TRUYỆN NGẮN
Bức thư minh oan
Bức thư minh oan người gieo tai họa xuống gia đình tôi không đọc được phần chính nội dung, nhưng thời gian và sự khổ đau mách bảo cha tôi hiểu hết…
Truyện ngắn Bức thư minh oan
Lửa hừng hực, ngút trời.
Người người hoảng loạn.
Tôi trần truồng, lấm lem tro than, gào khóc khản cổ, mũi dãi lòng thòng…
“Giời ơi, con tôi đâu mất rồi. Ai cứu con tôi với”.
Mẹ tôi hốt hoảng như mất trí, quáng quàng, sờ sịt trong đêm tối giữa rừng người bấn loạn. Gần một tiếng đồng hồ sau, bà cũng tìm thấy tôi đang dúm dó như viên gạch vẹo, ngồi khóc ở góc hẻm. Bà ôm thốc tôi vào lòng, như sợ những quầng khói lửa ngùn ngụt và đám người đang tận cùng kích động trước mặt cuốn tôi đi.
Ký ức đọng lại về vụ cháy nhà thảm khốc trên thị xã PT… năm tôi tròn sáu tuổi là nỗi sợ hãi cùng cực và sự hoảng sợ dâng cực điểm.
Hoài niệm đen tối bao trùm lên gia đình tôi cứ đeo đẳng theo mãi, suốt nhiều chục năm sau đó…
XXX
Trại giam Tùng Thiệm lúc 6h30 sáng.
Tiếng cổng sắt rít lên, mở rộng để cho chiếc xe thùng chạy thụt vào. Cha tôi ngồi trên đó. Từ toà, cha tôi được chở thẳng đến trại giam, không còn nằm ở trại tạm giam thị xã. Những bước chân nặng nhọc của cha thập thững, ngượng ngập trên dãy hành lang nhậm nhợ bóng tối. Bao người tù án dân sự ngước ánh mắt buồn rầu vào cha tôi. Có người nhoẻn miệng cười.
Sau khi hoàn thành các thủ tục nhập trại, cha tôi vào phòng giam số 6, gồm các tù nhân án nhẹ. Mỗi phòng đến hai chục phạm nhân, chia thành hai hàng nằm trên bệ xi măng xây cao bốn chục phân. Cuối phòng là bể nước tắm chung, tiếp theo là phòng vệ sinh. Bước vào phòng giam, chỉ nhìn sự sạch sẽ, đồ đạc gọn gàng chẳng thể nghĩ đây là một nhà tù nếu không bắt gặp lổn nhổn những cái đầu trọc và các bộ quần áo sọc dưa xanh trắng.
– Phạm nhân nằm bệ số 21, dãy bên trái.
Người giám thị trẻ măng dõng dạc nói với cha tôi khi mở khoá cho ông bước vào buồng giam.
Tất cả ánh mắt phạm nhân đổ dồn vào cha tôi. Cha buồn rầu gật đầu chào. Chẳng ai đáp lại.
– Thằng kia. Án gì.
Một giọng nói khàn khàn, lạnh băng phát ra từ góc mé trên dãy bên phải phòng giam. Cha tôi chiếu ánh nhìn tìm người vừa hỏi. Phải mất vài phút đồng hồ, cha mới phát hiện ra. Một ông già gầy tong teo, mũi khoằm, hai hố mắt sâu hun hút, trắng dã.
– Tôi án đốt nhà.
– Đốt nhà mày hay hàng xóm?
– Đốt cả nhà mình và hàng phố.
– Mấy chiếc?
– Mười bẩy chiếc.
– Khá đấy.
Cả phòng giam cười ồ, sau lời khen của lão già.
– Án bao?
– Mười tám tháng.
– Thế là mày không đốt.
– Tôi vô tình ném cây củi cháy, đuổi con mèo. Lửa bùng lên.
– Thế cũng là chiến tích rồi. Chiến tích thì cũng phải dọn khu phụ mười ngày. Nếu có tiền thì mua “lệ”. Tao miễn.
– Tôi dọn vệ sinh.
Mặt gã trưởng buồng bỗng sắt lại trông như một bóng ma. Hai hốc mắt gã lún sâu thêm. Gã cất tràng ho khụ khụ. Mấy tên tù xung quanh xúm lại xoa ngực, xoa lưng cho gã.
Cha tôi đang ngẫm ngợi xem mình sẽ ra sao khi còn phải thụ án hơn một năm nữa ở đây.
– Phạm nhân Trần Đức Vượng, ra ngoài có người gặp.
Tiếng trên loa bỗng réo, cha tôi giật nẩy người. Mình vừa mới nhập trại. Ai vào thăm sớm thế. Đường từ thị xã đến đây vài chục cây số. Không có lẽ bà và mẹ nó.
– Tôi theo vào trại, gặp anh và lần nữa, hỏi rõ mọi chuyện.
Cha tôi ngạc nhiên vô cùng khi biết người gặp mình không ai khác là chú Thuận, công an hộ khẩu.
– Thưa. Mọi thứ tôi đã khai rõ ràng và toà cũng đã tuyên.
– Không, tôi muốn biết sự thật. Trong hàng phố, hoặc đội ba gác anh đang làm, có ai thù hằn đến độ đêm tối đốt nhà, đổ tội cho anh?
– Cái này thì tôi khẳng định, không.
– Thế tại sao anh nhận mình gây ra sự cố vừa rồi.
Cha tôi trầm ngâm giây lát, rồi ông cúi đầu.
– Sự thật như vậy. Thưa cán bộ.
– Có phải lúc tạm giam, ai đã khuyên anh nhận tội vô tình gây cháy nhà, cùng lắm án cũng chỉ hai năm. Phỏng?
– Việc này không có. Thưa cán bộ.
Câu chuyện chẳng hiểu kéo dài bao lâu giữa chú Thuận và cha tôi. Chỉ biết cuối cùng cái án “Ném con mèo” cha tôi vô tình đốt phố, vẫn được thi hành.
————
Đêm.
Con chim cú đậu ở cây hồng bì núi, đầu hồi nhà ga, chốc chốc lại rên một tiếng, nghe não ruột.
Tôi trằn trọc trên nền gạch gồ ghề, trải chiếc chiếu đôi. Mãi, không sao ngủ được. Vừa chợp mắt thì có giấc mơ kể ai đấy đang cầm cái chài, quăng một mẻ trùm lên khắp người tôi. Giật mình, tỉnh dậy, tôi thấy từ đầu đến chân, cả lỗ mũi, lỗ tai, hai con mắt có vạn con mối đang lần mần bò, tìm thứ để ăn trên cơ thể trần như nhộng. Mùi mồ hôi tôi cháy khét.
Chắc, lũ mối thèm. Không biết tổ ở đâu mà chúng chui ra nhiều thế. Mẹ và cái Thảo thì vẫn ngủ ngon, chẳng con mối nào bậu vào. Tuy mới bảy tuổi đầu nhưng tôi già trước tuổi. Sớm đã biết đủ chuyện và cũng quen ti toe bán nước chè dọc các chuyến tàu khách ngược. Tôi cũng chỉ dám đi tàu ngược, rồi xuống ga, chứ không đủ bản lĩnh xách nước bán tàu xuôi. Mà mẹ cũng dặn vậy.
…Tôi nằm im thin thít. Trí não non nớt mách bảo, chỉ cần động đậy khẽ lúc này, là cả đàn mối sẽ bò lan sang mẹ sang em. Vài chục phút, hay cả tiếng đồng hồ trôi qua, cũng không nhớ. Tôi cứ nằm im trong lần mần đống mối, tựa đang xông người chết dưới mồ. Lạ quá, bé thế mà tôi đã biết thi gan cái sự khổ sở tận cùng thể xác vì mẹ và em, mới tài. Mãi rồi, đàn mối cũng tản đi. Sáng hôm sau, tôi kể lại câu chuyện, bà và mẹ chỉ tin sự thật khi thấy cạnh tôi xác mối chết đầy.
– Phải đổ dầu luyn xung quanh chỗ nằm thế này, mối mới không quấy nữa Bảo à.
Chú Thuận nghe được chuyện bà nội kể mối xông tôi, khiến chú lo lắng không yên. Cũng không biết chú kiếm đâu được lọ dầu luyn, cầm ra ga giải cứu, khi buổi chiều thấy tôi lệch xệch siêu nước chè tươi vừa xuống tàu xuôi Yên Bái.
Tiếng bánh tàu dập dồn lăn qua sân ga váng ánh chiều tà.
Chú Thuận cứ vỗ vỗ tay vào lưng tôi, an ủi. Khóe mắt tôi lại đỏ hoe khi nhớ lại chuyện buổi đêm qua bị mối xông.
Cuộc sống tối thẫm trước mắt tôi, những ngày cha thụ án và mấy mẹ con tôi tá túc rệ hè nhà ga thị xã PT….
*
Đoàn tàu thập thừng chở gia đình tôi về xuôi với bao ẩn ức bươn qua cầu Việt Trì như vượt cạn. Cảm xúc từ bỏ quê mới nhiều buồn tủi dào lên trong tôi nỗi cay đắng mênh mông. Dầu rưng rưng ở cái thời xưa non nớt ấy, bây giờ tôi cũng chẳng còn nhớ đó là thứ cảm xúc gì. Xa xa dòng Lô Giang sương muối tơi bời lớp lớp trầm mình xuống lòng sông trắng bạc. Chuyến tàu đêm bươn qua con sông cái buồn tựa gánh hát gặp mưa, cà giật, cà giật đưa nhà tôi trốn chạy về xuôi mong xoá bỏ hết tăm tích.
Không hề một ai trên thị xã PT… bấy giờ biết gia đình tôi phiêu dạt tới đâu. Kể cả chú Thuận, người mà nhà tôi mang ơn, cũng là người chịu trách nhiệm thụ lý vụ án cha tôi… Hơn một năm trời cha tôi ở trong tù, là ngần ấy thời gian người người hàng phố tới rệ ga, nơi mấy mẹ con tôi tá túc, rủa sả hành hạ như đấu tố địa chủ phong kiến thời xưa.
Chỉ lúc nào thấy bóng áo vàng của chú Thuận vảng qua, mọi người mới tản đi. Thời gian nặng nề trôi như tiếng chuông nhà thờ Cúc Tản bò trên những triền đồi vắng. Tôi đếm đúng 604 ngày thì thấy cha tôi gầy guộc thất thểu về nhà. Cha ra tù buổi trưa, ngay tối ấy nhà tôi cuốn gói lên tàu xuôi về Tiền Trung sinh sống. Không một ai tường.
*
Thời gian như gõ bẩu, gõ ống.
Hai mươi năm sau tôi mới có dịp quay lại thị xã PT…
Bước chân xuống ga, tôi ngẩn ngơ đứng nhìn những dãy phố toàn nhà ống san sát khang trang. Nhà ga, giờ được xây mới tuy vẫn một tầng nhưng không kênh kiệu đỏ khạch tựa anh chàng nhà quê học đòi, diêm dúa. Ga xép xinh xắn, khép nép gợi buồn như một tiếng còi tàu xa. Thị xã trung du ngày đêm xối đập nhịp sống giao thương đang cựa mình thay da đổi thịt.
Tôi đến phố Hồng Thao rồi hỏi thăm cụ Viên, ông Thược, bà Thu… mọi người không có ai hay. Những hộ mới về ở, dường chẳng biết và không ai tường tận cơn hoả hoạn lịch sử đốt tan hoang phố, năm xưa. Quá khứ buồn để biết, chứ không để nhớ. Nhất lại là những người chưa bao giờ trải tháng ngày đắng cay dịp đó. Cảm xúc về ngày xưa lùi lụi dấn lên trong ngực tôi giữa sớm mai. Mấy vệt đường ray thì vẫn y nguyên.
Tôi bỗng thấy bỏng rát bàn chân. Đôi chân trần khi xưa lắt lẻo xách siêu nước chè tươi bán mỗi lần tàu cập ga, cứ rộp lột da, chuỗi ngày mưu sinh lúc cha tù tội. Thị xã bây giờ đẹp không ngờ, đâu đâu cũng phủ thảm xanh, yên ả. Những bờ cỏ cứ rộng mãi hai bên rệ đường khiến buổi sáng ngày tôi trở lại thoắt nghiêng ngời ngời nắng.
– Cháu có phải là thằng Bảo con bố Vượng.
Chú Thuận vừa nhìn tôi vừa ngẫm ngợi.
– Tưởng chú không nhận ra. Có đến hai mươi mốt năm rồi chú nhỉ.
– Ừ, hai mươi mốt năm bốn tháng. Từ khi gia đình cháu dời đi.
Khuôn mặt chú Thuận chùng xuống.
Mấy giò lan rừng chú treo ngoài cửa âm thầm vắt hương qua cửa sổ, nhẹ nhàng thấm vào nhà.
– Chú cố công mà không biết gia đình cháu về đâu… Chú cũng đã xuôi Nam Sách tìm, nhưng không ai biết. Cứ tưởng vô vọng. May quá, cháu lên đây. Đúng là ông trời vẫn thương. Ông trời có mắt.
– Chuyện gì mà quan trọng thế chú. Nhà cháu không ở quê, mà về Tiền Trung, nơi chú ruột của cha cháu đang sinh sống. Ở đó cũng là thị trấn. Chú nghỉ chế độ lâu chưa. Mà, đã đến tuổi hưu đâu.
– Chú phải về sớm chăm cô đau yếu. Cũng được bẩy năm rồi.
– Tiếc quá, không cố chờ hưu.
– Kể, thế thì tốt, nhưng hoàn cảnh, cháu. À, có chuyện rất quan trọng. Chuyện cái án của bố cháu năm xưa.
– Lâu quá rồi. Nhắc lại làm gì chú. Gia đình cháu rất áy náy đã để xảy ra vụ cháy, điêu đứng bà con.
– Không, cháu ơi. Bố không là người đốt phố. Cháu chờ chú một lát.
Nói xong, chú Thuận lật đật vào trong nhà lấy chùm chìa khoá, mở ngăn tủ lệch. Chú đưa ra một chiếc hộp gỗ, bên trong đựng đủ loại giấy tờ quan trọng.
Tôi cứ chăm chú ngắm đôi bàn tay run run của chú Thuận, lật giở từng xấp giấy tờ, có loại đã nên mầu vàng khạch. Tìm mãi, rồi chú cũng cầm trên tay một tấm giấy bóng ép cứng nhựa, được viền bốn cạnh.
– Cháu xem bức thư, sẽ rõ. Đây là điều chú canh cánh bao năm, mong tìm, đưa tận tay cho bố. Tội nghiệp ông ấy và gia đình cháu.
*
…Sáng mùa Hè, năm năm trước…
– Sức khoẻ ông Viên thế nào rồi anh Hợp.
– Dạ, mời anh vào chơi. Bố em yếu lắm. Chỉ ăn được mấy thìa cháo nghiền mỗi bữa anh ạ.
Giường trong, ông Viên nghe thấy tiếng chú Thuận, cố nhỏm dậy. Hợp luồn tay vào ngang lưng, nhẹ nhàng đỡ cha, dựa trên một cái chăn đơn.
Giọng ông Viên thều thào như tiếng gió lẻ, giữa đêm.
– Chào anh Thuận. Có lẽ tôi sắp đi. Nhưng chưa thể thanh thoát vì một chuyện hệ trọng, tôi giấu mọi người. Cả bà nhà tôi và vợ chồng thằng Hợp. Đấy là việc cháy nhà hơn mười năm trước. Người đáng đi tù là tôi chứ không phải ông Vượng láng giềng đâu. Anh Thuận à.
Chú Thuận và anh Hợp trợn tròn mắt, không thể tin vào tai mình nữa. Được một lúc, khuôn mặt chú Thuận bỗng dịu đi.
– Có gì, ông bình tĩnh nói. Nếu mệt quá thì thôi cũng được.
– Không, anh Thuận ạ. Không nói với anh tôi sẽ chẳng thể nhắm được mắt. Mỗi lần nghĩ cảnh gia đình ông Vượng khổ sở bị bà con hàng phố chửi rủa, rồi thằng Bảo lệch người xách siêu nước chè bán dọc đường ray là lòng tôi như có muối bỏ vào. Tôi là con người xấu xa anh Thuận ạ.
– Nguồn cơn thế nào, để mai, kia, rồi từ từ hẵng kể. Giờ, cụ nên tĩnh dưỡng, chữa bệnh cho khỏi.
– Vâng. Tôi nghe lời anh. Tất cả sự việc, tôi viết cả ở lá thư này. Tôi gửi ông Vượng. Anh tìm và minh oan cho ông ấy. Tôi sắp chết, chắc nhà nước không nỡ bắt đi tù.
Nói xong câu này, ông già Viên ra hiệu cho đứa con dâu lật đầu giường, đưa bức thư được gói cẩn thận trong mấy lần giấy ni lông cho chú Thuận.
Bên ngoài trời bỗng quang. Cơn bão số 2 thổi vào tận đây mới bớt.
Mưa rong bão, bời bời.
Từng chùm nắng bò qua bậu cửa đậu lấp lánh lên những khuông gạch lát đá hoa, bắt nắng, cứ sáng chấp chới.
… Tôi không về cơ quan mà bắt tàu xuôi luôn quê để gặp cha.
– Cha à, chú Thuận gửi cha lá thư ông cụ Viên trước khi mất trăng trối tường tận câu chuyện nhà mình đốt phố năm xưa. Thật may, có chú Thuận cảm hoá và đoán phần nào cái hạn này. Thế mới biết nhân tình thế thái.
– Ừ. Không đọc bức thư, cha cũng hiểu cụ Viên nói gì.
– Ơ. Thế sao cha không bảo.
– Cha biết từ khi ở trên PT…, những tháng ngày ngẫm ngợi trong tù ấy. Nói ra cũng sẽ chẳng ai tin. Nỗi đau trong lòng, sự day dứt lương tâm đôi khi còn nặng nề hơn lời toà tuyên án con ạ. Đấy là cha nói về cụ Viên. Con cầm lá thư bổ sung lý lịch ở cơ quan. Còn cha, không cần phải minh oan nữa. Tội nghiệp ông cụ Viên, sắp chết mới ngẫm ra sự đúng sai, cái đạo làm người. Chắc nhờ chú Thuận tác động một phần đây.
Cha tôi lật giở lá thư phong dính đét bởi mấy lần nhựa nóng. Cha loay hoay không làm sao mở được.
– Chắc lúc viết thư, vì căng thẳng quá, ông Vượng ép ni lông cho cẩn thận, nên mới dính đét thế này. Bóc, sẽ rách hết cha à.
– Ừ. Buồn cười quá.
Mặt trước tấm ép ni lông đọc được mươi dòng, đoạn mất, còn: “Tôi là Lê Văn Viên, tổ dân phố… khu phố Hồng Thao. Thị xã PT…. Xin khẳng định, người để xẩy ra hoả hoạn cháy mười bẩy nóc nhà khu phố Hồng Thao là tôi chứ không phải ông Trần Đức Vượng. Câu chuyện xẩy đến như thế này…”. Mặt bên kia của tờ giấy gấp tư chỉ vỏn vẹn mấy hàng “… tôi xin cam đoan những lời khai trên là sự thật. Nay, tôi mắc chứng ung thư phổi. Âu, cũng là sự trừng phạt của ông trời. Tôi sắp mất. Khi lá thư này đến được chính quyền và tới tay ông Vượng, chắc tôi không còn. Xin được cúi đầu tạ tội ông Vượng và gia đình, đồng thời cúi lạy bà con hàng phố. Lời ít ý dài, tôi dừng ở đây”. Dấu điểm chỉ ngón tay trỏ của ông Viên qua bao thời gian, giờ cũng chỉ thấy mờ mờ.
Ánh mắt cha tôi buồn mênh mông.
Bức thư minh oan người gieo tai họa xuống gia đình tôi không đọc được phần chính nội dung, nhưng thời gian và sự khổ đau mách bảo cha tôi hiểu hết… Lúc này, người cha tôi nghĩ tới hơn cả lại là chú Thuận, cảnh sát khu vực. Tôi được biết, những việc làm gần gũi giúp đỡ gia đình ông Viên, nhất là chuyện chú khuyên nhủ anh Hợp, con trai độc nhất của ông Viên từ bỏ nhảy tàu trộm cắp, giật đồ, về nhà làm ăn lương thiện đã lay động tình cảm, lương tâm ông già bảy mươi tuổi. Tạo thêm động lực để ông hối hận, nhận lỗi đã gây ra trận hoả hoạn kinh hoàng khiến gia đình tôi và hơn chục nóc nhà khu phố Hồng Thao lâm vào cảnh khốn cùng.
Mấy hôm sau tôi xăm xắn cầm bức thư minh oan lên bổ sung vào hồ sơ cán bộ ở cơ quan. Nội dung chính bức thư có lẽ chẳng ai biết, chỉ ông Viên là nắm rõ. Cha tôi và chú Thuận cũng đã hiểu sự tình. Sau này tôi cứ gặng, cha chỉ rằng “Nguyên nhân là do xảo tro nóng, hàng tối ông Viên dùng đi tiểu, để sát liếp giữa hai nhà. Chắc thế. Lửa bùng to, nhà mình thấp hơn nên cháy trước. Nhắc mà làm gì con”. Cha ngừng lại, giọng bỗng lạc đi: “Có thể ông Viên cũng quăng con mèo nhà ai vào ăn vụng bằng khúc củi đang cháy dở. Như cái tội cha đã nhận trước tòa”. “Đúng nhỉ, sao con không nghĩ ra. Chú Thuận có biết không cha?”. “Giờ, chắc chú cũng đoán nguồn cơn. Khổ thân chú, cứ đeo đẳng mãi vụ án oan. Tận khi về nghỉ, chú vẫn canh cánh, cố tìm”.
Cha tôi không nói, nhưng tôi hiểu cha rất thanh thản dù mỗi lần nghĩ tới vụ hỏa hoạn ngày xưa ở thị xã PT…, vẫn còn làm đau lòng cha lắm.
Nhiều năm qua đi, bao giờ tôi về thăm nhà, cha lại khấn khoái nhắc một câu: “Rảnh việc thì nhớ lên thăm cô chú Thuận, con à”.
Cẩm Giàng những ngày chuyển gió.
Nguồn :Truyện ngắn bức thư minh oan của Phan Đình Minh