Cây viết mớiQuê hương - Đất nướcTRUYỆN NGẮN
Lý
Cái Lý cần là sự an phận của một người vợ chứ không phải là điều xuất sắc trong tình yêu. Tới bây giờ Lý vẫn chưa biết, có một người đang đứng trước mặt đã thầm thương cô ấy thế nào
Mới sớm, tôi vừa mở cửa tiệm, thì thằng Bằng dắt cái xe cà tàng của nó tới. Dựng trước cửa, nó bảo tôi:
– Sơn mày vá cho tao cái xăm xe với,làm nhanh nhanh lên nhé. Chán thật, mới sớm ra đã xui thế này rồi.
Tôi đá vào cái xe của nó, vừa cười vừa mỉa mai:
– Tao thấy cái xe của mày nên cho nó nghỉ dưỡng rồi đấy. Ngoài hai cái bánh tao vừa sửa cho mày tháng trước, thì cái gì cũng hết hạn sử dụng rồi.
Nghe tôi bảo thế, nó đi lại cạnh tôi thỏ thẻ:
– Tao sắp đủ tiền tậu xe mới rồi , con xe này bữa sau sẽ bán rẻ cho mày để lấy cái nghiên cứu
Thằng Bằng cười tỏ vẻ rất ưng với cái dự định của nó. Tôi vào trong lấy thùng đồ với cái ghế. Đưa cái ghế cho nó, tôi bảo:
– Mày ngồi tạm đây đợi tao.
Tôi đi bơm thau nước, rồi chống xe của nó lên. Vì các ren ốc đã cũ kĩ gỉ sét nên phát ra tiếng kêu” két két”. Vừa tháo tôi vừa hỏi nó:
– Công việc của mày thế nào rồi, thuận tiện lắm không mà đòi tậu xe mới?
– Cũng bình thường thôi. Tới cuối tháng lại được tiền ông chủ thuởng thêm nên cũng kha khá. Nhưng con xe của tao cũ rồi, tao muốn mua con xe khác để mỗi lần về quê cho nhanh. À nhắc mới nhớ. Sao tuần trước mày không về dự đám cưới cái Lý.
Nghe nó nói tôi ngừng lại vài lần. Lý với tôi là bạn chung xóm với nhau cùng với cả thằng Bằng. Suốt 12 năm trời học chung , sớm tối gì cũng cùng nhau đi học. Chuyện của một đứa nhưng cả ba đứa đều tường. Lý xinh xắn lại nết na, nó là đứa con dâu mà bao nhiêu gia đình ở làng tôi ao ước. Tôi yêu Lý từ giữa năm phổ thông. Đến nay ra trường cũng đã gần 5 năm. Nhưng tôi giữ trong lòng không nói ra. Ngay cả thằng Bằng, thân với tôi nhất tôi cũng không nói. Chỉ riêng cái Hạnh em tôi, vào một lần tôi định viết thư tình cho Lý nhưng bị nó bắt quả tang. Tôi biết Lý không thích ồn ào, nhỡ như chuyện này mà để thêm người nữa biết được thì Lý sẽ giận tôi lắm. Nên tôi đốt lá thư đó đi không thổ lộ nữa. Tôi định khi cả hai đứa tôi trưởng thành hơn, có thể lo toan mọi thứ chu toàn, và hơn nữa tôi phải kiếm cái nghề đàng hoàng mà sinh sống sau này. Thế là sau khi tốt nghiệp, tôi lên thành phố vừa học vừa làm ở một chỗ lắp ráp xe gắn máy. Sau hai năm tôi mở được một tiệm nhỏ như bây giờ. Nghe thằng Bằng nhắc tới Lý đã lấy chồng tôi trách mình ghê gớm. Có gì đó cào xé trong tim tôi. Nó đang rách ra, đau vô cùng. Tôi hỏi lại nó:
– Thế Lý lấy ai hả Bằng?
– Lấy anh Vận, con ông Đầm cạnh nhà bà Hương nấu rượu đấy.
Hóa ra Lý lấy chồng gần như thế. Tôi sửa xe cho thằng Bằng cũng gần tới 7 rưỡi. Có lẽ giờ vào làm của nó khá sớm . Tôi thấy nó hớt hải leo lên xe chạy đi. Khá lâu rồi tôi chưa về quê. Đâu cũng gần cả nửa năm trời. Làm ở trên này, tính cả giờ đi và nghỉ ngơi dọc đường cũng chỉ mất 4 tiếng. Thế mà tôi không săn sóc về thăm bố mẹ. Chắc họ ở quê cũng buồn nhớ tôi lắm. Nhân chuyến này có lẽ tôi sẽ về quê mấy hôm. Tôi sửa tiếp vài cái xe người ta mang đến hôm qua. Dọn dẹp ăn trưa đến tận 12 giờ. Tôi gấp vài bộ quần áo bỏ vào bao lô. Đóng cửa tiệm cẩn thận. Trước lúc đi, tôi đem gửi chìa khóa cửa tiệm cho bà hàng xóm bên cạnh nhờ bà ấy khi thằng Bằng chạy qua thì đem gửi lại cho nó bảo nó trông tiệm mấy hôm để người ta qua lấy xe. Tôi dắt xe đứng nhìn một lúc rồi leo lên xe chạy đi. Tôi về quê nhưng trong lòng lại không có chút gì trông ngóng.
Nửa năm tôi chưa về quê , lâu như vậy nhưng mọi thứ vẫn chẳng thay đổi gì. Con đường đất băng qua con mương dẫn vào làng vẫn còn khúc khuỷu, còn có cả ổ gà to nhỏ. Chiều về mái bếp nhà ai cũng đầy màu khói. Mùi rạ khô bao trùm hết không gian. Tôi ngồi trên xe chạy vào làng. Thấy bác Tích đang ngồi uống nước chè trước nhà. Tôi chạy chậm lại gật đầu cười chào:
– Bác Tích vẫn khỏe chứ ạ?
Bác ấy nhìn thấy tôi,nghe được câu chào rồi trả lời lại:
– Ừ ừ, bác khỏe. Thằng Sơn về thăm quê đấy à?
– Dạ vâng.
Tôi đáp lại rồi tiếp tục chạy. Về tới nhà tôi chạy thẳng vào trong sân. Không có ai cả. Tôi đem bao lô vào trong nhà. Nghe tiếng lục đục ở dưới bếp. Tôi đi xuống thì thấy cái Hạnh đang ngồi nhặt rau. Gần nó là nồi cơm trên bếp đang mấp máy sôi. Nó thấy tôi tròn mắt lại, ngạc nhiên , rồi cười vui lên:
– Anh,anh về rồi, về từ lúc nào thế?
– Anh mới về. Bố mẹ đi đâu hết rồi sao anh không thấy?
– Bố mẹ ngoài đồng hết rồi, đang thu lạc ở ngoài đấy, muộn bố mẹ mới về. Em về trước lo cho mấy con lợn với nấu cơm.
Nó trả lời tôi rồi lại hì hục lấy đũa bếp xỉa cơm. Tôi nghĩ tới Lý rồi hỏi nó:
– Sao chị Lý lấy chồng mà không lên báo cho anh?
Cái Hạnh nghe tôi hỏi, nó ngưng lại. Con mắt của nó có nét gì đó không rõ, chớp mi đều. Nó không nhìn tôi, cúi mặt đáp:
– Không phải anh thương chị Lý sao, nhìn người mình thương lấy chồng chẳng ai chịu được cả. Em không báo cho anh sợ anh….
Nó ngập ngừng, không nói thêm nữa. Tôi hiểu cái Hạnh hơn ai hết. Nó và Lý tính cách không khác nhau gì nhiều. Chỉ là cái Hạnh , nó tinh nghịch hơn một chút. Tôi biết khi nhận được tin, nó cũng chẳng khác gì tôi hồi sáng. Tôi quay người định tới nhà Lý thì cái Hạnh đứng dậy bảo tôi:
– Anh đi tìm chị Lý đấy à, chị Lý không có ở nhà đâu. Giờ này chị ấy cũng ở ngoài đồng rồi. Ruộng nhà chị ấy ở dọc con mương, gần với khu mộ nhà ông Vửng đấy.
Tôi nghe hết lời cái Hạnh, rồi đi luôn ra đồng. Tôi không biết nên nói gì khi gặp Lý. Trước đây sẽ có nhiều thứ để nói. Nhưng bây giờ thì khác, chẳng còn gì là những tâm tư như cái tuổi vừa độ đầu thanh xuân.
Tới nơi, thấy dáng ai rất giống cái Lý. Tôi lên tiếng gọi:
– Có phải Lý đấy không?
Cô ấy nghe được tiếng gọi liền quay người lại. Quả thật là Lý. Lý nhìn thấy liền nhận ra tôi. Cô ấy bước nhanh tới chỗ tôi, vui vẻ hỏi:
– Sơn về đấy à, về lâu chưa?
– Sơn vừa mới về.
– Thế Sơn định hôm nào đi?
– Chắc mấy hôm nữa, thu lạc xong rồi Sơn đi. Về nhà chồng, mọi chuyện ổn chứ Lý?
Tôi không biết hỏi gì với cô ấy lúc này. Ngắt lời, cổ họng tôi nghẹn lắm. Lý nhìn tôi ánh mắt tỏ vẻ hãnh diện:
– Gia đình nhà chồng Lý tốt lắm, anh Vận rất thương Lý. Nhường nhịn Lý từ những thứ nhỏ nhặt. À có phải đi làm trên đấy, Sơn bận lắm phải không? Nên hôm Lý lấy chồng Sơn không về.
Tôi nhìn sang chỗ khác ngượng nghịu nói:
– Hôm ấy cái Hạnh có lên báo cho Sơn. Nhưng lúc nó lên Sơn không còn làm chỗ đấy nữa.
Tôi nhìn sang Lý, ánh mắt tôi ngưng lại trên khuôn mặt cô ấy vài giây. Nửa năm, nửa năm cô ấy khác đi rất nhiều. Dáng trưởng thành hơn không còn là cô gái vừa bước tới tuổi 20 ngây thơ chưa hiểu hết chuyện. Hai bên má không còn phúng phính, nó có phần hốc hác như trải qua nhiều chuyện vất vả. Tôi khó khăn mới cất thêm vài lời nữa:
– Lý quen anh Vận thế nào?
Lý khẽ cười, ánh mắt tỏ ra chút xa xăm:
– Lúc Sơn đi được nửa tháng, bố mẹ anh Vận qua nhà Lý dạm lời. Bố mẹ Lý thấy anh Vận cũng siêng năng và hiền lành nên cũng có phần ưng thuận. Nếu hợp thì sẽ lo cho hai đứa yên bề với nhau.
Tôi bước sang trước mặt Lý, hơi cao giọng hỏi:
– Nhưng Lý có thương anh Vận không,nhỡ lỡ bước rồi thì phải làm thế nào. Biết đâu có người đã thương Lý thật thì sao?
Lý nhìn vào ánh mắt của tôi, đáp lại với cái giọng chấp thuận:
– Lý cũng lớn rồi, hơn nữa vào lúc này, tìm được một gia đình như nhà anh Vận đã là khá tốt với những người như Lý. Với lại dù có người thương Lý thật thì người ta đã ngỏ ý từ lâu hoặc ngay cái lúc nhà anh Vận sang nhà Lý dạm lời. Bây giờ với Lý như thế này là rất tốt rồi.
Tôi nghẹn lòng giữa những câu nói đó. Cô ấy hiền lành thục đức. Cái cuối cô ấy cần là sự an phận của một người vợ chứ không phải là điều xuất sắc trong tình yêu. Tới bây giờ Lý vẫn chưa biết, có một người đang đứng trước mặt đã thầm thương cô ấy thế nào. Nghe tiếng gọi phía bờ ruộng, Lý bảo tôi:
– Thôi muộn rồi, Lý về đây. Mấy ngày nữa thu xong lạc Sơn qua nhà Lý chơi nhé.
Cô ấy cất bước đi, tôi như chôn chân dưới đất. Giữa lòng ngực tôi đau lắm. Như có gì đó bóp chặt khiến tôi không thở được. Tôi yêu Lý, nhưng tình yêu của tôi luôn thầm lặng, chẳng có sự bộc bạch hay hứa hẹn. Chẳng có sự lãng mạn hay trao gửi. Giữa tôi và Lý chỉ là cái tình bạn tri kỷ, cái tình bạn đứng yên giữa cái tuổi học sinh. Tôi đánh mất Lý từ lúc nào không hay. Tôi đánh mất Lý giữa sự do dự rụt rè của bản thân, giữa tay một người con trai có thể cho cô ấy cái mà cô ấy gọi là bình yên. Có lẽ tôi sẽ gói trọn tình đầu này vào hai từ chúc phúc. Tôi chúc Lý hạnh phúc đến thiên thu. Tôi đã mất Lý. Ánh nắng tắt dần bên sườn núi. Tiếng gió thổi qua xào xạc trên ngọn cây,nghe chẳng khác gì tiếng thở của lòng tôi. Tôi sải bước đi, dọc theo hướng mặt trời đang tắt.