TRUYỆN NGẮN

Người cha

Nhà đã nghèo, cha thì lại tối ngày say sưa, hiếm khi nào Tuấn thấy cha mình tỉnh táo như cha của những người bạn khác. Cứ uống say vào đi ra đường chân bước loạng choạng, đứng lên rồi té xuống chẳng khác gì như những đứa trẻ nhỏ mới biết đi chập chững. Hàng xóm thấy mà họ cười, rồi còn có người khinh khi đủ thứ chuyện cứ như là cha đang diễn hề cho cuộc đời xem vậy.

Thằng Tuấn trở về, thấy mẹ ngồi đó thở dài với gương mặt buồn hiu. Nó nhìn vô nhà thấy một mâm chén bát để đó ngổn ngang chưa có ai dọn dẹp. Nó đã biết mẹ buồn vì chuyện gì. Nó còn lạ gì với cái cảnh này ở trước mắt mình nữa.
Nhà đã nghèo, cha thì lại tối ngày say sưa, hiếm khi nào Tuấn thấy cha mình tỉnh táo như cha của những người bạn khác. Cứ uống say vào đi ra đường chân bước loạng choạng, đứng lên rồi té xuống chẳng khác gì như những đứa trẻ nhỏ mới biết đi chập chững. Hàng xóm thấy mà họ cười, rồi còn có người khinh khi đủ thứ chuyện cứ như là cha đang diễn hề cho cuộc đời xem vậy. Người lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu với những cơn ói mửa dính quần áo toát ra mùi tanh rình. Thật khó chịu cho những ai đang ở gần họ chỉ biết lắc đầu bịt mũi hoặc tránh xa ra như kinh tởm một thứ gì đó mà họ chẳng muốn nó gần quanh mình. Nói chuyện ra thì chẳng đâu vào đâu, những thứ ngôn ngữ kỳ quặc dính chùm chùm. Cứ như là đang ngậm cái quả chanh lấp đầy khoang miệng chẳng ai hiểu là đang nói đến cái vấn đề gì? Tay chân lớ quớ vụng về đụng vào cái gì thì đổ vỡ cái nấy, nhìn cái cảnh này mà ra đường thấy mắc cỡ với người ta vô cùng.
Thì nó cũng cùng trang lứa như bao nhiêu đứa thanh niên khác trong xóm, nhưng phụ huynh họ có uống rượu bê tha như cha của Tuấn đâu. Nhắc tới thì luôn có sự chán nản hiện lên kín ở khuôn mặt như một nỗi thất vọng ê chề.
Cái căn nhà lụp xụp dột trước dột sau mà không khi nào cha chịu bỏ ra chút ít thời gian để cải thiện lại. Cứ nhắc tới thì ông luôn miệng nói bận hàng trăm thứ việc nào là: phun thuốc, rải phân, lấy nước, tháo nước, bao nhiêu là chuyện đồng áng làm không xuể. Ấy thế mà ông lại có thời gian đi uống rượu cùng với các chiến hữu trong xóm, thật không sao hiểu nổi. Cái hàng rào tre trước sân đã hư gãy do ông say xỉn té vào! Vậy đó mà cũng chẳng chịu đi chặt tre để thay lại cho kiên cố, cứ để đó hết ngày này qua ngày nọ. Ôi… nhắc đến cha thằng Tuấn thì gia đình và cả người ngoài chỉ biết lắc đầu trong sự ngán ngẩm chán chường.
Thằng Tuấn thương mẹ là nhiều nhất. Cứ hễ ghét cha bao nhiêu thì thương mẹ lại bấy nhiêu. Mẹ của nó cũng thuộc về số khổ đấy! Hết thức khuya dậy sớm đi buôn bán, rồi còn lo nhà cửa con cái. Lại phải chịu cái cảnh có người chồng say sưa tối ngày chỉ biết làm bạn với ma men! Chẳng thấy cha khi nào quan tâm hoặc ngó ngàng tới gia đình nhà cửa. Xem ra chị hai của Tuấn là con Thùy, vậy mà nó có phước, đi lấy chồng sớm về làm dâu người ta. Không còn phải ở trong cái nhà này, vì thế sẽ không nghe những lời lải nhải từ cha nó. Dù say rượu hay tỉnh gì đi chăng nữa, thì ông vẫn cằn nhằn khó khăn đủ thứ chuyện trên đời. Dường như đó là bản chất của con người ông đã có từ lúc cha sinh mẹ đẻ và đến tận bây giờ! Chỉ còn thằng Tuấn với mẹ là khổ nhất, phải đưa tai ra chịu trận mỗi ngày những lần ông không vừa ý, hoặc khó chịu bực dọc. Nhiều khi thằng Tuấn ấm ức quá cũng trả treo lại ông, và nếu như không có mẹ can ngăn thì đã nhiều lần nó xông vào định đánh luôn cả ông.
Chẳng biết có phải từ cái ngày lúa bị bệnh dẫn đến mất mùa, rồi tới đào ao nuôi cá, cá chết trắng thua lỗ nặng nề! Thì cha nó tìm tới rượu như một con ma men để quên chuyện buồn cho tới ngày hôm nay hay không? Nhưng người ta luôn tin rằng: ông bắt đầu uống rượu cũng do từ nguyên nhân ấy mà ra. Trước kia ông rất mẫu mực, không thèm đụng đến bất cứ ly rượu nào, con người rất linh hoạt mạnh mẽ, chẳng mấy ai chịu cực chịu khó và làm nhiều như ông. Thấy ông hăng hái năng nổ làm việc, lại ăn uống tằn tiện, người ta hay nói vui với nhau rằng : ” làm nhiều quá mà lại tiết kiệm quá mức, lúc chết rồi thì tiền của để lại cho ai hưởng”? Những lần như thế ông chỉ cười rồi đáp cho qua chuyện ” còn sức làm được thì cứ làm, dành dụm để xây cái nhà cho đàng hoàng với người ta”. Đó cũng là lời hứa ông từng hứa với vợ con, nhưng có lẽ nó chỉ là một lời nói suông chẳng ai tin vào điều đó. Nó chỉ là đề tài để làm trò cười cho thiên hạ mà thôi. Trước kia ông chẳng khác gì một lực sĩ, đâu phải như bây giờ quá ốm yếu gầy gò xanh xao như cây tre! Cơ thể cường tráng như ngày nào giờ còn lại cái lớp da bọc xương! Ông xuống sức rất rõ rệt. Có một hôm người ta đi ra thăm đồng thấy ông nằm dưới bờ mương hai tay vịn ngực ho rất dữ dội, tiếng ho liên tục kéo dài như một trận xe lửa đang di chuyển trên đường ray. Mặt mày tái mét như làn mây đen âm u đang sắp dần chuyển mưa tới. Ông ngất lịm đi, được người ta khiêng về tận nhà. Họ nói với nhau rằng: do uống rượu quá nhiều dẫn tới kiệt sức. Từ đó cứ mỗi lần thấy ông ho sụt sùi thì họ cho đó là tác của việc uống rượu.
– Ổng đi lâu chưa? – thằng Tuấn nói.
Đôi mắt bà nhìn Tuấn hiện lên nét buồn như cái nắng chiều đang đổ xuống nhuộm đỏ hoe phía ngoài đê xa.
– Ổng mới đi thì mày về đó.
Thằng Tuấn bực mình hét lớn.
– Rượu… rượu… rượu… tối ngày. Chắc tôi phải đeo mặt nạ đi ra đường mà gặp người ta quá. Sao không chết khuất đi cho rồi.
Bà nghiêm giọng mắng nó.
– Nè… nè… mày không được ăn nói xách mé cái kiểu đó, dù gì ổng cũng là cha của mày.
Thằng Tuấn bị bà la rầy, nó càng nóng hơn.
– Cha con gì với cái loại đó. Không chừng bây giờ hỏi tôi tên gì ổng còn không biết. Biết cái gì ngoài uống rượu ra. Tối nay bà về nói với ổng tôi sẽ bỏ nhà đi, tôi không chịu nổi với cái cảnh này nữa.
– Mày tính đi đâu?
– Đi đâu cũng được, miễn không ở trong cái nhà này.
– Mày ở nhà không đi đâu hết, để tao khuyên ổng.
– Bà đã khuyên bao nhiêu lần rồi, mà ổng có chịu bỏ đâu. Lần thứ mấy rồi.
– Thì từ từ rồi ổng cũng sẽ nghe.
– Đến bao giờ. Khi trái đất ngừng quay hả.
– Mày cũng không chịu khuyên ổng mà tối ngày cứ nói, ổng cần là con cái quan tâm. Từ lúc làm ăn đi xuống thì tâm trí buồn nên cứ uống rượu! Khuyên một thời gian rồi ổng cũng sẽ bỏ thôi. Đã sống trong cái nhà này bao nhiêu lâu rồi mà không cái biết tính của cha mày.
– Mệt quá, tôi không muốn gần ổng! Cũng không muốn nói chuyện cùng nhau gì cả. Ổng cứ nói tôi lo đi kiếm vợ để yên bề gia thất, mà ổng cứ vậy thì thử hỏi có ai dám gả con của họ để làm dâu cái nhà này. Cha chồng chị hai có coi ổng ra cái gì đâu! Họ xem như một thằng hề. Nói trên đầu trên cổ thì cũng chỉ biết cười rồi lặng im, chứ có biết trái phải ra sao ngoài rượu với thịt ra.
– Đó là chuyện của người lớn! Còn mày là phận làm con! Chính vì vậy, cha mày có khùng có điên cũng là người tạo ra mày. Không được ăn nói mất dạy hổn hển theo cái kiểu đó.
– Kể từ bây giờ, tôi không còn mối quan hệ gì với ổng hết. Không cha cũng chẳng con.
Thằng Tuấn bỏ đi vô nhà, chỉ còn một mình bà ngồi đó dưới cái nắng chiều quạnh hiu. Tiếng loa phát thanh cũng im phăng phắc từ bao giờ, những cơn gió rung cành tre nghe xào xạc. Đôi mắt bà dõi ra ngõ với nỗi buồn giăng kín thênh thang. Những tiếng thở dài đầy sự mệt mỏi lẫn sự chán nản trút vào chiều chầm chậm. Thằng Tuấn trở ra với tô cơm chan canh chua trên tay, nó vừa ăn vừa nói với mẹ.
– Bà đi vô ăn cơm đi, còn ổng bao giờ về mặc kệ, chết bờ chết bụi cũng được.
Chỉ biết lắc đầu với câu nói loạn đạo của Tuấn. Bà cũng thừa hiểu được tính nết ngang bướng của con trai mình, kèm với sự ức chế về gia cảnh làm cho cái tính của nó mỗi ngày mỗi khác đi. Bà tin rằng thằng Tuấn nói vậy chứ không bao giờ bỏ nhà đi, vì nó đã nói quá nhiều lần. Cái bà đang lo là cầu mong sao cha nó đừng về nhà sớm, cứ để khi nào thằng Tuấn đi ngủ rồi hãy về. Vì về ngay lúc này chắc chắn cha con sẽ có chuyện cãi vã to tiếng, hàng xóm người ta sẽ cười cho cái gia đình này, đã có quá nhiều trường hợp ấy từng xảy ra trong chính căn nhà này. Thằng Tuấn ngủ rồi thì mọi chuyện sẽ êm xuôi! Cha nó về sẽ không nói tới ai và đi ngủ trong im lìm lặng lẽ. Cái tính của ông như thế một phần cũng do Tuấn mà ra! Suốt ngày lông bông đi chơi chẳng hề làm gì để phụ giúp gia đình, mọi việc nặng nhọc trong nhà đều do một tay ông gánh vác. Thằng Tuấn là con út lại là con trai một luôn được bà cưng chiều. Nhiều khi nó đi đá gà thua sạch và bị mắc nợ, bà phải giấu ông lấy tiền đưa cho nó để đi trả nợ, và còn vô số chuyện khác nữa! Cứ mỗi lần ông nói đến thì bà lại bênh vực, còn nó thì cứ quay lưng mà đi chỗ khác để tránh né hoặc đôi khi cãi lại ông. Đáng nói nhất là nó đã hai mươi hai tuổi đầu mà chẳng làm được tích sự gì trong nhà, ngoài cái chuyện ăn chơi lêu lổng ra.
Đêm đó ông trở về, tiếng chó sủa cứ ong ỏng ở đằng trước ngõ. Cái dáng đi xiêu vẹo nghiêng qua nghiêng lại, thấy rõ từng bước dưới ánh trăng đêm rằm. Ông bước vào nhà trong hơi thở nồng nặc mùi rượu. Thằng Tuấn và mẹ đang nằm coi cải lương. Bà nhìn ông rồi nói.
– Ông xuống ăn cơm đi! Tôi có chừa canh chua với cá rô kho tiêu ở dưới.
Ông trả lời trong cơn say.
– Hai mẹ con ăn đi chừa tôi làm gì. Còn thằng Tuấn mày đã ăn chưa?.
Thằng Tuấn im lặng không trả lời, bà phải nói thay nó.
– Tôi với nó ăn rồi! Còn một mình ông thôi đó. Ông ăn rồi đi ngủ. Mà ông đi nhậu ở đâu vậy?
– Tôi đến nhà anh sui thăm con Thùy với cháu ngoại, rồi sẵn uống với anh sui vài ly.
– Trời ơi, ông tới nhà người ta chi mà tới thường vậy? Hôm bữa người ta đã nói thế mà ông vẫn cứ tới.
– Tôi đi thăm con tôi với cháu tôi. Họ nói gì tôi chẳng quan tâm.
– Thăm vài lần là được rồi, cứ cách vài ngày là ông tới, tiếp tục như thế người ta nói mình mang nhục lắm.
Thằng Tuấn nghe xong vụt miệng.
– Đi kiếm rượu uống thì nói đại đi, chứ thăm cháu con gì ở đây mà ngày nào cũng đi.
Ông nghe xong chỉ tay vào mặt thằng Tuấn mà hét lớn.
– Mày nói cái gì…
Thằng Tuấn ấm ức lớn tiếng.
– Tôi nói ông đi kiếm rượu uống.
Hai cha con cãi nhau rùm beng dẫn đến xô xát, bà phải vào cuộc để can ngăn.
– Tôi lạy ông… ông không ăn cơm thì đi tắm rồi đi ngủ đi. Cứ mỗi lần ông về là cái nhà này lại có chuyện.
Bà quay sang thằng Tuấn rồi nói.
– Mày im đi, ổng nói gì kệ. Mày cũng vào ngủ đi.
Thằng Tuấn nóng giận bỏ đi vào trong. Ông quay sang mắng vợ mình.
– Đúng là con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.
Thằng Tuấn lục đục bên trong một lát, rồi trở ra với chiếc ba lô cũ của cha nó nặng trĩu trên vai. Nó dắt chiếc xe máy ra khỏi nhà và nói với bà chỉ ba từ duy nhất.
– Tôi đi đây.
Bà chạy theo cản lại với tiếng gọi Tuấn… Tuấn… vang vọng trong màn đêm hiu quạnh, nó đã lên xe và chạy đi mất hút. Bà quay sang nạt ông.
– Ông sáng mắt ra chưa? Rượu với chè! Ông đã phá nát cái nhà này chưa đủ hay sao mà còn đi uống rượu về kiếm chuyện hết vợ rồi tới con cái.
– Bà cưng chiều con như vậy là nó hư hết. Mai mốt tôi chết rồi thì nó phải sống như thế nào khi không biết làm ăn với người ta. Phải tập cho nó làm ăn ngay bây giờ, không để nó lêu lỏng ăn chơi hết thời tuổi trẻ được.
– Ông làm ăn giỏi quá mà. Đó làm ăn thua lỗ nợ nần chồng chất ruộng đất bán sạch, còn muốn dạy con làm ăn theo kiểu đó sao? Mà chết cái gì? Tôi nói thật dù có bị trời đánh ông còn chưa chết chứ ở đó mà mai với mốt tao chết.
– Tôi làm nhiều vậy cũng chỉ mong có tiền xây lại cái nhà, trời không thương nên thua lỗ hết cái này tới cái khác. Tôi biết làm sao bây giờ.
– Biết vậy thì lo làm lại từ đầu tối ngày nhậu nhẹt thì tính toán được cái gì. Hồi đó ông làm lắm mà, sao thời gian gần đây tự nhiên dở chứng dở tật sa đọa. Người thì ốm nhom ốm nhách y như con cò ma mà tối ngày cứ rượu.
Ông bỏ đi vào trong phòng với gương mặt buồn bã, dường như ông đã tỉnh táo hẳn.
Ông vội vàng trở ra trong sự lúng túng.
– Ba lô… cái ba lô của tôi đâu, bà dẹp nó đâu rồi. Mau trả lại đây cho tôi.
Bà nhìn ông rồi trả lời.
– Ba lô của ông tôi lấy làm gì, thằng Tuấn nó vừa lấy rồi.
Ông ngồi bệt xuống nền. Cái gương mặt nhăn nhó trong sự đau khổ, hai cái tay sờ đầu rồi nắm tóc. Bà nhìn ông lắc đầu rồi nói.
– Có cái ba lô cũ rách, mà ông làm gì như bị mất mấy trăm cây vàng vậy, bộ để tiền trong đó hả? Ông thì một đồng cũng không có thì lấy tiền đâu ra mà để trong ba lô.
– Trong đó nó hoàn toàn không có tiền bạc gì cả. Chiếc ba lô cũng không hề có giá trị, nhưng tôi có để một vật trong đó! Mà cái vật ấy tôi không muốn hai đứa con nhìn thấy.
– Coi bộ nghiêm trọng quá hen. Thứ đó vứt đi cũng không ai thèm lấy.
– Bà gọi điện cho nó kêu về trả lại cái ba lô liền. Nó muốn đi tôi không cản, nhưng chiếc ba lô phải trả lại cho tôi.
Bà móc điện thoại ra gọi thì thằng Tuấn đã khóa máy, vì nó biết chắc chắn bà sẽ gọi điện năn nỉ kêu réo nó về. Bà nhìn ông rồi nói.
– Ông làm gì mà trông thê thảm vậy?
Ông mếu máo như nói một mình.
– Xong rồi… xong rồi…
Bà nghe càng khó hiểu, vợ chồng đã mấy chục năm nay chưa bao giờ bà thấy thái độ của ông lạ như lúc này. Bà nghĩ đơn giản rằng: chắc ông không muốn thằng Tuấn đi nên đã làm vậy nhằm gọi nó trở về, vì bà thừa biết tuy cái miệng ông hay la la chửi chửi vậy, nhưng ông rất thương con mà nhất là thằng Tuấn.
– Mà cái vật gì ở bên trong ba lô. Ông nói rõ ràng cho tôi nghe coi! Sao nào giờ tôi không biết.
Ông đứng nói rồi quay lưng đi.
– Không có gì đâu.
Cả đêm đó ông nằm co ro ho suốt. Ông không chợp mắt cứ đi tới đi lui ôm ngực rồi trở lại giường nằm, tiếp tục ho mãi đến tận sáng. Bà cũng mất ngủ vì thằng Tuấn nó bỏ nhà đi, không biết giờ này nó thế nào? Từ lúc ông hay uống rượu thì ông chỉ ngủ tách biệt với hai mẹ con, và từng cấm không cho bất cứ ai bước vào nơi ấy. Sáng đó bà thức dậy đi chợ rồi trở về chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Đến giờ ăn cơm vẫn không thấy ông đâu! Thường ngày ông đi thăm ruộng về cứ tới giờ cơm thì đều có mặt, nhưng sao hôm nay chẳng thấy đâu. Bà đi vào gọi thấy ông nằm đó gương mặt xanh xao, hai mắt mở nhìn trao tráo chăm chăm lên trần nhà. Bà nghĩ chắc có lẽ tối qua do mất ngủ vì thằng Tuấn nó bỏ nhà đi nên bây giờ trông ông rất mệt mỏi.
– Ông ơi dậy ăn cơm. Hồi sớm tôi có mua đồ ăn sáng sao ông không ra ăn? Chưa bao giờ tôi thấy ông nằm nhiều như hôm nay. Cũng do ông mà ra! Nếu ông không uống rượu về rồi kiếm chuyện thì nó đâu có bỏ nhà mà đi. Ông hối hận lắm rồi phải không? Đó ông thấy muộn màng chưa? Làm cha mẹ thì đừng quá khó khăn với con cái, huống gì nó là con trai một nên nói năng nhẹ nhàng với nó cũng không thiệt thòi gì ở người làm cha mẹ.
Ông vẫn nằm im không trả lời cũng không thèm nhìn bà. Hai cánh tay giữ cái ngực như một người hấp hối, đôi lúc ông ho ho sụt sùi vài tiếng rồi im thin thít.
– Nè, tôi hỏi sao ông không trả lời? Tôi nói đúng chứ có nói sai đâu mà ông giận tôi.
Bà nhìn vào chỗ ông nằm trên cái gối có chiếc khăn trắng dính đầy máu tươi và những vết máu đã khô từ bao giờ. Bà hốt hoảng chui vào mùng hét lên.
– Cái gì thế này, sao toàn là máu me. Ông làm gì vậy?
Ông nói từng tiếng rất nhỏ những làn hơi thật yếu ớt.
– Đừng… đưa… tôi… đi.. đâu hết… cứ… để… tôi… ở… nhà.
Những tiếng nói thật chậm rãi kèm theo những tiếng ho mà ông đã cố gắng nói một cách rõ ràng nhất có thể. Bà nhìn lên trên một cái khăn khác nằm dưới tấm chiếu lộ ra một phần, giở ra xem thấy một đống khăn ở dưới đó dính toàn là máu.
Ông bị cái gì vậy?
Ông vẫn nằm im không trả lời, bà rối lên không biết làm gì. Bà lấy điện thoại gọi cho con Thùy về nhà gấp để coi cha nó đang có chuyện gì.
– Mày về nhà gấp nhanh lên Thùy ơi, về đây coi cha mày bị làm sao mà máu me không đây nè.
Thùy trả lời trong điện thoại.
– Tối qua ổng còn qua đây nhậu mà. Mẹ la rầy ổng nha chứ mẹ chồng con bà chửi suốt đó. Ổng cứ nói cho ổng xin thăm con với cháu, nhưng thật ra toàn là giả bộ qua để rủ cha chồng con nhậu.
– Mày về nhà gấp đi, giờ này giờ nào mà mày còn nói ba cái chuyện đó. Cha mày không biết làm gì mà ho ra máu đây. Nhanh về đi con
– Thôi mệt, con cho thằng cu nó ăn rồi.
Ông rơi hai hàng nước mắt, những giọt nước mắt chảy xuống gối ướt đẫm. Bà chạy sang nhà hàng xóm kêu hết người này đến người khác. Họ sang xem tình hình rồi bảo phải đưa ông đi đến bệnh viện gấp. Ông cứ lắc đầu như không muốn đi. Họ đưa ông đến bệnh viện của huyện, bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư phổi ở giai đoạn cuối, đành trả ông về để chuẩn bị lo hậu sự. Từ lúc ông về mỗi ngày mỗi tiều tụy thêm. Con Thùy bây giờ nó mới chịu đến thăm và chăm sóc cho ông ở những phút cuối đời. Thằng Tuấn nhận được tin báo từ gia đình, cha đang bị bệnh nặng phải về nhà gấp để gặp mặt cha lần cuối nhưng nó chẳng chịu về. Vì nó vốn dĩ nó rất ghét ông! Và điều thứ hai nữa là nó cứ nghĩ mọi người đánh lừa để kêu nó trở về. Nó tự nói với lòng khi nào cha gọi lên xin lỗi và hứa bỏ uống rượu thì lúc đó nó mới chịu trở về.
Thằng Tuấn thuê phòng trọ ở huyện khác. Nó định đi làm ở ngoài một thời gian, kiếm một số tiền rồi sẽ lên thành phố làm và không trở lại cái nhà của nó nữa. Nó lấy quần áo trong ba lô treo lên! Bỗng nhiên gặp một cuốn nhật ký nội dung trang đầu là tính tiền chi tiêu của mùa lúa trước và cả cái ao cá. Lật sang những trang tiếp theo nó nhận ra đây đúng là chữ viết của cha nó, với nội dung như một lời tâm sự ngắn gọn:
Tại sao trời không thương tôi làm cái gì thì thua lỗ cái đó. Chỉ muốn kiếm tiền xây nhà cho đàng hoàng với người ta mà ông trời cũng không cho! Mang trong người căn bệnh hiểm mà có dám đi bệnh viện đâu. Tôi sợ tốn tiền, mà chưa chắc tốn tiền. Tôi biết bệnh của tôi sẽ không bao giờ trị hết. Tôi sẽ không đi đâu hết có chết thì cũng nằm ở nhà mà chết, để tiền trị bệnh đó cho con tôi sau này. Tôi chịu đau được, có đau thì uống rượu cho thật say, cứ như thế thì sẽ quên cơn đau ấy ngay thôi”
Đọc xong hai hàng nước mắt nó chảy dài, miệng nó cứ gọi “cha ơi”. Nó vội vàng bỏ đồ vào chiếc ba lô trở lại, rồi lập tức lấy xe để trở về nhà. Vốn dĩ là thằng lì lợm cứng đầu ngang bướng chưa bao giờ nó khóc! Thế mà hôm nay khi đọc nhật ký của người cha nó lại khóc như một thằng trẻ con mít ướt. Nó trở về thấy họ hàng chòm xóm đến nhà thăm đông nghẹt. Nó nhìn cha nó đang nằm đó hấp hối, chỉ một thời gian ngắn mà cha nó chỉ còn lại lớp da với bộ xương, gương mặt nhợt nhạt những hơi thở yếu ớt, cánh tay co lại như cố gắng chống chọi nhằm giành giật lại chút sự sống còn trong gang tấc để chờ đợi một điều gì đó. Nó bước lại gần ngồi bên cạnh mà nhìn cha trong sự nghẹn ngào tận cùng của thương xót. Ông im lặng mà rơi hai hàng nước mắt, nhìn về phía nó với con Thùy đang ngồi ở bên cạnh. Thằng Tuấn nắm lấy đôi tay gầy guộc của ông nói khẽ.
– Cha ơi con về rồi.
Ông nở nụ cười sau cùng, một nụ cười chưa được trọn vẹn, chỉ hé môi một cách rất nhẹ nhàng rồi nhắm mắt xuôi tay ra đi vĩnh viễn. Ba mẹ con khóc trông rất thê thảm. Con Thùy hét lớn.
– Cha ơi, đừng bỏ con.
Mẹ nó khóc đến ngất lịm. Thằng Tuấn giãy giụa trong vòng tay giữ chặt của bà con lối xóm. Nó muốn vào ôm và gọi ông tỉnh lại, dù biết cha nó đã khép mi thì không bao giờ mở mắt ra thêm bất cứ một lần nào nữa. Con Thùy cũng ngất đi vì sốc trước sự ra đi quá đột ngột của ông. Người ta đưa hai mẹ con ra phía sau nhà bếp người thì cạo gió, người thì pha nước chanh cho uống để tỉnh lại. Riêng thằng Tuấn cái mặt thất thần trông rất tội nghiệp, nó đứng như trời trồng, đôi mắt đang nhìn cha nằm đó, nhưng từ nay về sau cha sẽ không vĩnh viễn không bao giờ nằm ở đây cho nó thấy nữa! Cha sẽ nằm ở dưới mộ sâu và chẳng còn ai nhìn thấy như đang bây giờ. Những hồi trống kéo dài vang lên như báo hiệu có một người cha vừa mới lìa khỏi cuộc đời. Nó từng nói với bản thân mình ” khi nào cha gọi điện lên xin lỗi và hứa không uống rượu nữa” thì lúc ấy nó sẽ trở về! Thế mà cha chưa gọi điện, cha cũng chưa từng hứa hẹn! Vậy mà nó đã trở về rồi. truyện ngắn hay
Hai mẹ con tỉnh dậy trong tinh thần còn hoảng loạn, được mọi người trấn an và động viên hết mức. Hai chị em nó chưa bao giờ nói tiếng “thương cha” và cha cũng chưa từng nói tiếng ” thương con”. Con Thùy cứ mỗi lần đi du lịch bất cứ ở đâu đều mua quà về nhưng biếu tặng cho mẹ chứ không phải là cha. Cái gì cũng mẹ, mẹ là trên hết. Thằng Tuấn thì không bao giờ chịu ngồi và nói chuyện với ông! Nó cứ trách do ông ăn nhậu bê tha làm nó xấu hổ với người đời. Cái chuyện gì ông cũng khó khăn và nói cho bằng được! Nhưng cái sự quan tâm và lòng thương yêu thì chưa bao giờ ông nói cùng các con của mình. Cả nhà đều trách ông vô tâm chẳng chịu quan tâm lo lắng gì đến con cái! Nhưng ít ai chịu suy nghĩ rằng: Cha vốn dĩ là người rất ít nói. Cha không bao giờ nói nhiều như mẹ. Cha chẳng biểu hiện bất cứ cái nét cảm xúc nào mà lộ trên gương mặt, chỉ có những thứ rám nắng, sự khó nhọc và những vết tích của thời gian đã thấm lên rất rõ! Nhưng cha rất thương con. Cha là người giấu cảm xúc và xóa vết rất giỏi, rất tài tình. Tài đến nổi chẳng ai nhận ra và không ai nhìn thấy, kể cả những người rất thân thuộc.
Nhớ có lần con Thùy đẻ! Ông ngủ rất ít, thời gian còn lại là tới bệnh viện đến mấy đêm liên tục. Trong khi đó vợ ông chỉ đến đó thăm có vài lần, và bên nội cũng thế. Vẫn chỉ có duy nhất một người đàn ông tuổi trung niên đạp xe đi giữa đêm khuya! Mặc trời mưa hay gió bão từ xã đến bệnh viện đến mấy chục cây số. Tới nơi ông nấp sau cánh cửa lén nhìn con gái và cháu ngoại thật lâu rồi lặng lẽ đạp xe đi về. Cứ suốt mấy đêm như thế, đến khi con Thùy rời bệnh viện và trở về nhà. Nỗi lòng thương con hầu như chẳng ai hiểu cho ông, vì họ chưa bao giờ nhìn thấy để chứng kiến tận mắt. Ông cũng không cần ai hiểu và cảm thông cho mình, vì tình thương của cha dành cho con bằng trái tim và cả tấm lòng, hoàn toàn không thông qua lời nói.
Ông biết mình sẽ không sống được bao lâu nên thường đến nhà sui gia để thăm con Thùy! Vì ông biết sau này sẽ không còn cơ hội gặp lại con gái và cháu ngoại của mình nữa. Ông cũng hiểu rằng bên nội họ sẽ cảm thấy khó chịu khi thấy ông thường xuyên lui tới! Nhưng ông mặc kệ cứ lì ra, ai chửi hay nói nặng nhẹ ông cũng đều chấp nhận. Mỗi lần bước chân ra về nước mắt ông trào ra trong cơn say ngà ngà. Ông luôn nói thằng Tuấn phải tập làm ăn với người ta không được ăn chơi lêu lổng! Nhưng nó hoàn toàn không hiểu được những gì ông nói đều có chủ ý. Nhớ cái hồi hai đứa còn nhỏ, đi đâu ông chở trên chiếc xe đạp cũ! Thằng Tuấn với con Thùy, chúng nó ưng thì cái gì ông cũng phải làm cho bằng được miễn sao hai đứa con ông vui. Khi chúng nó lớn lên thì bất cứ cái đồ ăn nào ông cũng giả vờ chê bai chẳng muốn ăn, mặc dù ông rất thèm! Nhưng đành phải nói dối để nhường phần lại cho hai đứa con của mình. Vợ ông bây giờ mới nhận ra những gì ông nói trước kia đều là sự thật. Bà thường hay trách ông rằng không lo lắng gì được cho gia đình. Cứ mỗi đêm khuya ông dắt chiếc xe đạp đi ra bà đều hỏi.
– Khuya thế này mà ông còn đi đâu? Ông thiệt không ra gì mà. Con cái nó sanh đẻ bên kia, không lo mà cứ lấy xe đi đâu khơi khơi. Ông có thấy làm cha vậy có đúng với bổn phận chưa? Ông không trả lời nhưng chỉ cười rồi nói.
– Tôi chạy vòng vòng cho mát rồi về ngủ. Bà vào ngủ đi. truyện ngắn hay
Bà hoàn toàn không biết vì ông quá lo lắng lẫn thương con nên đạp xe để đi thăm con Thùy. Bà và con Thùy, thằng Tuấn, hay trách ông cứ tối ngày uống rượu! Nhưng họ đều không biết ông uống cho say để quên đi cái nỗi đau mà ông đang chống chọi! Ông nhất quyết giấu bệnh, vì ông hiểu bệnh tình của mình, cũng không muốn tốn tiền trả viện phí. Thằng Tuấn khóc lóc kể lại và lấy cái cuốn nhật ký của ông trong chiếc ba lô ra đọc cho mọi người nghe! Họ hàng khóc rấm rứt. Bà nhớ lại cứ mỗi lần hỏi ông sao dạo này ốm quá? Ông đều trả lời một câu duy nhất “do uống rượu và không chịu ăn uống”. Chẳng ai biết là ông đang mang trong người một căn bệnh quái ác! Ông cũng chưa từng than vãn hay rên rỉ cùng ai. Ông tự cắn răng mà chịu đựng một mình, cho tới lúc bây giờ và về cõi vĩnh hằng.
Người cha đã âm thầm lặng lẽ yêu thương con cái đến hơi thở cuối cùng. Mái tóc bạc màu gió sương của sự khó nhọc gian lao cả một đời tần tảo nuôi con nên người. Đôi mắt trĩu nặng tâm tư mà ít có ai nhìn thấy và thấu hiểu được. Tình yêu thương của cha dành cho con cái cũng dạt dào như biển như núi, như đất, như trời, rộng lớn không thua kém gì so với tình mẹ. Cha vẫn là cha, vẫn quần áo cũ kỹ, màu da rám và mái đầu khét nắng, bàn chân luôn dính đầy bùn đất lấm lem, để đổi lại gót chân son cho con! Cha có thể nhịn đói nhịn khát, để con được no ấm, đó là một sự hy sinh cao cả và thầm lặng. Cha sẽ an lòng khi thấy con thành công và có một tương lai tươi sáng, nhưng cha cũng sẽ đứt từng đoạn ruột khi thấy con mình vấp ngã trong bão tố cuộc đời. Từ “cha” chỉ có vỏn vẹn duy nhất ba chữ cái rất ngắn gọn! Nhưng tình thương của cha dành cho con nó dài tới vô tận, dài đến miên man, mà mãi mãi con không bao giờ đi tới được đường xa của chân trời! Đó là con đường chỉ có ba chữ cái ghép lại thành một từ. Cha là bóng râm che mát cho đời con! Nếu một mai cha không còn nữa thì đời con đầy nắng ở trên đầu. Con Thùy và thằng Tuấn cứ khóc lên khóc xuống bên linh cửu của ông! Miệng chúng nó cứ gọi “cha ơi đừng bỏ con mà đi” tiếng gọi hòa theo làn khói hương nghi ngút rồi tan biến trong chốc lát vội vàng. Trên bàn thờ bày ra đủ thứ các đồ cúng rất trang nghiêm hoành tráng, có cả hoa quả trái cây rồi thịt thà nheo nhóc! Nhưng khi lúc còn sống, ông nào có được ăn những thứ ngon đó bao giờ.
Truyện ngắn của Quang Nguyễn
Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close