Hồ Chí Minh

Bản án chế độ thực dân Pháp Chương 4 Các quan cai trị

Qua nội dung phong phú, sâu sắc của tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, chúng ta có thể nói một cách khái quát rằng: Tác phẩm là sản phẩm của sự kết hợp biện chứng, sinh động, tài tình những nguyên lý phổ biến của học thuyết Mác –Lênin về chủ nghĩa đế quốc, về vấn đề dân tộc và thuộc địa với thực tiễn của phong trào công nhân, phong trào giải phóng dân tộc dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Về mặt lý luận, phương pháp luận, và về giá trị thực tiễn, tác phẩm đã vượt ra ngoài khuôn khổ của cái tiêu đề “Bản án chế dộ thực dân Pháp”.

Chương IV: Các quan cai trị

I, Ông Xanh(1)  

Như các bạn đều biết, các thuộc địa vẫn được gọi là những nước Pháp hải ngoại, và người Pháp của những nước Pháp ấy là người An Nam, người Mađagátxca hoặc người…v.v. Bởi thế, cái gì ở bên này là phải thì ở bên kia là trái, và cái gì ở bên kia được phép thì ở bên này bị cấm. Thí dụ: Ở bên ấy, tất cả người Pháp đều được phép làm cho dân bản xứ ngu muội đi bằng thuốc phiện, họ càng bán được nhiều thuốc phiện, thì càng được quý trọng; nhưng ở bên này, nếu anh đem bán thứ thuốc độc ấy thì, anh sẽ bị tóm cổ ngay lập tức. Nếu ở bên Pháp, một viên chức cao cấp được phép vận quần áo lót để đi ra đường, thì ngược lại một ông hoàng bản xứ không có quyền mặc áo bản xứ, ngay cả khi ở nhà và đang ốm. 

Vì đang ốm, nên cố Quốc vương Tuynidi đã cứ mặc nguyên áo ngủ mà tiếp quan Khâm sứ. Như thế đã là bậy rồi; nhưng còn bậy hơn nữa là cháu nội và cháu họ nhà vua lại quên chào quan Khâm sứ nói trên. Thế là sau hai ngày, đúng vừa đủ thời gian để suy nghĩ, quan lớn Khâm sứ bèn mặc nhung phục, kéo binh mã đến bắt nhà vua phải xin lỗi. Thế mới đúng chứ. Một khi anh là quốc vương và chịu sự bảo hộ của một ông thánh (ông Xanh) thì dù là thánh cha, thánh con hoặc thánh thần, anh cũng không có quyền được đau ốm. Còn các chú “nhóc con” bản xứ, các chú phải biết rằng, một khi đã sinh ra dưới đôi cánh mẹ hiền của nền dân chủ thì các chú không được nô đùa, reo cười, hò hét, mà phải học chào lạy. 

Ở Đông Dương cũng như ở các thuộc địa khác, đối với những người bản xứ không kịp lạy chào các “quan bảo hộ” thì nhiều quan cũng chỉ khiêm tốn “giã cho một trận” thôi, chứ chưa bao giờ lại huy động quân đội để bắt trẻ con phải lạy chào. Dĩ nhiên trong bọn họ không phải ai cũng đều là Khâm sứ cả! 

Mặc dầu: “Sự việc nghiêm trọng” ấy đã bị vạch ra trên diễn đàn nghị viện và theo lời ông Poăngcarê, nó có thể làm tổn thương đến ảnh hưởng của nước Pháp, chúng ta sẽ là những người vong ân đối với quan Khâm sứ Xanh, nếu chúng ta buộc cho ông cái tội “thất bại chủ nghĩa”; bởi vì, nhờ có cuộc biểu diễn lực lượng thân thiện, trẻ con và hoà bình ấy mà từ đó người bản xứ biết cách nên lạy chào một “người anh em da trắng” như thế nào. Ai cũng còn nhớ khi ông Milơrăng sang thăm Châu Phi, người bản xứ đã đón chào ông, và để tỏ lòng trung thành vô hạn và lòng tôn kính sâu sắc với vị quốc trưởng nước bảo hộ, họ đã kéo áo sơmi ra ngoài quần đấy. 

II, Ông Đáclơ

Tập Cahier des droits de l Homme vừa mới đăng một bức thư của ông Phécđinăng Buytxông, Chủ tịch Hội nhân quyền, gửi ông Xarô, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, nói về cuộc khởi nghĩa ở Thái Nguyên (Đông Dương) năm 1917 và việc đàn áp cuộc khởi nghĩa đó. 

Bức thư vạch rõ trách nhiệm của viên Công sứ tỉnh Thái Nguyên là ông Đáclơ: Chính vì sự lạm quyền của ông Đáclơ mà cuộc khởi nghĩa bùng nổ. Toà án Sài Gòn cũng đã xác định tội của ông ta ngay từ năm 1917. 

Thế nhưng, có ai ngờ rằng ông Đáclơ không hề bị một sự trừng phạt nào về mặt hành chính cả. Trái lại, ông ta lại được cử làm Uỷ viên Hội đồng thành phố Sài Gòn. Còn sự trừng phạt về mặt tư pháp thì thật là đáng buồn cười: Nộp vẻn vẹn có 200 phrăng tiền phạt! 

Cái ông Đáclơ ấy quả là một nhà cai trị có tài. Khoa cai trị của ông ta, ông ta đã học được ở khu phố latinh khi ông còn là một anh hàng cháo. 

Lúc ấy, ông Đáclơ không có một xu dính túi và mắc nợ như chúa chổm. Nhưng nhờ một chính khách có thế lực, ông ta được bổ nhiệm làm quan cai trị ở Đông Dương. 

Chễm chệ đứng đầu một tỉnh có hàng vạn dân, và được giao cho quyền hành tuyệt đối, ông ta vừa là Tỉnh trưởng, vừa là Thị trưởng, vừa là quan toà, vừa là mõ toà, vừa là người đốc thuế; tóm lại, ông ta nắm trong tay tất cả mọi quyền hành: Toà án, thuế khoá, điền thổ, tính mạng và tài sản của người bản xứ, quyền lợi của viên chức, việc bầu cử Lý trưởng và Chánh tổng, tức là vận mạng của cả một tỉnh được đặt vào tay cái anh hàng cháo ngày xưa ấy. 

Ở Paris, không làm giàu nổi bằng cách bóc lột khách hàng, sang Bắc Kỳ ông ta gỡ gạc lại bằng cách bắt bớ, giam cầm, xử tội người An Nam một cách độc đoán, để bòn rút họ. 

Đây là một vài việc làm rạng rỡ thời thống trị độc tài của vị quan cai trị dễ thương ấy mà nước mẹ cộng hoà đã có nhã ý gửi sang để khai hoá cho chúng tôi. 

Một số lính tình nguyện (!) bản xứ, bị điệu về để sung vào lính khố đỏ và vì thế họ phải đi khám sức khoẻ. Đó là những người mù chữ, nhút nhát, khi hỏi thì trả lời chậm chạp, nên quan Công sứ đã chửi bới, đấm đá và lấy gậy phang họ túi bụi. 

Ba người lính khố xanh để xổng một người tù, đã bị ông Đáclơ đánh đập một cách rất tàn nhẫn, nắm tóc họ kéo lê dưới đất và đập đầu họ vào tường toà sứ. 

Khi hỏi cung tù nhân, quan công sứ thường lấy thanh gươm đâm vào đùi họ. Có người khi về đến nhà lao thì lăn ra bất tỉnh. 

Một đoàn tù khốn khổ, gầy đói, quần áo tả tơi, bị lôi dậy từ tờ mờ sáng, cổ mang gông, chân buộc xiềng, người nọ bị xích vào người kia, cùng kéo một chiếc xe lu to tướng trên những lớp sỏi dày. Hoàn toàn kiệt sức, họ ỳ ạch kéo chiếc xe lu nặng nề dưới ánh nắng như thiêu như đốt. Bỗng quan Công sứ đến. Như lệ thường, quan cầm theo một cái gậy to tướng, rồi bỗng dưng vô cớ, quan xông vào đám người khốn khổ ấy, như con thú dữ, đánh túi bụi, tàn nhẫn không tưởng tượng được, vừa đánh vừa chửi họ là đồ lười. 

Một hôm nhà khai hoá của chúng ta vừa quở trách một nhân viên người Âu xong, không biết trút cơn giận lên đầu ai được, vớ cái thước sắt trên bàn giấy đập nát hai ngón tay của một viên Thư ký người An Nam chẳng liên can gì đến việc kia cả. 

Một hôm khác, ông ta vụt roi gân bò vào mặt một viên đội người bản xứ trước những người lính dưới quyền anh ta. 

Lại một lần khác, có mấy người lính khố xanh làm trái ý ông ta, ông ta bèn cho đem chôn họ đến tận cổ, mãi đến khi họ ngắc ngoải mới cho moi lên. 

Cứ mỗi khi ông ta đi xem xét các con đường có dân phu làm việc thì số chân người bị đánh què bằng lưỡi xẻng, cán cuốc, phải tính bằng đơn vị nửa tá. Những người dân phu làm đường ấy đều là những người bị ông ta bắt ép đi làm với tiền công mỗi ngày một, hai xu, sau khi họ đã phải nộp tiền chuộc phần tạp dịch của họ với giá mười lăm xu mỗi ngày. 

Một lần, ở một công trường, ông ta đã giật súng của một người lính coi tù để đánh một người tù. Người tù tránh được, quan Công sứ quay lại đánh người lính, cũng bằng cây súng ấy. Bà Công sứ, người vợ xứng đáng của quan lớn, cũng tham gia, bà đánh tù một cách tự nhiên và phạt lính lúc nào cũng được. 

Người ta đã trông thấy quan Công sứ dùng gậy đánh một viên đội lòi mắt. Quan còn làm nhiều việc cao cả khác nữa mà ở đây chúng tôi không thể nào kể xiết được. 

Tất cả những việc kể trên, mọi người đều tai nghe, mắt thấy, kể cả cấp trên của ông ta là các quan Toàn quyền, quan Khâm sứ. Để khen thưởng tinh thần “cương quyết” và “đức độ rất cộng hoà” của ông ta, những vị này đã thẳng tay thăng quan tiến chức cho ông ta. 

III, Quý ngài Buđinô, Bôđoanh và những người khác  

Mặc các cuộc triển lãm ồn ào, những bài diễn văn rùm beng, những cuộc kinh lý đế vương và những bài báo hoa mỹ, tình hình ở Đông Dương vẫn chẳng ổn chút nào. 

Chiếc ghế bị cáo mà quan cai trị liêm chính Lanô vừa rời khỏi chưa kịp nguội thì người ta lại báo cho chúng tôi biết về những vụ xấu xa khác nữa. 

Trước hết là vụ Buđinô. Ông Buđinô là một nhà khai hoá điển hình, một vị quan cai trị chuyên ăn hối lộ. Trong số vụ ông ta bị tố cáo, chúng tôi xin kể vụ sau đây: 

“Làng Tân An, nơi lỵ sở của tổng, đã lấy quỹ làng và vay tiền để xây dựng một nhà máy điện. Việc kinh doanh rất có lợi, vì thu vượt chi rất nhiều. Ngoài ra, các công sở và đường sá của làng còn được thắp đèn điện không mất tiền. 

“Nhưng bỗng một quan cai trị khá xảo quyệt (ông Buđinô), đã khéo xoay sở thế nào mà làng Tân An phải chịu nhường không nhà máy điện cho một anh chàng thầu khoán, để được hưởng cái thú phải trả tiền đèn đường và đèn công sở. Ngày nay làng nhận thấy chuộc lại nhà máy nhượng không ấy là có lợi, và chuộc lại thì phải xuất ra hàng chục nghìn đồng. Câu chuyện này là cả một thiên tiểu thuyết trong đó tài nănsg hư cấu của một tên cựu tỉnh trưởng đã được tự do phát huy với một sự đểu cáng không thể tưởng tượng nổi”. 

Vụ xấu xa thứ hai trước mắt là vụ Têa. Một bạn đồng nghiệp ở Đông Dương đã viết về vụ đó như sau: 

“Chúng ta đang sống trong một bầu không khí thật là… không bình thường chút nào: Chưa xong vụ Buđinô, vụ Lanô, lại đến vụ Têa. 

“Ông Têa là một kỹ sư xuất sắc, Giám đốc một hãng lớn của người Pháp ở Hải Phòng. Ông đã đến tìm ông Xcala, Giám đốc Thương chính, và tặng trước ông này số tiền chè lá một vạn đôla để ký kết một chuyến buôn thuốc phiện với cơ quan nhà nước. Chắc là ông Têa có những lý do rất đặc biệt để nghĩ rằng việc vận động như thế không có gì là bất thường cả. Như vậy có nghĩa là việc hối lộ là việc thông thường trong chính giới ở Đông Dương. Tất cả những kẻ nào có quyền thế như vậy đều lợi dụng để vơ vét cho đầy túi tham của mình và làm hại lớn cho xã hội”. 

Nếu như ông Đáclơ, Công sứ khát máu ở Thái Nguyên mà được cử làm Uỷ viên Hội đồng thành phố Sài Gòn, và ông Bôđoanh, người đang được quan toà Oaren nóng lòng chờ đợi, mà được cử giữ chức Toàn quyền Đông Dương, thì các ông Têa và Buđinô ít ra cũng nên được gắn bội tinh mới phải. 

Chú thích 

1) Saint. Vừa là tên viên Khâm sứ, vừa có nghĩa là thánh. Đây là lối dùng chữ của tác giả để chế giễu viên Khâm sứ Saint, dựa theo điển tích Chúa ba ngôi – thánh cha, thánh con, thánh thần (Sainte Trinité: Saint père, Saint fils, Saint esprit). 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close