TẢN VĂN

Lũy tre làng

Lũy tre làng ấy gắn bó với lũ trẻ chúng tôi như hình với bóng, sáng ra chúng tôi tụ tập ở dưới gốc tre kẻ vạch bắn bi, trưa đến lại trốn ra chơi gấp thuyền bằng lá, tối xuống không riêng gì lũ trẻ mà cả người lớn cũng vác chiếu ra ngồi trò chuyện.

Mặt Trời dần dần ngả về hướng Tây, những tia nắng còn sót lại cuối cùng cũng bắt đầu biến mất một cách nhanh chóng, dân làng hối hả ra về sau một buổi làm việc mệt nhọc.

Có người thì cầm cuốc, có người thì vác xẻng, thậm chí ở đằng xa còn có cả người nằm trên lưng trâu ngậm lấy cỏ bông lau vừa đi vừa hát, khung cảnh mười phần yên bình.

Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng quê, nói đúng hơn là vùng quê nghèo. Bởi vì người dân ở đây quanh năm làm lụng vất vả, mặt trời mọc thì làm mặt trời lặn thì nghỉ, cuộc sống vô cùng bấp bênh. Ấy thế mà tôi chưa từng thấy bất kỳ ai than vãn về cái nghèo cái khổ của mình cả.

Ở trước thềm nhà, tôi gối đầu vào đùi của ông nội, khuôn mặt đầy hồn nhiên nhìn lên hỏi: “Ông ơi hôm nay có mấy chú đến làng mình làm gì vậy ạ?”

Ông nội không trả lời ngay mà lâm vào im lặng, khóe mắt của ông dường như sắp chảy xuống những dòng lệ, đôi môi khẽ run run không nói thành lời.

“Có chuyện gì vậy ông?” Tôi dường như cảm giác được có điều gì kinh khủng sắp xảy ra, tuy mới chỉ là đứa trẻ tám tuổi nhưng ngày nào cũng được trò chuyện với ông nên chỉ cần nhìn biểu cảm này thôi tôi cũng đã đoán được hai ba phần là có tin chẳng lành.

Sáng hôm nay làng tôi chào đón mấy người ở trên thành phố về, họ đi một chiếc ô tô màu đen đầy sang trọng. Mấy đứa trẻ trong làng cùng với tôi líu ra líu ríu ra xem nhưng lập tức bị bố mẹ kéo trở lại, bởi vì ở đây không ai không biết chúng tôi nghịch ngợm cỡ nào, nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra như vậy phải nhịn đói mấy tháng thậm chí là mấy năm.

Lúc đó có hai ba người bước ra từ trong ô tô, họ dường như muốn điều gì đó ở ông của tôi. Hai bên trò chuyện rất lâu và ông đi về với gương mặt buồn bã, bây giờ gối đầu lên đùi của ông tôi mới rụt rè dám hỏi.

“Họ nói là sửa đường, đưa làng của mình lên cấp thị xã.” Ông nội khẽ thì thào bằng giọng hơi run run.

Tôi nghiêng đầu tỏ vẻ không hiểu, nếu như làng mình được làm đường mới như vậy tại sao ông nội lại khóc?

Con đường đất mà ngày mưa bố mẹ đưa chúng tôi đi học cũng phải cõng lên lưng, lấy túi nilon bọc cặp sách và giày dép của chúng tôi lại sau đó xắn ống quần mới dám đi qua giờ đây được nâng lên đường bê tông chẳng phải là tốt đẹp hay sao?

Mà làng tôi được nâng cấp lên thị xã vậy cũng đồng nghĩa là được tiếp xúc với người thành phố nhiều hơn, kết giao với nhiều bạn bè hơn thậm chí trong làng còn có con cái đi học tiện đường trở về hơn.

Đây chẳng phải là trăm lợi không hại hay sao?

“Như vậy ông nội đưa cháu đến trường sẽ không phải lội bùn nữa rồi!” Tôi đứng phắt dậy hoan hô, thậm chí còn không để ý đến biểu cảm của ông nội bởi vì quá mức sung sướng.

Thế nhưng một câu nói sau của nội dường như trái tim của tôi chết lặng: “Họ nói sẽ chặt bỏ hết lũy tre để quy hoạch đường.”

Giọng nội tràn đầy sự bất dĩ giống như nửa thì muốn nâng cấp đường xá để người dân đi lại thuận tiện, nửa lại không muốn vì lưu luyến thứ gì đó.

Nhắc đến vùng quê nghèo ngoại trừ con trâu, giếng nước, cây đa, bông lúa thì lũy tre chẳng phải là khung cảnh quen thuộc nhất đối với mọi người hay sao?

Ấy vậy mà bây giờ vùng quê của chúng tôi không còn lũy tre nữa, vật thiêng liêng ấy gắn bó với mảnh đất này bao nhiêu năm bỗng dưng bị chặt đi, lòng của tôi giống như có thứ gì đó cắt qua, chua xót vô cùng.

Ai nói đứa trẻ tám tuổi không hiểu chuyện? Lũy tre làng ấy gắn bó với lũ trẻ chúng tôi như hình với bóng, sáng ra chúng tôi tụ tập ở dưới gốc tre kẻ vạch bắn bi, trưa đến lại trốn ra chơi gấp thuyền bằng lá, tối xuống không riêng gì lũ trẻ mà cả người lớn cũng vác chiếu ra ngồi trò chuyện.

Tôi không tin, tôi lập tức chạy ra ngoài đầu làng. Nhìn thấy lũy tre vẫn còn nằm ở đó tôi mới thở phào ra một hơi, khẽ tiến đến vuốt vuốt ống tre giống như vật gì quý giá lắm.

Hốc mắt của tôi đỏ lên, tôi ngồi ôm gối ở dưới gốc tre như sắp khóc. Nếu như… chỉ là nếu như sau này thật không còn lũy tre nữa vậy lũ trẻ bọn tôi sẽ làm gì mỗi lúc buồn, sẽ tụ tập ở đâu chơi đùa?

Lũy tre đã bất tri bất giác trở thành vật không thể thay thế ở trong lòng của tôi, dù cho nó không còn giá trị thực dụng như trước nữa nhưng lũy tre vẫn là lũy tre, ở trong lòng của tôi nó vẫn là vật không thể thay thế được.

Lúc này ông nội cũng xuất hiện ở trước mặt của tôi, ánh mắt của ông cũng buồn không thể tả, chỉ biết lắc đầu thở dài.

Cầu tre in bóng quê hương.

Một thời để nhớ,để thương một thời.

Ông nội khẽ đọc hai câu thơ, sau đó ghé lưng xuống cõng tôi và trở về nhà. Tôi biết nếu như lũ trẻ chúng tôi đối với lũy tre tiếc nuối một phần như vậy thế hệ của ông tôi tiếc nuối nhiều lắm. tản văn hay

Nghe ông nội kể lại lũy tre đã có từ rất lâu rồi, hồi ông còn bé đã thấy xuất hiện ở đầu làng. Cũng không biết là ai trồng hay nó tự mọc lên, nhưng sáu bảy mươi năm vẫn vô cùng tươi tốt đủ để biết nó với mảnh đất này từng trải qua bao nhiêu kỷ niệm vui buồn.

Đáng tiếc… đáng tiếc ông tôi không thể làm khác ngoài việc thỏa hiệp với mấy chú ở trên thành phố gạt bỏ nó đi để quy hoạch đường, bởi vì cuộc sống của người dân đã chịu đủ khổ cực rồi, ngày mưa ngày gió lội bùn tắm đất, rồi đến ngày thu hoạch cũng chỉ đi được gần đây nên bán không lời được bao nhiêu.

Dần dần mí mắt tôi cụp xuống, lũy tre đầu làng cũng khuất dần trong bóng tối, hai hàng lệ không kìm được mà chảy trên lưng của ông.

Có lẽ lũy tre cũng rất vui mừng khi chứng kiến làng của tôi lên thị xã cũng không chừng?

Dù thế nào đi nữa cũng cảm ơn nhé lũy tre, nhờ lũy tre mà lũ trẻ chúng tôi có được nhiều kỷ niệm thật vui, nhờ lũy tre mà chúng tôi có được một tuổi thơ hoàn chỉnh.

Đến lúc rồi… Tạm biệt nhé, lũy tre!

Tác giả: Đỗ Đình Dự

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close