TRUYỆN NGẮN

 Be búp, be búp – Tiếng còi bán kem

Tiếng còi bán kem “Be Búp, Be Búp”

Bán kem không có tiếng rao, bán kem chỉ có tiếng còi “be búp, be búp” được lấy hơi từ hộp đầu gội đầu đã hết, bằng nhựa. Ngón tay cái và ngón trỏ bóp vào chiếc hộp, những ngón tay còn lại vẫn đặt ở ghi đông xe đạp và bắt lái.

Nó cùng mấy đứa bạn chia nhau mỗi đứa một ngả, đi dọc những con đường làng đầy nắng mùa hè. Nó đi bán kem.

Nhà chúng nó nghèo lắm, nhà mấy đứa trong xóm cùng tuổi nó cũng nghèo. Mấy đứa đang học lớp chín chuẩn bị thi lên cấp ba trường huyện. Muốn đi học ôn thi phải có tiền để đóng, mấy đứa rủ nhau mua thùng gỗ lót xốp về đi bán kem, nghĩ là làm luôn, tranh thủ ba tháng nghỉ hè ít ỏi, vừa học vừa kiểm tiền nên chúng nó hào hứng và quyết tâm đỡ đần bố mẹ được phần nào.

Tình ơi! Dậy đi lấy kem.

Tiếng nó gọi cái Tình ở ngay đầu xóm.

Ngày nào cũng thế, cứ tầm hơn ba giờ sáng, mấy đứa rủ nhau sang làng bên cạnh. Ở đó có nhà làm kem. Vì đông người cũng đi lấy kem để bán nên nhà chủ làm ra mẻ kem nào sẽ hết ngay mẻ đó, bọn nó phải đi thật sớm để còn kịp đi thật xa sang các làng khác bán kem.

Nó dùng chiếc dây thun, cố định thùng kem bằng gỗ trên chiếc xe đạp Thống Nhất cũ rích, chiếc xe mẹ nó mua từ thời bao cấp bằng tem phiếu. Nó nghe tiếng lọc cọc của thùng gỗ nảy tưng tưng đằng sau gác ba ga xe vì đường xóc toàn sỏi đá. Hơn ba giờ đêm, trời vẫn còn tối om, chẳng có một thứ ánh sáng nào hắt lên con đường làng. Nó nhìn ra phía trước, một ngôi sao Mai còn lấp lánh trên bầu trời chưa kịp lặn. “Sao Hôm và sao Mai chẳng bao giờ gặp nhau nhỉ?”. Nó tự rủ rỉ với lòng mình thế, tận hưởng chút gió mát của đêm mùa hè.

Chẳng mấy chốc đã tới nhà chủ làm kem. Nói là kem nhưng công thức nhà chủ làm đơn giản lắm. Nguyên liệu chủ yếu là nước lã, đường, một ít bột chuyên dùng, chất tạo hương liệu và màu sắc cho vào khay hình chữ nhật, cắm cái que bằng tre nhỏ từng hỗ khay và cho vào tủ làm đông. Sau ba tiếng là có một mẻ kem khoảng năm trăm que kem.

Nó và mấy đứa nhanh tay xếp những que kem thành từng hàng thẳng tắp. Mười que kem một hàng. Nó xếp được năm hàng thì lấy nắm giấy vụn được xé từ những bìa vở cũ, chèn vào khoảng không kẽ hở của que kem. Chèn thật khéo sao cho các que kem chắc chắn, không bị xê dịch và lót thêm miếng vải dày, đậy nắp xốp lại lên thùng kem. Hơi tỉ mỉ và kì công một chút, nhưng có làm như thế kem mới không bị tan ra dưới nắng hè gay gắt.

Nó trở về nhà khi mặt trời vừa thức dậy ló tia nắng lấp lánh trên đầu ngọn tre. Buổi sáng nơi thôn quê yên ả, giá mà cái nghèo, cái đói cũng yên ả như buổi bình minh ngày hôm nay chắc nó chẳng phải khổ sở, vất vả vì mưu sinh.

Mẹ đi làm đồng từ sớm, phần lại cho nó bát cơm nguội buổi sáng. Cơm chỉ có canh rau dền ăn với dưa muối chấm tương nhưng nó phải ăn thật nhiều. Đi bán kem cả buổi sẽ rất đói, nếu bỏ bữa sáng chắc chẳng có sức mà rong ruổi khắp mọi ngả đường. No cái bụng, nó ra chằng lại thùng kem cho thật chắc chắn. Không quên để gá thêm một chiếc sọt sắt bên cạnh. Đôi khi bán kem thì được ít, bọn trẻ con thường mang sắt vụn, nhựa hỏng, dép hỏng, có khi là những chai bia thủy tinh đã uống hết ra đổi lấy kem. Trẻ con chẳng có tiền để mua, chiếc sọt sắt sẽ đựng được nhiều đồ sắt vụn, nhựa dép hỏng nên nó phải mang theo.

Mấy đứa bon bon trên chiếc xe đạp đi cách xa ngôi làng nó đang sống khoảng hơn mười cây số. Những ngôi làng ở xa, gần núi, hẻo lánh sẽ có nhiều người mua kem hơn. Ở nơi đó, que kem mùa hè là thứ quà quê mát lạnh và rất thích thú với những đứa trẻ nơi đây.

Mỗi đứa chia nhau đi vào một làng để bán kem, hẹn địa điểm nơi ngã ba đầu làng, gần con dốc lớn, khi nào bán hết sẽ gặp nhau ở đấy. Nó thong dong trên con đường quê một tay điều khiển xe đạp, một tay cầm còi và bóp cho tiếng “be búp, be búp” kêu càng to càng tốt. Xa xa nó nghe vọng bên tai cũng có tiếng “be búp, be búp” nó thầm đoán chắc là tiếng còi kem của cái Tình, nó đang ở gần đâu đây.

Ngày tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch, nó đi qua rất nhiều ngôi nhà, nhà nào cũng quây quần bên nhau làm cơm mừng Tết giết sâu bọ theo phong tục truyền thống của người Việt Nam. Nó thầm chạnh lòng bên thùng kem cứ kêu lọc cọc. Nhưng hôm ấy nó cũng đổi được khá nhiều lông ngan, lông vịt, dép nhựa hỏng. Vào ngõ nào cũng xôn xao tiếng gọi “kem ơi!”, lòng nó phấp phới niềm vui quên đi mất nỗi tủi thân thoáng qua ban đầu.

– Cô ơi, bán cho cháu ba que kem! À không phải cô, là chị.

Một em bé gái chừng bảy hoặc tám tuổi gọi nó và chợt nhận ra “cô” bán kem còn trẻ quá nên em bé đổi cách xưng hô bằng chị. Cũng đúng thôi, nó mới mười lăm tuổi, chỉ đáng là tuổi chị của em bé ấy. Trao ba que kem cho em bé, nó đút tờ năm trăm đồng màu đỏ vào túi rồi lại bóp còi “be búp, be búp” đi tít vào ngõ trong.

Những con đường làng ngoằn nghèo đầy sỏi đá. Nó đi miết từ làng Bùng sang làng Nghè rồi làng gì nữa ở mãi tít chân núi nó không biết tên. Thùng kem đã hết, buổi trưa nắng nóng như thiêu như đốt. Nó chẳng biết bây giờ là mấy giờ rồi. Nó vòng xe quay lại tìm đường ra lối cũ để về nhà. Không biết cái Tình, cái Tính bán hết kem chưa, mấy đứa còn đợi nó ở ngã ba không? Nghĩ thế, nó vội đạp xe thật nhanh, thật nhanh. Nhưng nó bị lạc đường rồi, sao đi mãi cũng chỉ thấy những con đường vắng, giờ này người trong làng đã đi nghỉ trưa. Nó chẳng tìm thấy ai để hỏi đường về.  Nó cứ đi mãi về phía đằng Tây, đi qua một cánh đồng bao la rộng lớn, những cây lúa non đang trổ đòng đòng, một màu xanh tươi mát. Nó ngoảnh sang bên trái, xa xa, đường quốc lộ lớn nơi nó chỉ cần đi thẳng sẽ về đến nhà, lòng nó vui vẻ phấp phới.

Uỳnh! Bụp!

Nó thấy mát rượi từ chân lên đầu. Thì ra con đường đất khó đi kia chưa lành sẹo sau cơn mưa hôm trước. Mảng đất sét hằn in lên mặt đường thành một vệt chắn cạnh cái ổ gà. Chiếc bánh xe đạp của nó mắc vào đó, cả người và xe lao xuống mương nước. Nhưng thay vì thấy đen đủi nó lại thấy mát rượi từ chân lên đầu, cú ngã như một món quà ban tặng bởi giọt mồ hôi mệt mỏi và nóng bỏng đang lăn trên má nó. Nó giống như người nhà giàu được nhảy xuống bể bơi màu xanh nước biển ở khách sạn. Hình ảnh mà nó được xem trên chiếc ti vi đen trắng nhà nó. Ti vi đen trắng không nhìn thấy màu xanh, nhưng nó là đoán là màu sắc ấy. Nó chẳng vội lên bờ, nó ngâm mình dưới làn nước trong cho thỏa cơn mát, đằng nào thì quần áo nó cũng ướt hết rồi.

Một lúc sau, nó hì hục lôi chiếc xe lên bờ, lôi cả mấy túi lông ngan, lông vịt ướt nhẹp. Mấy cái chai nhựa thì nhẹ nên nó tự nổi lên. Tìm mãi không thấy một chiếc dép bên phải vừa thụt xuống bùn sâu. Nó đành đi về với một chiếc dép bên trái màu trắng đã đứt quai. Dép nào cũng cần có đôi mà nay chỉ còn một chiếc. Nó chợt nhớ bài thơ Đôi Dép của tác giả Nguyễn Trung Kiên, bài thơ nó đọc được trong quyển thơ mượn của cái Thu hôm trước: “Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi/ Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng”.

Nó đi qua chỗ hẹn ban sáng của mấy đứa bạn, chẳng có ai đứng ở đấy đợi nó. Đã quá muộn rồi, ánh nắng dần dần ngả sang chiều. Về đến trạm cân sắt vụn, ông chủ vui vẻ cười nói:

– Nào, cân nốt chiếc dép kia chứ cháu?

Nó mỉm cười gật đầu, nó đi đôi chân trần, đúng là chẳng còn thấy khập khiễng nữa. Hai chân không có dép, hai chân đều bằng nhau.

Ngày hôm đó nó được bán được mười lăm nghìn, trong đó bốn nghìn đồng nó bỏ ra làm vốn lúc sáng. Những năm 2000, mười mấy nghìn đối với một đứa trẻ mười lăm tuổi là cả một tuần đi học ôn thi trên thị trấn. Hôm đó nó vui lắm!

Những buổi bán kem sau, nó vẫn cùng mấy đứa bạn rong ruổi khắp các con đường quê. Những tiếng “be búp, be búp” vang lên khắp xóm ngõ. Đôi khi làm thổn thức vị giác của bọn trẻ con, nó cảm nhận được điều đó rõ lắm. Trẻ con thôn quê, chẳng có đứa nào mà không thèm que kem mát rượi. Nó thấy hai đứa trẻ chừng bốn đến năm tuổi, nghe tiếng còi kem, chúng chạy ra phía cổng tre, nắm tay vào đó, miệng liếm láp thèm thuồng. Nó thấy khát nước quá, khát khô cả cổ họng. Đỗ xe xuống, nó mở thùng xốp ra, cầm que kem đưa cho em nhỏ:

– Em ơi, vào lấy cho chị xin một cốc nước, đổi lại chị cho em một que kem được không?

Bọn trẻ mắt sáng lên, đứa này cắn một miếng rồi lại chia cho đứa kia. Chúng chạy vào nhà mang cho nó một cốc nước to đùng. Nước giếng quê sao mà mát và ngọt thế! Hay là nó khát quá nên cảm nhận như vậy? Rõ ràng nó thấy một vị ngọt mà sau này nó nhớ mãi, không một loại nước giải khát nào sánh bằng.

Trời đã về trưa, nó nhìn thấy một đám mây đen kịt phía đằng Đông. Hôm nay nó bán ế, chẳng có ai gọi nó mua kem hay đổi kem. Nó thèm tiếng gọi “kem ơi!” vang lên đâu đó trong ngõ vắng này. Đáp lại chỉ là khoảng không im lìm hoặc tiếng chó sủa đằng xa. Tiếng “be búp, be búp” cũng yếu dần bởi hai ngón tay nó mỏi nhừ. Bỗng từ cửa sổ ngôi nhà cạnh đường có người đàn ông thò mặt ra, gọi giật giọng:

– Ê kem! Mày không để cho ai ngủ trưa nữa à? Bóp còi kêu điếc hết cả tai. Im đi cho tao nhờ.

Lúc đầu nó tưởng có người mua kem, nó mừng quá! Thì ra người ta mắng nó, bởi tiếng “be búp” phá tan giấc ngủ  trưa của ông ấy. Nó bỗng thấy tủi thân vô cùng, nó thương phận người mưu sinh. Những tiếng rao chẳng tội tình gì, nhưng có mấy ai hiểu điều đó? Nó quay xe, đạp đi thật xa, nó không giám bóp còi, sợ lại bị ai đó thò mặt ra mắng. Nhưng thùng kem vẫn còn nguyên, nó mới cho hai em bé hồi sáng một que để đổi lấy một cốc nước mát. Không có tiếng còi kem, ai biết nó bán mà mua, mà đổi?

Cơn mưa vần vũ trên bầu trời kéo đến, nó không còn cách nào khác đành phải dắt xe trú tạm vào mái hiên ven đường. Mưa mùa hè xối xả những giọt rơi, sấm sét hình cành cây xé toạc bầu trời. Có vài người bán rong cũng ghé tạm vào mái hiên tránh mưa cùng với nó. Cô hàng muối vẫn còn một bao muối đầy chưa bán hết. Cô hàng dép vẫn treo lủng lẳng những đôi dép nhựa trên xe. Nó đưa hai bàn tay nhỏ hứng những hạt mưa từ mái hiên rơi xuống, táp vào mặt. Nó đang khóc đấy, nó tủi và buồn nên táp thật nhiều nước vờ như rửa mặt để hai cô hàng muối và hàng dép không biết nó khóc. Nó thương những phận người bán rong nơi làng quê nghèo, tiếng rao rồi sẽ đi về đâu trong cuộc đời này? Nó hứa với lòng mình, sau này nó lớn lên, dù có vinh hoa hay khổ đau, không bao giờ nó được quên tiếng rao.

Ngày hôm đó nó đổi được hai cân muối, một đôi dép nhựa màu tím có chiếc nơ hình bông hoa. Bù lại hai cô hàng muối và hàng dép được ăn thỏa thích thùng kem ế của nó. Biết đâu những que kem ế đó sẽ vơi bớt đi phần nào cái mệt nhọc của tiếng rao, của trưa hè bỏng rát. Nó nghĩ như thế đấy!

Mùa hè năm ấy trôi đi thật chậm chạm, buổi sáng nó đi bán kem cùng đám bạn, chiều về ăn vội bát cơm nguội mẹ phần trong chạn, rồi lại đạp xe ba cây số lên thị trấn lúc năm giờ chiều, học ôn thi. Cả bọn nhìn nhau ai cũng đen nhẻm đen nhuốc, bàn tay thì gầy guộc. Nó cầm chiếc bút nhỏ run run viết vào trang giấy, trang viết có cả sự quyết tâm nhọc nhằn và gian khổ của mấy đứa. Năm ấy cả bọn đều đỗ vào cấp ba trường huyện. Cái Tình, cái Tính đậu vào vào lớp chọn toán, nó được vào lớp chọn văn.

Mùa thu trong xanh, nắng rải rác tia vàng lóng lánh xuống sân trường. Nó hạnh phúc ngẫm nghĩ về mùa hè qua. Trong tâm trí nó bỗng hiện ra hình ảnh của cô bé mười lăm tuổi, nước da đen nhẻm đi bán kem, tiếng còi kem “be búp, be búp” vang xa nơi xóm ngõ. Quá khứ và hiện tại đan xem nhau, nó thầm mong những tiếng rao sẽ có lời đáp lại, dù họ đang cất tiếng rao ở bất cứ nơi đâu…

Tác giả Thanh Nga

Xem thêm truyện ngắn hay trên Văn học trẻ cùng chủ đề:

Be Búp, Be Búp, Tiếng Còi Bán Kem  Be búp, be búp – Tiếng còi bán kem
Be Búp, Be Búp, Tiếng Còi Bán Kem – Truyện của Thanh Nga – bản quyền thuộc Văn học trẻ

Lời bàn của Biên tập viên dành cho truyện ngắn ện“Be búp, be búp” – Tiếng còi bán kem

Từ cái tên “be búp, be búp” – Tiếng còi bán kem” đã cho chúng ta biết ngay chủ đề của truyện ngắn này là về tiếng rao bán kem ngày thơ bé được tác giả cụ thể hóa thành cụm từ láy miêu tả ‘be búp be búp”. Thanh âm rao ấy nếu ai chưa từng nghe có lẽ khó mường tượng ra, nhưng nếu đã từng có tuổi thơ “đổi dép lấy kem”, chờ ngày dép rách để vừa được mẹ mua dép mới, vừa có thể đổi kem thì nghe tiếng be búp ấy, trong não bỗng trào dâng hình ảnh người bán kem bóp chiếc còi gọi mời quyến rũ (với trẻ con, khó ưa với người lớn cần một giấc ngủ yên bình) và cả trưa nắng hè oi ả, vàng ruộm sắc nắng.

Một câu chuyện về cô gái bán kem với những khó nhọc của nghề rao hàng mưu sinh, Thanh Nga đã lồng ghép cả những kỉ niệm về thời thơ ấu tuy khó khăn nhưng đáng nhớ, tuyệt diệu. Chiếc kem bán ế có giá trị bằng một cốc nước mát, đổi lấy muối hay đôi dép tím có nơ giữa cơn mưa bất chợt, rồi chẳng may ngã xuống mương cũng như nhà giàu tắm bể bơi, chỉ thấy mát lành khoan khoái…Nghèo khó ấy nếu ta nhìn nhận tích cực sẽ chẳng là điều gì khó khăn, thậm chí đó còn là động lực để những đứa trẻ năm ấy đỗ cao, đạt được ước mơ của mình.

 Be búp, be búp – Tiếng còi bán kem là truyện ngắn về tuổi thơ, nhẹ nhàng và nhiều ý nghĩa tích cực. Hãy để lại bình luận của bạn về truyện ngắn này nhé.

 

 

 

 

 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close