TRUYỆN NGẮN

“Kim Đồng” Tô Hoài chương 3

" Kim Đồng" Của nhà văn Tô Hoài là câu chuyện cảm động về một trong những đội viên đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh Nông Văn Dền - anh Kim Đồng. Văn học trẻ xin giới thiệu tới các bạn đọc

iữa tháng, có một toán lính đi tuần qua làng. Mọi khi, đầu tháng mới có lính đi qua. Đúng là trời đất nóng. Nóng đến tận chỗ tay cầm rồi.Không phải dõng. Tốp lính cơ cẩn thận. Đầu nón, chân xà cạp đi đất. Vai vác súng. Cả bọn bước một dãy con kiến sau đuôi ngựa quan châu.

Bọn ấy vừa qua một lúc, có tốp khác đến, tốp này dài hơn, cũng đi hàng con kiến, thắt lưng đóng khố lục. Giữa bọn, bước thong thả con ngựa, trên lưng ngựa, quan hai Tây đồn Sóc Giang ngồi chễm chệ. Cái mũ hùm hụp kín gáy, sụp ngang mặt, chỉ thấy bộ ria vểnh. Khẩu súng lục to bằng bắp chuối trễ bên thắt lưng.
Chưa khi nào thấy quan châu và quan hai đi tuần cùng một ngày như thế. Hai bọn đều từ Hòa Mục lên, qua Nà Mạ, lên nữa. Nhưng không thấy quay lại. Dễ mà quan quân vòng về châu đi đằng Nà Sác hay tạt sang Kéo Yên. Không phải đi tuần. Có lẽ đi dò đường. Thấy khác đấy.
Mấy hôm sau, có lệnh bắt phu. Lính vào các xóm. Nhưng xã đoàn đến, nhiều người chạy ra núi. Anh cũng phải trốn ra ở núi. Người ta canh cho nhau trốn đi phu.
Mấy hôm, chẳng có lính đến nữa. Hai anh em Dền lại đi tra ngô ngoài nương.
Anh bổ hố. Em tra hạt. Đã được nửa vạt nương. Trong xóm, tiếng chó sủa ẳng ẳng. Cả tiếng gà táo tác như gà phải cáo ban ngày. Dền ngó về xóm, hỏi anh:
– Đồn lại xuống bắt phu, phải không?
Anh nói:
– Tao về nghe xem sao.
Dền can:
– Về thì nó bắt đấy.
Nhưng anh nói:
– Việc tao phải về.
Anh đi rồi, Dền tra nốt mấy hố ngô rồi buộc con bò vào gốc vối, cũng chạy về. Vừa tới đầu xóm, thấy châu đoàn Nã đoàn dẫn một đám người ra. Cả anh đi trong ấy. Thì ra, anh mới đến chỗ đầu nương, đã đụng phải thằng lính. Thế là nó tóm anh.
Nhiều bà chạy theo, kêu khóc. Châu đoàn nói:
– Các quan đem phu đi làm bốt đầu làng, chiều về thôi. Còn khóc nữa, quan đem lên châu giam cho mà được khóc nhiều.
Thì ra, dạo nọ quân quan thăm đường đất để làm bốt gác các đầu làng.
Giữa đường, từ Hòa Mục lên, cái bốt đã lù lù. Người Nà Giàng lên làm bốt ấy. Phu Nà Mạ thì làm bốt Bó Bẩm trên cửa suối Pác Bó, mỗi nhà phải giam ra một người, bất kể ai. Lại bắt phu nữa.
Dền đã về nhà, ngồi dưới gầm sàn, giữ đàn vịt. Cả xóm nháo lên như chợ vỡ.
Một lính nhò đầu lên nhà Dền, đập cái roi, gọi to:
– Người nhà này đâu!
Mẹ Dền đứng dậy:
– Bẩm ông thương cho, chân tôi đau.
– Đau chân thì phải bỏ đây đồng bạc.
Không có thì phải đi làm bốt.
– Con tôi đi lúc nãy rồi.
– Đi nữa!
Dền trèo lên bậc thang, thình lình đến đằng sau vỗ vào thắt lưng lính. Người lính giật nảy mình, giật cả nón, hốt hoảng nhảy xuống, giơ roi. Dền đứng yên, chắp tay, lễ phép:
– Thưa quan, tôi đi phu cho mẹ tôi…
Người lính không dám đánh và không biết nghĩ thế nào, đẩy thằng bé đi.
Thế là Dền phải đi phu làm bốt. Dền đi, nắm hai bàn tay, như hai quả đấm, như sắp đánh nhau. Hôm nay Thàn mà ở nhà cùng đi thì hăng lắm đây. Có khi được đánh nhau với lính, đánh nhau thật. Nhưng Thàn đã lên núi vác cây dó từ sớm.
Dền ra chỗ đường cái, thấy nhiều người đã phải điệu đến đấy. Có trẻ con, cũng có cả bà già như mẹ mình. Nó bắt hết cả làng đi phu rồi.
Bốt làng Nà Mạ dựng ngay đấy. Đám phu vét trong làng phải ra làm thêm bốt này. Cái chòi cho lính đứng, cho dõng gác, khi chúng nó đi canh đường qua.
Một đám người xuống suối, vác lên những tảng đá, dựng lên làm tường kín ba phía. Tốp khác vào xóm chặt tre. Khó nhọc nhất là những người bị sai đi dỡ những mái ngói lợp quanh nhà, ngói mái cửa. Lính trỏ roi vào đâu thì phu đến đấy dỡ ngói đem ra. Người ta chửi, xô lại. Không dỡ được. Châu đoàn lại thúc lính húc vào. Người chạy, người vác, tiếng quát với roi lính hoa lên vun vút.
Dền chúi vào đám người đương ngoi ngóp vác đá dưới suối. Nhưng Dền lẩy bẩy, nhấc được hòn đá lên, hai ống chân chệnh choạng. Một lúc vẫn chưa lê được một hòn. Một bác đến đỡ vai cho Dền. Dền tựa vào bác ấy, đi lên. Lính đứng trên bờ, dứ roi, sừng sộ:
– Chúng mày đi rước đá à?
Bác vác hộ nói:
– Đá to thế này nó chưa vác nổi đâu.
Người lính thưa với cai:
– Cho thằng cóc con này đun nước.
Cai không nói, chỉ quất vào đít Dền một roi. Thế là nó làm hiệu bằng lòng. Lính lôi Dền đến bên gốc vối. Thùng nước đương khói um. Hai người ngồi chổng vộc, thổi bếp, mù mịt. Mặt thùng nước quẩn khói mà vẫn lạnh tanh.
Lính quát:
– Hai thằng đun một thùng nước không nên! Vào dỡ ngói!
Hai người nhổm lên, cung cúc chạy. Lính quất roi đuổi hụt. Nó quay lại, ấn Dền xuống:
– Thổi bếp đi! Thổi đi!
Và như còn tức vì đánh hụt hai người kia, mỗi tiếng “thổi đi”, nó thụi Dền một quả rồi lẩm bẩm: “Đến hết buổi mà không có nước uống thì ông chôn sống mày”.
Quá trưa, Dền về nhà. Dền lảo đảo bước lên sàn. Hai tay đen như nắm than. Mặt nhọ tịt mít, chỉ còn trắng hai con mắt.
Mẹ hỏi to:
– Con ơi! Con có phải nó đánh nhiều không?
Dền cười, vẻ tự nhiên:
– Chẳng sao cả, mẹ ạ. Anh về chưa?
Lúc ấy, dưới sàn có tiếng nói lên:
– Anh về rồi.
Dền chạy xuống, thấy anh đương ung dung đứng cho vịt ăn. ở đâu về, anh bắt được một xâu dế. Trông anh bình thường. Nhưng nhìn cái đầu tóc còn nước chảy ròng xuống mặt, Dền đoán anh mới tắm suối. Chắc lúc nãy anh cũng nhọ nhem như mình thôi.
Dền hỏi:
– Nó bắt anh đi làm bốt tận đâu?
– Trên Bó Bẩm.
– Xong chưa?
– Chưa xong cũng trốn cả rồi.
Anh cười. Rồi anh cởi khuy áo cho em:
– Xuống suối tắm đi.
Dền chưa xuống suối. Dền móc con dao rừng của anh treo ở đầu vách. Anh hỏi:
– Lấy dao làm gì?
Dền trỏ vào cột sàn:
– Em khắc vào đây.
Rồi Dền hí hoáy vạch một dấu dài vào cột. Dền nói:
– Thằng lính lấy cái bu vịt, chém cái dấu chỗ này. Thằng lính bắt bố đi cho cướp đánh chết ở chợ Sóc, em chém chỗ này. Hôm nay, thằng lính đánh em, em chém cái dấu chỗ này. Chém thế để nhớ, anh ạ.
Anh nhìn em, mắt đăm đắm. Em đã nên đứa trẻ biết nghĩ. Anh nghĩ: mai kia, em lớn, em sẽ vào đội tự vệ cứu quốc như các anh. Em biết không, bây giờ làng nào cũng có đội tự vệ, có hội đánh Tây. Mai kia, em lớn, em sẽ biết.
Dền đã mang máng biết rồi. Anh vẫn tưởng Dền chưa biết. Dền đương muốn rình cho biết.
Trời tối nay lại trăng. Ngoài đấu xóm, tiếng trẻ con cười như có một trăm con nắc nẻ cùng kêu. Thằng Tinh khập khiễng chân mà khỏe cười thế. Tiếng nó hô hố to nhất. Quên đi những khó nhọc, những bực dọc ban ngày. Tưởng như cái làng bình yên trong bóng núi, bây giờ có ông trăng hiền hậu nhìn xuống.
Nhưng Dền không chơi trăng đêm nay. Và cả Thàn nữa. Hai đứa đương ẩn cạnh mô đá ở lối vào ngõ. Ngồi im, ngồi im đến nỗi mấy con vịt về chuồng muộn, gọi nhau kíu kíu, chân bước lạch bạch trong bùn, đi qua mà không biết trong ấy có người nấp.
Lát sau, tiếng động sàn cạch cạch. Dền bấm Thàn. Hai đứa nhìn ra. Anh Bát Ngư vẫn bước xuống sau, như hôm nọ. Anh chui vào phía trong chỗ bò đứng. Dền lại kéo áo Thàn. Thật như Dền đã đoán lúc nãy: thế nào anh cũng vào gầm sàn lấy cái súng đẽo bằng gỗ “xưa”. Hôm trước, chơi ở gầm sàn, Dền đã lục thấy.
Đầu khẩu súng giả đã nghênh ra, anh cầm chúc xuống, như người cầm cái sào đi làm cỏ tháng bảy. Anh bước sau anh Bát Ngư, qua mấy nhà đầu xóm, ra ngoài. Đám trẻ đùa, đã nghe vẳng đằng kia. Các anh không đi qua đấy. Các anh lặn vào bóng tối gốc cây gạo rồi men sườn đá, lên núi.
Kim Đồng hoạt động cách mạng “Kim Đồng” Tô Hoài chương 3
một trong những đội viên đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh – anh Kim Đồng.
Không biết Dền và Thàn đi theo từ nãy. Hai đứa đi hệt các anh. Cũng núp bóng cây gạo rồi sườn đá lên. Hai anh lùi lũi đi, miên man như bóng tối. Không biết gì phía đằng sau.
Đến quãng rừng trám, trăng sáng loáng thoáng, ai đi cũng thấy rõ. Dền và Thàn phải ngồi đợi hai anh bước xa hơn rồi mới nhỏm lên. Cứ thế, suốt quãng đá ấy rồi qua rừng mai, nghe gió đẩy lá mai ram ráp, xào xạc. Có lần Dền theo người lớn đi tìm trâu, đã biết đường này. Đàng trước, sẽ đến một bãi đá rồi khoảng cỏ bằng phẳng. Đàn trâu các nhà, khi thong thả hết mùa cày, hay lên nằm ngơi ở đây hàng tháng.
Phía bãi đá nghe tiếng xì xào. Dền và Thàn đứng lại. Các anh cũng đứng lại.
Nhưng có thấy ai đâu. Mãi sau nhận ra mấy bóng đen nhấp nhô trên các tảng đá quanh đấy đều là người ngồi. ánh trăng tỏ, thấy rõ đến hơn mười người đương chụm lại. Mỗi lúc lại nhìn thêm ra người đã đến. Họ đứng dậy mới biết. Ai cũng có cái súng hay cái gậy hình như đầu nhọn nhô lên.
Dền nghe lạt xạt đằng sau. Nhưng không phải người. Con cầy hương ra ăn sớm. Tuy vậy, cũng làm Dền nhớ ra: có thể có người đến nữa. Dền và Thàn trèo tót lên một cành dâu da. Trên cây, trông thông thống trước mặt. Trăng tròn xoe mỗi lúc một trong như lọc. Gió đuổi những ngôi sao bay vùn vụt. Dền chăm chú nhìn ra chỗ có người bí mật.
Thêm mấy người nữa từ phía rừng đến. Quang cảnh bỗng chốc thấy lạ lùng. Những bóng đen, phút chặp lại, phút tỏa ra, lom khom rồi đứng thẳng, khi trèo, khi nấp. Thàn nắm áo Dền. Thàn sợ. Thàn nhìn ra cái gì nhảy nhảy, không phải người. Con ma. Dền ghé tai Thàn, khẽ nói:
– Tập trận đấy. Thàn nhớ rồi.
Chỗ kia, một đám nữa, bóng lổm ngổm bò rồi đứng, bò rồi đứng, lúc lúc một gần lại gốc dâu da. Hai đứa bám chặt cành cây, im thít. Dền muốn co mình lại nữa. Hơi đụng tay cũng sợ ra ánh trăng người dưới nhìn thấy. Nhưng sợ thế thôi. Đám người đã quay lại, lại bò, lại chạy về đằng kia.
Không rõ mặt, chỉ là những cái bóng. Thế mà Dền và Thàn xem không chán mắt. Bởi hai cậu bé hiểu. Các cậu ấy đoán các anh đương tập bắn, tập đánh nhau – để đánh cướp, đánh Tây. Đêm trăng như đêm nay, các làng lên rừng tập trận. Tưởng tượng ra thấy mọi nơi đông lắm ở khắp các làng châu Hà Quảng.
Nhưng hội này chỉ có người lớn, hội của người lớn. Nhưng chỉ tập như thế thì trẻ con cũng biết. Cả một ngày, Dền đã phải đun bếp, lính đá vào đít, thế thì Dền chẳng khác người lớn. Tối mai chúng mình cũng tập bắn súng đánh nhau thế này. Làm ngay ở đầu xóm, chẳng sợ ai. Hội trẻ con sẽ to hơn hội người lớn cơ.
Hai cậu bé ngồi trên cây dâu da đến khuya. Các anh thôi tập đã lâu, nhưng ngồi cả lại quanh tảng đá. Đầu tiên, không biết các anh làm gì, sau, có lúc thoảng nghe nói to, biết đương bàn chuyện. Chẳng có gì xem nữa mà vẫn phải bám cành cây, không dám leo xuống.
Trong ánh trăng có sương, ngồi cây lâu quá, mềm cả tóc và ướt hai vai áo.
Một lát, những bóng đen dưới bãi trước mặt bỗng đứng thẳng tắp. Như theo một lệnh. Rồi đi. Nhưng không đi tản ra. Các anh về một phía, qua ngay gốc cây dâu da. Mùi chàm áo lẫn mồ hôi, bốc lên, hăng hắc. Trông rõ mồn một. Lá cây dâu da thưa thoáng mà trăng thì cứ sáng trơ ra. Dền lại sợ các anh ngước lên. Hai đứa nép chặt vào cây – như con tắc kè trốn lẫn mình vào bóng tối.
Các anh đi hết, hai đứa mới rón rén leo xuống. Tất cả trườn xuống sườn đá, lối lên lúc nãy. Nhưng lúc này, từng hòn đá ướt nhãy. Có lúc Dền trượt chân, ngã oạch một cái. Cứ nằm yên thế, các anh đi một đỗi, mới lúc cúc đuổi theo.
" Kim Đồng" Tham gia Cách mạng “Kim Đồng” Tô Hoài chương 3
Kim Đồng tên thật là Dền, một cậu bé mười ba tuổi người Nùng.
Mà sao không ai về trong xóm. Có lẽ những người ở xóm khác, tận Hòa Mục, Đạo Ngạn cũng nên. Thế thì anh Bát Ngư và anh mình tối nay đi ngủ theo bạn à. Hai đứa vừa đi vừa băn khoăn. Nhưng cũng cứ theo. Dưới kia, làng xóm đã yên tĩnh trong làn sương trăng nhạt. Tiếng trẻ con chặp tối reo hò ngoài đầu xóm đã tan từ bao giờ. Lắng im, chỉ nghe tiếng suối rào rào đẩy những cánh cối quay suông, chốc lại đổ nước xuống kêu ùm một cái. Đương mùa đói, tiếng chày giã buông không ngửi thấy hơi gạo. Rồi lặng thăm thẳm.
Họ đi cả về phía Nà Kéo. Xuống chỗ chòi canh mới dựng. Đã thấy cái chòi nhô nghênh lên giữa đường. Canh gác chắc. Lẽ nào! Hội đánh cướp, đánh quan mà lại làm lính canh gác?
Những cái bóng chạy quanh vào chòi canh. Rồi, kỳ lạ, cái chòi sụp ngay xuống. Người người hì hục khuân từng tảng đá ném xuống suối. Có những anh xếp ngói, các thứ nữa, xếp từng đống. Nghe ngói xô lạch cạch thì biết. Một thoáng, không còn bóng cái chòi đâu.
Các anh dỡ chòi canh! Thế mà không đoán ra. Mấy lần, Dền và Thàn ngứa chân, toan xô đến. Nhất là Dền, giờ chỉ được ra bê vứt hòn đá xuống suối hay vác cái cột tre đi, cũng sướng, cũng bõ cái tức phải cong cổ thổi bếp đun nước cho lính uống. Lại còn bị cai cơ đá mấy chiếc vì đun nước oi khói. Bây giờ được ra dỡ cái chòi! Nghĩ lại, mà Dền không dám ra. Nhưng trong bụng thật thích.
Hôm sau, Dền đi chăn vịt sớm. Vờ dắt vịt lên phía Nà Kéo. Không phải ngủ mê đâu. Biến mất cái chòi canh thật. Mà biến sạch sanh… tài thế. Không còn một tảng đá tường, không một ống tre, một miếng ngói, không nhận ra cái chòi đã dựng chỗ nào! Người mới đi qua một lần không thể nhớ nơi đầu xóm Nà Kéo đã có khi có cái chòi canh. Dền vào xóm. ạ hay, mấy cái mái ngõ, hôm qua bị dỡ trụi, nay đã lại thấy mái đầy. Như chẳng việc gì đã xảy ra.
Mấy lâu sau, ở Nà Mạ người ta nghe chuyện ông cai cơ đồn Sóc Giang bị bóc lon. Chuyện như thế này: có một hôm, châu đoàn cho lính lên Nà Kéo gác đường trước cho quan hai sắp đi tuần. Lính lên Nà Kéo rồi về thưa quan hai: ở Nà Kéo không có chòi canh, thế thì canh đứng đường hay vào ngồi trong xóm. Quan hét lính: “Láo nào! Quan sai thầy cai mang lính đi làm chòi phiên chợ trước rồi mà”. Lính lại kêu: “Bẩm quan, không thấy. Quan không tin thì quan lên Nà Kéo mà xem”. Nhưng chưa quan nào kịp đi xem có chòi canh ở Nà Kéo hay không thì quan hai đồn Tây đã tuần lên đằng ấy, rồi vòng về đằng cửa Bình Mãng. Không thấy chòi canh ở Nà Kéo như trong bản đồ phòng thủ châu Hà Quảng đã vẽ ra. Quan hai mắng lên tận tỉnh. Thế là cả châu đoàn cũng phải quan án tỉnh khiển trách nặng. ông cai cơ bị khép tội vào làng tìm rượu, không làm chòi canh. ạng ấy phải bóc lon cai, ra tù làm cỏ vê ít lâu ở chợ Sóc, ai cũng trông thấy, rồi lại đổi đi xuống làm lính ở nơi khác.
Người Nà Mạ nghe biết, không ai nói ra. Nhưng mỗi người trong bụng cười một cách. Dền và Thàn thì kể cho đám trẻ trong làng nghe hết câu chuyện kỳ lạ đêm sáng trăng ấy.
Dền đương lạch cạch đẽo cái gì dưới gầm sàn. Anh đi cày về, treo cày lên ngoẵng rồi ra rửa chân đầu máng nước.
– Làm gì đấy?
Dền đáp:
– Em làm cái này.
Dền đương gọt một mẩu gỗ. Anh lại hỏi:
– Làm mõ trâu a?
Dền cười, hỏi:
– Anh xem giống cái súng thật chưa?
Anh hỏi lại:
– Em đẽo cái ấy làm gì?
Dền trả lời:
– Làm cái súng đeo thắt lưng như quan hai đồn Sóc Giang.
Rồi Dền lấy trên hóc cột ra mấy mẩu gỗ đã đẽo thành những hình súng ngắn, súng dài. Mẩu gỗ được làm khéo, tròn xoe, nhẵn thín, vân bóng. Dền lần lượt ướm thử từng miếng vào cạp quần, rồi lại bồng lên vai đi ve vảy, như Tây, như lính.
Trông mẩu gỗ, anh ngờ ngợ, liền hỏi:
– Lấy gỗ này ở đâu?
Dền đáp:
– Gỗ “xưa” trên núi dạo trước anh làm súng đấy. Chúng em lên nhặt được khúc gỗ anh bỏ
lại, vác về đẽo thành những cái này. Đúng gỗ “xưa”, phải không?
Anh đương băn khoăn chưa hiểu hết trò chơi súng của Dền, Dền đã bước tới, nói nhỏ:
– Hôm nào em làm đủ súng, em cho mỗi đứa một cái rồi chúng em cũng lên núi, chúng em tập.
Anh trợn mắt:
– Em bảo thế nào?
Dền thích chí, khoe tung ra:
– Em nói anh biết nhé. Chúng em xem các anh tập rồi. Các anh tập hay lắm. Mấy hôm sáng trăng, tối nào chúng em cũng bắt chước tập ngoài đầu xóm, đông ghê. Nhưng chưa có đủ súng. Hôm nào đủ súng, chúng em lên núi!
Anh kêu lên:
– Chết thôi. Không nên đâu. Đế quốc mà biết thì nó đến khủng bố. Các em có sợ không?
Dền đáp, cứng cáp:
– Các anh không sợ, chúng em cũng không sợ.
– Nhưng các anh biết giữ bí mật.
– Chúng em cũng giữ bí mật.
– Bí mật mà em lại khoe với anh là em làm súng. Bí mật thì phải im hết, không ai biết được.
Dền cười:
– Thế mà anh làm gì em cũng biết.
Anh mắng:
– Chỉ nói lung tung!
Dền lại thích chí, nói luôn:
– Không lung tung đâu! Người ta nói chuyện cai cơ phải tù, châu đoàn phải phạt vì mất cái chòi canh Nà Kéo, chúng em ngồi im nghe rồi cười thôi. Nhưng vẫn giữ bí mật. Chúng em đã thấy các anh phá cái chòi canh thế này này: ở trên núi tập xong, các anh xuống người thì vác đá, người thì dỡ ngói, một lúc sạch hết.
Anh càng ngạc nhiên và lạ quá. Thế thì trẻ con xóm này biết hết chuyện đội tự vệ. Nghĩ thế, anh giật mình. Nhưng cũng cảm động nữa. Chợt nhớ năm trước, hôm thằng lính lấy mất lồng vịt của nhà mình, ở Nà Giàng, anh thương em lắm. Những câu nói biết nghĩ, biết lo của Dền, anh vẫn nhớ. Dền còn bé, nhưng nó đã tinh. Nó hay để ý. Nó hay hỏi chuyện xa xôi. Mới đây, người ở Hòa An lên kể chuyện dưới Nước Hai bây giờ, nhiều làng có hội cứu quốc. Từ bờ sông Bằng vào đến dãy núi Phia Ngà, nhiều làng có hội cứu quốc hoàn toàn rồi. Cả trẻ con cũng biết làm cách mạng như người lớn. Tây ở đồn hay Tây ở Sở Ngựa ra, trẻ con thấy chúng nó đi đâu cũng báo cho người lớn biết. Trẻ con chơi đùa, tắm dưới sông Bằng, thấy lính tuần sang sông là về báo cán bộ ngay. Dền hỏi mãi: Bác ơi! Trẻ con dưới ấy vào hội cứu quốc thế nào? Khách phải lờ đi, nói sang chuyện khác. Thỉnh thoảng, Dền hỏi lại anh: Trẻ con dưới Hòa An có vào hội cứu quốc như người lớn không, anh có biết không, và bắt anh kể chuyện…

Việc nước đang khó nhọc, trẻ con cũng biết lo ( cách mạng)

Nghĩ thế, anh nhìn em. Nó cũng đương nhìn mình, chăm chú rồi tủm tỉm:
– Anh xem em đã vào hội tập súng được chưa?
Quên cả giữ bí mật, anh thong thả nói:
– Vào đội tự vệ, em ạ.
Rồi Dền nghe anh nói:
– Hôm xưa, anh em ta ở chợ Nà Giàng đuổi theo thằng lính lấy trộm vịt, từ ngày ấy, nhà mình toàn chuyện buồn. Người các nơi về qua nói chuyện bây giờ trên đất nước mình đâu chỉ có những chuyện buồn thế thôi. Đâu cũng Tây lấy phu, Tây đánh người, làm chết người, như bố chúng mình chịu chết đấy. Các anh cán bộ nói: mọi người phải đoàn kết vào hội đánh Tây, lấy lại đất nước, mới có yên vui được. Nghĩ ra lời nói có lý. Trong châu này, chỉ có một thằng Tây, ba thằng quan, vài chục lính, ta có cả làng, cả người Mán và người Mèo trên núi. Tất cả cùng vào cách mạng, nghìn người như một, kéo anh em đến vây nó, đòi lại đất nước, thế nào cũng đòi được.
Dền hỏi chen:
– Hôm nào ta đi vây chúng nó?
– Không dễ thế đâu. Nó có nhiều súng.
Người của ta thì chưa về hết với cách mạng.
Dền hỏi anh:
– Anh về chưa?
– Rồi, em ạ.
Hai mắt Dền lóng lánh nhìn anh, thèm muốn, yêu quí. Rồi gọi:
– Anh! Anh Nọi!
Anh nói:
– Anh còn có tên của cách mạng cho nữa.
– Tên cách mạng cho anh là gì?
– Tên anh là Phục Quốc.
– Phục Quốc là thế nào, hả anh?
Anh cắt nghĩa:
– Phục Quốc là quyết chí đánh Tây lấy lại đất nước. Cách mạng cho anh tên như thế.
Dền reo:
– Anh Phục Quốc! Anh Phục Quốc! Anh cho em theo cách mạng đi đánh Tây với. Em rủ được trẻ con cả xóm. Em rủ thằng Thàn trước, có được không?
Phục Quốc lặng lẽ nhìn Dền, khẽ nói:
– Anh đi hỏi cán bộ đã.
– Cán bộ là ai?
– Cán bộ là người cách mạng về dạy quân sự, dạy khai hội, dạy chữ, bảo ta biết nghĩ điều đúng.
– Có phải anh cán bộ chiều hôm qua mới đến nhà ta?
Phục Quốc gật đầu. Dền lại cười, nói: – Thế thì em cũng biết rồi. Anh ấy tên là Viễn.
Em chăn vịt ngoài suối vẫn gặp luôn. Anh hỏi cho em, không có để em hỏi lấy cũng được.
Lúc ấy, ở trên bếp, mẹ nói xuống:
– Mải chuyện nhiều thế! Quên ăn cơm à?
Dền đương vui, nói to:
– Con lên đây!
Rồi nhảy tót ba bậc thang một, lên nhà.
Một hôm, anh Bát Ngư hẹn Dền ra gốc gạo đợi.Dền không biết có chuyện gì, cứ im lặng đi, nhưng đoán phải có việc bí mật, anh mớihẹn thế. Rồi hai người trèo lên núi. Dốc đá dựng đứng, leo cao lắm mới đến chỗ hơi phẳng. Trông thấy trong gốc cây thông đã có người ngồi – anh cán bộ, Dền đoán thế, đúng người mà Dền hay gặp đi qua suối.
Anh cán bộ ra bắt tay Dền. Như bắt tay người lớn! Rồi bảo Dền ngồi xuống. Anh Bát Ngư bảo Dền:
– Cán bộ Đức Thanh đấy, Dền à.
Rồi anh nói với cán bộ Đức Thanh:
– Dền thích vào cách mạng lắm, anh Đức Thanh ạ.
Dền hỏi ngay:
– Chúng em muốn làm cách mạng như các anh có được không?
– Được chứ!
– Em về bảo bọn nó làm cách mạng nhé?
Anh Đức Thanh trả lời:

– Rồi anh sẽ dạy các em vào hội làm cách mạng.

Bây giờ cùng nhau hát bài hát cách mạng đã.
Dền cất tiếng theo hai anh, cùng hát. Hai lùng quang… Trăng sáng cao… Hai lùng quang… Ngẫm nghĩ tỉnh Bắc Kạn… Trăng sáng cao, ngẫm nghĩ tỉnh Bắc Kạn ta… mọi người vì đâu mà đói khổ…
Xuống đến chân núi, trời đã tối. Dền nóng ruột về kể cho Thàn nghe ngay những chuyện mới lạ. Tức quá, lúc ấy Thàn đã ngủ. Cả ngày, Thàn đeo làn giấy đi bán ở chợ Sóc Giang, vừa về. Dền tức, nhưng lại thương thằng bé mỏi chân, không dám gọi. Mẹ vẫn ngồi bóc vỏ dó. Dền vừa ăn cơm, vừa líu tíu kể, vừa hát cho mẹ nghe. Mẹ cười, không nói. Dền hỏi mẹ:
– Mẹ biết cách mạng rồi à?
Mẹ vẫn chỉ cười. Mẹ cũng đương vui như Dền. Hình như mẹ biết cách mạng rồi. ờ “cả làng, cả châu, cả tỉnh Cao Bằng, tỉnh Bắc Kạn… cả đất nước vào cách mạng…” các anh đã nói thế mà.

“Kim Đồng” Tô Hoài chương 3“Kim Đồng” tham gia cách mạng

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close