ đa dạng, phức tạp giữa nhà văn và bạn đọc, giữa sáng tác và tiếp nhận.

b .Lý giải, phân tích

– Vì sao nói “Tạo hóa trong tay anh”?

+ Nghệ sĩ vừa là người sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ sĩ tài năng với sức sáng tạo vô biên, độc đáo có thể nhào nặn, tạo hình cho thế giới đời sống một cách nghệ thuật. Đó là quyền năng của nghệ thuật mà người nghệ sĩ chân chính có thể làm nên.

+ Nhà văn bằng trí tưởng tượng phong phú, óc sáng tạo dồi dào, trái tim mẫn cảm, trí tuệ sắc sảo… tạo nên thế giới nghệ thuật chân thực, sống động, độc đáo, phản ánh tư tưởng, tình cảm, quan niệm của nhà văn về con người và cuộc sống.

+ Mỗi nhà văn bằng năng lực nhận thức, vốn sống, tầm nhìn riêng phát hiện những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội và thông qua thế giới hình tượng, ngôn từ nghệ thuật đem đến cho đối tượng phản ánh một diện mạo, đời sống riêng vừa cụ thể vừa khái quát, vừa quen thuộc vừa mới mẻ. Qua sự sáng tạo của nhà văn, văn học thực hiện chức năng, sứ mệnh của mình: gợi mở ở người đọc những suy tư, chiêm nghiệm vô tận.

– Vì sao “Lòng tốt lại ở ngoài thiên hạ”?

+Hoạt động văn học từ xưa đến nay đều vận hành qua các khâu hiện thực – nhà văn – tác phẩm – bạn đọc. Tác phẩm chỉ có thể có đời sống riêng, tham gia vào thế giới tinh thần của công chúng, biến thành một yếu tố trong đời sống ý thức xã hội khi được người đọc tiếp nhận. Qua tiếp nhận, nhờ tri giác, cắt nghĩa, liên tưởng, tưởng tượng của người đọc mà tác phẩm trở nên sống động, đầy đặn, hoàn chỉnh.

+ Hoạt động chiếm lĩnh các giá trị tư tưởng, thẩm mĩ của các tác phẩm văn học bắt đầu bằng sự cảm thụ văn bản ngôn từ, hình tượng nghệ thuật, tư tưởng, quan niệm, cảm hứng, tài nghệ của tác giả… cho đế sản phẩm sau khi đọc (cách hiểu, ấn tượng trong trí nhớ…) vì thế người đọc có thể thu hẹp hoặc làm phong phú thêm cho tác phẩm bằng những sự cảm thụ và đánh giá riêng của mình.

+ Sự sống của tác phẩm phụ thuộc vào “Lòng tốt ở ngoài thiên hạ” nên người đọc phải tham gia vào thế giới nghệ thuật với tất cả trái tim, khối óc, nhân cách, sức sáng tạo,…để hiểu những nhọc nhằn, gian truân của người nghệ sĩ trong hoạt động, sáng tạo, để lĩnh hỗi những giá trị tư tưởng, thẩm mĩ của tác phẩm, đồng cảm tri âm và đồng sáng tạo với tác giả.

+ “Lòng tốt” trong tiếp nhận nghệ thuật không dễ có. Đôi  khi người ta nhìn nhận, đánh giá quá trình lao động của nhà văn và giá trị tác phẩm một cách hời hợt, vô tâm, thiếu công bằng vì thiếu sót một “lòng tốt”đầy đủ nên người nghệ sĩ càng cô đơn và luôn khao khát sự thấu hiểu, đồng cảm. Đó cũng là bi kịch của nhiều nghệ sĩ lớn trong nền văn học của nhân loại.

c. Chứng minh

– Thí sinh chọn dẫn chứng toàn diện, tiêu biểu.

– Biết phân tích dẫn chứng sát với vấn đề nghị luận.

d. Bàn luận, mở rộng vấn đề

– Hai câu thơ của Hữu Thỉnh khẳng định khả năng sáng tạo vô biên của người nghệ sĩ đồng thời ẩn chứa suy tư, trăn trở và khát khao của người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật.

– Vì sao nhà văn luôn khát khao sự đồng cảm, tri âm và thấu hiểu trong sáng tạo nghệ thuật? Vì nhà văn không chỉ viết cho riêng mình mà còn viết cho người, cho đời. Khi tiếng nói ấy cất lên không có sự sáng tạo và một lần nữa trong thế giới nghệ thuật mà anh tạo ra.

– Nhà văn dựa vào điều gì để sáng tạo nghệ thuật khi “lòng tốt ở ngoài thiên hạ” xa xỉ, hiếm hoi?

+ Sáng tạo mang tính tự thân dâng hiến nên trước hết nhà văn phải có tình yêu, lòng đam mê nghệ thuật và niềm tin vào chính mình; mỗi tác phẩm ra đời phải là kết tinh của trí tuệ, tư tưởng và tình cảm, phải chạm đến những giá trị nhân văn phổ quát, vĩnh hằng.

+ Nhà văn phải can trường, bản lĩnh để vượt qua sự bạc bẽo của lòng người, giữa ngọn lửa nhiệt thành cháy sáng, không nguội tắt trước những biến động của đời và của người.

+ Nhà văn phải có quan niệm nghệ thuật và lí tưởng sáng tạo cao cả, không tầm thường thực dụng chạy theo “lòng tốt” nhất thời, sẽ sáng mãi với thời gian.

– Yêu cầu đối với người đọc khi đến với văn chương

+ Phải tạo dựng cho mình một “lòng tốt” tức là phải có tư tưởng, tình cảm nhân văn, tiến bộ, phải có năng lực phân tích, đánh giá, phải biết giải mã hệ thống kí hiệu để thâm nhập được vào thế giới tư tưởng, tình cảm của nhà văn.

+Phải biết liên tưởng, kết hợp thế giới tình cảm ấy với những trải nghiệm trong đời sống cá nhân để đi sâu vào chiêm nghiệm thế giới tinh thần bên trong tác phẩm, để đồng cảm hoặc thanh lọc, để trở thành người đồng sáng tạo với tác giả.

Tạo hóa trong tay anh nhưng lòng tốt ở ngoài thiên hạ Suy nghĩ về vấn đề đặt ra trong câu thơ: “Tạo hóa trong tay anh/ Nhưng lòng tốt lại ở ngoài thiên hạ”
Tạo hóa trong tay anh nhưng lòng tốt ở ngoài thiên hạ – Suy nghĩ về ý kiến trên của Hữu Thỉnh

Bài mẫu Tạo hóa trong tay anh – Nhưng lòng tốt lại ở ngoài thiên hạ

Nhà thơ Hữu Thỉnh có bài thơ Sang thu rất nổi tiếng, không chỉ bởi những chuyển biến mùa tinh tế được tác giả nắm bắt mà còn bởi những triết lí về đời người  rất sâu sắc “Sấm đã thôi bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi”. Ông từng tự bạch: “Tôi rất tin: thơ là kinh nghiệm sống“. Qua những vần thơ của ông trong tập thơ mới nhất “Ghi chú sau mây” (2020) trong đó có bài “Thợ gốm bát Tràng“, ông đã bày tỏ quan điểm về văn chương và số phận của tác phẩm văn học:

Tạo hóa trong tay anh 

Nhưng lòng tốt lại ở ngoài thiên hạ

Thơ Hữu Thỉnh luôn cấp cho người đọc những thông điệp mới trong những câu thơ của mình. Hình ảnh người thợ gốm nhào nặn ra bình gốm, tô vẽ những hình thù giống như đấng tạo hóa – đấng quyền năng sáng tạo ra vạn vật. Tạo hóa trong tay anh: quyền năng, hoạt động sáng tạo của người nghệ sĩ chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật. Nếu văn chương là một thế giới sống động của con chữ, với những nhân vật được tạo dựng và ban cho họ hình hài, tính cách, số phận riêng. Mỗi người nghệ sĩ miệt mài tu sửa, gom nhặt chất liệu để tạo ra sản phẩm có giá trị cao nhất đến người sử dụng, người đọc. Người thợ gốm tạo ra đồ vật, không chỉ để sử dụng như một công cụ ăn cơm, uống nước thông thường mà còn khiến người ta ăn cũng cảm thấy ngon hơn, hoa cắm cũng cảm thấy đẹp hơn. Nhà văn bằng trí tưởng tượng phong phú, óc sáng tạo dồi dào, trái tim mẫn cảm, trí tuệ sắc sảo… tạo nên thế giới nghệ thuật chân thực, sống động, độc đáo, phản ánh tư tưởng, tình cảm, quan niệm của nhà văn về con người và cuộc sống. Người thợ gốm từ người thợ đi tới nghệ nhân bằng sự khéo léo tay nghề, am hiểu chất liệu, nhiệt độ lửa nung, nét vẽ sống động…Còn nhà văn bằng năng lực nhận thức, vốn sống, tầm nhìn riêng phát hiện những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội và thông qua thế giới hình tượng, ngôn từ nghệ thuật đem đến cho đối tượng phản ánh một diện mạo, đời sống riêng vừa cụ thể vừa khái quát, vừa quen thuộc vừa mới mẻ. Qua sự sáng tạo của nhà văn, văn học thực hiện chức năng, sứ mệnh của mình: gợi mở ở người đọc những suy tư, chiêm nghiệm vô tận.

Với tinh thần ấy, dù là nghệ nhân hay nhà văn đều là những con người tài hoa, mang tới cho đời những tác phẩm đẹp đẽ, có ý nghĩa. Nhưng Hữu Thỉnh cũng nhắc đến “Nhưng lòng tốt ở ngoài thiên hạ”.

Thiên hạ là tất cả mọi người trên thế gian, ở đây ám chỉ người sử dụng, bạn đọc.

Xưa nay, ta cứ luôn nghĩ lòng tốt là sự tử tế trong hành động, lòng tốt là làm việc thiện, lòng tốt là sự ban ơn mà không cần suy tính. Ấy vậy mà khi đọc tới câu thơ này ta mới nhớ đến lòng tốt trong văn chương. Nhờ lòng tốt mà thế giới này hòa bình, tươi đẹp, vậy còn thế giới sống của những tác phẩm văn chương thì sao? Đó là đứa con không được tạo ra bằng máu thịt nhưng lại được nuôi nấng bằng tình yêu, quý trọng và tâm hồn. Lòng tốt ở đây muốn nói tới từ tâm của mọi người, sự thấu hiểu của người tiếp nhận đối với những nhọc nhằn gian truân của người sáng tạo nghệ thuật, sự đồng cảm, tri âm, trân trọng của người đọc đối với người nghệ sĩ. Lòng tốt của độc giả sẽ giúp những tác phẩm ấy sống mãi, phát triển tươi tốt còn không nó chỉ có thể chết yểu.

Quan hệ từ nhưng gợi lên nghịch lí: người nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm nhưng độc giả mới là người quyết định sự sống của tác phẩm; chỉ có “lòng tốt” của độc giả mới có thể khảm phá giá trị tác phẩm. Qua đó bày tỏ niềm khát khao sự đồng cảm, tri âm từ bạn đọc của người sáng tác. Hai câu thơ của Hữu Thỉnh vừa khẳng định “quyền năng” của người nghệ sĩ vừa đặt ra vấn đề về mối quan hệ đa dạng, phức tạp giữa nhà văn và bạn đọc, giữa sáng tác và tiếp nhận.

Hoạt động văn học từ xưa đến nay đều vận hành qua các khâu hiện thực – nhà văn – tác phẩm – bạn đọc. Tác phẩm chỉ có thể có đời sống riêng, tham gia vào thế giới tinh thần của công chúng, biến thành một yếu tố trong đời sống ý thức xã hội khi được người đọc tiếp nhận. Qua tiếp nhận, nhờ tri giác, cắt nghĩa, liên tưởng, tưởng tượng của người đọc mà tác phẩm trở nên sống động, đầy đặn, hoàn chỉnh. Hoạt động chiếm lĩnh các giá trị tư tưởng, thẩm mĩ của các tác phẩm văn học bắt đầu bằng sự cảm thụ văn bản ngôn từ, hình tượng nghệ thuật, tư tưởng, quan niệm, cảm hứng, tài nghệ của tác giả… cho đế sản phẩm sau khi đọc (cách hiểu, ấn tượng trong trí nhớ…) vì thế người đọc có thể thu hẹp hoặc làm phong phú thêm cho tác phẩm bằng những sự cảm thụ và đánh giá riêng của mình. Sự sống của tác phẩm phụ thuộc vào “Lòng tốt ở ngoài thiên hạ” nên người đọc phải tham gia vào thế giới nghệ thuật với tất cả trái tim, khối óc, nhân cách, sức sáng tạo,…để hiểu những nhọc nhằn, gian truân của người nghệ sĩ trong hoạt động, sáng tạo, để lĩnh hỗi những giá trị tư tưởng, thẩm mĩ của tác phẩm, đồng cảm tri âm và đồng sáng tạo với tác giả. “Lòng tốt” trong tiếp nhận nghệ thuật không dễ có. Đôi  khi người ta nhìn nhận, đánh giá quá trình lao động của nhà văn và giá trị tác phẩm một cách hời hợt, vô tâm, thiếu công bằng vì thiếu sót một “lòng tốt”đầy đủ nên người nghệ sĩ càng cô đơn và luôn khao khát sự thấu hiểu, đồng cảm. Đó cũng là bi kịch của nhiều  nghệ sĩ lớn trong nền văn học của nhân loại.

Những câu ca dao, tục ngữ của người dân lao động xưa là minh chứng rõ nhất của việc tiếp nhận văn học trong “thiên hạ”. Lời nói, tình cảm của người nhân dân được truyền miệng, sống mãi qua ngàn năm mà không cần một sách vở nào ghi lại. Nếu không có sự tiếp nhận là lưu truyền ấy thì một thời đại đã biến mất  khỏi tâm trí chúng ta. Giờ đây, cao dao vẫn đi vào trong lòng mỗi người, hát câu ca dao ru con ngủ, đưa ca dao vào trong tư liệu sáng tác, chắc hẳn những lời ca ấy sẽ còn vượt qua tháng năm theo chiều dọc lịch sử phát triển của đất nước Việt Nam ta.

Trong lịch sử văn học đến tác phẩm rất nổi tiếng, thậm chí làm nên thương hiệu Nam Cao đó là Chí Phèo, viết năm 1941, mang tên Cái lò gạch cũ, cũng suýt bị bỏ quên trong bồ rác của Nhà xuất bản Đời Mới, may được Vũ Bằng moi ra, đọc từ dòng đầu đã thấy lạ, liền đọc luôn một hơi, rồi quyết định cho đưa nhà in, với cái tên mới là Đôi lứa xứng đôi, kèm một lời tựa của Lê Văn Trương; một lời tựa rất ngắn mà nói rất hay, rất trúng đặc sắc của tác giả. Nếu không có sự từ tâm, tiếp nhận một tác giả mới chưa có tên tuổi, chỉ thưởng thức tác phẩm giống như một tác phẩm mà không cần nhìn tên tuổi người viết là ai, thì sao có Nam Cao, sao có những bài viết xuất sắc tới hậu thế. Và nếu không được công chúng đón nhận, bàn luận sôi nổi về Chí Phèo, khám phá ý nghĩa bát cháo hành trong đời Chí thì mối tình Thị Nở – Chí Phèo liệu có trường tồn?

Hai câu thơ của Hữu Thỉnh khẳng định khả năng sáng tạo vô biên của người nghệ sĩ đồng thời ẩn chứa suy tư, trăn trở và khát khao của người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật. Vì sao nhà văn luôn khát khao sự đồng cảm, tri âm và thấu hiểu trong sáng tạo nghệ thuật? Vì nhà văn không chỉ viết cho riêng mình mà còn viết cho người, cho đời. Nếu chỉ khư khư giữ cho riêng mình, thì tác phẩm ấy chỉ sống một đời rồi chôn cất theo nhà văn ấy. Thế giới mà nhà văn tạo ra là mô phỏng cuộc sống đời thực, chia sẻ sự sáng tạo của mình tới tất cả mọi người không chỉ đơn giản là thỏa mãn hư vinh cá nhân khi nhận lại những lời khen mà còn để giao lưu, giúp bản thân chính tác giả tiến bộ và để tác phẩm ấy sống mãi trong lòng bạn đọc.

Ngày nay, khi những bạn trẻ ngày càng thích những video giải trí hơn là tác phẩm văn học, thích trưng diện sống ảo trên mạng xã hội hơn là vùi mình trong thế giới văn chương thì lòng tốt ở ngoài thiên hạ ngày càng xa xỉ, hiếm hoi. Thậm chí, đọc xong một bài thơ, bài văn người ta liền vứt một bên mà lười suy nghĩ xem bài văn bài thơ ấy hay ở đâu, truyền tải điều gì, tác giả muốn nhắn nhủ điều gì đến bạn đọc.

Giữa vô vàn những cạnh tranh với cả tác phẩm văn học khác và cạnh tranh với cả những thú vui giải trí ngoài kia càng đặt ra nhiệm vụ nan giải hơn với người nghệ sĩ. Đầu tiên sáng tạo mang tính tự thân dâng hiến nên trước hết nhà văn phải có tình yêu, lòng đam mê nghệ thuật và niềm tin vào chính mình; mỗi tác phẩm ra đời phải là kết tinh của trí tuệ, tư tưởng và tình cảm, phải chạm đến những giá trị nhân văn phổ quát, vĩnh hằng. Nhà văn phải trang bị cho mình tính can trường, bản lĩnh để vượt qua sự bạc bẽo của lòng người, giữa ngọn lửa nhiệt thành cháy sáng, không nguội tắt trước những biến động của đời và của người. Trước hết phải giữ vững quan điểm sáng tác chân chính thay vì chạy theo trào lưu văn học nông cạn, viết về tình yêu hời hợt không đọng lại giá trị nào, chỉ thuần túy để kiếm lượt đọc, đọc xong rồi bị lãng quên mất trong trí óc người đọc. Nhà văn phải có quan niệm nghệ thuật và lí tưởng sáng tạo cao cả, không tầm thường thực dụng chạy theo “lòng tốt” nhất thời, sẽ sáng mãi với thời gian.

Chính mỗi chúng ta cũng phải tạo dựng cho mình một “lòng tốt” tức là phải có tư tưởng, tình cảm nhân văn, tiến bộ, phải có năng lực phân tích, đánh giá, phải biết giải mã hệ thống kí hiệu để thâm nhập được vào thế giới tư tưởng, tình cảm của nhà văn. Phải biết liên tưởng, kết hợp thế giới tình cảm ấy với những trải nghiệm trong đời sống cá nhân để đi sâu vào chiêm nghiệm thế giới tinh thần bên trong tác phẩm, để đồng cảm hoặc thanh lọc, để trở thành người đồng sáng tạo với tác giả.

Nhiều bạn đọc cũng là tác giả, khi đọc tác phẩm của “đồng nghiệp” thường cất lời chê bai nhau, không cố gắng tìm hiểu những sáng tạo của nhau, hoặc đọc xong rồi âm thầm rời đi không để lại chút động viên, góp ý hoặc khen ngợi. Đó cũng là điều không mấy “hảo ý”. Hãy trân trọng tác phẩm của người khác như lòng mong muốn được người khác trân trọng tác phẩm của mình vậy.

Hữu Thỉnh, bằng chiêm nghiệm cuộc đời nhà thơ của mình đã thể hiện quan niệm rất hay về sáng tạo – tiếp nhận. Trong bàn tay đó là của riêng nhà văn, trong thiên hạ nó trở thành món hàng “trong thiên hạ”. Người yêu mến trân trọng thì nâng niu như bảo vật, người không thích thì buông lời chê bai, đồ tốt thì nhiều người mua, đồ dở thì dễ bị quên lãng trong xó xỉnh. Tác giả hãy bằng tài năng và quan điểm chân chính để hết mình vì văn chương còn người đọc, hãy rộng lòng đón nhận cả những tác giả tác phẩm mới để có những Nam Cao, Nguyên Hồng, Hữu Thỉnh thứ hai được ra đời. Nghề văn bạc lắm nhưng cũng là nghề đem lại nhiều sự giao lưu, tìm được tiếng nói tri âm, tri kỉ, đáng trân trọng trên thế gian này.

Phong Cầm

Bài viết của Văn học trẻ

Tạo hóa trong tay anh/ Nhưng lòng tốt lại ở ngoài thiên hạ

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close