Bài văn hay THCSCa dao - Tục ngữNgữ Văn 7

Chuyên đề Ca dao – Dân ca

Chuyên đề Ca dao, Dân ca

Chủ đề 1: Tình cảm gia đình

I. Khái niệm

– Ca dao, dân ca là tên gọi chung của các thể loại trữ tình dân gian kết hợp giữa lời với nhạc diễn tả đời sống nội tâm của con người.

– Dân ca là những sáng tác dân gian kết hợp với lời và nhạc

– Ca cao là lời thơ của dân ca.

II. Một số nội dung cần chú ý

1. Đề tài: Đề tài trong ca dao, dân ca vô cùng phong phú, thiên về biểu hiện tình cảm và đời sống nội tâm của con người.

2. Một số lời nhận xét về ca dao

– Là tấm gương cao của tâm hồn dân tộc

– Là cây đàn muôn điệu tấu lên những khúc nhạc thể hiện tình cảm, cảm xúc, đời sống nội tâm của con người.

3. Đặc điểm thi pháp trong ca dao

a. Nhân vật trữ tình

Một số kiểu nhất định: Chàng trai, cô gái trong quan hệ bạn bè lứa đôi, người cha, người mẹ, người con trong cuộc sống gia đình, con gái, con trai, con dâu.

– Có thể là người lao động nói chung: Người làm thơ, người làm ruộng, làm chài lưới trong cuộc sống lao động và trong mối quan hệ quê hương.

– Có 2 cách xuất hiện

Dùng Đại từ: Ai, chàng, thiếp, tôi, anh

Hình ảnh ẩn dụ: Thuyền, bến, đào, trúc, măng. Tất cả các nhân vật đều là hình ảnh phiếm chỉ, chỉ mang dấu ấn cá nhân, dễ dàng khơi gợi đồng cảm cho người đọc.

b. Thể thơ trong ca dao

– Lục bát, lục bát biến thể.

– Đặc điểm gồm 1 câu 6 tiếng và 1 câu 8 tiếng tạo thành 1 cặp câu lục bát.

– Cách gieo vần: Tiếng cuối của câu 6 hiệp vần với tiếng cuối của câu 8 và tiếng cuối của câu 8 hiệp vần với tiếng cuối của câu 6 tiếp theo.

– Cách ngắt nhịp: 2/2/2; 3/3 ; 4/4.

=> Trong ca dao phong phú, linh hoạt uyển chuyển và biến hóa vô cùng.

– Song thất lục bát: 2 câu 7 tiếng, 1 câu 6 tiếng, 1 câu 8 tiếng/

c. Ngôn ngữ trong ca dao.

– Là ngôn ngữ mang tính nghệ thuật và nhạc rất cao.

– Mang màu sắc địa phương, giản dị, chân thực, hồn nhiên, gần gũi như lời ăn tiếng nói hàng ngày.

VD: Ni, tê ( tiếng địa phương miền trung)

d. Thời gian và không gian nghệ thuật của ca dao

– Thời gian nghệ thuật: Hiện tại ( bây giờ); Diễn sướng ( đêm trăng thanh, đêm qua); Tâm trạng ( chiều chiều)

– Không gian nghệ thuật:

+ Gắn với việc cụ thể: Cây đa, giếng nước, sân đình.

+ Tâm trạng: Ngõ sau: Nỗi buồn, nỗi nhớ quê hương, gia đình, bến sông mong ngóng chờ đợi người đi xa.

e. Những biện pháp nghệ thuật chủ yếu trong ca dao.

– So sánh ẩn dụ

+ Tỉ dụ( so sánh trực tiếp) qua những từ chỉ quan hệ như giống như, tựa như, như thể … đặt giữa  2 vế : A – B.

+ ẩn dụ ( so sánh ngầm) không có quan hệ từ so sánh mà đối tượng so sánh cũng bị ẩn, bị dấu đi => hàm xúc biểu cảm, tinh tế hơn.

=> ẩn dụ gắn rất chặt với nghệ thuật nhân hóa: Dùng thế giới loài vật để nói con người.

– Đối xứng, đối ý, đối từ.

– Nghệ thuật trùng điệp ( điệp lại từ, câu và ý)

– Nghệ thuật phóng đại

III. Chủ đề: Những câu hát về tình cảm gia đình

  1. Đặt vấn đề: Ca dao dân ca là cây đàn muôn điệu của nhân dân, nhất là người dân lao động.

– Giới thiệu những câu hát về tình cảm gia đình: Rất tự nhiên về tình cảm gia đình, bao giờ cũng bắt nguồn về tình cảm ân nghĩa về những người ruột thịt trong gia đình và đó là tình cảm sâu sắc  khiến người đọc vô cùng xúc động, trong đó có 4 bài ca dao sâu sắc tinh tế về mặt nội dung và nghệ thuật.

2. Giải quyết vấn đề

* Khái quát chung

– Lời của những bài ca dao qua các âm điệu, ý nghĩa, hình ảnh trữ tình. Chúng ta hiểu rằng:

+ Đây là lời ru của mẹ với con

+ Là lời của người con gái lấy chồng xa quê hương về quê mẹ

+ Của cháu nói với bà

+ Và cuối cùng là lời nói có thể là lời của ông, bà, cô bác, chú dì nói với cháu, là lời của cha mẹ dăn dạy con, anh em nhắn nhủ bảo ban.

=> Nhận xét: Những câu hát về tình cảm gia đình trong ca dao đẹp như  một bản hợp ca, vừa chân thành ấm cúng, thân mật thiêng liêng, xuyên thấu từ đời này sang đời khác.

3. Cái hay, cái đẹp, sự đắc sắc của từng bài ca dao.
a. Bài 1: Lời gợi công lao to lớn và nhắn nhủ về đạo hiếu.

Câu 1: Công cha như núi ngất trời

Nhịp điệu 2 / 2 / 2 -> 6 tiếng mở đầu đã ngắt theo 3 nhịp như tiếng nhẹ nhàng, thủ thỉ tâm tình, đây là lời ru của mẹ ru cho đứa con thơ bé ngủ ngon đồng thời nhắc nhở công lao của cha mẹ với con cái và nhắc nhở trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ.

=> Mẹ sinh ra con, dành tất cả những dòng sữa thơm mát cho con, nuôi con khôn lớn và hàng đêm ru con bằng lời ru êm dịu, thêm những dòng sữa âm thanh nuôi lớn tâm hồn con.

– Giúp con trưởng thành về thể xác lẫn tâm hồn.

– So sánh

+ ở bài hát ru này, người mẹ có công lao sinh thành, nuôi dạy của cha mẹ đối với con gái như núi ngất trời và như nước ngoài Biển Đông.

=> Đây là cách tỉ dụ quen thuộc của ca dao để ca ngợi công ơn cha mẹ đối với con cái. Công lao nghĩa mẹ là những ý niệm trừu tượng được so sánh với hình ảnh tạo vật cụ thể “Núi cao biển rộng, biểu tượng cho sự vĩnh hằng, bất diệt của thiên nhiên. Hơn nữa hình ảnh đó còn được miêu tả, bổ sung bằng những định ngữ chỉ mức độ “ Ngất trời”, mênh mông để gợi tả chiều cao của núi và biển không sao đo được.

+ Điệp từ “Núi” và “Biển” nhắc lại hai lần, bổ sung thêm nét điệp trùng của núi, của biển khiến cho chiều cao của núi cao lại cao hơn, khiến cho chiều rộng của biển rộng lại thêm rộng.

=> Chỉ những hình ảnh to lớn, không cùng, vĩnh hằng, bất diệt ấy mới sánh được công ơn sinh thành, nuôi dưỡng con cái của cha mẹ.

-> Núi ngất trời / nước ngoài biển không thể nào đo được chiều cao, bề rộng, cũng như không thể nào tính được công ơn nuôi dạy con cái.

=> Đánh giá qua nghệ thuật so sánh, điệp từ đặc tả, điệp từ từ láy kết hợp với giọng thơ lục bát ngọt ngào của việc lặp lại hát ru 3 câu trên trong bài ca dao đã khẳng định và ngợi ca công lao to lớn  của cha mẹ đối với con cái. Đây không phải là những lời giáo huấn khô khan mà là những tiếng nói ân tình cất lên từ trái tim lay động mọi con người.

C2: Câu cuối

– Thành ngữ: “ Cù lao chín chữ”  nhắc nhở về công lao của cha mẹ đối với con cái, không chỉ gói lại trong số 9 mà còn mở rộng thấm thía đến vô cùng, không sao kể xiết.

– Cách ngắt nhịp 4/4 chia đều câu 8 tiếng thành 2 vế 4 tiếng đầu nhấn mạnh công lao của cha mẹ thì bốn tiếng sau nhắc nhở về thái độ, hành động của con cái để đền đáp công ơn ấy/

– Mở rộng: Ngoài bài ca dao trong SGK giới thiệu ra, người Việt  Nam  còn có một số câu mang đậm nét tương tự.

– Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật như đường nứa lau

– Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm tối viếng mới dành dạ con.

Bài 2: Ca dao Việt Nam đã dành nhiều dòng thơ để cảm thông cho những nỗi niềm, tâm sự của người phụ nữ thời phong kiến. Điển hình trong số đó là bài ca dao sau:

( Trích đoạn)

Sau tiếng mở đầu ngân theo 3 nhịp ( 2 / 2 / 2). Đó là tâm trạng của người phụ nữ khi lấy chồng xa quê. Trong xã hội phong kiến xưa có quan niệm “ Trọng nam khinh nữ” nên đời sống tình cảm của người phụ nữ ít khi được quan tâm, chia sẻ. Người con gái đi lấy chồng xa quê thường chịu nhiều nỗi vất vả, tủi thân, đau khổ. Những lúc tủi phận, lúc nhớ nhà, người con gái chỉ biết thui thủi, ôm nỗi buồn, không biết chia sẻ cùng ai mà “ Trông về quê mẹ”

– Bài ca dao đã nói lên tâm trạng ( không gian tâm trạng) buổi “ Chiều chiều”. Đó là thời điểm cuối ngày, thường gợi những suy nghĩ và thường gợi những nỗi buồn vương vấn.Buổi chiều là thời gian trở về đoàn tụ ( con chim bay về tổ, con người trở về nhà), trong khi đó người con gái vẫn bơ vơ nơi đất khách quê người, khi thời gian bước vào giây khắc ngày tàn, người phụ nữ ra đứng ngõ sau để “ Trông về quê mẹ” mà “ Ruột đau chín chiều”.

– Bước vào buổi chiều tà, không gian đã nhập nhoạng tối, người phụ nữ vắng lặng heo hút ra đứng ngõ sau để tự mình đối với mình. “Ngõ sau” chẳng những gợi lên thân phận hèn mọn của phận đầu tôi, mà kết hợp với thời gian chiều tối nó còn tạo cho người phụ nữ một góc riêng, một góc vừa hẹp, vừa tối, nàng lặng lẽ “ trông về quê mẹ” “ ruột đau chín chiều”. Đặc biệt từ “ Trông” không chỉ có nghĩa là nhìn, mà còn có ý nghĩa trong ngóng. Người phụ nữ trông về quê mẹ còn là đang khao khát và tìm tình cảm ấm nồng, còn đang mong ngày trở về quê mẹ với những người thân thiết của mình. Trong hoàn cảnh bèo dạt mây trôi nơi đất khách quê người, nàng trông về quê ấy mà ruột đau chín chiều, chín chiều là chín bề, là nhiều bề, chín chiều không gói gọn trong con số 9, mà còn mở rộng dai dẳng, làm mòn trái tim con người. Cách sử dụng từ láy và kết cấu vòng đối xứng “ Chiều chiều” – “Chiều chiều” đã góp phần đối với bi kịch của người phụ nữ, họ chẳng bao giờ thoát khỏi vòng tròn đau khổ, chính mình, vì thế mà tâm trạng của người phụ nữ vì thế mà càng nặng nề đau xót.

Câu cuối tạo thành 2 vế, 4 tiếng đầu  nhấn mạnh nỗi buồn, nỗi nhớ gia đình thì 4 tiếng sau thể hiện nỗi đau quằn quại khi chưa được về quê mẹ và người thân.

Qua nghệ thuật kết cấu vòng đối xứng, từ láy kết hợp với dòng thơ lục bát, bài ca dao đã có sức lay động những niềm thương, nỗi nhớ sâu lắng nhất của con người. Đồng thời thể hiện nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ mẹ già  của người con gái khi lấy chồng xa quê. Vì thế bài ca dao mang trong mình một tinh thần nhân đạo sâu sắc.

Bài 3: Bên cạnh tình cảm cha mẹ – con cái, ca dao còn là những lời nhắn nhủ cảm động về tình cảm ông bà và cháu con:

“Ngó lên nuộc lạt mái nhà
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”

Nuộc lạt – một hình ảnh quen thuộc trên những mái nhà tranh của làng quê Việt Nam đã được đưa vào câu ca dao một cách rất tự nhiên, giản dị và gần gũi. Biện pháp so sánh bao nhiêu – bấy nhiêu đã thể hiện tình cảm nhớ thương, sự gắn bó bền chặt, ruột thịt của cháu con với ông bà. Âm điệu lời thơ tha thiết thể hiện sự kính trọng biết ơn!

Bài 4: Ca dao là dây keo lối tình thương gia đình. Đối với ca dao, bao giờ cũng không thể thiếu những câu hát tình cảm gia đình và đối với độc giả nhỏ tuổi.

Bốn câu ca dao mang đầy nét truyền thống hữu nghị, yêu thương, đã để lại cho chúng em những suy nghĩ

Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân
Anh em hòa thuận hai thân vui vầy

– Bốn câu ca dao trên nói về tình nghĩa anh em trong gia đình, chữ cũng được điệp lại 2 lần để làm nổi bật mối quan hệ rất thân thiết của anh chị em trong gia đình cùng chung cha mẹ ( bác mẹ) cùng chung máu mủ ruột thịt ( cùng thân)

Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân

Hai câu cuối là lời khuyên bảo anh em trong gia đình sống sao cho có tình nghĩa

Yêu nhau như thể tay chân
Anh em hòa thuận hai thân vui vầy

Tục ngữ có câu: Anh em như chân với tay, chân với tay là bộ phận gắn bó của một cơ thể con người. Con người hoàn chỉnh không thể thiếu chân hoặc tay. Cũng như anh em ruột thịt phải biết yêu thương nhau, gắn bó với nhau, đỡ đần nhau như chân với tay.

– Anh em phải sống hòa thuận, nghĩa là đoàn kết, đùm bọc nhau, nhường nhịn nhau, anh thương em, em kính trọng anh, có hòa thuận thì  cha mẹ mới vui vầy, sống yên vui hạnh phúc. Các động từ “ Yêu nhau” với “ Hòa thuận” đã nói lên cách ứng xử đầy tình nghĩa tốt đẹp của anh chị em trong gia đình.

Ngoài ra, tiếng hát còn bộc lộ được một sự yêu thương, gắn kết đùm bọc nhau của các anh chị em trong nhà. Bày tỏ được một sự thân tình nhắc nhở nhau, nói lên sự yêu thương nhau, gắn bó giữa chân và tay cũng như sự nhường nhịn của giọt máu chung nhà.

Bài tập về nhà:

– Cảm nghĩ của em về bài ca dao “ Công cha như núi ngất trời”

Chuyên đề ca dao dân ca Chuyên đề Ca dao – Dân ca
Chuyên đề ca dao dân ca

Chủ đề 2: Tình yêu quê hương đất nước

I. Đặt vấn đề

Có nơi đâu đẹp tuyệt vời
Như sông như núi như người Việt Nam

Đúng như vậy! Non sông đất nước và con người Việt Nam đẹp vô cùng! Từ xa xưa ca dao, thơ ca dân gian, tiếng nói trái tim của những người lao động đã thể hiện thấm nhuần tình yêu quê hương đất nước.

1. Giải quyết vấn đề

* Khái quát: Có thể nói ca dao là hơi thở của cuộc sống, là bầu sữa nóng nuôi dưỡng tâm hồn, là bề sâu về tình yêu và trí tuệ con người. Tình yêu quê hương đất nước trong ca dao mãi mãi là mạch suối nguồn không bao giờ vơi cạn, làm nổi bật vẻ đẹp con người Việt Nam. Nếu ca dao dân ca về tình cảm gia đình thường là những câu hát ru thì ca dao dân ca về tình yêu quê hương đất nước con người thường là những bài hát đối đáp, những khúc ca ngẫu hứng, tự nhiên cất lên trong sinh hoạt cộng đồng, trong lễ hội, khi đi du ngoạn cảnh, lúc ngắm nhìn đồng ruộng quê hương.

2.Tình yêu, niềm tự hào về vẻ đẹp của non sông đất nước.

Bài ca dao số 1

– Đây là lời đối đáp của chàng trai, cô gái về những địa danh nổi bật trên đất nước ta:

Thành Hà Hội năm cửa
Sông Lục Đầu sáu khúc
Sông Thương bên đục bên trong
Núi Tản Viên
Đền Sòng thiêng
Thành Tiên xây tỉnh Lạng

=> Đây là hình thức ca hát dân gian  ở các vùng quê. Qua đối đáp, đôi bên nam nữ thử tài nhau về các kiến thức địa lí, lịch sử, văn hóa và cũng là để chia sẻ tình yêu, tình bạn, tình yêu quê hương đất nước.

– Lắng nghe lời hỏi và đáp của hai nhân vật trữ tình trong ca dao xuất hiện nhiều địa danh từ thư đó Hà Nội sang Hải Dương ( sông Lục Đầu) – Bắc Giang ( Sông Thương) ngược lên Lạng Sơn. Mỗi vùng có một nét đẹp riêng, hợp thành bức tranh non nước Việt Nam thơ mộng, giàu truyền thống văn hóa.

– Không trực tiếp nói ra  nhưng người hỏi và người đáp đều biểu hiện tình yêu và niềm tự hào về vẻ đẹp tình yêu quê hương đất nước.

=> Như vậy chàng trai và cô gái trong khúc hát giao duyên này nói riêng, nhân dân lao động Việt Nam ta nói chung không chỉ say đắm, mến yêu, tự hào về giang sơn Việt Nam tươi đẹp mà còn tỏ ra là những người lịch lãm, hào hoa, hiểu biết sâu rộng. Thật đáng noi theo.

* Chuyển: Không chỉ say mê hát đối đáp trao duyên, ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước, người dân Việt Nam, chúng ta còn mượn  những câu ca dao dân ca để phô bày cảnh trí những danh lam thắng cảnh trên mọi miền đất nước để mọi người nô nức rủ nhau khao khát thưởng thức.

Bài ca dao số 2:

Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ

– Cụm từ rủ nhau đã trở thành mô típ quen thuộc trong ca dao, là khúc nhạc dạo đầu cho cuộc mở đầu thiết tha.

– Tác giả dân gian đã liệt kê các  thắng cảnh nối nhau thật phong phú đa dạng nơi kinh đô Hà Thành tươi đẹp. Nơi có:Đền Ngọc Sơn, Đài Nghiên, Tháp Bút, Hồ Gươm.

Cảnh thiên tạo hài hòa với cảnh nhân tạo, nét tự nhiên hài hòa với nét đẹp lịch sử văn hóa.

– Đặc biệt nhất vẫn là câu hỏi tu từ cuối bài, khẳng định sự kính trọng, biết ơn công lao xây dựng đất nước của các Vua Hùng xưa, đồng  thời nhắn nhủ mọi người phải bảo vệ, giữ gìn đất nước tươi đẹp này. Một câu hỏi đầy yêu mến, đằm thắm. Nhân dân lao động quả là những bậc kỳ tài về ngôn ngữ.

* Chuyển: Và ta hãy đến thăm xứ Huế với bài ca dao sau:

Bài 3: Đường vô xứ Huế quanh quanh

– Đây đích thực là một viên ngọc trong kho tàng ca dao Việt Nam, nó là bài ca ca ngợi vẻ đẹp tuyệt vời của Huế và cũng là bài ca ca ngợi về niềm tự hào về quê hương đất nước.

– Cảnh vật trong bài ca dao được miêu tả theo lối chấm phá thật thơ mộng làm sao. Đường quanh quanh uốn lượn hài hòa với “ Non xanh nước biếc” “ Sơn thủy hữu tình”, một đối tượng miêu tả được nhấn mạnh bằng một tính từ gợi hình, đường quanh quanh, nước sông Hương xanh biếc, núi thì xanh, thêm từ láy toàn phần “ Quanh quanh” và phép so sánh “ Như tranh họa đồ” khiến cho xứ Huế càng mộng và thơ.

– Phép tu từ : Tính từ miêu tả

: Đại từ phiếm chỉ

Nhưng người đọc dù ở đâu chăng nữa thì cũng được gọi mời.

3. Ca dao còn giới thiệu những sản vật quý của mọi miền đất nước

– Ai về Tuy Phước ăn nem
Ghé qua Hưng Thịnh mà xem Tháp Chàm

– Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về

– Ai đi chảy hội chùa Hương
Làm ơn gặp khách thập phương hỏi giùm
Mớ rau sắng quả mơ non
Mơ chua sắng ngọt  biết còn thơm chăng.

* Chuyển: Đi dọc mảnh đất của Tổ quốc, những người Việt Nam không thể kìm nén được nỗi xúc động trước cảnh cánh đồng cò bay thẳng cánh, những bông lúa đẹp ngời dưới ánh nắng ban mai như những cô gái trẻ đẹp tươi tắn.

Bài số 4:

Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát.

Với biến thể lục bát ở 2 câu đầu và trở lại câu lục bát ở 2 câu sau, lời ca dao trở lên phóng khoáng, linh hoạt, giúp người đọc hình dung nhân vật trữ tình – Cô thôn nữ trẻ trung tươi tắn, khỏe khoắn đứng ngắm đồng quê xanh tốt, lúa đang ngậm đòng mà cất lời ca, ngợi ca cảnh đẹp của cánh đồng.

– Hai câu đầu cặp thơ  lục bát biến thể kéo dài: Điệp từ – Đảo từ – Đối xứng đặc tả vẻ đẹp của cánh đồng.

Nhìn từ đâu, bất cứ lúc nào đều thấy cánh đồng mênh mông bát ngát, rất rộng, rất đẹp, rất trù phú, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Trước một cánh đồng như thế, ai chẳng xúc động, chẳng mến yêu quê hương mình, nhất là những cô thôn nữ, những người đã bỏ không ít công sức để cấy cày, chăm sóc.

– Mượn cảnh ngụ tình: Cô thôn nữ vừa ca ngợi cảnh đẹp cánh đồng, vừa tự ngắm rồi dự cảm về số phận mình. Nghệ thuật so sánh ( Như chẽn lúa)

Thân em + từ láy vừa tả vẻ đẹp, vừa biểu hiện tâm trạng của cô gái. Cô tự hào về vóc dáng nhỏ xinh, mềm mại,  đang tuổi thanh xuân,  tươi tắn tràn trề sức sống, hòa hợp trong vẻ đẹp và sức sống của quê hương.

“Thân em như chẽn lúa đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai”

Nhưng cô gái không khỏi băn khoăn lo lắng về “ Chẽn lúa đòng đòng”, số phận nhỏ nhoi, vô định giữa một biển lúa khổng lồ, song có thể nói âm hưởng chủ đạo là ca ngợi, tự hào.

=> Cảm nhận: Dân gian đã gửi vào ca dao một tình yêu đắm say, ta như nghe sóng lúa dạt dào, ta như thấy cánh đồng chạy tít phía chân trời, ta như thấy hương thơm ngọt ngào  nơi đây, và ta còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của người lao động trẻ trung, đầy sức sống.

4. Ca dao còn là nơi mà nhân dân ta gửi gắm nỗi nhớ quê hương.

Ca dao từ muôn đời nay đã ghi lại tình yêu quê hương đất nước,  sôi nổi, mạnh mẽ, dịu dàng, trầm lắng để rồi sự gắn bó với quê hương tha thiết nhất còn được ca dao diễn tả trong nỗi nhớ của người con gái xa quê.

“ Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”

– Diễn tả khái quát – Liệt kê các sự vật cụ thể ( canh rau muống, cà) -> con người quê hương.

– Điệp từ nhớ được lập 5 lần trở đi trở lại trong bài ca dao, nhấn mạnh nỗi nhớ thiết tha cồn cào, cháy lòng đến kỳ lạ về món ăn dân dã, về những người thân bình dị, về quê nhà.

– Thành ngữ “ Dãi nắng dầm sương” và đại từ phiếm chỉ “ Ai”  để diễn tả sự cảm thông, xót thương, sâu lắng, thân tình của những người con phương xa tới những người mẹ, người chị, người vợ, người  yêu nơi thôn quê đang vất vả, lam lũ nhưng vô cùng chịu thương chịu khó hăng say lao động.

5. Biết ơn công lao xây dựng đất nước

“ Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”

-Khẳng định vấn đề : Những lời ca dao dân ca đã bao nhiêu năm làm xao động đất trời, xao động lòng người, bao tình cảm đẹp đẽ ấp ủ trong  ca dao đã khơi nguồn bắt mạch cho dòng chảy cuộc đời êm ả, đầm ấm, yêu thương mãi mãi trong tim ta. Men nồng của tình yêu quê hương đất nước vẫn luôn cháy bỏng trong những vần ca dao. Có lẽ chính vì thế, mỗi người dân Việt Nam như thấy mình được trưởng thành  trong cái nôi văn học đẫm chất trữ tình ấy để rồi thêm yêu quý, thêm quyết tâm bảo vệ, giữ gìn đất nước ngày một giàu đẹp.

Bài tập về nhà: Cảm nghĩ của em về bài ca dao “ Anh đi anh nhớ quê nhà”

Chủ đề 3: Những câu hát than thân

I. Hình ảnh người phụ nữ trong ca dao

1. Đặt vấn đề:

Ca dao là khúc hát tâm tình của người lao động Việt Nam được lưu truyền theo năm tháng qua bao đời nay. Nó bồi đắp đời ta từ những ngày ta thơ bé, qua lời ru của bà, của mẹ giúp ta cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp bình yên nơi thôn quê. Nỗi nhọc nhằn cũng như vẻ đẹp của người lao động, tình cảm gia đình thắm thiết của những người dân quê chân chất mộc mạc. Trong thế giới lắng sâu hơn cả, vẫn là hình ảnh những người phụ nữ xưa. Trong đau khổ đến cùng cực, họ vẫn đẹp đẽ, cao quý đến vô ngần.

2. Giải quyết vấn đề

a. Thân phận đau khổ đắng cay đến cùng cực của người phụ nữ xưa trong ca dao.

+ Xã hội phong kiến phụ quyền, tồn tại hàng nghìn năm, với những quan niệm bất công, khắt khe ( tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) hay quan niệm trọng nam khinh nữ ( Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô) đã đẩy người phụ nữ xuống địa vị thấp kém nhất trong gia đình cũng như địa vị xã hội.Nỗi niềm ấy đã được họ gửi gắm trong những câu ca dao than thân:

  • Thân em như giếng giữa đàng
    Người thanh rửa mặt, người phàm rửa chân
  • Thân em như hạt mưa sa
    Hạt vào đài các hạt ra cánh đồng
  • Thân em như miếng cau khô
    Người thanh tham mỏng, người thô tham dày
  • Thân em như quế giữa rừng
    Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay
  • Thân em như trái ớt cay
    Càng tươi ngoài vỏ càng cay trong lòng

Có biết bao nhiêu nỗi khổ mà người phụ nữ phải chịu đựng. Ngày ngày trèo non hay ngày ngày dãi nắng dầm sương. Những nỗi khổ xuất hiện với tần suất cao nhất đó là nỗi khổ về tinh thần. Đó là thân phận mỏng manh bị động, ít giá trị. Ca dao thường sử dụng mô típ “Thân em” đi đôi với phép so sánh: Như trái bần trôi, như hạt mưa sa, như chổi đầu hè, như miếng cau khô …

=> Người phụ nữ bị đồ vật hóa khiến ta cảm nhận sâu sắc bao nỗi xót  xa được cất lên trong những câu ca dao than thân. Cả đời họ chỉ lầm lũi cam chịu khổ đau, nhọc nhằn, và dường như sự bất hạnh tủi nhục ấy trong xã hội xưa là hằng số chung  ở tất cả các vùng miền.

Người tân tộc Thái cũng ví: “Thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa”,  “Con chão chuộc mà thôi”.

+ Chứng minh: Quãng thời gian người phụ nữ sống trong cuộc đời đều được đong đếm mà người phụ nữ phải gánh chịu những nỗi khổ khi còn nhỏ trong gia đình. Người phụ nữ đã chịu sự bất công ( Trọng nam khinh nữ).

Khi lấy chồng chịu trăm điều cơ cực.

– Ngậm ngùi nuốt đắng cay, thấm thía nỗi buồn khi xa quê mẹ.

– Còn phải gánh chịu sự đày đọa của nhà chồng.

– Chịu thêm nỗi khổ cảnh chồng chung.

y’1.Thân phận người phụ nữ long đong lận đận, chìm nổi bấp bênh.

– Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu

– Thân em như dải lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

=> Cuộc đời người phụ nữ không làm chủ được số phận, không tự quyết định được tương lai, dường như sướng khổ không thể nào đoán được, hạnh phúc sung sướng hay đau khổ đều do kẻ khác định mệnh.

ý2: Nhưng dù sống trong bất hạnh, người phụ nữ xưa vẫn rất đẹp, đẹp người, đẹp nết.
  • Vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ trong ca dao ( dải lụa đào, ớt trên cây, chẽn lúa đòng đòng).

=> Vẻ đẹp mềm mại dịu dàng, duyên dáng trẻ trung, khỏe khoắn tươi tắn tràn đầy sức sống, phơi phới.

  • Vẻ đẹp phẩm chất tâm hồn: Từ trong khổ đau bất hạnh. Từ tiếng hát than thân đầy khổ cực, tâm hồn người phụ nữ vẫn sáng lên lấp lánh ánh sáng của sự đôn hậu, vị tha, thủy chung, trong trắng, son sắt, giàu nghĩa tình khiến cho những câu hát than thân không mang vẻ bi lụy mà vẫn tỏa sáng, ấm áp tình người.

+ Tấm lòng trong trắng, thơm thảo đầy nghĩa tình.

– Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen
Anh ơi nếm thử mà xem
Nếm song mới biết là em ngọt bùi

Đề cao tình yêu thương, lòng chung thủy, sự nhẫn nại, đồng cam cộng khổ,  chọn nghĩa vẹn tình, xây dựng gia đình đầm ấm yên vui.

-Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm sông hương mặc người
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.

Khẳng định: ở thời nào cũng vậy, vẻ đẹp của người phụ nữ là một hằng số bất biến. Những làn điệu ca dao dân ca từ thủa sơ khai vẫn là kho tàng vô giá, lưu giữ chọn vẹn nhất vẻ đẹp ấy. Càng trong đau khổ bất hạnh họ càng ngời sáng phẩm chất thanh cao.

b. Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ

– Thân phận người  lao động trong xã hội cũ thường được so sánh hay ví với những con vật lúc bé nhỏ, gần gũi với cuộc sống hàng ngày ( cò, kiến, tằm, quốc, nhện )

b1.Cuộc đời vất vả nhọc nhằn lận đận

– Hình ảnh “thân cò” ẩn dụ cho người lao động

– Hình ảnh đối lập : Nước non ( rộng lớn) > < 1 mình ( nhỏ bé),

lên thác > < xuống gềnh . Bể đầy > < Ao cạn.

=> Tạo dựng nghịch lý cho cuộc đời của con cò -> chính là hình ảnh người lao động xưa một mình phải đối diện với biết bao thiên nhiên to lớn dữ dội ( nước non, thác ghềnh) với biết bao biến động ở đời  ( bể đầy, ao cạn) cố gắng tần tảo, bươn trải khắp nơi mà kết quả thì nhỏ nhoi, ít ỏi, nghèo khổ không chỉ nuôi con …

– Sử dụng từ ngữ gợi tả, gợi cảm: Thân cò, cò con, từ ghép nước non, từ láy lận đận và câu hỏi tu từ -> Buồn thương thân, ngao ngán cho cuộc đời, mỗi dòng thơ là một tiếng than, tác giả thở dài chua xót.

* Lời phản kháng tố cáo xã hội phong kiến: Nếu như điệp từ nhấn mạnh những lầm than, tủi cực khổ đau, vất vả của người lao động thì nó cũng tố cáo mạnh mẽ sự áp bức, bất công mà người lao động phải gánh chịu. Từ “ Ai” trong đại từ phiếm chỉ của câu hỏi tu từ cuối bài, chính là lời tố cáo đanh thép bọn xã hội thống trị bấy giờ.

b2. Thân phận nhỏ bé gặp nhiều khổ đau can trái

–  Hình ảnh ẩn dụ:    Con tằm: Ăn ít nhả tơ nhiều -> lao động vất vả

Lũ kiến: Nhỏ li ti đi kiếm ăn – > Thân phận nhỏ bé lam lũ

Người lao động:      Con hạc: Lánh đường mây -> Phiêu bạt hiểm nguy

Con quốc: Kêu ra máu không ai nghe -> Thấp cổ bé họng.

– Điệp ngữ “ Thương thay” 4 lần -> cảm xúc

* Bài tập vận dụng

Đề: Phát biểu cảm nghĩ về bài ca dao số 1 “ Nước non lận đận một mình”

Gợi ý định hướng mở bài

– Trong cuộc sống, bao thế hệ cuộc đời được sống trong sự hạnh phúc, sung sướng nhưng thay vào đó, nếu chúng ta nhìn sâu vào xã hội xưa, ta sẽ thấy có những số phận phải chịu áp bức, bóc lột và bị xô đẩy vào những hoàn cảnh khó khăn, ngang trái, trong thế giới đó lắng sâu hơn cả vẫn là hình ảnh của những người nông dân lao động nghèo khổ, chân lấm tay bùn. Để diễn tả những cuộc đời đầy gian truân ấy một cách sâu sắc phải kể đến bài ca dao:

Nước non lận đận một mình
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay
Ai làm cho bể kia đầy
Cho ao kia cạn cho gầy cò con.

Bài Chuyên đề: Ca dao – Dân ca trên đã được biên soạn cẩn thận giữa lí thuyết và ví dụ cụ thể  giúp học sinh nắm chắc hơn về đặc điểm của thể loại văn học dân gian – ca dao – dân ca. Nắm vững và sâu sắc hơn về các mảng đề tài trong ca dao, dân ca trong chương trình lớp 7. Qua đó, giúp các học sinh có thái độ yêu thích thể loại, bồi đắp tình yêu gia đình, yêu quê hương đất nước và biết thông cảm, trân trọng cho số phận cuộc đời và phẩm chất của người nông dân trong xã hội cũ.

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close