TRUYỆN NGẮN

Quả chanh bóc vỏ

Trên người Giáo sư không một mảnh vải che thân. Làn da màu quả chanh bóc vỏ dường như thêm sắc hồng dưới sự phản chiếu của nắng. Bộ mông núng nính theo nhịp mỗi bước chân đi. Mái tóc trắng cước bồng bềnh vờn theo gió. Hai tay Giáo sư đang vung lên như một nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc. 

Truyện ngắn Quả chanh bóc vỏ

Tin về Giáo sư Mân 66 tuổi mới nghỉ hưu được một năm thoạt đầu còn ri rỉ sau loang ra khắp khu phố.

– Bà này, chuyện lạ có thật đấy, Giáo sư Mân lẫn lắm.

Có người lại thì thào:

– Không nhớ gì nữa rồi

Một giọng thảng thốt hơn:

– Đánh vợ… đánh vợ nữa đấy… Các bà không tin cứ hỏi cậu lái xe cho ông ấy ngày xưa mà xem. Tôi thấy cậu ấy bảo, buổi gặp mặt đầu xuân vừa rồi nó đến mâm chào, ông ấy hỏi “Mày là thằng nào?”.

– Giời ôi trí tuệ mẫn tiệp thế sao lại như thế được nhỉ? Vừa nghỉ có một năm đấy chứ…

Một giọng thủng thẳng:

– Tôi còn nghe nói đến thằng con duy nhất của mình Giáo sư cũng hỏi: “Mày là thằng nào?”.

Giọng khác đế theo:

– Ôi dào, đến cái tuổi “tai biến” rồi. Đời vốn vô thường, ngộ nhỡ tai biến một cái là tay phẩy phẩy chân ngoãy ngoãy thì xong…

Chẹp chẹp, ái chà….

Tin về Giáo sư Mân cứ rỉ rả, cứ âm thầm như sóng ngầm trước ngày biển bão tố.

*

Giáo sư Mân dáng vóc nhỏ thó, màu da như quả chanh bóc hết vỏ xanh bên ngoài. Gần 60 tuổi mà khi đọc các văn bản tài liệu vẫn chưa phải đeo kính. Ánh nhìn cũng thật đặc biệt, ấy là chỉ có một kiểu nhìn duy nhất dù ở trong cuộc họp, hội thảo hay đứng trên bục giảng. Giáo sư chỉ ngước mắt nhìn vào cõi xa xăm với độ cao gần tới trần nhà. Ừ thì như thế cũng hay. Đố đám nhân viên cấp dưới biết được cảm xúc của Giáo sư. Gần quá cũng không dám, xa quá thì cứ liệu thần hồn.

Nơi Giáo sư Mân công tác toàn những bộ óc “kim cương” cả. Trình độ Thạc sĩ phổ cập tất, chỉ trừ có mấy bác bảo vệ, mấy cô nấu ăn.

Cỡ Tiến sĩ, Phó Giáo sư nếu ngồi điểm mặt chỉ tên cũng mất khá nhiều thời gian. Cấp lãnh đạo phó cơ quan có ba người. Một là Giáo sư Mân, hai là anh Kha Tiến sĩ ở Tây Âu về. Còn lại cơ cấu một “em” nữ, học vị Phó Giáo sư khi tuổi đời còn khá trẻ. Cặp tuyết lê căng đầy nõn nường dưới cái cổ hình trái tim của chiếc đầm ren đen ôm sát vòng hông nở. Bác nào trót dại nhìn vào đó có lẽ đầu óc tưởng tượng ra ối thứ hay ho. Giáo sư Mân người hom hem thế, lại giữ chức Phó cơ quan cứ là nhìn lên hướng trần nhà cho lành.

*

Không khí trong phòng họp ngột ngạt như thiếu ô xy. Gương mặt các vị Phó Giáo sư, Tiến sĩ người thì đăm chiêu, kẻ mặt lạnh như băng, vài người môi mím chặt. Đại diện là hai nhân vật chính, Giáo sư Mân và tay Trưởng ban Tổ chức cán bộ.

Đôi mắt Giáo sư vẫn hướng lên trần nhà, giọng rít qua kẽ răng:

– Anh làm công tác cán bộ mà bất cẩn như thế à?

Giọng hung hăng, tay Trưởng ban Tổ chức cự lại:

– Anh bảo ai bất cẩn, tôi làm theo sự chỉ đạo của Giám đốc.

Giáo sư Mân hình như không kìm nén nổi uất nghẹn kìm giữ bao năm, buột miệng: – Giám đốc, Giám đốc, anh lúc nào cũng chỉ biết Giám đốc, cả những việc sai trái khuất tất hàm có việc gì là anh không làm… hừ. Làm người phải có chính kiến. Hèn.

Tay Trưởng ban Tổ chức chồm người về phía Giáo sư Mân đang ngồi trên ghế chủ tọa cuộc họp, như muốn tặng cho Giáo sư một quả đấm:

– Anh bảo ai hèn? Hả?

– Tôi bảo anh đấy.

Làn da màu quả chanh bóc vỏ của Giáo sư Mân chợt đỏ rựng sau câu trả lời.

Cả hai đều như sắp nhảy bổ vào nhau mà cắn cấu cho thỏa nỗi uất hận nuôi trong lòng âm ỉ bấy lâu. Nếu không có mấy vị Giáo sư Trưởng khoa, Trưởng ban khác đồng loạt can ngăn thì sự việc hôm ấy chưa biết bị đẩy đi xa tới mức nào.

Công tâm mà nói, tay Trưởng ban Tổ chức kia có tí ươn hèn như Giáo sư Mân quy chụp. Nhưng khổ nỗi lệnh Sếp lớn ban ra ai dám cãi cự. Cái ghế Trưởng ban ấy có thể gãy chân bất cứ lúc nào.

*

Giáo sư Mân hạ tầm nhìn thư thả đi tới phòng Giám đốc. Cửa mở, vị Phó nữ ngực đầy đi ra. Mùi nước hoa BVLGRI thơm nồng quện với mùi ngai ngái của con giống phóng vội tạo thành một thứ mùi ai ngửi thấy cũng phải nhăn mày lợm giọng. Thứ mùi ấy cứ văng vào không khí theo mỗi bước chân nhún nhảy của nàng Phó.

Giáo sư Mân ngước cặp mắt lên cao hơn một chút, chun mũi khi vị Phó nữ đi qua,  Giáo sư Mân còn kịp nghe một câu chào nhẹ hơn làn gió, ngọt như mật ong rừng:

– Em chào anh ạ….

Một vài cô nhân viên đang đi dọc hành lang vừa cúi đầu vừa giọng nịnh bợ xuýt xoa:

– Dạ em chào chị Hạ. Sao chị ngày càng trẻ đẹp thế? Bọn em ngưỡng mộ quá…

Quá chừng khoảng cách an toàn mấy cô nhân viên thì thào:

– Mày có ngửi thấy mùi gì không? Eo kinh quá…

– Có, mùi ấy…. Tởm…

Giám đốc đang ngả lưng trên chiếc ghế bọc da tận hưởng thêm những phút giây ngây ngất vẫn còn lan tỏa khắp cơ thể, thấy Giáo sư Mân vào bèn rời khỏi ghế, trịnh trọng chìa tay mời:

– Mời anh ngồi. Anh uống trà hay làm ly Macallan 1926 loại này của anh bạn tôi vừa đi Châu Âu về biếu đấy.

Sau khi làm vài ly rượu với mấy miếng lê ngọt lịm, Giám đốc giọng nhẹ nhàng mà cung kính bảo:

– Anh có nghiệp vụ chuyên môn sâu nên bố trí để anh chuyên công tác giảng dạy là thích hợp nhất. Mảng quản lý Khoa tôi đã giao cho cô Hạ rồi.

Miếng lê ngọt lịm tự nhiên hóa đắng nghét mắc trong miệng Giáo sư Mân.

Giám đốc nói thêm:

– Trong cơ quan này trình độ giảng dạy vẫn là nhất anh. Như tôi đây vẫn phải gọi anh hai tiếng sư phụ.

Miếng lê dù đắng hay ngọt Giáo sư Mân vẫn phải nuốt nốt nó xuống dạ dày.

*

Mấy tháng nay, Giáo sư Mân có thói quen làm việc rất muộn. Bóng tối đã phủ kín các lối đi trong tòa nhà làm việc mà đèn trong phòng Giáo sư vẫn sáng.

Cạch cạch… Tiếng gõ cửa khoan thai từng tiếng một chỉ có của Quân – cậu thư ký Ban nhân sự. Nói về mối quan hệ cá nhân thì Quân là đứa cháu họ xa bên vợ Giáo sư Mân. Các cụ bảo rồi “giọt máu đào hơn ao nước lã”, hơn nữa Quân được nhận vào cơ quan này là do Giáo sư Mân sắp xếp. Với cái bằng cử nhân “gốc mít” gọi là tại chức ấy thì được tuyển dụng vào cơ quan ngang Bộ này đâu có phải chuyện dễ. Bởi vậy, sống chết là cậu Quân nhất định trung thành với Giáo sư Mân.

Quân  mở cửa phòng bước vào, hai tay chắp cúi người cung kính:

– Cháu chào Giáo sư ạ.

Cái miệng hình con hến của Quân chỉ đủ phát âm thanh lời nói cho người đối diện nghe thấy.

Giáo sư Mân nhấp nhổm trên ghế hỏi:

– Đã theo dõi được gì chưa?

– Dạ…

Quân gãi gãi tai rồi lại nhẹ nhàng mở cái miệng hến:

– Cháu đã theo dõi cả tháng nay rồi. Đôi ấy giữ gìn ghê lắm. Cháu nghĩ là họ chỉ chốc lát trong phòng thôi. Hoặc là những ngày đi công tác ở địa phương Giáo sư ạ. Tay Giám đốc này cáo già lắm. Cho cháu thêm thời gian ạ.

Giáo sư Mân môi bặm chặt bảo:

– Vậy là phải chịu à? Để tao nghĩ cách thêm.

Quân dạ êm và từ tốn khép cái miệng hến, cúi đầu lùi dăm bước mở cửa ra về.

Giám đốc như một con cáo già cũng đã ngửi thấy mùi nguy hiểm đang rình rập của con chó săn nòi, giống Đức nên cung cách cử chỉ, việc làm thận trọng đến từng xăng ti mét.

Giáo sư Mân giữ chức Phó cho đến ngày nghỉ hưu, thêm 5 năm công tác giảng dạy theo quy định của nhà nước đối với những người có hàm Giáo sư. Ngày trao quyết định nghỉ hưu, những cái bắt tay nắm chặt, vòng ôm lưu luyến bịn rịn và những lẵng hoa thơm ngát lộng lẫy đủ sắc màu.

Giám đốc ôm chặt Giáo sư Mân bảo:

– Anh nghỉ chúng tôi tiếc lắm, cơ quan thiếu vắng một người thầy vĩ đại như anh quả là một tổn thất anh ạ. Cũng là quy luật cả thôi. Chúc anh nghỉ mạnh khỏe an hưởng tuổi già an nhàn.

*

Bà hàng xóm sửng sốt khi thấy Giáo sư Mân đi vòng tròn ba lần quanh khu phố, mắt ngáo ngơ có vẻ như tìm kiếm bèn hỏi:

– Kìa ông, ông mất cái gì mà cứ đi lại mấy lần tìm thế?

Giáo sư Mân thủng thẳng hỏi lại:

– Bà hỏi tôi à?

– Vâng là tôi hỏi ông, Giáo sư Mân là ông đánh rơi cái gì à?

Giáo sư Mân chọc một ngón tay vào ngực mình, giọng nghi ngờ hỏi lại:

– Giáo sư? Tôi là Giáo sư Mân à? Vậy bà có biết nhà tôi ở đâu không? Tôi đang đi tìm nhà mình bà ạ.

– Giời ôi, tưởng ông mất gì. Nhà ông đây này.

Miệng nói tay bà hàng xóm dắt Giáo sư Mân đi về phía cái nhà có hàng rào màu trắng phủ đầy hoa Sử quân tử đang kỳ nở rộ từng chùm thơm ngây ngất.

– Bà Mân ơi ra đón ông nhà này.

Phu nhân của Giáo sư Mân gương mặt héo quắt như quả táo tầu mới phơi một nắng, hớt hải chạy ra miệng làu bàu:

– Lão này nhanh quá, thoắt một cái vừa vào nhà vệ sinh quay ra đã mất hút rồi. Mệt với nhà ông lắm.

Trước khi bước vào cổng, Giáo sư Mân vẫn còn quay lại nghi ngờ hỏi bà hàng xóm thêm một câu:

– Đúng nhà tôi chứ?

Bà hàng xóm lắc đầu thương cảm, không biết nói gì nữa bèn lững thững quay đi.

Trong nhà, giọng bà phu nhân cáu bẳn:

– Tôi mang danh là vợ ông Giáo sư, gìn giữ lời ăn tiếng nói, cung cách cử chỉ gần hết đời. Giờ ông lại lẩm cẩm lẫn lộn thế này, còn mặt mũi nào mà nhìn bà con khu phố chứ? Ông nên ở trong nhà để giữ cái hình ảnh cho thằng con Tiến sĩ của ông. Ông đã biết chưa?

Giáo sư Mân nhe răng chả rõ cười hay mếu. Nhìn điệu bộ như vậy, Phu nhân càng phát điên gào lên.

– Giời ơi, cái loại như lão sống không bằng chết, đồ vô tích sự chứ giáo sào gì?

Miệng gào, hai tay Phu nhân cào cấu lên bộ ngực lép của Giáo sư Mân. Giáo sư Mân trợn mắt bặm môi, vớ ngay cái chổi lông gà vụt vào người phu nhân tới tấp.

– Này thì, này thì vô tích sự, làm phó như chó nhằn xương… này thì…

Phu nhân chạy khắp phòng khách để tránh trận đòn vô thức của Giáo sư Mân. May quá, giữa lúc tơi bời khói lửa thì anh con Tiến sĩ về. Anh Tiến sĩ bèn xông vào ôm chặt cứng ngang lưng Giáo sư Mân để giải cứu cho mẹ.

Giáo sư Mân vùng vẫy trong vòng tay của anh con Tiến sĩ vừa hét vào mặt anh con:

– Mày là thằng nào? Mày là thằng nào?

Làn da màu quả chanh bóc vỏ  Quả chanh bóc vỏ

*

Sau cuộc hỗn chiến hôm ấy, Giáo sư Mân được đưa vào bệnh viện nằm điều trị tại Khoa thần kinh có nhẽ đến cả tháng ròng. Ngày xuất viện, cơ thể Giáo sư Mân đã tăng đến vài ký, người bắt đầu tròn trịa hơn.

Chẳng biết có phải sau những ngày điều trị tại bệnh viện hay tự lúc nào không biết, Giáo sư Mân lại thèm ăn nhiều đến thế.

Sáng, trưa, chiều, tối, lúc nửa đêm hay gà gáy có thể ăn bất cứ khi nào. Nếu là ban đêm, lúc nào thức giấc là Giáo sư Mân lại tìm đồ ăn nhấp nhách như chuột ăn đêm vậy. Cơ thể cứ thế dần phình to ngang ra. Vốn dĩ chiều cao khiêm tốn và nước da đặc trưng cho nên thân hình Giáo sư Mân giờ đây nhìn như như một quả chanh bóc vỏ dưới lăng kính để nghiêng.

Để cho Phu nhân đỡ phần vất vả, ông con Tiến sĩ thuê một cô ôsin mới chạm ngưỡng tuổi 40 giúp chăm sóc Giáo sư Mân.

Cô này người quê lúa nước da bánh mật, cặp mông tròn, người chắc lẳn. Sức khỏe dư thừa để phục vụ những sinh hoạt cá nhân của Giáo sư.

Trưa. Đang say giấc nồng, cô ôsin bỗng thấy nhồn nhột. Cô giật mình thức giấc. Hóa ra Giáo sư Mân trong tư thế đôi chân gập dưới sàn nhà, đôi mắt đờ đẫn hướng nhìn trên cao, đang thục thạo bàn tay của mình trên cơ thể cô, tà áo hất ngược, chiếc quần ngoài bị kéo lệch một bên hông.

Định hét toáng lên nhưng thấy thái độ Giáo sư Mân hình như không có ý định xâm hại mình mà hành động sờ soạng ấy cũng chỉ là trong vô thức, bản năng tự nhiên  trong cái phần “con” của Giáo sư Mân mà thôi nên cô ôsin lại im bặt.

Hành động ấy còn được lặp lại vài ba lần nữa, nhưng cô ôsin nghĩ:

– Thôi, coi như là mình phục vụ như những việc sinh hoạt cá nhân khác của ông Giáo sư.

*

Từ dạo có thêm cô ôsin sống cùng, gia đình Giáo sư Mân khá êm ả. Bà phu nhân sau khi có ôsin phục vụ cũng thấy cuộc sống bớt phần nặng nề. Có một vài bà bạn động viên an ủi nên cũng thỉnh thoảng sang quán cà fe bên kia đường rủ rỉ trút bầu tâm sự. Bộ mặt táo tầu phơi một nắng của bà đã có phần căng ra, bớt nhăn nheo đi.

Ngày lại ngày qua đi, năm tháng lúc nhanh lúc chậm theo cách cảm nhận riêng biệt trong tâm tư của mỗi con người. Chỉ riêng Giáo sư Mân đã thờ ơ trước cõi nhân sinh này, chẳng buồn, chẳng vui, chẳng cáu giận, mặc nhiên tồn tại.

Người trong khu phố cũng dần quên đi cái sự lú lẫn của Giáo sư Mân. Đã từ lâu cũng chẳng còn ai nhắc đến Giáo sư Mân nữa nếu như không có một ngày thế này. – Giời ơi, có ai tin ngài Giáo sư lại ra nông nỗi này không? Bà Viên, ông Nguyễn ơi ra mà nhìn này.

Tiếng bà Lam hàng xóm nhà Giáo sư Mân hoảng hốt gọi toáng lên, bàn tay che ngang mặt lộ ra ánh mắt nửa nhắm nửa mở hấp háy qua kẽ tay.

Tiếng gọi đủ độ vang để kéo gần nửa khu phố chạy nháo nhác ra đường xem có biến cố gì đang xảy ra.

Già trẻ lớn bé trợn ngược hai con mắt. Sau giây phút ấy, tất cả đều lấy bàn tay lên che mặt.

Những người trẻ thì thốt lên:

– Úi rùi….

Rồi chạy mất biến sau cánh cửa, cánh cổng như ma đuổi.

Chỉ còn lại một số người già cả hoặc ngang tuổi Giáo sư Mân hoặc là những đồng nghiệp đã nghỉ hưu cùng cơ quan cũ của Giáo sư là còn đứng lại. Sau những giây phút ngại ngùng và ngỡ ngàng, họ cứ trân trân nhìn về phía giữa con đường của khu phố với gương mặt lộ một biểu cảm đó là ngậm ngùi và thoáng phần chua xót.

Thậm chí có người đưa tay lên quẹt vội những giọt nước mắt.

Gì thế kia?

Giáo sư Mân người đáng kính một thời đang lửng thửng đi giữa con đường ngập nắng vàng thơ mộng. Hai bên đường, hàng cây Sấu mới trồng được mươi năm tán vươn rộng sum xuê, những chiếc lá Sấu lẽ ra đã phải hanh hanh nhuốm vàng nhưng chúng lại vẫn còn xanh mướt mát như chưa hề có một dấu hiệu gì rằng trời đã chuyển sang tiết thu.

Trên người Giáo sư không một mảnh vải che thân. Làn da màu quả chanh bóc vỏ dường như thêm sắc hồng dưới sự phản chiếu của nắng. Bộ mông núng nính theo nhịp mỗi bước chân đi. Mái tóc trắng cước bồng bềnh vờn theo gió. Hai tay Giáo sư đang vung lên như một nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc.

Có lẽ Giáo sư nghĩ mình đang trên bục giảng. Cái đầu nghênh cao theo hướng nhìn lên trần nhà vốn là đặc điểm riêng biệt của Giáo sư. Người ta cũng chẳng cần nhìn phía trước cũng có thể nhận ra đấy chính là Giáo sư Mân. Lạ thật, nhìn lên cao thế nhưng chân bước đi không hề vấp ngã, duy có điều do thân hình quá béo, cộng thêm tuổi già nên những bước đi của Giáo sư có phần nặng nề và khó nhọc.

Hôm ấy là một chiều thu trời xanh trong, có nắng, có gió và thỉnh thoảng có một đám mây trắng mỏng trên bầu trời mà người ta cảm tưởng nó đang trôi rất chậm.

Mùa thu rồi sẽ qua đi và mùa đông lại đến.

Truyện ngắn Quả chanh bóc vỏ của Đặng Lưu San

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close