Cuộc thi viết vănTRUYỆN NGẮNVăn học Việt Nam

Gò đất cuối đồng

Truyện ngắn tham dự thách đấu sáng tác về đề tài Môi trường - Tự nhiên - Biến đổi khí hậu do CLB Diễn đàn Văn học trẻ tổ chức

Gò đất cuối đồng

Lão Hùng là một lão dân chất phác, chăm chỉ, có thể nói là lão nông dân chính hiệu. Ấy thế mà nhiều người thường to nhỏ sau lưng lão là Hùng hâm, lão già hâm.

Ừ, nếu người đời bắt lão giống họ thì lão đúng là hâm thật, lão giống người ta mà cũng chẳng giống người ta.

Ngồi thừ trên bờ trải ánh mắt ra cánh đồng xa xa, đồng đang vào cuối vụ ải, máy bừa đang chạy trên đồng. Trước đây, vào độ này lão phải móc bùn, bóp bùn cho tơi mượt, cào phẳng, rồi lấy thanh gỗ dài vuốt bùn láng như da thiếu nữ xuân thì, sau đó cẩn thận vãi thóc đã nảy mầm đều tay lên trên. Bùn phải vừa tầm, không quá mỏng kẻo mạ thiếu dưỡng chất, không quá dày để lúc đưa mạ ra đồng chẳng cuộn lại được. Thóc cũng được ngâm ủ đúng quy trình bảy nóng ba lạnh, mầm lên đều, rải sao cho không được vón cục vào nhau. Riêng chuyện này, lão tự nhận mình tay nghề có thừa. Từ hồi lão già đi, cái lưng đau liên tục, máy có máy gieo sạ, lão đỡ đi được công đoạn cấy hái, chỉ cần sau khi máy bừa bừa qua ruộng, lão vác thước dài ra vuốt phẳng đất ruộng, bắt ốc  bươu, nhặt cỏ kĩ lưỡng, vãi phân chuồng cho đất non mịn trù phú đợi hạt lúa gieo vào.

Hôm qua, lão lại mơ thấy bầy chim trắng, chúng bay về như những xuân xưa, đậu xuống thửa ruộng trước nhà, vẫy chào lão ra. Nhưng lần này lạ lắm, đôi chim trao cho lão đôi cánh trắng , giống như được tạo riêng cho lão, đôi cánh như có phép lạ, bay vào cơ thể, liền vào da thịt. Cánh tay lão biến thành cánh chim. Đôi chim ra hiệu, lão bay thử, quả nhiên bay vút lên trời cao, lần đầu tiên lão được bay, lão reo lên như đứa trẻ:

  • -Thần kỳ quá, ba cũng bay này con ơi.

Có lẽ, trong giấc mơ này là khoảnh khắc vui nhất đời lão Hùng. Lão bay vào đám mây trắng trên cao mà lão từng nhìn ngắm, đám mây mù mờ, mát lành, tuy chẳng giống tưởng tượng ngày thơ bé của lão, nhưng lão vẫn vui, lão bay từ bên này lại bay sang bên kia, vờn gió, vờn mây, yên bình, tự do biết mấy.  Hít sâu một hơi, đã quá lâu rồi lão mới lại được cảm nhận hơi gió mát, trong veo thế này.

Sáng tỉnh, lão cười nụ, giấc mơ này có lẽ nào là báo trước đôi chim bay về chăng. Nói về đôi chim trong giấc mơ ấy. Đó là những con cò trắng, đầu xuân lúc đồng đổ ải chúng cũng bay về. Đôi chim như có linh tính, luôn chọn gốc tre trước nhà lão, gần với cánh đồng để làm tổ, đẻ trứng, lão đã chứng kiến nhiều đàn chim non khôn lớn rồi theo đàn bay đi độ thu và hẹn lão mùa xuân quay lại. Đối với lão, đôi cò giống như con cháu của lão vậy, lão chứng kiến từng khoảnh khắc của tổ chim từ lúc ấp trứng, tới khi đỏ hỏn chưa mở mắt, cứ động động là cả lũ há mỏ, rồi chúng lớn lên, bay đi, ngóng trông theo cánh chim di trú mà nước mắt lão rơi. Lão thầm nghĩ, nếu có con gái, chắc cảm giác cha tiễn con gái về nhà chồng cũng chỉ đến thế, vừa mừng vừa vui lại xen nhiều lo lắng cho tương lai con cái, không biết mọi chuyện bên ấy khi thiếu người cha già bảo vệ có thuận lợi hay không? Lão chờ đôi chim như chờ con gái đi lấy chồng lâu ngày chưa về, mà suốt năm trời cũng biền biệt chẳng tin tức gì.

Lão Hùng có hai đứa con trai, tính ra thì thành đạt cả. Nghĩ tới con cháu lão lại phát sầu. Cháu lão – thằng Tít mỗi lần về quê, lão yêu thương bế bồng ra chơi với cánh đồng, bắt con muồm muỗm nướng, buộc lá mít làm trâu, móc bùn nặn, chẳng biết nó đưa lão về thời thơ bé hay lão nặn tuổi thơ cho nó, nhưng cả hai đều vui vẻ lắm. Ấy vậy mà con dâu lão, cả vợ lão, cấm tiệt, kêu bẩn, sợ vi khuẩn, sợ bệnh tật, sợ đủ thứ trên đời. Lão già tới chừng này, còn chưa bị ốm vì chơi bùn bao giờ. Lão thở dài, lão nhớ thằng Tít.

Con người ta, sinh ra từ đồng quê, nhưng lại thích chối bỏ gốc tích. Vợ lão từ ngày lên phố, giờ mỗi lần về quê là chê bẩn, cái gì cũng phải gói nilon, con trai, con dâu cũng từ nông thôn mà ra phố, giờ lái xe ô tô bước xuống, cứ như người mọc từ thành phố mới về nông thôn lần đầu.

Bỗng có tiếng cô nào cắp rổ đi về, qua nhà lão chỉ chỏ:

  • “Đấy, nhà lão Hùng ấy đây này, bà Hùng chả không ở được với lão nên lên phố ở với con giai mấy năm nay rồi” – một người đàn bà trẻ cắp theo cái thúng lên tiếng
  • “Nghe nói con trai lão Hùng giàu lắm, muốn sửa nhà cao cửa kính lão không cho, vợ lão mới tức bỏ lên phố?” – người đàn bà đi bên nói tiếp
  • “Úi giời, chị không biết đấy thôi, có lắp cửa kính, hôm sau con chim bay đập vào cửa chết, lão bắt tháo ra rồi, con trai muốn sửa gì lão cũng gạt phắt bảo không thân thiện với tự nhiên” – thị bĩu môi nói, rồi chẳng đợi người đi bên lên tiếng, thị lại tiếp lời:
  • “Gớm, chim với cò suốt ngày, lão Chính nhà em đi bắn được ít chim lão còn báo cáo chính quyền, chỗ bà con lối xóm mà sống khốn nạn với nhau quá thể”

Còn đang định nói xấu, lão Hùng đã lên tiếng đánh gãy:

  • “Con chim thì bé tẹo, mấy đĩ nhét vào mồm được miếng có no được không? Ăn gà, ăn vịt chưa chán hay sao mà con chim không nhét nổi kẽ răng cũng đòi ăn cho bằng được? Đứa nào cũng như các đĩ nên chim chóc cũng sắp tuyệt chủng cả rồi đấy.”

Thị dù chột dạ khi bị lão Hùng bắt quả tang nói xấu, nhưng thị cũng giương cổ lên cãi lại câu cho đỡ “quê”:

  • “Ăn chim cũng là sát sinh, ăn gà lợn cũng là sát sinh cả thôi, gớm, giết con gì thì chả là giết”.
  • “Gà lợn nuôi đẻ đàn đẻ đống, chim thì mấy đĩ cho nó ăn được miếng nào không? Hay là có mấy con sâu cái quả nó ăn thì phun thuốc cả rồi. Ăn chim rồi khác nào đuổi cùng giết tận không, để đức mà sống đi chứ” , lão nói.
  • “Ơ, bác hay nhể? Thế người ta chế ra thuốc trừ sâu, không trừ sâu thì đi bắt tay à?”, thị cãi.

“Thuốc vi sinh, tao đi phổ biến khắp thôn là dùng thuốc vi sinh, chậm tí mà chắc, an toàn với thiên nhiên, an toàn với chính bản thân, giảm một hai cân lúa sản lượng mà cứu được sức khỏe, cứu được tự nhiên sao không làm đi. Thiếu hiểu biết còn gan lì”.

Thị nghe cũng đung đúng, biết đuối lí thị nói bâng quơ trêu tức:

  • “Hai cân lúa cũng là lúa, ai có con trai giàu như nhà bác đâu mà không cần tiếc. Cháu chả thèm cãi nhau với bác”. Nói rồi thị ngúng nguẩy đi mất, vừa đi còn lầm bầm:
  • “Đúng là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Lão giận lắm mà đành buông tiếng thở dài. Con sông quê xanh biếc mang phù sa từ tận nơi xa vào từng ruộng lúa, từ hồi thơ bé lão đã cùng bạn bè anh em cởi chuồng bơi lội, dòng nước mát như vỗ về tuổi thơ lão, mang cho con người con cá con tôm. Mỗi lần nước cạn, lão lại đi nhặt con hến, con cua về. Tự nhiên nuôi lão và cả đám trẻ con làng lớn lên. Mỗi lần nhớ về tiếng cười đùa thơ bé, đứa nọ tạt nước đứa kia chả phiền lo, chân đất lấm lem mà vui vẻ là lão lại nghèn nghẹn. Mà giờ nhìn con sông quê, nổi lềnh phềnh nào là chai lọ, túi nilon, đủ các loại, cả vỏ thuốc trừ sâu, lão lấy cái que khều khều nhặt tay mang về, nước mắt cứ ứa ra. Giờ, đứa trẻ con nào dám tắm ở dòng nước ô nhiễm này, nào có đàn cá, con hến nào sống nổi.

Thằng Chính, chồng của người đàn bà lúc nãy, là đứa thích bắn chim muông làm thú vui, thấy nhà ông lắm cây cối, đất lành chim đậu, nõ rình rập bắn chim trong vườn nhà lão, bị lão bắt quả tang, chửi rủa, đe dọa, phổ biến tri thức, cảm hóa lòng người… cách nào lão cũng thử qua mà nó cứ như muốn trêu tức lão. Lão bực dọc, báo lên công an xã tội săn bắn động vật quý hiếm. Dù chả bị xử gì, nhưng Chính tức lắm. Nhưng ít ra, mỗi khi nhìn thấy lão, Chính cũng không dám giơ súng lên bắn nữa.

Mấy hôm nay mưa xuân lất phất, lúc mưa lúc tạnh, có lẽ đây là đợt mưa xuân cuối cùng, trên cành cây gạo trụi lủi đã mọc ra tua tủa nụ hoa. Lão Hùng vác cuốc đi về, ngồi viết kiến nghị xây lò xử lí rác thải lên Ủy ban xã. Đây chẳng phải lần đầu lão viết đơn, nhưng lão tin, tích tiểu thành đại, rồi ý kiến của lão cũng được Chính quyền để ý thôi. Lão ghi rõ sẽ hiến một thửa đất để xây nhà máy xử lí. Mỗi lần đạp xe qua cánh đồng gần nghĩa địa, thấy mùi rác thải đốt bay ngập ngụa, gương mặt già của lão nhăn lại.

Đêm,

Cái không khí thoáng đãng mát lành do cơn mưa mang tới khiến vạn vật dường như có thêm nguồn sống mới, mầm cây non cựa quậy vươn mình khỏi mặt đất, chìa chiếc lá non mới nhú lên tắm táp trong mưa. Mọi mầm sống cứ thế chuyển động trong tĩnh lặng, vài ba bông hoa gạo cũng bung cánh đỏ đầu tiên trong mùa. Lão Hùng thao thức không ngủ được. Trong lòng ông bồn chồn không yên. Chập tối tới giờ ông đã nhìn thấy những cánh cò trắng bắt đầu bay về, vẫn chưa thấy “đứa con” của ông đâu. Cứ ôm nỗi thổn thức ấy đi vào trong giấc ngủ lúc nào không biết. Nửa đêm, một tiếng đoàng vang lên, có tiếng “Ó” kêu lên thảm thiết rồi bặt hẳn, tiếng vỗ cánh rào trên bụi tre, ngắn mà gấp gáp, mấy con chó trong làng sủa xa ầm ĩ. Lão bừng tỉnh, cảm thấy có chuyện không lành, chẳng kịp mặc quần áo, xỏ dép guốc gì, lão vội vàng mở cửa chạy vội ra ngoài, bật đèn pin soi.

Ô kìa, thằng Chính, nó đang xách xác con cò, con của ông. Ôi con ơi, lão tức nghẹn lên cổ, tim đập thình thịch, bao nhiêu thứ trộn lẫn vào nhau trong lúc này khiến lão lắp bắp:

  • “Thằng Chính, mày…mày… thằng chó, thằng khốn nạn”, lão chỉ tay về phía tên trộm đêm.

Lão vớ cái thước vuốt bùn dựng ở mé hiên lăm lăm chạy ra. Thằng Chính trán đeo đèn pin, tay cầm súng, thân hình hắn trẻ trung sức lực hơn lão nhiều, vội nhảy qua giậu tre chạy biến. Lão Hùng cũng chẳng mục đích đuổi theo hắn, lão chạy lại phía cái tổ cò cũ, con cò bay về trong đêm, bị thằng Chính bắn chết một con, nó nằm đấy, lão ôm xác nó lên, máu me đỏ ướt cả cánh cò trắng, cổ nó oặt ra. Tiếng “Ó ó” thê lương đằng xa, có lẽ một con khác đã chạy thoát, đau lòng mà kêu. Lão chẳng còn biết đến lạnh, tim lão bừng bừng cơn giận và đau xót. Lão khóc rưng rức gọi “Con ơi… con của bố ơi”, miệng lão ú ớ đứt quãng, vuốt lên từ kẽ họng.

Sáng,

Trời hửng nắng, trên trời mây xám vẫn kín lối, nhưng vẫn hửng lên sáng ngời quang cảnh. Máy gieo sạ chạy từ sớm rầm rầm ngoài cánh đồng vang lên giữa không gian làng quê yên ả, khiến bất cứ ai nghe cũng cảm thấy một mùa lúa tươi tốt đang tới gần. Bỗng có tiếng ai hô hào lên: Lão Hùng chết rồi.

Lão tuy đã già, nhưng còn khỏe mạnh lắm, hôm qua còn nói đạo lí với hai cô gái quê mà sao lão lại chết được? Có người thấy lão tím ngắt nằm cạnh bờ ao, quần áo mỏng tang, tay toàn bùn đất, đoán chừng lão lên cơn đột quỵ, chết. Nhưng tại sao lão lại đầu trần, chân đất, quần đùi, đi ra ngoài vào giữa đêm lạnh như thế thì chẳng ai biết được. Cũng chẳng thấy con cò đã chết đâu. Làng xóm gọi điện cho vợ và con trai ông trên phố về lo liệu hậu sự.

Đám tang lão diễn ra nhanh chóng, vợ lão khóc: Ôi giời ơi là giời ơi, ông Hùng ơi là ông Hùng ơi, mới hôm qua ông còn gọi điện cho tôi bảo bao giờ về mà nay ông đã bỏ tôi mà đi. Sao ông chết khổ chết sở thế hả ông ơi. Nhà cao cửa rộng ông không ở, suốt ngày lọ mọ làm lụng, đến chết cũng không có ngày nào sung sướng. Đến lúc các con muốn báo hiếu thì ông lại không còn, thử hỏi chúng nó làm sao mà chịu được?

Lời lẽ tha thiết, thân nhân đau buồn cũng khiến bất cứ ai đến dự cũng phải xót thương, dù lúc sống có không vừa mắt nhau tới mức nào. Người từng bị lão chửi vì xả rác bừa bãi, người bị lão càm ràm vì lạm dụng thuốc trừ sâu, người thì đau đầu nghe lão than thở chuyện con người ngày càng đuổi theo vật chất…ai cũng biết lão nói chẳng sai, nhưng người chống lại dòng chảy thời đại như lão, muốn đi ngược với số đông như lão lại thành ra khác người. Chẳng ai muốn dung chứa một kẻ khác loài. Người ta bận suy nghĩ về sống chết, người ta bận đau buồn, người ta chuyên chú ngẫm về một đời người, chẳng ai để ý tới thằng Chính đang đứng ở một góc lặng lẽ đi về.

Tất cả mọi người đều không biết nguyên do lão chết, chỉ có hắn là tường tận. Hôm bữa nghe vợ hắn đi đồng về chống nạnh nói bị lão Hùng chửi ra sao. Biết bao người săn bắn chim sao lão không báo hết lên trên xã mà cứ nhắm vào hắn mà soi mói. Lão có biết một mình lão thì chống lại thế giới thế nào? Lão nhặt 5 cái bịch nilon trôi sông thì có một trăm cái khác đã được vứt ra thôi. Lão ngăn hắn bắn một con chim thì cùng lúc đấy một trăm con khác cũng đã bị bắn chết rồi. Hắn coi hành động của lão là cực kì hâm dở, cổ hủ. Thế giới đang phát triển thì lão cứ bắt người ta phải ngưng phát triển. Thế có phải là dở hơi không, thế nên hắn tức lão, hắn muốn chọc tức lão. Hắn biết lão yêu quý đôi cò, năm nào cũng đi dặm lại tổ cò, sợ tôm cá tự nhiên giờ vơi bớt, lão còn ra chợ mua cá nhỏ về đổ trước tổ cò. Hắn rình, hắn bắn, hắn hối hận. Hắn không có ý muốn hại lão, hắn cũng không ngờ, lão yêu quý đôi cò tới vậy. Hắn biết, đôi tay lấm lem bùn kia là lão tự tay chôn con cò, cái gò đất u u cạnh bờ ao không phải là lão vét bớt bùn ao mà chính là mộ con cò trắng. Lão chết, hắn dằn vặt bỏ ăn bỏ uống. Vợ hắn cứ nghĩ hắn ốm, chỉ hắn với lão mới biết. Đêm qua, trong giấc mơ chập chờn, hắn thấy lão Hùng với đôi cánh trắng bay về, lão chẳng trách mắng gì hắn mà trái lại còn cười tươi nói với hắn rằng: Tao thành chim rồi, nếu mai này mày thấy đàn chim bay về, có khi có tao đấy. Tao vui lắm, mày đừng buồn nữa. Nói đoạn, lão vỗ cánh bay mất.

Sau đám ma, vợ con lão phát hiện ra tờ đơn hiến đất xây lò xử lí rác thải tiên tiến. Vợ lão không vui lắm, tính đốt tờ đơn, tội gì đất nhà mình mà cho không thiên hạ. Con cả lão can ngăn, bảo mẹ hoàn thành tâm nguyện cho bố, khuyên nhủ mãi bà Hùng mới đồng ý.

“Nhưng mà mày nhớ bảo ông chủ tịch ghi cái biển công đức: Gia đình ông Trần Văn Hùng và con cháu kính tặng, cho người ta biết”.

Hết tuần đầu, vợ con lão lại trở về phố, căn nhà cứ thế mà bỏ không. Nhiều năm sau, vẫn chẳng ai về quê ở, ấy thế mà nhà cửa vườn tược nhà lão Hùng vẫn gọn gàng cỏ rả, chỉ cỏ cây cối là xanh tốt um tùm, trái cây trĩu cành gọi bầy chim về làm tổ, ríu rít. Nếu muốn tới nơi nào yên bình, dễ thở nhất, thì cứ tới nhà ông mà ngồi, dù chuyện buồn phiền, lo nghĩ tới đâu cũng chẳng mấy chốc mà tan biến. Mà cái làng từ đấy lại mọc ra một lão Chính, cứ ngày ngày đạp xe, mồm hút thuốc lá cuốn tay, đeo thêm cái giỏ nhặt túi nilon trôi vào cạnh sông y như lão Hùng ngày trước. Hắn chẳng còn bắn chim nữa. Đôi khi, người ta thấy hắn vào nhà lão Hùng nhặt cỏ, uống một ấm trà nóng ở bên hiên, trầm tư nhìn ra cánh đồng lúa xanh đằng trước.

Xem thêm tác phẩm cùng tác giả:

Với óc quan sát tinh tế và có chiều sâu, Phong đã vẽ lên một thế giới văn chương ấm áp, ngọt ngào, sâu lắng. Dù là đầy cảm xúc, nghẹn ngào trong Giấc mơ có mẹ, tinh nghịch với Tình bạn diệu kỳ, ở khía cạnh nào đi nữa, truyện ngắn của Phong vẫn đủ sức lôi cuốn người đọc, để lại triết lí nhẹ nhàng về cuộc đời, để rồi khi thức tỉnh, người ta không thể nào quên một Phong chân thực, giản dị nhưng không kém phần sâu sắc. Dù số lượng tác phẩm chưa nhiều, Phong vẫn thành công trong việc tiếp cận độc giả bằng tài năng của mình bằng những bước đi chậm nhưng chắc chắn.

 

 

 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close